Để đảm bảo an toàn giao thông và giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cho xây dựng rất nhiều cây cầu vượt dành cho người đi bộ trên một số tuyến phố. Các cầu vượt này được đặt tại các vị trí có lưu lượng tham gia giao thông lớn và số người có nhu cầu đi bộ để sang đường cao hoặc được đặt gần khu vực có trường học.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày 19/4, tại một số tuyến phố, vai trò của cầu vượt bộ hành thực sự vẫn chưa phát huy được hết tác dụng của nó. Đáng nói, tại một số khu vực gần trường học, các học sinh, sinh viên vẫn chọn cách băng qua đường trong tâm lý bất an thay vì đi trên cầu vượt.
Giải thích về việc này, Nguyễn Thu Phương - sinh viên năm 2 Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tại vị trí sang đường trước cổng trường cũng có cầu vượt cho người đi bộ, nhưng khoảng cách hai bên đường không quá lớn nên nếu chọn băng qua đường sẽ nhanh hơn so với việc phải vòng lên cầu.
Một học sinh băng qua đường giữa dòng xe tấp nập, dù ngay cạnh đó có cầu vượt đi bộ. Ghi nhận tại phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), trước cổng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng. |
"Em chọn cách qua đường như vậy vì thấy cũng nhanh, chỉ có điều cần phải để ý các phương tiện đi lại để tránh va chạm, nhất là với xe máy. Từ lúc bắt đầu học ở đây, thấy các anh chị sinh viên năm trước vẫn qua đường như vậy nên em đi theo, giờ cũng quen", Thu Phương nói thêm.
Ngoài ra, tại vị trí cầu vượt trước cổng Học viện Ngân Hàng (phố Chùa Bộc, Đống Đa) hình ảnh sinh viên băng qua đường thay vì đi trên cầu vượt dành cho người đi bộ ngay sát đó cũng dễ dàng bắt gặp.
Thậm chí, thời điểm phóng viên ghi nhận, dù đứng ngay lối lên của cầu vượt nhưng các sinh viên còn chọn cách đứng đợi hết đèn đỏ ngay tại giao lộ này để đi bộ sang đường. Một số khác vì quá nóng vội nên sẵn sàng qua đường giữa dòng xe cộ tấp nập.
Chị Lê Thu Hằng, nhân viên cửa hàng kính mắt trước cổng Học viện Ngân Hàng cho biết: "Từ lúc tuyến đường Chùa Bộc thi công cầu cạn, lòng đường cũng bị thu hẹp lại khá nhiều nên vào giờ cao điểm phương tiện lưu thông qua đây là rất lớn.
Tôi cũng từng chứng kiến một số vụ tai nạn khi sinh viên đi bộ từ phía bên cổng Học viện Ngân hàng sang bên đối diện. Chủ yếu là va chạm với các xe máy cố tình vượt đèn đỏ khi đi thẳng từ hướng Thái Hà sang Phạm Ngọc Thạch. Có cầu vượt ngay sát cổng trường nhưng không hiểu tại sao các bạn vẫn chọn cách qua đường trong tâm lý bất an như thế?".
Tại phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội), ngay trước cổng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng và Trường Tiểu học Dịch Vọng B, giờ tan trường, tình trạng học sinh băng qua đường chứ không đi lên cầu vượt đi bộ ngay gần đó cũng là hình ảnh rất dễ bắt gặp.
Anh Trần Minh Tâm, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng B, sau khi dắt con băng qua đường đã có chia sẻ với phóng viên.
Anh Tâm cho biết: "Cổng trường con tôi phía đối diện, còn tôi thì đỗ xe ô tô bên này đường để thuận chiều đi về nhà. Hơn nữa trước cổng trường con tôi học có vị trí kẻ vạch cho người đi bộ sang đường, nếu dắt con qua đường theo hướng này sẽ nhanh hơn khi vòng xuống cầu vượt cách đó khoảng chừng 50m".
Khi được hỏi, tại sao phụ huynh không chọn cách vòng xe sang phía cổng trường để đón con, vị phụ huynh này nói rằng, vì đường quá đông nên nếu vòng đi, vòng lại để sang đường rất mất thời gian, thậm chí là gây tắc đường.
"Có thể băng qua đường như vậy hơi nguy hiểm một chút nhưng nó tiết kiệm thời gian, cũng không gây tắc đường gây ảnh hưởng đến người khác", anh Tâm nói thêm.
Hình ảnh phóng viên ghi nhận tại một số vị trí đặt cầu vượt đi bộ tại Hà Nội:
Sinh viên băng sang đường ngay ngã ba trước cổng Học Viện Ngân hàng, cạnh đó là cầu vượt bộ hành. Người dân khu vực này cho biết, vị trí này thường xảy ra tai nạn giữa người đi bộ với xe máy cố tình vượt đèn đỏ. |
Tại cầu vượt đi bộ trên phố Trần Đại Nghĩa, trước cổng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có lối dẫn lên cầu vượt đi bộ nhưng sinh viên vẫn mạo hiểm băng qua đường. |
Có thể thấy, phía trên cầu vượt đi bộ vắng vẻ, nhưng phía dưới sinh viên vẫn cố luồn lách qua dòng xe cộ đông đúc để sang đường. |
Khu vực cầu vượt đi bộ đặt tại ngã ba Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, gần các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh sinh viên sang đường bằng cách đi dưới lòng đường. |
Học sinh qua đường tại đường Nguyễn Khánh Toàn, ngay dưới chân cầu vượt đi bộ. |
Phụ huynh dẫn con băng qua đường, cây cầu vượt dành cho người đi bộ cách đó không xa. |