Ngành Quản trị DV Du lịch và Lữ hành, Trường ĐH Phú Xuân: Học đi đôi với hành

23/09/2024 06:48
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường ĐH Phú Xuân cung cấp cho SV ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành lộ trình học tập từ kiến thức đến thực tiễn, mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng lớn.

Với vị trí tọa lạc tại thành phố Huế, một trong những trung tâm du lịch văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành tại trường Đại học Phú Xuân - một thành viên của Tập đoàn Giáo dục EQuest - có cơ hội học tập trong một môi trường đầy cảm hứng và phong phú về di sản văn hóa.

Sinh viên được trải nghiệm 16 tuần học trong môi trường doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Hoàng Bá Lộc, Trưởng ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Khoa Du lịch - Ngoại ngữ, Trường Đại học Phú Xuân bày tỏ, Ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành tại Trường Đại học Phú Xuân tự hào là một trong những đối tác tuyển dụng của các chuỗi khách sạn và công ty du lịch hàng đầu tại khu vực miền Trung.

Theo thầy Lộc, ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, ngoài kiến thức chuyên môn, còn được hỗ trợ hiệu quả từ các ngành đào tạo khác như Công nghệ Thông tin, Digital Marketing và Ngôn ngữ. Sự kết hợp này giúp sinh viên có nền tảng vững chắc về quản lý dịch vụ, marketing du lịch và các kỹ năng mềm như giao tiếp, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, xử lý tình huống.

Thêm vào đó, chương trình đào tạo ngành này tại trường được thiết kế hiện đại, kết hợp với các chuyên gia từ doanh nghiệp và giảng viên có kinh nghiệm quốc tế, mang đến cho sinh viên một môi trường học tập chất lượng, đáp ứng xu hướng phát triển của ngành du lịch toàn cầu.

“Đặc biệt, chương trình đào tạo được khoa, ngành và nhà trường liên tục cập nhật, giúp sinh viên bắt kịp các xu hướng mới như công nghệ số trong du lịch, phát triển bền vững, và xu hướng tiêu dùng mới. Sinh viên cũng được tham gia các dự án thực tế và nghiên cứu case study để áp dụng kiến thức vào thực tiễn”, thầy Lộc thông tin.

z5429009376274_ea91e6aa3902bf7d8c207c292193fae5.jpg
Thạc sĩ Hoàng Bá Lộc (áo xanh, chính giữa ảnh), chụp ảnh cùng sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành. Ảnh: NVCC

Thầy Lộc cho biết thêm, tổng thời gian đào tạo ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành tại Trường Đại học Phú Xuân là 3 năm, được chia thành 9 học kỳ với 3 học kỳ mỗi năm. Cấu trúc này giúp sinh viên tiếp thu kiến thức lý thuyết xen kẽ với thực hành, đảm bảo sự cân bằng giữa việc học và trải nghiệm thực tế.

Trong suốt quá trình học, sinh viên không chỉ tham gia các buổi học trên lớp mà còn có các buổi thực tế tại doanh nghiệp. Trong kỳ cuối, sinh viên còn có 16 tuần thực tập tại doanh nghiệp (OJT). Đây là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, phát triển các kỹ năng quan trọng như quản lý, làm việc nhóm và xử lý tình huống thực tế. Thời gian thực tập cũng giúp sinh viên tiếp cận với công nghệ mới và quy trình làm việc chuyên nghiệp.

Ngoài ra, nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên trong việc tìm kiếm cơ hội thực tập thông qua mối quan hệ với các doanh nghiệp đối tác, cung cấp thông tin về các cơ sở thực tập và tổ chức các buổi giới thiệu việc làm để sinh viên có thể kết nối trực tiếp với nhà tuyển dụng.

“Việc được tiếp cận trực tiếp với các hoạt động du lịch thực tiễn, tham quan các di tích lịch sử và trải nghiệm văn hóa địa phương không chỉ giúp sinh viên có cái nhìn sâu sắc về ngành, mà còn rèn luyện kỹ năng thực hành và phát triển sự sáng tạo trong việc quản lý dịch vụ du lịch và lữ hành”, thầy Lộc nhấn mạnh.

Em Trương Vĩnh Nguyên, sinh viên năm 2 ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Trường Đại học Phú Xuân, chia sẻ rằng quyết định chọn học tại đây của Nguyên xuất phát từ chất lượng đào tạo và sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà trường trong việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp.

Trong quá trình học tập, Vĩnh Nguyên cho biết các buổi thực tập, dự án nhóm và tình huống thực tế được khoa, ngành, tổ chức rất chuyên nghiệp, giúp sinh viên phát triển kỹ năng thực tiễn và tạo tiền đề cho việc làm sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, trong quá trình học tập tại trường sinh viên thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp du lịch, nhà tuyển dụng, giúp họ tự tin hơn trong việc chuẩn bị hồ sơ xin việc và phỏng vấn.

“Chương trình học của trường phù hợp với định hướng nghề nghiệp của em trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Bên cạnh đó, Trường Đại học Phú Xuân nổi tiếng với cơ sở vật chất hiện đại và mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, tạo cơ hội cho sinh viên thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp”, Nguyên nói.

449481826_873214998176602_8890948770419777113_n.jpg
Sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Trường Đại học Phú Xuân. Ảnh: Fanpage nhà trường

Ngành học có tiềm năng phát triển lớn

Ông Nguyễn Ích Hiếu, Giám đốc Mường Thanh Holiday Huế, nhận định rằng ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai, đặc biệt khi nhu cầu du lịch ngày càng tăng và các xu hướng mới như du lịch bền vững, du lịch trải nghiệm và công nghệ số đang trở nên phổ biến.

Ông Hiếu cho rằng ngành du lịch không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, mà còn giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Ngoài ra, du lịch còn là cầu nối giữa các cộng đồng và quốc gia, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và hòa bình toàn cầu.

Ông Hiếu cũng cho biết nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện đang ở mức cao và có xu hướng tăng mạnh nhờ sự phục hồi và phát triển sau đại dịch. Tuy nhiên, ông thẳng thắn chỉ ra rằng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt về trình độ chuyên môn và kỹ năng thực tế.

Dù nhiều ứng viên thể hiện sự nhiệt huyết và đam mê, nhưng đôi khi họ chưa đáp ứng đủ yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Điều này buộc các doanh nghiệp phải đầu tư thêm vào việc đào tạo và phát triển nhân sự để đảm bảo chất lượng lao động phù hợp với yêu cầu của ngành.

449850350_873860504778718_796565716004302992_n.jpg
Ông Nguyễn Ích Hiếu, Giám đốc Mường Thanh Holiday Huế trong Lễ ký kết MOU với Trường Đại học Phú Xuân. Ảnh: NTCC

Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Hoàng Bá Lộc chia sẻ, mặc dù thị trường giáo dục về du lịch ngày càng cạnh tranh, nhưng cơ hội cho ngành học này vẫn rất lớn nhờ vào sự tăng trưởng không ngừng của ngành du lịch toàn cầu. Nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ du lịch chất lượng mở ra những triển vọng tươi sáng cho các sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Phú Xuân.

"Sinh viên của trường được trang bị cả kiến thức chuyên sâu lẫn kỹ năng thực tế, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ mạng lưới đối tác doanh nghiệp, điều này mang lại cho các bạn lợi thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường lao động.

Ngoài ra, trường không chỉ tập trung vào việc cung cấp kiến thức mà còn đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo các kỹ năng phù hợp với xu hướng phát triển mới của ngành, như du lịch bền vững và ứng dụng công nghệ số trong quản lý. Điều này giúp sinh viên thích nghi tốt hơn với những thay đổi nhanh chóng của ngành du lịch hiện đại", thầy Lộc khẳng định.

Bàn về cơ hội việc làm ngành này, ông Nguyễn Ích Hiếu cho biết, ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng với các vị trí từ Quản lý tour, Điều hành viên, Nhân viên chăm sóc khách hàng đến các vị trí quản lý cấp cao.

Theo ông Hiếu, để đạt được mức thu nhập cao và thăng tiến trong ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, sinh viên cần chú trọng phát triển một số kỹ năng quan trọng.

Đầu tiên, kỹ năng quản lý và lãnh đạo là cần thiết để điều hành hiệu quả các dự án và đội nhóm.

Tiếp theo, kỹ năng giao tiếp và chăm sóc khách hàng giúp xử lý các tình huống một cách khéo léo, mang lại sự hài lòng cho khách hàng.

Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là một yếu tố không thể thiếu để mở rộng cơ hội nghề nghiệp, đặc biệt là trong môi trường du lịch quốc tế.

Ngoài ra, kỹ năng công nghệ thông tin cũng đóng vai trò quan trọng, cho phép người làm việc trong ngành sử dụng thành thạo các công cụ và phần mềm quản lý du lịch, cũng như áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả dịch vụ.

Cuối cùng, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề sẽ giúp người lao động dự đoán xu hướng, xử lý các vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng, từ đó giúp doanh nghiệp thích ứng và phát triển trong thị trường du lịch đầy biến động.

Tiếp tục cải tiến để nâng cao chất lượng đào tạo

Thạc sĩ Hoàng Bá Lộc cho biết, mặc dù ngành có nhiều thuận lợi nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch trong khu vực cũng như sự quan tâm ngày càng tăng của học sinh và phụ huynh đối với lĩnh vực này, trường cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các cơ sở giáo dục khác, cũng như thị trường lao động du lịch đòi hỏi ngày càng khắt khe.

Để vượt qua những khó khăn này, khoa, ngành và nhà trường liên tục nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến chương trình học và mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp nhằm mang lại thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Ích Hiếu đánh giá cao những nỗ lực của Trường Đại học Phú Xuân trong việc đào tạo sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành. Vị giám đốc nhận xét rằng sinh viên tốt nghiệp từ trường thường có nền tảng kiến thức vững chắc cùng thái độ làm việc tích cực, điều này giúp các bạn thích ứng tốt với môi trường làm việc.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng chỉ ra một số điểm mà trường có thể cải thiện, đặc biệt là trong kỹ năng thực hành và khả năng giải quyết vấn đề trong các tình huống thực tế.

“Để nâng cao năng lực cạnh tranh của sinh viên, trường có thể đẩy mạnh các chương trình thực tập và đào tạo thực tiễn hơn nữa, giúp sinh viên sẵn sàng hơn cho yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp”, ông Hiếu gợi ý.

Với mong muốn chương trình đào tạo ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành ngày càng hoàn thiện, phát triển, sinh viên Trương Vĩnh Nguyên cũng đã có một số góp ý với khoa và nhà trường.

Trước tiên, Nguyên mong muốn nhà trường tiếp tục tăng cường cơ hội thực tập để đảm bảo mọi sinh viên đều có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp lớn, uy tín trong ngành. Việc mở rộng mạng lưới đối tác, đặc biệt là với các công ty trong và ngoài nước, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Thêm vào đó, nam sinh cho rằng việc tổ chức thêm các buổi tọa đàm và hội thảo, với sự tham gia của các chuyên gia trong ngành, sẽ mang lại cho sinh viên nhiều kiến thức thực tiễn và kỹ năng quý báu, giúp sinh viên tự tin hơn khi bước vào thị trường lao động.

Châu Anh