TQ đang tăng cường hoạt động lấn biển, xây đảo trái phép tại đá Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa |
Và đến khi không còn nhiều hy vọng về cách giải quyết tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ với một “đạo lý tối đa” thì có nên giải quyết theo hướng dùng “đạo lý tối thiểu” là sử dụng biện pháp pháp lý hay không?
Với kiến thức và kinh nghiệm hoạt động ngoại giao phong phú, sắc sảo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến cơ sở pháp lý trong đấu tranh ngoại giao. Do đó, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành công tác ngoại giao, Người luôn chú trọng đến việc chuẩn bị và nắm chắc cơ sở pháp lý quốc tế.
Ngay khi các nước Đồng Minh họp Hội nghị Potsdam tháng 7-1945, có bàn về việc giải giáp quân phát xít sau chiến tranh thế giới 2, Hồ Chí Minh đã khẳng định phải nổi dậy giành chính quyền với mục đích sẽ sử dụng chính quyền đã giành được để đón quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật: “Thành lập chính phủ cách mạng rồi nhân danh chính phủ cách mạng của nhân dân mà giao thiệp với họ”[1].
Đây chính là bước đi chuẩn bị sẵn sàng về phương diện pháp lý để đấu tranh với các thế lực đang có ý định biến nước ta trở lại thành thuộc địa cho chúng. Sau này, khi các nước Đồng Minh vào Việt Nam, họ đã phải đối mặt với một thực tế pháp lý hoàn toàn nằm ngoài dự tính của họ. Họ rất muốn thay đổi tình thế bằng bạo lực nhưng không thể dễ dàng thực hiện được điều đó. Hơn nữa, khi ấy xung đột với chính quyền nước sở tại sẽ rất khó để giải thích với thế giới về mục đích giải giáp quân đội Nhật mà họ đã nhận lấy.
Sự kiện bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Khóa I là một sự củng cố về mặt pháp lý trong cuộc đấu tranh ngoại giao giữa Ta và Pháp trên trường quốc tế. Do đó, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn: chính quyền cách mạng non trẻ mới được thành lập, nạn đói chưa qua, ngân quỹ trống rỗng, miền Bắc quân Tưởng hoành hành, miền Nam chiến tranh lan rộng… chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời vẫn quyết định phải tổ chức bầu cử Quốc hội.
Khi ấy, chúng ta cần có một Quốc hội lập hiến do toàn dân phổ thông đầu phiếu lập nên và một Chính phủ hợp hiến do Quốc hội cử ra. Sau khi được Quốc hội bầu ra đúng ba ngày, Chính phủ đã đại diện cho nước nhà, ký hiệp ước quốc tế đầu tiên là Hiệp định sơ bộ ngày 6-3, nhằm đẩy nhanh 20 vạn quân Tưởng về nước, loại trừ bớt một kẻ thù nguy hiểm.
Bên cạnh đấu tranh về pháp lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tiến hành đấu tranh thuyết phục, cảm hóa bằng đạo lý.
Tư tưởng trọng đạo lý, kiên trì thuyết phục, cảm hóa của Người xuất phát từ lòng tin vào sức mạnh của chính nghĩa, của lẽ phải, từ niềm tin vào tính hướng thiện của con người, kể cả những người bất đồng, đối địch, thậm chí là người trong hàng ngũ địch.
Tiêu biểu như khi Thủ tướng Pháp đón Người, ông này có nêu lên “chủ nghĩa nhân đạo”, “triết học phương Đông, phương Tây”… thì Hồ Chí Minh đáp lại: “Chúng ta đều có chung một lý tưởng triết học phương Đông và phương Tây đều theo một giáo dục chung: “Mình chớ làm cho người những điều không muốn người làm cho mình”[2].
Khi vận động người Pháp để vãn hồi hòa bình, bao giờ chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu điều nhân nghĩa, nhân đạo, cái lợi cho cả hai phía.
Người kêu gọi Chính giới Pháp: “Công nhận nền độc lập của Việt Nam không những không làm giảm uy tín của nước Pháp, mà còn làm cho nó tăng cao trước thế giới và lịch sử. Cử chỉ này tỏ chung cho hoàn cầu và riêng cho người Việt Nam rằng nước Pháp ngày nay hoàn toàn khác nước Pháp đế quốc chủ nghĩa ngày trước. Nó sẽ được sự kính trọng của tất cả các dân tộc và lòng mến yêu của người Việt Nam vốn không mong gì hơn là Tổ quốc độc lập”[3].
Rồi người thuyết phục nhân dân Pháp: “Hỡi nhân dân Pháp! Các bạn hãy giúp chúng tôi cứu lấy tính mạng của bao nhiêu thanh niên Pháp và Việt, cứu lấy tình thân thiện giữa hai dân tộc và cứu lấy khối liên hiệp Pháp”[4].
Khi tướng R.Salan của Pháp vừa đe dọa, vừa mua chuộc, ép buộc ta cho Pháp tự do đưa quân ra miền Bắc giải giáp quân đội Nhật mà không kèm theo điều kiện nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu hiện thái độ mạnh mẽ và cương quyết, song vẫn nhằm khơi dậy đạo lý ở viên tướng Pháp này, ở trong mỗi một câu nói của Người, “Máu sẽ chảy và sẽ là điều bất hạnh”… “Dù cả thế giới chống lại chúng tôi đi nữa, thì chúng tôi cũng không chấp nhận trở thành kẻ nô lệ”.
Như vậy, có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến công tác đấu tranh ngoại giao của nước ta giành được nhiều thành quả to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và từ thời kỳ thống nhất đất nước đến nay là đã vận dụng tốt tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh ngoại giao dựa trên cơ sở pháp lý và đạo lý chung của quốc tế.
Trong tình hình hiện nay, trước những diễn biến phức tạp trong tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết và liên quan trực tiếp đến chủ quyền biển đảo của nước ta. Đặc biệt là, vừa qua Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta và cải tạo trái phép các đảo đá và bãi đá mà họ chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa. Các hành động đó đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc.
Qua những phân tích ở trên, thiết nghĩ quá trình đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hiện nay cần kế thừa tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về cơ sở pháp lý và đạo lý chung của quốc tế, đấu tranh pháp lý đi đôi với tuyên truyền thuyết phục, cảm hóa về đạo lý.
Các cơ quan, cán bộ trực tiếp tham mưu và đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cần nghiên cứu, nắm chắc các quy định của luật pháp quốc tế có liên quan tới biển đảo, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, về Hiến chương Liên Hợp Quốc trong những vấn đề có liên quan đến tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia…
Đồng thời phải thu thập và cung cấp đầy đủ các bằng chứng trước công luận trong nước, công luận nước đối phương và công luận thế giới về sự bất chấp đạo lý, vô nhân đạo của đối phương, với các tư liệu hình ảnh, âm thanh, vật chứng, nhân chứng cụ thể, điển hình.
Làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ tính chính nghĩa và hợp pháp trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Vận động chính phủ các nước, nhân dân tiến bộ, văn minh, yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới cùng đấu tranh phản đối hành động sai trái, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Làm cho công luận thế giới thấy rằng cần có tiếng nói và hành động bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam, đồng thời là bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ những chuẩn mực đạo lý chung của nhân loại./.
Tuy nhiên, đối với từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể, nên ưu tiên nhiều hơn cho sử dụng đạo lý hay pháp lý. Với các lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, coi trọng đạo lý, luôn “thượng tôn luật pháp quốc tế” thì ta nên dùng thuyết phục trên cơ sở đạo lý. Còn lại với đối tượng “trơ” về đạo lý thì buộc lòng phải dùng biện pháp pháp lý.
Tài liệu tham khảo
[1] Chỉ thị: Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 401.
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t. 4, tr.76.
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t. 5, tr.155.