Chủ tịch Fidel Castro (giữa) cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bìa phải) thăm Quảng Trị ngày 15/9/1973. Ảnh: T.L. |
Hôm qua tôi mơ gặp lại Fidel
Vậy người con gái ấy là ai, bây giờ đang ở đâu? Đúng 40 năm sau, chúng tôi trở về Quảng Trị, tìm gặp lại người con gái năm xưa đã khiến Chủ tịch Fidel bật khóc. Sau khi gặp gỡ nhiều nhân chứng, chúng tôi được biết chị có tên Nguyễn Thị Hương. Năm ấy chị là đoàn viên ưu tú của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam nay là Đoàn TN Cộng sản Hồ Chí Minh xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Mấy hôm nay Đông Hà mưa dầm. Khá vất vả cuối cùng tôi cũng tìm ra được con đường Đặng Tất, nơi gia đình chị Hương sinh sống. Ngôi nhà của chị khang trang, ấm áp. Chồng chị là anh Lê Mạnh Kết, công tác ở Chi cục Bảo vệ Thực vật Quảng Trị, vừa nghỉ hưu. Chị Hương năm nay 57 tuổi. Anh chị có 3 người con gái đã lập gia đình và có công việc ổn định.
Khi biết tôi đến nhà chị vào thời khắc khá đặc biệt này để tìm hiểu câu chuyện, chị kể, hôm qua chị mơ mình được gặp lại Chủ tịch Fidel, ông đang rất khỏe. Một thoáng hồi tưởng, nếu ngày ấy đoàn xe của ông không đừng lại cấp cứu kịp thời cho tôi, chắc tôi đã chết. Chị chùng giọng, bốn mươi năm trước, vào ngày 15/9/1973, Chủ tịch Cu Ba Fidel đến thăm Quảng Trị. Tại phía Bắc sông Bến Hải lúc ấy, Đoàn TN xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh tổ chức lao động lấp hố bom, xây cuộc sống mới. Tuổi 17 phơi phới sức xuân, chị hăng hái tham gia trong buổi lao động san lấp hố bom hôm ấy.
Đây là tấm hình nhân lại của tấm hình gia đình được chị Nguyễn Thị Hương gửi tặng Chủ tịch Fidel Castro. |
Giờ đón Chủ tịch Fidel sắp đến nên ai cũng nhiệt tình làm việc. Hàng trăm thanh niên đang lao động cuốc đất hăng say, bỗng một tiếng nổ vang. Chị nhớ lại, khi đó tay tôi đang giữ cán cuốc mà người như bị phạt ngang đổ sụp xuống đất, máu tuôn xối xả đau nhói. Rồi chị cố gắng đứng dậy, ôm bụng chạy mấy bước lên Quốc lộ 1A và ngất xỉu, nằm bên mép đường. Mọi người tìm võng chuẩn bị cáng chị đi cấp cứu.
Vừa lúc ấy, đoàn xe đưa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel từ Đồng Hới vào Quảng Trị, đến bờ Bắc vĩ tuyến 17. Bỗng nhiên Chủ tịch Fidel yêu cầu xe dừng lại. Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống xe ân cần thăm hỏi người bị nạn. Chị Hương cố mở mắt ra nhìn thấy lờ mờ một “ông Tây to cao”, râu ria xồm xoàm bật khóc khi nhìn chị nằm bên vũng máu và rồi ông ôm chị lên xe, đưa về bệnh viện Vĩnh Linh cấp cứu.
Chị bị thương nặng, ruột đứt từng khúc, máu mất quá nhiều, trong lúc đó Bệnh viện Vĩnh Linh lại hết máu dự trữ. Mạng sống của chị lúc ấy quá mong manh. Tai nạn xảy ra khiến chị Hương ruột đứt 8 khúc, đứt động mạch chủ cùng nhiều vết thương nặng khác. Không thể để chị hấp hối như vậy được, “ông Tây to cao” đề nghị bệnh viện tìm mọi cách phải cứu sống chị. Một quyết định được đưa ra ngay lập tức, nếu không có phương tiện cấp cứu kịp thời, “ông Tây to cao” xin đưa chị ra Quảng Bình, dùng máy bay chở về Hà Nội cấp cứu, nơi đầy đủ phương tiện y tế hơn.
Để có máu truyền cho chị Hương, “ông Tây to cao” điều động ô tô ra Quảng Bình, mang máu về giúp bệnh viện. Nhờ cấp cứu kịp thời sức khỏe chị Hương dần dần hồi phục, vượt qua hiểm nghèo. Khi tỉnh dậy, nghe lãnh đạo bệnh viện kể lại, chị mới biết mình quá may mắn được “ông Tây to cao” chính là Chủ tịch Fidel Castro ở Cu Ba xa xôi cứu sống.
Thuốc chữa bệnh và tấm danh thiếp đặc biệt
Chị Nguyễn Thị Hương, người đã khiến Fidel Castro bật khóc 40 năm trước. |
Sau này chị mới biết tại đất nước Cu Ba, cũng rất hiếm người được tấm danh thiếp quý giá này.
Từ đó về sau năm nào có phái đoàn sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Fidel đều gửi quà tặng chị. Nhận được sự quan tâm thường xuyên của Chủ tịch Fidel, chị rất cảm động. Không thể sang Cu Ba thăm ân nhân của mình, chị viết thư nhờ các cán bộ gửi sang cảm ơn ông. Chủ tịch Fidel dù bận trăm công ngàn việc nhưng không quên chị. Năm 1985 ông mời chị qua Cu Ba kiểm tra sức khỏe và an dưỡng. Nhận lời mời, chị mừng khấp khởi, nhưng đang sinh con nhỏ nên không thể đi được. Chị cảm thấy như mình có lỗi vì bỏ lỡ cơ hội sang đất nước Cu Ba thăm ông để được nói với ông lời cảm ơn chân thành.
Sau này khi con lớn khôn, thi thoảng chị lại viết thư thăm ông. Chị nói, trước đây mỗi lần gửi thư sang bên ấy rất khó vì nhiều người không biết sự kiện này nên họ kiểm duyệt gắt gao lắm. Cách đây không lâu gia đình chị chụp tấm ảnh gồm 5 người, vợ chồng chị và 3 người con gái gửi sang tặng Chủ tịch Fidel Castro. Hôm đi rửa ảnh chị nhờ thợ in ra hai cái, một cái chị gửi đi cái còn lại chị giữ làm kỷ niệm. Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sang thăm Cu Ba, chị Hương đã gửi một ít đặc sản tiêu khô Quảng Trị sang tặng Chủ tịch Fidel. Chị mong rằng ông sớm nhận được món quà đầy nghĩa tình này, đấy là cả tấm lòng và tình cảm của chị, của gia đình hướng về ông.
Trở lại câu chuyện thời khắc Chủ tịch Cu Ba Fidel gặp chị Hương bị thương tại bờ Bắc sông Bến Hải. Ông ấn ượng và xúc động mạnh trước sự việc diễn ra, Chủ tịch Fidel gọi đại sứ Cu Ba tại Việt Nam cùng đi với đoàn lập kế hoạch giúp Việt Nam xây dựng một bệnh viện hiện đại để chữa bệnh cho những người dân sau chiến tranh. Một tháng sau, ý kiến của Chủ tịch Fidel thành hiện thực và bệnh viện mang tên Việt Nam-Cu Ba được chọn đặt tại Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ngày 19/5/1974, nhân ngày sinh của Bác Hồ vĩ đại, Cu Ba và Việt Nam đã khởi công xây dựng Bệnh viện Hữu nghị tại Đồng Hới. Tháng 9/1981 bệnh viện được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nghe Fidel Castro diễn thuyết, người dân sụt sùi khóc...
Chuyến vượt vĩ tuyến 17 của Chủ tịch Fidel vào vùng giải phóng Quảng Trị đã sang ngày thứ hai. Tám giờ sáng ngày 16/9/1973, ông cùng đoàn đến huyện Cam Lộ, nơi có trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Người dân Quảng Trị vẫn nhớ như in hình ảnh Chủ tịch Fidel hai tay phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng trên đỉnh cao 241 đang ngổn ngang xác xe tăng của quân đội Mỹ. Ông là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Ở những nơi ông đến nhân dân Quảng Trị đã tiếp đón hết sức nồng nhiệt và thân ái. Ông bước đi giữa rừng cờ hoa và tiếng hoan hô vang dội của nhân dân Quảng Trị.
Trở lại câu chuyện của bốn mươi năm trước. Cu Ba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Là nước đầu tiên cử đại sứ sang vùng giải phóng miền Nam Việt Nam sau hiệp định Paris 27/1/1973.
Cũng là nước đầu tiên cử đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ do đích thân Chủ tịch Fidel Castro dẫn đầu đến thăm Vùng giải phóng miền Nam- nơi có trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Chuyến thăm này của Chủ tịch Fidel Castro trên đất Quảng Trị là sự kiện lớn không chỉ có ý nghĩa sâu sắc về tình hữu nghị, lịch sử quan hệ hai nước mà còn có ý nghĩa lớn trong đời sống quốc tế, nâng cao vị thế cách mạng Việt Nam.