Các thầy cô chọn nghề dạy học rồi thi nhau "chạy" cũng chỉ là để ...có danh phận

26/03/2018 07:18
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Ước muốn trở thành thầy cô giáo để có danh phận trong xã hội. Đó là ý nguyện căn bản và chính đáng của một con người.

LTS: Bàn về câu chuyện tại sao giáo viên cứ nhất định phải chạy biên chế hoặc ít nhất có hợp đồng làm việc tại các cơ quan trường học, thầy giáo Nguyễn Văn Lự tiết lộ những nguyên nhân khác nhau.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chạy biên chế nhà nước hoặc hợp đồng trong cơ quan nhà nước mà trường học là một mảnh đất đắc lợi của cả người kí tuyển dụng và người được tuyển cho dù mới có 1 ít bằng chứng được đưa ra, hoặc vài vụ việc đang điều tra.

Xã hội nào, nghề dạy học vẫn là nghề thiên lương và cao cả. Mong ước được làm nghề rất chính đáng và nỗ lực theo đuổi, tận tâm với nghề của nhiều phụ huynh và học sinh hiện nay làm chúng ta mến phục.

Những con số, những tên người, tên địa danh Krông Păk, Yên Định,.. đã và vẫn còn sục sôi trên báo chí và trong lòng người.

Vì sao những giáo sinh sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đổi lấy nghề dạy học với mức lương chỉ đủ sống kham khổ?

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng bài "Học sư phạm xong, không xin được việc thì biết làm gì?" của Thùy Linh [1] và bài "Giải mã chuyện mất hàng trăm triệu chỉ đổi lấy lương 1 triệu đồng mỗi tháng" của Đăng Bình[2], tác giả Đỗ Quyên nêu còn phải chạy chất lượng[3]...

Đối thoại với thầy cô hợp đồng, chúng tôi rất đồng cảm với quyết định của đồng nghiệp.

Nhận thức của họ đúng nhưng vì sao họ lại đến nông nỗi bị bỏ rơi? Thầy cô tự tin theo đuổi nghề giáo bằng mọi giá có thể vì những lí do chủ quan và khách quan sau:

- Những thầy cô dũng cảm xin việc (trừ cậu ấm, cô chiêu) đều yêu nghề và rất chuyên chú vào chuyên môn.

- Dạy học là nghề kiếm sống như bao nghề khác. Không còn nhiều người nghĩ là nghề cao quý nhưng họ sẽ làm hết sức mình để xứng đáng làm thầy.

Họ đam mê, rất đam mê nghề dạy học như nhiều người trong xã hội ngày nay.

- Tiếc công sức và tiền bạc mấy năm để học nghề sư phạm. Không muốn bỏ phí đồng tiền và thời gian vài năm đó để đi tìm việc khác.

Những người dám cất kỹ tấm bằng sư phạm như một kỷ niệm, như một chuyến học khôn là phần lớn chưa yêu nghề sư phạm thật sự khi quyết định vào học.

Các thầy cô chọn nghề dạy học rồi thi nhau "chạy" cũng chỉ là để ...có danh phận ảnh 1“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”

- Ngành sư phạm còn thiếu nhiều, người ta công bố vậy, và cơ hội tìm việc luôn tiềm năng.

Việc xin biên chế rất dễ dàng, hợp đồng càng dễ; thi vào trường quá nhẹ nhàng và tuyển vào bao nhiêu ra bấy nhiêu với điểm hồ sơ ngon lành.

Sư phạm là sân chơi dành cho mọi đối tượng, từ cao cấp đến bình dân, từ học khá đến trung bình.

- Ước muốn trở thành thầy cô giáo để có danh phận trong xã hội. Đó là ý nguyện căn bản và chính đáng của một con người. Duy nhất chỉ nghề dạy học, lúc còn giảng dạy hay khi nghỉ hưu, người ta còn chào gọi là thầy!

- Một số thầy cô giáo muốn được làm thầy cô để ổn định công việc, để hợp lý hóa gia đình.

Lấy vợ giáo viên thời nay đang là mốt của nam giới có thu nhập và việc làm ổn định. Lấy chồng giáo viên cũng được nhiều phụ huynh chọn mặt gửi con gái.

Thầy cô ít có cơ hội va đập cái xấu và phải giữ danh dự cho mình. Thầy cô có điều kiện quản lí gia đình và chăm sóc nuôi dạy con con hơn.

- Người ta chọn nghề dạy học nhàn nhã, lịch sự và thiên lương trong sáng, thời nào cũng được tôn trọng và kính nể. Chỉ ai làm thầy mới hiểu độ gian khổ tỉ lệ thuận với thâm niên.

- Cũng có người lấy dạy học làm “nghề phụ” để họ làm việc khác hay dạy gia sư… Muốn dạy ngoài, nhất thiết họ phải là thầy cô giáo, thậm chí, còn đi thi và được nhiều danh hiệu dạy giỏi để khẳng định chuyên môn của mình.

- Không mấy ai nghĩ gì đến đồng lương bèo bọt có như không và cả số tiền khủng chạy hợp đồng.

Ở nơi thị thành, chỉ vài năm họ có thể lấy lại khoản đầu tư nhưng nơi khó khăn, thôn quê thì không ai dám nghĩ đến lấy lại số tiền đó.

- Họ xin vào dạy hợp đồng còn để nuôi hi vọng một ngày kia sẽ mọi sự thay đổi và tương lai gia đình nhà giáo mẫu mực sẽ là niềm tự hào của con cháu…

- Họ tin mình, tin vào cơ hội thi tuyển viên chức giáo dục. Vừa học vừa làm, vừa tích lũy tiền trả nợ; vừa học thêm bằng cấp, củng cố tri thức, kinh nghiệm giảng dạy vừa nuôi hi vọng sẽ được dự thi và thi sẽ đỗ, sẽ là biên chế chính thức.

- Có người theo nghề vì sắp đặt của bố mẹ hay người thân.

Các thầy cô chọn nghề dạy học rồi thi nhau "chạy" cũng chỉ là để ...có danh phận ảnh 2Tại sao giáo viên cứ phải cắm đầu “chạy” vào biên chế?

- Cũng có người không thể làm việc nào khác vì nhiều lí do đành cố mà lo tiền chạy.

Năm tháng qua đi, vận đổi người đi, luân chuyển và lo lắng dần tăng lên, dần mờ mịt như hình bóng người giúp đỡ mình khi họ nghỉ hưu hay chuyển công tác.

Cái giá của bản hợp đồng chỉ còn là những bài soạn thâu đêm, việc chồng chất và mối lo nhức nhối: nhỡ ra, không khéo bị dừng, bị chuyển trường…

Xử lí quan hệ khéo léo, hăng say công việc và giữ gìn ý tứ, khuôn phép và tận tụy có lẽ là cách tốt nhất của thầy cô duy trì hợp đồng.

Hiện tượng cô giáo bị quỳ nhận lỗi ở trường Bình Chánh, Long An; cô giáo bị bóp cổ ở Bến Tre; thầy Đặng Minh Thủy bị hành hung ở Nghệ An…không còn là cá biệt, đơn lẻ.

Việc sa thải giáo viên dư thừa đủ tiêu chuẩn hay không đủ tiêu chuẩn, hợp đồng hợp pháp hay không hợp pháp vẫn còn quyết liệt ở nhiều địa phương cả nước.

Vì sao các thầy cô không thể phản kháng quyết liệt? Họ sợ liên lụy, sợ mất việc hay sợ điều chuyển đi trường xa?

Điều gì làm những trí thức kia phải im lặng ai cũng hiểu. Ngay cả trường tư thục, thân phận thầy cô nào cũng mỏng manh dễ vỡ.

Công việc là cuộc sống, là tất cả của người thầy dạy học. Một điều nhịn, chín điều lành, nhiều người Việt ta vẫn nghĩ và làm thế chứ đâu chỉ riêng nhà giáo.

Mấy năm nay, việc tuyển dụng giáo viên đã bão hòa, kể cả các tỉnh miền núi.

Các thầy cô chọn nghề dạy học rồi thi nhau "chạy" cũng chỉ là để ...có danh phận ảnh 3Chúng ta còn muốn duy trì hệ đào tạo cao đẳng sư phạm đến bao giờ?

Việc tuyển dụng lại càng chặt chẽ và khó khăn hơn khi hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp sư phạm trong khi trăm người chọn vài suất, thậm chí có nhiều môn, nhiều cấp không có chỉ tiêu.

Do nhu cầu việc làm của công dân và thực tế thiếu giáo viên, do cơ chế xin cho và luật pháp chưa nghiêm,… nên vấn nạn chạy việc chưa biết bao giờ chấm dứt.

Người ta rỉ tai nhau đại loại: biên chế chục ngàn đô, hợp đồng dài hạn vài ngàn, chuyển trường vài ngàn… Nghĩa là chạy việc như canh bạc may rủi, thắng thua. 

Thầy cô thất nghiệp vừa đáng thương lại cũng vừa đáng trách.

Chúng ta hi vọng Chính phủ kiến tạo rồi sẽ có giải pháp và hành động kịp thời, thấu tình đạt lí sau khi tạm dừng việc hủy hợp đồng của thầy cô.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoc-su-pham-xong-khong-xin-duoc-viec-thi-biet-lam-gi-post184397.gd

[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giai-ma-chuyen-mat-hang-tram-trieu-chi-doi-lay-luong-1-trieu-dong-moi-thang-post184525.gd

[3]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Day-la-cac-ly-do-khien-nguoi-ta-muon-lam-thay-thi-phai-chay-post184561.gd

Nguyễn Văn Lự