Chiều ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có giải trình trước Quốc hội liên quan đến những băn khoăn của các Đại biểu về một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục. Trong đó, có vấn đề liên quan đến giá sách giáo khoa đang được cử tri đặc biệt quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Quochoi.vn |
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Ngày 28/11/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Trong Nghị quyết này, công việc biên soạn sách giáo khoa sẽ được thực hiện theo hướng xã hội hóa, các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành.
Với mong muốn học sinh được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, từ góc độ quản lý Nhà nước và góc độ chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường về chuyên môn và kỹ thuật, chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm trong xuất bản sách, sao cho sách có thể sử dụng nhiều lần. Và các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông theo chương trình mới đã thực hiện đầy đủ điều này.
Theo Thông tư 05 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT đã quy định cấu trúc và nội dung sách giáo khoa phải phù hợp với tiêu chuẩn sách giáo khao về xuất bản phẩm. Quá trình thẩm định sách, các hội đồng thẩm định cũng đã yêu cầu các nhóm tác giả điều chỉnh các phần quá dài, lạm dụng hình ảnh...
- Hiện nay, Bộ cũng đang chỉ đạo chuẩn bị ban hành một Thông tư quy định tiêu chí quy chuẩn riêng về sách giáo khoa để điều tiết việc này một cách cụ thể, hiệu quả hơn”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhiều lần ban hành các văn bản chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần thực hành tiết kiệm tối đa, cắt giảm chi phí trung gian, để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng, cũng như các chi phí khác để đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất.
Cũng theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo nhà xuất bản phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách giáo khoa cho học sinh thuộc các đối tượng chính sách xã hội, học sinh các vùng... Đặc biệt, Bộ cũng chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cung cấp các bản sách PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận từ khi sách bắt đầu phát hành.
“Đồng thời, đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một doanh nghiệp nhà nước do Bộ quản lý, Bộ cũng đã chỉ đạo nhà xuất bản tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối, giảm chi phí phát hành, đẩy mạnh tái cơ cấu nhà xuất bản theo hướng tinh gọn nhân sự, bộ máy, để tiết giảm tối đa các khâu trung gian”.
Một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Bộ Tài chính, đề nghị báo cáo Chính phủ và Quốc hội, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Việc này Bộ đã đề xuất từ công văn 4146 ngày 22/9/2021, có chính sách trợ giá và cho đến thời điểm này, Bộ vẫn tiếp tục kiên trì kiến nghị này” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên báo chí về sách giáo khoa, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa) cũng cho rằng: “Có thể dưới hình thức các nhà xuất bản tặng sách theo các chương trình của mình, hoặc ngay tại các địa phương, có nguồn kinh phí bổ sung cho vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Một vấn đề nữa đối với sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018, tất cả các bộ sách đều là lần đầu tiên mới được triển khai, nên phải mua mới.
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa), cần xem xét, đánh giá lại, để tinh giản trong các khâu làm sách, giảm giá thành. (Ảnh: H.B). |
Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, sách giáo khoa mới không dùng lại được là không đúng. Đối với tất cả học sinh đã dùng sách theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường, các phụ huynh và học sinh của các khóa sau vẫn có thể dùng được. Tất cả sách giáo khoa mới dùng lại bình thường, ví dụ như là lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7, lớp 10 thì tới đây các em khóa sau vẫn cứ dùng bình thường như thế. Đây cũng là một cách để các nhà trường, các vùng, các em học sinh, các phụ huynh giảm bớt khó khăn của những năm học tiếp theo”.
Đề cập đến giá sách giáo khoa, vị Đại biểu Quốc hội bày tỏ: “Giá sách giáo khoa cao hơn so với các bộ trước, tôi cho rằng, bộ phận thẩm định cần xem xét, đánh giá lại, nhất là trong điều kiện dịch bệnh như thế này, chúng ta cần xem xét có tinh giản được khâu nào hay không.
Thứ hai, đối với các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì các địa phương cần có cơ chế chính sách, trích từ nguồn kinh phí, ngân sách, hoặc các nhà xuất bản có chương trình tặng sách để chia sẻ một phần khó khăn đối với các em học sinh và phụ huynh”.
Để giảm “gánh nặng” về giá sách giáo khoa, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng: “Sản phẩm sách giáo khoa cần được Nhà nước hỗ trợ, để mọi học sinh đều có thể tiếp cận với sách, tiếp cận với giáo dục. Nhiều nước trên thế giới đã làm rất tốt vấn đề này. Tôi cho rằng, chúng ta cũng cần làm như vậy”.