Nghệ thuật chép sách của Tiến sĩ trong “lò ấp tiến sĩ”

08/12/2017 13:39
Đan Quỳnh (lược ghi)
(GDVN) - Tiến sĩ Trần Phương Nguyên đã biết khéo léo trích dẫn bằng cách thay đổi một vài chữ từ một đoạn trong sách của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang.

Liên quan đến vấn đề Tiến sĩ bị tố chép sách của đồng nghiệp để làm luận án tiến sĩ, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin được dẫn ra vài ví dụ để độc giả biết thêm “nghệ thuật” làm luận án trong “lò ấp tiến sĩ” này.

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên đã “mượn” nhưng "quên trích dẫn" từ quyển sách “Ngôn ngữ học Xã hội - Những vấn đề cơ bản” và “Kế hoạch hóa Ngôn ngữ - Ngôn ngữ học Xã hội vĩ mô” của cùng một tác giả là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang.

Đối với cuốn "Ngôn ngữ học Xã hội - Những vần đề cơ bản", Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang viết: Ngôn ngữ học xã hội ra đời như là sự bù đắp những gì còn thiếu hụt của ngôn ngữ học truyền thống (trang 11).

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên chép lại hơi khác và không dẫn nguồn: Sự ra đời của ngôn ngữ học Xã hội bù đắp những gì còn thiếu hụt của ngôn ngữ học truyền thống (trang 14).

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên (ảnh nhỏ) được sao chép của Giáo Sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang. (Ảnh: Đan Quỳnh)
Tiến sĩ Trần Phương Nguyên (ảnh nhỏ) được sao chép của Giáo Sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang. (Ảnh: Đan Quỳnh)

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang (trang 23) viết: (1) Cảnh huống ngôn ngữ: hệ thống các thể trạng ngôn ngữ được phân công về mặt chức năng, dùng trong toàn bộ giao tiếp của một nước, trong tất cả các phạm vi và trên tất cả các cấp độ (nhà nước hoặc không phải nhà nước).

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên (trang 15) viết thay số (1) thành chữ và viết như sau: Thứ nhất là cảnh huống ngôn ngữ, (phần còn lại giống Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang).

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang viết: (2) Chính sách ngôn ngữ: vấn đề lựa chọn ngôn ngữ cho mục đích giao tiếp nào đó (không chỉ bao gồm quá trình lựa chọn ngôn ngữ mà còn bao gồm quá trình tuyển lựa các đơn vị ngôn ngữ-trong quá trình chuẩn hóa, quy hoạch ngôn ngữ).

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên: Thứ hai là chính sách ngôn ngữ, (phần còn lại giống Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang).

Đối với cuốn “Kế hoạch hóa Ngôn ngữ - Ngôn ngữ học Xã hội vĩ mô”, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang viết (trang 146):

Chính sách ngôn ngữ, hiểu theo nghĩa rộng là các nguyên tắc có tính tư tưởng chính trị và các biện pháp thực tế để giải quyết các vấn đề ngôn ngữ trong một quốc gia.

Chính sách ngôn ngữ hiểu theo nghĩa hẹp, là hệ thống các biện pháp nhằm làm biến đổi hoặc duy trì cảnh huống ngôn ngữ, hoặc làm biến đổi hoặc làm biến đổi (có lẽ chỗ này bị lỗi - Phóng viên), hay duy trì chuẩn mực ngôn ngữ (Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước, quyển d. 2001).

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên viết (trang 30): Hiểu theo nghĩa rộng, (phần còn lại giống Nguyễn Văn Khang) nhưng vì đây là định nghĩa của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang trong một đề tài nên tác giả chú dẫn như trên, còn Tiến sĩ Trần Phương Nguyên thì không dẫn.

Riêng 3 dòng đầu trang 30 của sách này là định nghĩa của ông Nguyễn Hàm Dương, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang dẫn lại, có chú thích còn Tiến sĩ Trần Phương Nguyên chép làm thành của mình.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang viết (trang 149): Mục “1.2. Nội dung của chính sách ngôn ngữ”: Thứ nhất, chính sách ngôn ngữ là một trong những nhân tố của quá trình phát triển ngôn ngữ (…) tác động đến sự phân bố chức năng (…).

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên (trang 31) chép “như đúc” và không ghi trích dẫn.

Sách của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang (ở dưới) bị Tiến sĩ Trần Phương Nguyên sao chép thành luận văn (ở trên).
Sách của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang (ở dưới) bị Tiến sĩ Trần Phương Nguyên sao chép thành luận văn (ở trên).

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang viết (trang 151): …đảm bảo cho sự thay đổi về tương quan chức năng giữa các thực thể ngôn ngữ, tạo điều kiện, chẳng hạn như, một ngôn ngữ (hay một hình thức ngôn ngữ) đang có phạm vi sử dụng bó hẹp trong một cộng đồng dân tộc trở thành ngôn ngữ trung gian vĩ mô và đẩy lùi khỏi phạm vi giao tiếp chung quốc gia một thực thể ngôn ngữ đã sử dụng trước đây (ví dụ ngôn ngữ cổ, ngôn ngữ thuộc địa); hoặc tạo điều kiện để thay đổi các chuẩn mực mới, chuẩn hóa ngôn ngữ, cải tiến chính tả, xây dựng hệ thống thuật ngữ, v.v.

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên (trang 33) chép nguyên, không trích dẫn chỉ khác là cuối đoạn không có dấu “v.v.”.

Chỉ dẫn ra  một vài chỗ trong số gần 30 đoạn như vậy để thấy, trong 46 trang của chương 1 của sách nêu trên, có gần một nửa Tiến sĩ Trần Phương Nguyên sao chép.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Phương Nguyên cho rằng, luận án có kết cấu hoàn toàn khác với đề tài, số liệu điều tra cũng triển khai góc độ khác, một đề tài nghiên cứu khoa học có thể sử dụng số liệu để làm luận văn luận án là bình thường.

Nghệ thuật chép sách của Tiến sĩ trong “lò ấp tiến sĩ” ảnh 3Tiến sĩ làm luận án bằng cách… sao chép sách đồng nghiệp

Tuy nhiên, vấn đề là nội dung trong đề tài cấp Bộ là sự sao chép của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang nên có thể nói, ở luận án, Tiến sĩ Trần Phương Nguyên đã chép đến lần thứ 2, tức ở bậc 2 và sao chép ở trình độ cao hơn trình độ tiến sĩ.

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên đã “mượn” nguồn nhưng mà “quên ghi chú nguồn” và xin dẫn ra đây vài chỗ trong luận án để làm rõ vấn đề này.

Đối với cuốn sách “Ngôn ngữ học Xã hội - Những vần đề cơ bản” ở trang 42-43, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang viết:

Khái niệm “xã hội” trong ngôn ngữ học xã hội là một khái niệm rộng và động.

Xã hội có thể là cả thế giới, một khu vực, một quốc gia, một dân tộc, nhưng có khi nó lại chỉ bó gọn trong một phạm vi hẹp hơn nhiều với ý nghĩa khác nhau như xã hội-nghề nghiệp (…), xã hội-giới tính (…), v.v.

Khi lý giải hiện tượng song ngữ xã hội, cần phải xuất phát từ ba phương diện là tính khu vực, tính dân tộc và tính chức năng.

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên đã chép nguyên vẹn (trang 18) và chỉ bỏ phần giải thích trong ngoặc đơn như sau: Khi nói đến hiện tượng song ngữ, như là mặc nhiên, có một ngôn ngữ được gọi là “ngôn ngữ thứ nhất”.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang viết (trang 44):

Theo định nghĩa rộng, thì bất cứ thứ tiếng nào mà không có truyền thống chữ viết thì được coi máy móc là phương ngữ của một ngôn ngữ địa phương và đứa trẻ mà nói thứ ngôn ngữ địa phương nhóm nhỏ chưa có chữ viết đó lập tức sẽ được coi là tiếng mẹ đẻ của nó (…).

Theo định nghĩa hẹp, tiếng mẹ đẻ là tiếng nói dùng trong gia đình (bất kỳ trình độ phát triển của thứ tiếng ấy như thế nào).

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên đã dùng “thủ thuật” chép nguyên văn, bỏ phần chú thích trong ngoặc kép thứ nhất.

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên đã sử dụng nhiều thủ pháp để chép lại sách “Ngôn ngữ học xã hội - Những vấn đề cơ bản” của tác giả Nguyễn Văn Khang để dùng làm luận án tiển sĩ nhưng không ghi rõ nguồn.

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên còn chép trong “Kế hoạch hóa ngôn ngữ - Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô” của cùng tác giả này.

Nghệ thuật chép sách của Tiến sĩ trong “lò ấp tiến sĩ” ảnh 4Tiến sĩ “chép sách đồng nghiệp” nói lý thuyết thì ai cũng chép

Cụ thể:

Đối với sách “Kế hoạch hóa ngôn ngữ - Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô” ở Chương 5, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang có dẫn nhiều định nghĩa về chính sách ngôn ngữ.

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên đã chép lại một cách “triệt để”.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang viết ở (trang 74): Bởi thái độ ngôn ngữ phản ánh thái độ đối với các thành viên của những nhóm chủng tộc khác nhau, phản ánh tác động của thái độ ngôn ngữ đến học ngôn ngữ thứ hai; thái độ ngôn ngữ ảnh hưởng đến việc một biến thể ngôn ngữ có thể hiểu được hay không.

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên chép nguyên văn, bỏ những chỗ gạch dưới, không có dấu chấm phẩy và thêm chữ “việc” sau “đến”.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang viết (trang 271-272):

+ Các ngôn ngữ không bình đẳng với nhau. Đó là các ngôn ngữ không bình đẳng với nhau về mặt pháp lý trong sử dụng.

+ Các biến thể ngôn ngữ của một ngôn ngữ không bình đẳng với nhau về mặt chức năng (…).

Ngôn ngữ tiêu chuẩn khi sử dụng ở địa phương, do chịu ảnh hưởng của phương ngữ sẽ có những thay đổi nhất định như thêm sắc thái địa phương, từ đó hình thành nên ngôn ngữ tiêu chuẩn/chuẩn mực mang tính khu vực.

Tiến sĩ Trần Phương Nguyên (trang 27-28) chép nguyên văn và bỏ một đoạn trong ngoặc và đổi “mang tính khu vực” thành “tiêu chuẩn vùng”.

Có thể nói, Tiến sĩ Trần Phương Nguyên đã biết khéo léo trích dẫn bằng cách thay đổi một vài chữ từ một đoạn trong sách của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang để làm đề tài cấp Bộ và Luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước nhưng không trích dẫn nguồn.

Đan Quỳnh (lược ghi)