Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng:

“Ngăn chặn việc lợi dụng góp ý dự thảo Hiến pháp để chống chính quyền"

28/02/2013 07:43
QT
(GDVN) - “TP. Hà Nội tổng hợp và ghi nhận nhưng cần đánh giá phân tích nắm bắt tình hình đấu tranh, ngăn chặn tuyệt đối việc lợi dụng việc lấy ý kiến, góp ý vào dự thảo Hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại Đảng, chống lại chính quyền”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có buổi làm việc với TP. Hà Nội nhằm kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Ảnh: Ngọc Thắng)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Ảnh: Ngọc Thắng)

Nói về công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Thường trực HĐND TP. Hà Nội cho biết: "Mặc dù thời gian triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trùng vào dịp Tết Nguyên đán nhưng đến đầu tuần này, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Nhiều ý kiến đánh giá cao dự thảo sửa đổi đã thừa kế các bản Hiến pháp trước đây, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam, phòng chống những nguy cơ suy thoái, biến chất của cán bộ, Đảng viên”.

Đánh giá kết quả tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội cho rằng TP. Hà Nội đã làm tốt việc quán triệt các văn bản chỉ thị của Đảng, Quốc hội ban hành và tổ chức có hiệu quả việc triển khai thực hiện các văn bản này cả về mặt tuyên truyền, kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến. Thu thập được nhiều ý của các tầng lấp nhân dân Thủ đô góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Chủ tịch Quốc hội nói: “Thứ nhất, TP. Hà Nội tổng hợp và ghi nhận nhưng cần đánh giá phân tích nắm bắt tình hình đấu tranh, ngăn chặn tuyệt đối việc lợi dụng việc lấy ý kiến, góp ý vào dự thảo Hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại Đảng, chống lại chính quyền.

Thứ hai, Nghị quyết Quốc hội quy định bản lấy ý kiến là bản của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố trên cơ sở tiếp thu ý kiến thảo luận của Quốc hội và đã được Quốc hội nhất trí là bản duy nhất. Nếu tự tổ chức lấy ý kiến theo một cách khác là không được. Đó là cách làm không đúng quy định”.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng việc tổ chức nhân dân lấy ý kiến vào dự thảo Hiến pháp thể hiện sự chắt lọc tinh hoa trí tuệ, ý chí của người dân từ đó thu thập và tổ chức ở HĐND các cấp và ở Quốc hội. Quá trình lấy ý kiến còn là đợt sinh hoạt phổ biến pháp lý để mọi người hiểu một cách sâu sắc về quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân, quyền lực Nhà nước.

Về thời gian lấy ý kiến người dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Sau thời điểm 31/3, hoàn tất đợt 1 lấy ý kiến của người dân, tất cả các ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn sẽ được tổng hợp, trân trọng và tiếp thu. Công việc này vẫn sẽ được tiến hành để trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2013.

Phi chính trị hoá quân đội là không hợp lý

GS, TS. Hồ Trọng Ngũ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội nói: "Kinh nghiệm trước đây của nhiều nước trong hệ thống XHCN cũng đã mắc sai lầm khi phi chính trị hoá quân đội, công an dẫn đến không có lực lượng bảo vệ Cách mạng, bảo vệ Đảng trong những tình huống lâm nguy.

Thực ra, đối với những nước có hệ thống đa đảng, có chuyện tranh giành giữa các Đảng dẫn đến việc phi chính trị hoá quân đội là để khỏi có việc đảng nào đó sử dụng lực lượng vũ trang. Với chúng ta, hệ thống chính trị một Đảng và lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Tính giai cấp của Đảng gắn liền với tính nhân dân nên phi chính trị hoá quân đội là không hợp lý, không phục vụ cho mục tiêu, lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc".
QT