Nghề giáo phải được ưu tiên trước nhất để thầy cô sống được với lương

02/06/2022 08:50
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh, nghề giáo đáng lẽ phải ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường, chế độ phải được ưu tiên trước nhất, sống được với lương của mình.

Ngày 1/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về: “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022”. Trong phiên thảo luận chiều cùng ngày, nhiều Đại biểu cũng đã thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề giáo dục - đào tạo, chăm sóc trẻ em..

Thầy cô không thể không làm thêm để đảm bảo cuộc sống

Phát biểu về lĩnh vực giáo dục, chế độ, chính sách cho thầy cô giáo nhằm bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) cho rằng, tình trạng học sinh vi phạm về đạo đức và lối sống như vi phạm các quy định của nhà trường, bạo lực học đường, không kính trọng thầy cô, không lễ phép với ông bà, cha mẹ, cư xử thiếu tính nhân văn,… tuy không nhiều nhưng nếu không được quan tâm điều chỉnh sớm sẽ là hậu quả cho các gia đình, ảnh hưởng đến các học sinh khác và tác động tiêu cực đến chính cuộc sống của các em sau này.

Theo Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, trách nhiệm chính ở đây là gia đình và nhà trường. Nếu gia đình và nhà trường không cùng nhận lỗi thì đạo đức và lối sống của các em sẽ không được điều chỉnh tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nghề giáo đáng lẽ phải là nghề ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nghề giáo đáng lẽ phải là nghề ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường. (Ảnh: quochoi.vn).

Vị Đại biểu cho rằng: “Cần phân rõ trách nhiệm chính của cha mẹ là nuôi con và làm gương tốt cho con. Việc giáo dục, dạy dỗ, thưởng phạt hãy tin tưởng vào thầy cô và nhà trường - nơi các em được học tập, vui chơi, được dạy dỗ, quan tâm cư xử một cách công bằng.

Nếu gia đình và nhà trường có tiếng nói chung, không vì một vài trường hợp cá biệt học sinh bị thầy cô la mắng, trách phạt mà phụ huynh mất lòng tin vào thầy cô thì khi đó các em sẽ được quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ tốt hơn”.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng phản ánh, trong thời buổi kinh tế thị trường, cha mẹ nào cũng phải làm việc ngày đêm để kiếm tiền nuôi con ăn học. Nhiều gia đình không có nhiều thời gian gần gũi, dạy dỗ con đúng cách. Học sinh dễ mắc phải nhiều bệnh về tâm lý. Khi đó sự quan tâm, dạy dỗ của thầy cô lại càng trở nên cần thiết.

Nêu rõ, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nghề giáo đáng lẽ phải là nghề ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường, các chế độ đối với thầy cô phải được ưu tiên trước nhất, để thầy cô sống được với lương của mình.

Dẫn thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về thu nhập của giáo viên các cấp ở nhiều khung thâm niên, Đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định chỉ rõ, thầy cô không thể không làm thêm để đảm bảo cuộc sống của bản thân, chưa kể, phải lo thêm cho gia đình.

Để thầy cô toàn tâm, toàn ý với công việc của mình, vị Đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có chính sách tiền lương, chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần có nội dung đảm bảo chi ngân sách cho giáo dục tăng hàng năm để cải thiện các chính sách cho thầy cô giáo và đến năm 2028 thực chi ngân sách cho giáo dục đạt tỉ lệ 20% tổng chi ngân sách.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, lo loạn điểm chuẩn, “mưa” điểm 10

Tham gia thảo luận về giáo dục - đào tạo, Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong những năm qua mặc dù có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tình trạng loạn điểm chuẩn, “mưa” điểm 10 dẫn đến chất lượng của kết quả thi dùng để xét tuyển đại học, cao đẳng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh vào các trường có tính cạnh tranh cao…

Để kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 được diễn ra thực sự an toàn và hiệu quả, Đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi về phương án tổ chức các kỳ thi, quy chế tuyển sinh của Bộ; phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích về mục đích, tính chất của kỳ thi, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về kỳ thi để học sinh, phụ huynh, nhân dân hiểu, ủng hộ và phối hợp. Theo nữ Đại biểu, đây là một khâu rất cần được đổi mới trong giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong những năm qua còn một số tồn tại, hạn chế như tình trạng loạn điểm chuẩn, “mưa” điểm 10, dẫn đến chất lượng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong những năm qua còn một số tồn tại, hạn chế như tình trạng loạn điểm chuẩn, “mưa” điểm 10, dẫn đến chất lượng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi, nhất là khâu trọng yếu như công tác đề thi, coi thi, chấm thi, đồng thời tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát.

Theo nữ Đại biểu, Bộ cũng cần xem xét hướng ra đề thi: “Nếu đề thi hướng tới xét tốt nghiệp, đề thi nên đưa vào nhiều kiến thức cơ bản, ít kiến thức nâng cao, nhưng nếu sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, tính phân hóa phải cao hơn để nâng cao chất lượng của kết quả xét tuyển, nâng cao ý nghĩa, tính chất của kỳ thi”.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đảm bảo sự thông suốt về kỹ thuật của hệ thống xét tuyển trực tuyến, có dự báo rủi ro và phương án dự phòng cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt quá trình tổ chức kỳ thi, khi có tình huống bất thường xảy ra thì phải xử lý thật nhanh và giải quyết dứt điểm.

Lo ngại thiếu giáo viên so với định biên ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) cho biết, thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đều thiếu số lượng giáo viên so với định biên quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Do vậy, một số địa phương chỉ ưu tiên mở các lớp 5 tuổi chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1, ưu tiên giáo viên dạy cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Điều này đã đặt trẻ em từ 0 đến 2, 3, 4 tuổi ở vùng sâu, vùng xa đối diện với nguy cơ khó có khả năng đến trường, trong khi lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 vẫn thực hiện tinh giản 10% và tinh giản với cả đội ngũ giáo viên.

Đại biểu Lê Thu Hà lo ngại, trẻ em từ 0 đến 2, 3, 4 tuổi ở vùng sâu, vùng xa đối diện với nguy cơ khó có khả năng đến trường. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Lê Thu Hà lo ngại, trẻ em từ 0 đến 2, 3, 4 tuổi ở vùng sâu, vùng xa đối diện với nguy cơ khó có khả năng đến trường. (Ảnh: quochoi.vn).

Với số lượng biên chế đến thời điểm cuối năm 2021, ngành giáo dục các tỉnh miền núi đã phải căng sức mới đảm trách được nhiệm vụ, nếu tiếp tục cắt giảm 10% trong giai đoạn tới sẽ ảnh hưởng tới tỉ lệ học sinh chuyên cần, chất lượng phổ cập giáo dục miền núi, tiểu học nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung.

Mặt khác, do điều kiện kinh tế - xã hội của vùng còn rất khó khăn nên dư địa để đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao tỉ lệ tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách của các đơn vị sự nghiệp công lập ở các tỉnh, địa phương miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có nhiều.

Do vậy, Đại biểu Lê Thu Hà đề nghị Chính phủ khi giao chỉ tiêu giảm biên chế cho giai đoạn tới không cào bằng tỉ lệ 10% đối với các tỉnh miền núi, vùng cao.

Ngoài ra, theo nữ Đại biểu, việc duy trì sĩ số học sinh lớp học, cấp học ở các trường miền núi cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng, nếu chỉ riêng tuyên truyền, vận động của ngành giáo dục, các thầy cô giáo vẫn chưa đủ, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị tại cấp cơ sở thông qua công tác vận động, cơ chế giám sát và chế tài cụ thể, phát huy vai trò của đội ngũ Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, bản và người có uy tín trong thực hiện, đồng thời cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh các xã khu vực III hoàn thành nông thôn mới trở về xã khu vực I.

Đại biểu Lê Thu Hà đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 16/2016/NĐ-CP quy định đối tượng, mức hỗ trợ, hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền, quy trình cấp phát và kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, ban hành năm 2016 theo hướng có chế độ hỗ trợ cho học sinh của xã khu vực I, mức hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, 10kg gạo mỗi tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng một năm học nhằm duy trì các trường phổ thông dân tộc bán trú, huy động tối đa học sinh học tại trường chính nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Thể hiện sự quan tâm đến công tác chăm sóc trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, Đại biểu Lê Thu Hà cho biết, số trẻ suy dinh dưỡng nặng cấp tính chiếm khoảng 0,5 dân số và đối với các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số khác cũng tương tự như vậy. Phòng và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một trong những mục tiêu chính của chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, theo vị Đại biểu, cho đến nay vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính từ ngân sách trung ương hoặc địa phương cho các can thiệp quản lý, lồng ghép suy dinh dưỡng cấp tính và hậu quả là có tới 90% các trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng không được điều trị. Chương trình sữa học đường được rất nhiều các cơ quan, doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua nhưng nhiều trường miền núi vẫn chưa tiếp cận được.

Trên phạm vi toàn quốc, Đại biểu đề nghị cần luật hóa việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng với cơ chế chi trả bền vững thông qua quỹ bảo hiểm y tế, đồng thời xem xét bố trí ngân sách riêng cho nội dung bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em miền núi. Vì suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê đơn theo hướng dẫn của cơ sở y tế.

Theo vị Đại biểu, luật hóa can thiệp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng của trẻ em cũng chính là để can thiệp này được thực hiện tại các cơ sở y tế thuận lợi và có kết quả nhất trong điều trị suy dinh dưỡng trẻ em.

Có cùng mối quan tâm, Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) cũng đề cập đến: Chương trình giáo dục phổ thông mới đã và đang đi đúng với tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88 của Quốc hội 13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là vấn đề Đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Hà Ánh Phượng cho hay, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là vấn đề đang nhiều băn khoăn. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Hà Ánh Phượng cho hay, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là vấn đề đang nhiều băn khoăn. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Hà Ánh Phượng đưa ra dẫn chứng cụ thể, kết quả thi tốt nghiệp môn tiếng Anh năm 2021 cho thấy một biểu đồ bất thường khi lần đầu tiên xuất hiện hai đỉnh điểm trong cùng một phổ điểm, trong đó đỉnh thứ nhất nằm trong quãng 4 - 5 điểm và đỉnh thứ hai nằm trong khoảng 7 - 9 điểm. Điều này cho thấy, hiện vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về chất lượng dạy và học môn tiếng Anh giữa các vùng, miền và khoảng cách này cần sớm được rút ngắn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, nữ Đại biểu cũng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề sức khỏe tâm thần và công tác tư vấn tâm lý học đường chưa hiệu quả. Đại biểu dẫn chứng con số: “Cứ 40 giây, trên thế giới sẽ có một người tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai lứa tuổi 15 - 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông”.

Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng. Những thông tin đau lòng gần đây cho thấy ngay cả với trường công, trường tư hay trường quốc tế cũng xảy ra những hậu quả đáng buồn, cùng với đó là vấn nạn bắt nạt bạo lực trên không gian mạng.

Phòng, chống đuối nước ở trẻ ngay từ trong nhà trường

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) bày tỏ quan tâm tới vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Theo đó, qua số liệu thống kê hàng năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, trung bình mỗi ngày, có 5 trẻ em bị đuối nước, đứng đầu trong các tai nạn thương tích của trẻ.

Vị Đại biểu nhấn mạnh, đây là vấn đề đau xót mà nhiều năm qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã có nhiều quan tâm chỉ đạo nhưng tỉ lệ tử vong của trẻ đuối nước vẫn còn cao. Tỉ lệ tử vong do đuối nước ở nông thôn cao gấp 4 lần thành thị.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống cho rằng: “Nguyên nhân gây tử vong đuối nước là do sự thiếu quan tâm của các bậc cha mẹ trong quản lý, trẻ em chưa được trang bị các kỹ năng cần thiết trong môi trường nước, nguồn lực đầu tư cho việc giáo dục, huấn luyện kỹ năng bơi cho các em học sinh còn nhiều khó khăn và hạn chế, sự quan tâm của các cấp có lúc, có nơi chưa cao nên một số giải pháp vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi”.

Đại biểu Bùi Xuân Thống thông tin về giải pháp phòng chống đuối nước, thương tích ở trẻ. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Bùi Xuân Thống thông tin về giải pháp phòng chống đuối nước, thương tích ở trẻ. (Ảnh: quochoi.vn).

Để việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đặc hiệu quả, nhất là tai nạn do đuối nước, không còn sự tử vong thương tâm của trẻ em, Đại biểu Bùi Xuân Thống kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai và kiểm tra kết quả thực hiện Quyết định 1248 nghiêm túc để các chính sách đi vào thực tiễn, mang lại kết quả cao.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác phòng, chống tai nạn đuối nước, thương tích cho trẻ em. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho các trường học, nhất là vùng nông thôn, khó khăn để đáp ứng được việc dạy bơi em học sinh. Kêu gọi sự quan tâm, chăm lo hơn nữa của xã hội với sự an toàn của trẻ, những người chủ tương lai của đất nước.

Ngân Chi