Ngày 28/8/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2531-QĐ-UBND về: "Hợp đồng sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, Thạc sĩ ngành sư phạm giảng dạy tại các trường phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh” với chủ trương thu hút tài năng phục vụ quê hương.
Theo đó, 41 sinh viên loại giỏi được ký hợp đồng với các điều khoản:
- Giáo viên được hưởng:
+ Mức lương cơ sở nhân hệ số khởi điểm cho từng cấp học, văn bằng đào tạo, được đóng các loại bảo hiểm theo quyết định của pháp luật hiện hành, không được hưởng các loại phụ cấp khác.
+ Thời gian hưởng lương: Tùy thời gian thực tế làm việc, không quá 12 tháng mỗi năm. Các chế độ khác (nếu có) theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Sau 2 năm, cơ quan chủ quản đánh giá, xem xét tiếp tục ký hợp đồng tiếp theo. Sau 3 năm, tiếp tục hợp đồng hoặc tuyển dụng vào biên chế (Nếu có chỉ tiêu).
Quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh hợp đồng giáo viên giảng dạy Trung học phổ thông theo Quyết định 2531/QĐ-UBND 28/8/2014. |
- Kinh phí sự nghiệp giáo dục, ngân sách tỉnh và ngân sách huyện.
Theo phản ánh của một số giáo viên hợp đồng theo Quyết định 2531, hai năm đầu, sau khi tổng kết năm học, Hiệu trưởng gửi nhận xét, đánh giá về Sở Giáo dục và Đào tạo, đối tượng trên tiếp tục được hợp đồng. Kể từ năm thứ 3 trở đi, họ được ký hợp đồng dài hạn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đội ngũ giáo viên hợp đồng theo 2531 là những người có năng lực, trình độ chuyên môn, nhiệt tình, hoàn thành tốt những nhiệm vụ do nhà trường phân công, được Ban giám hiệu, tập thể nhà trường, học sinh, phụ huynh ghi nhận.
Đặc biệt, có những thầy, cô giáo giỏi, có thành tích nổi bật như thầy Võ Viết Chương, giáo viên Toán - Trường Trung học phổ thông Lê Quảng Chí.
Thời sinh viên, thầy từng đạt giải trong Kỳ thi Olympic Toán. “Kết quả giảng dạy của thầy Võ Viết Chương thật đáng khâm phục. Học sinh học toán với thầy tiến bộ nhanh. Đội tuyển Học sinh giỏi của thầy giành được giải cao trong Kỳ thi Học sinh giỏi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức”, cô Tôn Thị Quỳnh Giang (giáo viên cùng trường) cho biết.
Hầu hết giáo viên hợp đồng 2531 được phân công công tác ở vùng sâu vùng xa, khó khăn như Trường Trung học phổ thông Lê Quảng Chí, Kỳ Lâm, Nguyễn Thị Bích Châu (Huyện Kỳ Anh), Trung học phổ thông Hàm Nghi, Phúc Trạch (Hương Khê) v.v…
Đội ngũ giáo viên này đã có đóng góp quan trọng để các trường hoàn thành nhiệm vụ năm học. Nhưng điều nghịch lý qua 5 năm giảng dạy, họ vẫn chỉ được hưởng mức lương “trơn” 2.34 với số tiền 2.911.077 đồng/ tháng.
Trong lúc đó, trớ trêu thay, những giáo viên được Sở và trường hợp đồng lại được hưởng các chế độ phụ cấp nên mức lương hàng tháng được hưởng gần gấp đôi giáo viên do Ủy ban nhân dân tỉnh hợp đồng.
Để bạn đọc dễ dàng theo dõi nghịch lý này, chúng tôi xin lấy dẫn chứng minh họa từ Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm, Kỳ Anh.
Tại Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm, Kỳ Anh hiện có 3 loại giáo viên hợp đồng:
Một là giáo viên do Ủy ban nhân dân tỉnh hợp đồng theo 2531 gồm 4 giáo viên: Cô Hoàng Thị An, Phan Thị Sương, Vũ Thị Lành và Nguyễn Thị Duyên.
Trường hợp thứ 2 là do Sở Giáo dục và Đào tạo hợp đồng gồm 4 giáo viên: cô Nguyễn Thị Bình (Sinh vật), cô Hồ Thị Thương (Ngữ văn), cô Kiều Thị Hiền (Địa lý).
Và ba là giáo viên do trường hợp đồng có cô Thân Thị Hà Trinh (Toán) và Nguyễn Ngọc Trâm (Toán), Nguyễn Thị Bình (Sinh vật).
Chỉ trong đối tượng giáo viên hợp đồng trong cùng một trường đã xảy ra nhiều nghịch lý trớ trêu
Nghịch lý thứ nhất: Nhìn vào chế độ trả lương không ai không ngạc nhiên về sự ngược đời của chính sách thu hút tài năng!? Tài năng gì mà lương không đủ sống? Thế thì sẽ có bao nhiêu người thực tài trở về quê hương dâng hiến!?
Nhất là hiện nay, khi đầu vào sư phạm thấp, những học sinh đạt điểm cao không mặn mà với sư phạm, thì liệu chế độ thu hút như Quyết định 2531 trên đây sẽ thu hút được bao nhiêu tài năng sư phạm!?
Bản thanh toán tiền lương hợp đồng tháng 9/2018 tại Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm, Kỳ Anh |
Nghịch lý thứ 2: Giáo viên do Ủy ban nhân dân tỉnh hợp đồng đã 5 năm chỉ được hưởng mức lương: 2.34 mỗi tháng sau khi trừ bảo hiểm xã hội 8%, y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1% được hưởng 2.911.077 đồng/ tháng;
Trong khi đó, giáo viên do Sở Giáo dục và Đào tạo hợp đồng được trả mức lương 2.34, nhưng do được hưởng phụ cấp: Phụ cấp ưu đãi 35% là 0,819, phụ cấp khu vực 0,4 nên lương mỗi tháng được chi trả là 4.605.487 đồng/tháng.
Còn giáo viên do trường hợp đồng vẫn được tính hệ số lương 2,34, nhưng do không được hưởng phụ cấp ưu đãi 35% nên mức lương được trả mỗi tháng 3.467,077 đồng/ tháng.
Riêng cô Nguyễn Thị Bình (Sinh vật) mặc dù hợp đồng của trường nhưng được trả lương như đối tượng thứ 2 hợp đồng của Sở, mỗi tháng được chi trả 4.605.487 đồng/ tháng.
“Không phải ngẫu nhiên mà có sự chi trả "ưu tiên" này! Vì đây là những đối tượng đặc biệt! Thật là khó nói”, một giáo viên lên tiếng.
Ba loại hợp đồng trên đây đều làm nhiệm vụ dạy học. Đã dạy học không hiểu tại sao đối tượng hợp đồng 2531 và trường hợp đồng không được hưởng phụ cấp đứng lớp?
Nghịch lý thứ 3: Đối tượng giáo viên hợp đồng 2531 đảm nhận số tiết nhiều hơn, nghĩa là lao động nhiều hơn lại được trả lương thấp hơn đối tượng trường hợp đồng.
Cụ thể, tại Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm, có 2 giáo viên hợp đồng dạy Toán.
Cô Thân Thị Hà Trinh được phân giảng dạy 4 lớp với 11 tiết/ tuần của các lớp 10H, 11B, 11C; còn cô Nguyễn Ngọc Trâm ngoài Phó Bí thư đoàn trường giảng dạy 6 tiết/ tuần cho 2 lớp 10B, 10G.
Lương của đối tượng này được hưởng 3.908.600 đồng, trừ đóng bảo hiểm còn được nhận: 3.467.000 đồng/tháng, cao hơn nhiều so với đối tượng hợp đồng 2531.
Những thông tin trên đây được lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm xác nhận và cho biết: Đối tượng giáo viên hợp đồng theo 2531 quả là quá thiệt thòi, nhà trường đã phản ánh nghịch lý này với cơ quan chủ quản, nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Chúng tôi đã trao đổi với cô Lê Thị Thùy Giang - Kế toán trưởng nhà trường. Theo cô Giang, nguồn cấp trả giáo viên hợp đồng trên đây do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp nguồn.
Vậy thì, không hiểu sao cùng một nguồn chi trả, giảng dạy, công tác một trường, nhưng việc đãi ngộ, chế độ lương bỗng lại khác nhau, nếu không muốn nói là chi trả một cách tùy tiện như vậy!?
Thời khóa biểu |
Theo điều tra của chúng tôi, đối tượng hợp đồng 2531 đang công tác ở các trường khác cũng chịu thiệt thòi như vậy.
Bức xúc vì bất công trong việc chi trả lương hợp đồng, giáo viên hợp đồng 2531 đã trực tiếp gặp lãnh đạo Sở phản ánh, nhưng được trả lời: “Hãy chờ đợi!”.
“Chúng em không biết phải chờ đợi đến bao giờ? Chẳng nhẽ chờ đợi để đến khi nhận được quyết định…chấm dứt hợp đồng chắc?”, một giáo viên (đề nghị không nêu danh tính) buồn rầu nói.
Với mức lương 2.34 mà không được hưởng bất kỳ khoản phụ cấp nào, các thầy cô Hợp đồng 2531 đang đối mặt với muôn vàn khó khăn về đời sống.
Đồng lương hợp đồng chi trả không đủ chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Hoàn cảnh nhiều giáo viên công tác xa nhà, bố mẹ ốm đau bệnh tật, đi lại hàng chục cây số thì vất vả, ở lại lương không đủ chi cho đời sống.
"Chúng em rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Tất cả đều hy vọng vào biên chế, nhưng càng hy vọng càng vô vọng".
Chính sách hợp đồng là bất cập và tội nghiệp đối với giáo viên |
Trong tình cảnh đó, một số giáo viên không đủ kiên nhẫn nên đã chuyển đi, như cô Nguyễn Thị Ngọc Hồng (môn Địa lý) giáo viên hợp đồng 2531 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Anh) đã đi tìm công tác khác phù hợp hơn.
Thầy giáo Võ Tiến Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kỳ Lâm vô cùng lo lắng vì “Nếu đội ngũ giáo viên hợp đồng trường chúng tôi mà bỏ hợp đồng thì trường vốn đã khó khăn sẽ càng thêm khó khăn hơn!”.
Hiện tại trên đại bàn Hà Tĩnh, đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng ở các cơ sở giáo dục phải trên ngàn người. Họ hợp đồng và hy vọng được biên chế.
Nhưng hợp đồng rất bấp bênh và không hiếm những chuyện đau lòng diễn ra, như tại Kỳ Anh trước đây chấm dứt với hàng trăm giáo viên hợp đồng đẩy họ vào tình cảnh dở khóc, dở cười.
Gần đây, 265 nhân viên Kế toán và Y tế học đường đã hợp đồng từ 7 đến 13 năm có nguy cơ mất việc.
Vừa qua, tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Sở Nội vụ xem xét 265 trường hợp hợp đồng này và dừng lại chưa thực hiện Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Lao động hợp đồng trong các cơ sở giáo dục đang đặt ra nhiều vấn đề, cần phải có quan điểm, cách giải quyết nhất quán, đúng luật, đảm bảo ổn định công tác và chế độ lâu dài cho người lao động.