Nghịch lý đậu học sinh giỏi quốc gia nhưng lại trượt đại học

02/02/2021 06:20
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Rất nhiều học sinh sau thời gian tập trung học môn chuyên, luyện môn chuyên, đi “đá” giải quốc gia, đã trở về trong thất vọng.

Đã có hàng chục năm thâm niên bồi dưỡng học sinh giỏi cho huyện để học sinh đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, tôi thật sự ngạc nhiên trước H., một học sinh đạt giải Nhất cấp huyện môn Hóa học.

Bài làm của H. trong kì thi vừa qua rất hoàn hảo, em đã sử dụng phương pháp giải bài từ trung học phổ thông nên giải quyết vấn đề rất gọn, vượt quá tầm một học sinh lớp 9.

Khi chia sẻ bí quyết học tập, H. nói “Em thích làm bác sĩ, nên em tập trung học Toán, Hóa, Sinh. Em tự học, lớp 8 em đã học và làm hết bài tập Hóa lớp 9.

Lên lớp 9 em Học hóa lớp 10, lớp 11, em lấy phương pháp giải bài từ trung học phổ thông xuống nên thấy bài tập lớp 9 dễ hơn nhiều”.

Quá trình bồi dưỡng kéo dài 1 tháng, mỗi tuần học 5 buổi, qua mỗi buổi học tôi thấy H. trưởng thành vượt bậc, kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm ấy H. đạt giải Nhất, gần đạt điểm tuyệt đối (19,75/20).

Học sinh giỏi Quốc gia lại trượt đại học là một điều thật trớ trêu. (Ảnh minh họa, nguồn: Giaoducnghe.edu.vn)

Học sinh giỏi Quốc gia lại trượt đại học là một điều thật trớ trêu. (Ảnh minh họa, nguồn: Giaoducnghe.edu.vn)

Vào trường chuyên để có cái mà học

Ngày nhận kết quả giải nhất cấp tỉnh cả trường vui, cả huyện vui, một huyện vùng xa xôi hẻo lánh mà có học sinh đạt gần điểm tuyệt đối kì thi học sinh giỏi tỉnh quả là một kì tích.

Thế rồi, bước đường tương lai của H. đã được người lớn thêu hoa dệt gấm: “Em phải vào trường chuyên, học giáo trình trường chuyên mới có cái để học, học trường huyện thì uổng phí tài năng của mình”.

Kỳ thi chuyên năm ấy, H. đậu thủ khoa lớp Chuyên Hóa. Ngay từ lớp 10, H. đã được chọn vào lớp bồi dưỡng đội tuyển thi quốc gia của trường.

Học lớp Chuyên Hóa, học bồi dưỡng thi học sinh giỏi quốc gia, năm lớp 11 H. đậu giải Ba, năm lớp 12 H. đậu giải Nhì, đứng tốp 30 môn Hóa học của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Đậu học sinh giỏi quốc gia nhưng lại... trượt đại học

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, kì thi Tốt nghiệp phổ thông Quốc gia H. chỉ đạt 24.5 điểm cho tổ hợp Toán-Hóa-Sinh, còn thiếu 4 điểm nữa mới vào được ngôi trường mơ ước.

Cả gia đình như ngồi trên đống lửa khi các trường Đại học Y Dược tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia môn Hóa cho ngành Y với giải Nhất, với giải Nhì, giải Ba chỉ dành cho đại học ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học v.v...

Thật trớ trêu, H. đậu học sinh giỏi quốc gia nhưng lại... trượt đại học.

Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra, may mắn H trúng vào học bổng du học của Tập đoàn dầu khí Việt Nam đi học ngành dầu khí tại nước ngoài, dù ngành học không như mơ ước của bản thân và gia đình.

Sau một thời gian học ở nước bạn, H. đã có nhiều lần muốn bỏ học, nhưng đành chấp nhận số phận. Mới đây, H. chia sẻ với tôi: “Em không đổ lỗi cho ai, vì đó là chọn lựa của mình, tất cả mọi thứ đều có giá của nó.

Nếu được, em khuyên thế hệ em út sau này cần cân nhắc, tìm hiểu kĩ hơn trong việc chọn trường, chọn thi học sinh giỏi hay không”.

Trường hợp của H. không phải là cá biệt, rất nhiều học sinh sau thời gian tập trung học môn chuyên, luyện môn chuyên, đi “đá” giải quốc gia, đã trở về trong thất vọng.

Luyện thi, thi học sinh giỏi kiểu này phản khoa học, mất công bằng

Thầy giáo Lường Tú Tuấn, cựu giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Bình Long (Bình Phước), một giáo viên trong cuộc đã chia sẻ: “Tôi không biết các bạn đồng nghiệp có thật hạnh phúc không, riêng với tôi thì mỗi kỳ thi là một nỗi khổ bi thiết. Đội tuyển được chọn ngay khi các em vừa vào lớp 10. Riêng những học sinh này phải chạy một lúc nhiều chương trình: học chính khóa, học luyện thi tốt nghiệp, học đội tuyển.

Tất nhiên không ai có đủ thời gian để học chừng ấy thứ, và nhà trường buộc phải lách luật bằng cách cho học sinh nghỉ học nhiều môn trong những giai đoạn nước rút, còn điểm thì sẽ được “cấy” vào để tổng kết.

Như một con thuyền đã bị cuốn ra giữa biển, việc duy nhất lúc này là tiếp tục chèo để vào bờ, dù không biết bờ bến ấy có cây trái gì không” [1]

Ngoài “cấy điểm” các môn không chuyên, ít ai biết rằng để các em đạt được những thành tích đó, nhiều trường đã phải dồn toàn lực để mời cho được những thầy cô theo họ là có tham gia ra đề thi, có thể định hướng đề thi về luyện đội tuyển.[2]

Sau ánh hào quang học sinh giỏi các cấp, là lỗ hổng khó lấp đầy về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất của học trò; là sự mất công bằng ngay chính trong kì thi học sinh giỏi quốc gia.

Phụ huynh, học sinh hãy cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định cho con mình học trường chuyên, lên con thuyền “đội tuyển học sinh giỏi”, trước khi ngành giáo dục có một phương thức thi học sinh giỏi khoa học như các nước tiên tiến đang làm.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/sau-anh-hao-quang-hoc-sinh-gioi-post215023.gd

[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nguoi-trong-cuoc-bat-mi-goc-khuat-cua-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-post215220.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai