Đừng biến "học sinh giỏi" thành thợ giải bài, làm thui chột khả năng sáng tạo

27/01/2021 06:45
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thay vì tổ chức thi học sinh giỏi chạy đua theo thành tích, chúng ta nên tạo những sân chơi lành mạnh, sáng tạo đa lĩnh vực để học sinh có nhiều trải nghiệm hơn.

Thời gian qua, có nhiều ý kiến dư luận cho rằng thi học sinh giỏi là nguồn cơn của nhiều vấn nạn trong giáo dục hiện nay, đó là vấn nạn về dạy thêm, học thêm; về bệnh sính thành tích; tiêu cực trong thi cử,...

Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang cải cách giáo dục, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh thì sự tồn tại của những cuộc thi học sinh giỏi đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải bàn luận.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Tạ Thị Thu – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học ICS (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Những chỉ tiêu về cuộc thi học sinh giỏi đang tạo ra áp lực vô hình cho học sinh, gây ra gian lận, tiêu cực - căn bệnh không mới nhưng vô cùng nhức nhối đối với ngành giáo dục.

Phía sau câu chuyện luyện "gà" đi thi

Theo cô Thu, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ học sinh đạt giải cao tại các đấu trường quốc tế, ví dụ như các cuộc thi Olympic quốc tế. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là thành tích chúng ta nên tự hào, bởi lẽ điều này phản ánh rõ câu chuyện "luyện gà thi" của giáo dục Việt Nam.

Học sinh tham dự những kỳ thi này đã được ôn luyện qua nhiều năm. Các em được chính những thầy cô có kinh nghiệm luyện kỹ một số dạng kiến thức, luyện những đề thi từ các năm trước để đạt được mục tiêu là giải thưởng.

"Điều đáng tiếc là những học sinh này không được đào tạo để có được sự phong phú, đa dạng về kiến thức, kỹ năng.

Trong khi đó, học sinh một số nước phát triển có thể không đạt giải nhưng năng lực sáng tạo, khả năng tư duy, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn lại là những điểm mạnh giúp họ thành công, tạo dựng được nhiều thành quả ý nghĩa" Cô Thu chia sẻ.

Cô Tạ Thị Thu cho rằng những cuộc thi học sinh giỏi tại Việt Nam đang mang nặng tính học thuật (Ảnh: Cô Thu cung cấp)

Cô Tạ Thị Thu cho rằng những cuộc thi học sinh giỏi tại Việt Nam đang mang nặng tính học thuật (Ảnh: Cô Thu cung cấp)

Thạc sĩ Tạ Thị Thu cho biết, câu chuyện "luyện gà đi thi" là do tâm lý thi cử, đỗ đạt, khoa bảng đã ăn sâu vào trong tiềm thức, lối sống của con người Việt Nam. Những người đào tạo thí sinh tìm đủ mọi cách để học sinh đạt giải, trong khi người tham dự kỳ thi cũng đã được "tiêm nhiễm" tâm lý đỗ đạt, thành tích đó.

Song, những hình thức ôn luyện, chạy đua với những kỳ thi học sinh giỏi bao nhiêu năm qua đã để lại nhiều hệ lụy, vấn nạn trong ngành giáo dục.

Đầu tiên, những học sinh trực tiếp tham gia thi học sinh giỏi với quá trình ôn luyện cường độ cao trở thành những “người thợ giải bài” nhưng dễ thiếu kĩ năng, thiếu trải nghiệm cuộc sống.

"Ôn luyện đến mức căng thẳng, mệt mỏi cộng với áp lực thành tích sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập cũng như tinh thần của học sinh. Sau những kỳ thi, các em sẽ không còn biết định hướng kiến thức, định hướng con đường học tập cho mình", cô Thu cho biết.

Bên cạnh đó, những kỳ thi học sinh giỏi còn có thể dẫn tới tình trạng học lệch, tạo ra lỗ hổng kiến thức của những môn học mà các em không dự thi. Bởi lẽ, hầu hết đội tuyển dự thi học sinh giỏi đều chỉ tập trung cho một môn học.

Cô Thu cho biết: "Những học sinh giỏi đa số đều không thể học giỏi tất cả các môn nhưng các em lại được tạo điều kiện để có một bảng điểm đẹp.

Nhiều học sinh giỏi được cho khống điểm đối với những môn học khác mà không cần học tập, thi cử. Tôi cho rằng đây là một câu chuyện xấu xí trong đào tạo, giáo dục con người"

Cũng theo cô Thu, từ cấp 2, các em học sinh đã có những nhận thức về đúng - sai của sự việc. Nếu nhà trường, thầy cô cho khống điểm, "tạo điều kiện" bằng cách làm đẹp bảng điểm thì chẳng khác nào sự gian dối đang được công nhận trên giấy trắng mực đen.

Và hậu quả là nhà trường đang dạy học sinh về sự gian dối thay vì lòng trung thực, ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ, tính cách và hành vi của học sinh sau này.

Tất cả những điều này đều đang đi ngược lại với mục tiêu hướng tới của chương trình giáo dục phổ thông mới, mâu thuẫn, trái ngược với quan điểm của giáo dục hiện đại.

Hệ lụy tiếp theo từ những cuộc thi học sinh giỏi là phát sinh việc dạy thêm, học thêm.

Để tham dự kỳ thi học sinh giỏi, nhiều giáo viên được mời về để luyện thi. Cách ra đề thi của học sinh giỏi là giải những kiến thức của lớp trên, mang tính thách đố học sinh. Đề ra càng khó thì học sinh lại phải đi học thêm. Đây là câu chuyện tiền đề của vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay.

Thậm chí, những câu chuyện giật giải, hậu giải của kỳ thi học sinh giỏi cũng đang đi ngược lại với mục tiêu, chủ trương phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Những ưu tiên dành cho học sinh giỏi đang tạo nên một cuộc chạy đua thành tích căng thẳng, áp lực hơn.

"Người học chỉ lao đầu vào kỳ thi với mục tiêu được tuyển thẳng vào trường đại học, các em có thể không cần quan tâm, không chú trọng đến những môn học khác.

Nhưng cũng chính các em luôn bị ám ảnh bởi việc luyện đề, áp lực với kết quả cuộc thi. Sau kỳ thi, học sinh đạt giải thì vui mừng, hạnh phúc, được vinh danh, được ưu tiên, trong khi đó, những học sinh không đỗ đạt lại rơi vào tình trạng tâm lý nặng nề.

Đó là nỗi buồn, nỗi sợ khi đối diện với bạn bè, thầy cô, bố mẹ; là cảm giác tuyệt vọng, chán nản, thậm chí có thể dẫn đến những ức chế tâm lý, trầm cảm,...", cô Thu phân tích.

Cần hướng đến chủ trương phát triển năng lực, phẩm chất học sinh

Theo Thạc sĩ Tạ Thị Thu, thành tích là kết quả tốt đẹp đạt được nhờ sự nỗ lực, thường được biểu dương, khen thưởng và đem lại cho người có thành tích động lực để cố gắng.

Trong giáo dục, thành tích giúp động viên, khuyến khích người dạy, người học phát huy năng lực và khả năng sáng tạo; thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng.Thành tích cũng tạo ra động lực phấn đấu, phát triển và cống hiến cho các cá nhân trong tập thể.

Tuy nhiên, quan điểm về thành tích trong giáo dục hiện nay không phải là những con số tổng kết từ những cuộc thi mang tính học thuật.

Giáo dục, thi cử cần hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất học sinh (Ảnh: Cô Thu cung cấp)

Giáo dục, thi cử cần hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất học sinh (Ảnh: Cô Thu cung cấp)

Các kì thi chọn học sinh giỏi nhằm tìm kiếm, phát hiện năng khiếu, đào tạo nhân tài. Tuy nhiên, cần phải có sự thay đổi từ hình thức, cách thức tổ chức thi, cách ra đề thi và cần đa dạng các lĩnh vực thi.

Theo cô Thu, kết quả thi học sinh giỏi không nên là những chỉ tiêu từ trên đưa xuống. Ngành giáo dục không nên xem kết quả, con số này là mục tiêu để mang lại danh tiếng cho các cá nhân, nhà trường.

Bệnh thành tích trong giáo dục được thể hiện rõ ở sự phô trương, gian lận trong thi cử, đánh giá, hoặc dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Đó chính là điều chúng ta cần nhìn nhận để thay đổi, đặc biệt từ những kỳ thi học sinh giỏi.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 5 phẩm chất và 10 năng lực cần hướng đến, không khuyến khích chỉ phát triển năng lực cốt lõi mà còn cần năng lực bổ sung, phẩm chất đi kèm.

Hiện nay, đổi mới đánh giá trong giáo dục cũng hướng tới việc ngăn chặn bệnh thành tích trong giáo dục, bỏ những tiêu chí gây áp lực học tập cho học sinh.

Chính vì vậy, nội dung đề thi học sinh giỏi không nên chỉ mang tính học thuật, không nên chỉ là những dạng kiến thức trùng lặp nhau. Thay vào đó, nội dung thi phải phát huy được năng lực sáng tạo, khả năng tư duy, năng lực giải quyết vấn đề của học sinh.

Bên cạnh đó, cần tạo ra những cuộc thi, sân chơi bổ ích giúp học sinh phát huy sở thích, cá tính của mình, cần đa dạng các lĩnh vực thi như khoa học, công nghệ, thể thao, văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng sống,...

Đó chính là cách để giáo dục, phát triển toàn diện cho học sinh về năng lực và phẩm chất cần có.

Một điều không kém phần quan trọng là không tạo nên áp lực từ những kỳ thi, không lấy kết quả thi làm chỉ tiêu, mục đích để đưa ra con số so sánh, đánh giá.

Thầy cô, nhà trường chỉ khuyến khích học sinh tham gia nhưng không được ép buộc, không tạo áp lực tâm lý nặng nề khi các em tham gia cuộc thi.

"Ngoài ra, nhà trường cần làm tốt công tác tâm lý cho học sinh sau những cuộc thi. Phải cho các em đi từ cảm nhận, thoải mái lựa chọn, tự do tham gia trải nghiệm và sau đó lan tỏa, chia sẻ ý nghĩa của những cuộc thi.

Giáo viên cũng cần cung cấp kỹ năng cho các em sau kỳ thi. Nếu học sinh không đạt kết quả tốt sẽ có những cảm xúc khó khăn, các em cần vượt qua thế nào.

Thầy cô cần giúp các em tránh được áp lực tâm lý, giúp cho các em hiểu giá trị những điều mình đang có, để các em hiểu không cần so sánh mình với người khác mà chỉ cần so sánh với chính mình của ngày hôm qua, để các em thấy được giá trị của những nỗ lực, cố gắng của bản thân mình. Đó cũng chính là cách mà Trường ICS - trường học kiến tạo đang thực hiện để giáo dục, rèn luyện học sinh phát triển từng ngày", cô Thu chia sẻ.

Phạm Minh