Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đang đề xuất Chính phủ phương án trích 3.500 tỷ đồng ngân sách mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn.
Khi đó, sách mượn sẽ đáp ứng 70% nhu cầu của học sinh. Các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm.
Đây là chủ trương được dư luận đánh giá cao, có nhiều ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, triển khai như thế nào để tránh lãng phí ngân sách, học sinh được thụ hưởng một cách thực chất là câu hỏi mà dư luận đặt ra.
Có ý kiến cho rằng, ngân sách nhà nước dùng mua sách giáo khoa chỉ nên hỗ trợ các trường miền núi, vùng khó khăn, bộ phận học sinh nghèo chứ không nên áp dụng chung cho tất cả học sinh, sẽ lãng phí.
Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên. Ảnh: LC |
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết, tại địa phương hiện có nhiều đối tượng học sinh được thụ hưởng chính sách của nhà nước.
Theo đó, tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ban hành ngày 2/10/2015 đã quy định: Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho các đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mức 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác trong thời gian không quá 9 tháng/năm học.
Hiện nay, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất với Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 150.000 đồng/học sinh/tháng để hỗ trợ các em mua sách, vở và các đồ dùng học tập.
Các em có thể dùng tiền hỗ trợ để mua sách giáo khoa hoặc thông qua nhà trường để được hỗ trợ mua sách giáo khoa.
Mặc dù học sinh trong diện chính sách được hỗ trợ về kinh phí, nhưng thực tế là nhu cầu hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh ở địa phương vẫn còn rất lớn. Nhiều năm qua, địa phương vẫn phải vận động các nguồn xã hội hóa từ các nhà hảo tâm để bổ sung nguồn sách giáo khoa cho các em.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên: "Điện Biên có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là tại các huyện biên giới như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa... Cùng với đó là số lượng học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu hỗ trợ sách cũng tương đối lớn.
Theo rà soát của toàn ngành trên địa bàn tỉnh, năm học 2022 – 2023, Điện Biên có gần 103.000 học sinh cần hỗ trợ sách giáo khoa.
Như vậy, việc đưa sách giáo khoa vào thư viện cho học sinh mượn là phương án tối ưu. Sẽ giúp cho các em học sinh không có điều kiện mua sách có thể bớt khó khăn khi tiếp cận với sách giáo khoa.
Sách trong thư viện sẽ dùng cho nhiều năm, cho nhiều thế hệ học sinh. Việc này sẽ tiết kiệm cho ngân sách và cũng tiết kiệm cho xã hội”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đoạt cũng cho rằng, việc xây dựng thư viện trường cần phải đảm bảo sao cho tất cả các học sinh có nhu cầu có thể mượn sách giáo khoa.
Để tránh thất thoát ngân sách, đảm bảo cho học sinh vùng cao, vùng khó khăn đều được thụ hưởng chính sách này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho rằng, việc triển khai thực hiện sẽ rất quan trọng.
Nếu các cấp có liên quan ở Trung ương đặt hàng rồi cấp sách cho các địa phương tiếp nhận và có sự giám sát ngay tại Trung ương, địa phương chỉ nhận sách giáo khoa thì ngân sách sẽ không thất thoát đi đâu được.
Nếu học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách giáo khoa trong thư viện, áp lực tiền mua sách mới hàng năm đối với gia đình các em sẽ vơi bớt. Ảnh: LC |
Tại huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện này cho biết, năm học 2022 – 2023, học sinh lớp 3, lớp 7 học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên 100% các em phải mua bộ sách mới. Ở các khối lớp còn lại, hơn 80% mua sách theo hình thức đăng ký với nhà trường. Vì là địa bàn khó khăn về giao thông, thường xuyên xảy ra sạt lở, ách tắc nên Phòng đã chủ động phân phối sách giáo khoa cho học sinh từ sớm.
Khi được hỏi về việc đưa sách giáo khoa vào thư viện trường để học sinh mượn, ông Ngô Xuân Chiến cho rằng, đây là chủ trương rất tốt, nhất là đối với những em dù gia đình có khó khăn nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ của các chính sách khác.
Nếu có sách giáo khoa trong thư viện cho mượn, học sinh những vùng mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, không thuộc chính sách hỗ trợ vùng điều kiện đặc biệt khó khăn nữa vẫn có thể dễ dàng để tiếp cận với sách giáo khoa hơn.
"Từ nhiều năm nay, các trường trên địa bàn huyện Nậm Pồ vẫn đẩy mạnh công tác vận động các nguồn tài trợ sách giáo khoa cho học sinh và bổ sung sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới vào thư viện.
Tuy nhiên, do chưa đồng bộ, việc vận động còn gặp những khó khăn nhất định nên chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu thực tế của các em học sinh với sách giáo khoa", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết.