LTS: Nhân dịp kỷ niệm 215 năm ngày mất của danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1803-2018), một vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc, tác giả Đặng Việt Thủy gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, nhà văn. Ông là con đầu của Ngô Thì Sĩ, quê ở làng Tó, huyện Thanh Oai, nay là xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Gia đình họ Ngô tuy nghèo, nhưng ai cũng có chí học hành.
Năm 1775, Ngô Thì Nhậm đỗ Tiến sĩ, làm quan tại triều Lê - Trịnh giữ chức Hộ khoa cấp sự trung, trông coi các công việc chi tiêu thuế khóa.
Sau đó, ông trải qua các chức quan ở đạo Sơn Nam, đạo Thái Nguyên.
Bấy giờ phủ chúa có nhiều chuyện rối loạn. Trịnh Sâm phế bỏ con trưởng là Khải, lập con thứ là Cán còn nhỏ tuổi làm thế tử.
Trịnh Sâm chết, kiêu binh nổi lên phế Trịnh Cán, đưa Trịnh Khải lên thay. Triều đình lộn xộn, lòng dân ly tán. Ngô Thì Nhậm bỏ quan về ở ẩn, viết sách Xuân Thu quảng kiến.
Năm 1786, Tây Sơn ra Bắc Hà dẹp Trịnh, trao chính quyền cho vua Lê. Ngô Thì Nhậm được Lê Chiêu Thống mời ra giữ chức Hiệu thư, đồng thời làm việc ở Quốc sử quán.
Nhưng Lê Chiêu Thống hèn nhát, bị Nguyễn Hữu Chỉnh lôi kéo, chống đối Tây Sơn. Quân Tây Sơn lại ra Bắc lật đổ tập đoàn Lê Chiêu Thống, xây dựng chính quyền mới.
Ngô Thì Nhậm được Trần Văn Kỷ giới thiệu với Nguyễn Huệ. Ông rất được trọng dụng, được phong chức Tả thị lang Bộ Công, tước Tình Phái hầu, cùng Ngô Văn Sở ở lại Thăng Long ổn định tình hình Bắc Hà.
Từ đây, Ngô Thì Nhậm thực sự phát huy hết tài năng, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.
Ngô Thì Nhậm - vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc của Vua Quang Trung (Ảnh minh họa: baobinhphuoc.com.vn). |
Cuối năm Mậu Thân - 1788 tại Phú Xuân, nhận được tin tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông - Quảng Tây) là Tôn Sĩ Nghị vâng lệnh vua Càn Long đã đem 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta, vin cớ là khôi phục nhà Lê theo lời cầu cứu của Lê Chiêu Thống, và quân giặc đã tiến vào Thăng Long, Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi lập tức thống lĩnh đại quân kéo ra Bắc.
Mặc dù hoàn toàn vững tin vào thắng lợi của mình, song với tầm nhìn chiến lược, Quang Trung đã thấy trước vai trò quan trọng của hoạt động ngoại giao trong việc củng cố nền độc lập dân tộc sau chiến thắng về quân sự. Ông nói rõ với các tướng sĩ, trong đó có Ngô Thì Nhậm:
"Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày, có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù.
Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào làm như vậy.
Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi binh đao, không phải là Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được.
Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì chúng?" (Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, H. 2006, tr.357).
Trước đó, được tin quân Thanh cho 29 vạn quân sang xâm lược nước ta. Ngô Thì Nhậm chủ động đề xuất ý kiến rút quân ra khỏi Thăng Long vào Thanh Hóa (bao gồm Ninh Bình và Thanh Hóa), lập phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, đợi Nguyễn Huệ ra phối hợp phản công. Ông cũng viết chiếu lên ngôi cho Nguyễn Huệ gửi vào Phú Xuân.
Đúng như dự kiến của Ngô Thì Nhậm, vua Quang Trung dừng chân ở Tam Điệp, lấy Tam Điệp làm điểm xuất phát tấn công tiêu diệt quân Thanh ở Ngọc Hồi - Đống Đa. Sau chiến thắng Đống Đa, Ngô Thì Nhậm được giao nhiệm vụ ngoại giao với nhà Thanh.
Năm 1790, ông làm Thượng thư Bộ Binh, rồi làm Tổng tài Quốc sử quán. Năm 1793, ông làm Chánh sứ sang Trung Quốc (thời Thanh).
Thấu hiểu được tầm quan trọng của chiến lược bang giao láng giềng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đặc biệt là với Trung Quốc; để tránh xảy ra những cuộc "đụng chạm" binh đao tiếp theo với nhà Thanh sau trận quyết chiến mùa Xuân năm Kỷ Dậu - 1789, duy trì hòa bình, ổn định phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, củng cố quốc phòng, vua Quang Trung đã sớm suy tính đến việc "hàn gắn" quan hệ với các quốc gia láng giềng, mà trước hết là với nhà Thanh.
Sau chiến thắng vang dội đó, Quang Trung rút về Phú Xuân, để Ngô Thì Nhậm ở ngoài Bắc và trao cho ông trọng trách đảm đương công việc ngoại giao với nhà Thanh.
Trước hết, Ngô Thì Nhậm đã nhân danh vua Quang Trung viết Biểu trần tình về sự kiện đầu năm Kỷ Dậu gửi vua Càn Long nhà Thanh. Tờ biểu có đoạn viết:
"Đốc bộ đường Tôn Sĩ Nghị là đại thần giữ bờ cõi, không biết xét rõ tình hình nơi xa, duyên do nhà Lê mất nước và duyên cớ tôi ra Thăng Long tâu rõ với hoàng đế để hoàng đế phân xử, cho bờ cõi được yên ổn, mầm loạn bị dẹp tắt.
Trái lại chỉ nghe lời người dèm pha, xé vứt tờ biểu của tôi xuống đất, truyền hịch trong cõi, lấy cớ là khôi phục nhà Lê, rồi đem binh qua cửa ải, những toan cắt cỏ trừ tận gốc, đã giết hại bừa bãi để tỏ lòng tham.
Tôi ở nơi hẻo lánh cuối trời, đường sá xa xăm, không biết việc này có phải do Hoàng đế sai bảo hay không, hay do bề tôi ngoài bờ cõi tự tiện giả mạo mệnh vua để lập công...
Ngày mồng 5 tháng giêng năm nay, tiến ra Thăng Long, vốn còn mong Tôn Sĩ Nghị nghĩ lại, may ra lấy ngọc lụa thay can qua, chuyển binh giáp làm hội áo xiêm, tôi khẩn khoản xin yết kiến nhưng không hề được trả lời.
Hôm đó binh lính của Sĩ Nghị đến đón đánh trước, vừa mới giao phong đã tháo chạy tan tác, dẫm lên nhau mà chết, thây đầy ruộng, lấp cả sông ngòi...
Mười điểm nổi bật về thiên tài quân sự của Hoàng đế Quang Trung |
Tôi trộm nghĩ trong khoảng binh đao, thánh nhân cũng cho là vạn bất đắc dĩ. Đại hoàng đế ở sâu chín tầng, công việc ngoài bờ cõi, Tôn Sĩ Nghị chưa từng tâu lên, che lấp tai trời, đến nỗi cơ sự vỡ lở nhường ấy. Tôi thực đâu dám đem càng bọ ngựa chọi với bánh xe.
Chỉ vì cửa trời xa muôn dặm, động một tí là bị kẻ bày tôi ngoài ải hiếp đáp, không sao nhịn được, thành ra có vẻ dường như chống lại Thiên triều." (Ngô Thì Nhậm, Biểu trần tình. Dẫn theo Phụ lục 1 sách của Nguyễn Thế Long, Bang giao Đại Việt - Triều Tây Sơn, Nxb Văn hóa - Thông tin, H.2005, tr. 25-27).
Lời lẽ trong tờ biểu hết sức nhún nhường, mềm mỏng nhưng vẫn nêu cao chính nghĩa của ta, lên án tội ác của giặc, tỏ rõ sức mạnh của quân Tây Sơn và sự thảm bại của địch.
Đặc biệt, tờ biểu "quy" mọi tội lỗi gây ra chiến tranh là do Tôn Sĩ Nghị "tự tiện giả mạo mệnh vua để lập công".
Đây là một chiến thuật ngoại giao rất khôn khéo nhằm giữ thể diện cho vua Càn Long, làm cho vị hoàng đế này dễ từ bỏ ý định phục thù và cũng có thể dễ chấp nhận chuyển từ đối đầu quân sự sang đối thoại văn hóa để thiết lập lại quan hệ bang giao giữa Đại Thanh và Đại Việt.
Không những vậy, tờ biểu với những lời nhún nhường hơn nữa, đề nghị vua Thanh chính thức phong cho Quang Trung làm An Nam quốc vương.
Cuối cùng, tờ biểu ngụ ý nhắc khéo vua Thanh rằng, nếu yêu cầu của vua Quang Trung không được chấp nhận, lẽ phải không được thực hiện, thì vua Thanh phải chịu trách nhiệm về những hậu quả có thể xảy ra:
"Thiên triều to lớn, khi nào lại thèm kể sự được thua với nước rợ nhỏ và lại dùng vũ lực hại dân, chắc là lòng chí nhân không nỡ.
Còn nếu vạn nhất mà việc binh cách kéo dài không dứt, tình thế vỡ lở, tôi không được phận nước nhỏ mà thờ nước lớn thì tôi cũng đành phó mặc mệnh trời mà không dám biết tới vậy". (Ngô Thì Nhậm, Biểu trần tình. Sđd, tr.28).
Do tác động mạnh của Biểu trần tình và cũng do nghe theo lời can của viên quan đại thần gần gũi là Hòa Thân đại ý rằng:
"Từ xưa đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ đắc ý với nước Nam. Các triều Tống, Minh, Nguyên cuối cùng cũng đều thua chạy, gương đó vẫn còn rành rành" (Nguyễn Thế Long, Sđd, tr. 30).
Vua Càn Long đành từ bỏ ý định huy động 50 vạn quân của 9 tỉnh sang đánh trả thù việc thua trận đầu Xuân Kỷ Dậu vừa qua và tỏ ý sẵn sàng tiếp một sứ bộ ngoại giao chính thức của Tây Sơn để lập lại quan hệ bình thường giữa hai nước.
Công việc về phía nhà Thanh do Hòa Thân và Phúc Khang An thu xếp. Phúc Khang An, người Mãn Châu là tay chân thân cận của vua Càn Long được cử làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, huy động 50 vạn quân của 9 tỉnh chuẩn bị sang trả thù.
Phúc Khang An được Thang Hùng Nghiệp báo cáo tình hình sức mạnh của Tây Sơn, việc đại bại của Tôn Sĩ Nghị, cân nhắc và muốn chấm dứt chiến tranh với Việt Nam, đã cử người bí mật thương thuyết với Tây Sơn và tìm một người trong triều được vua Càn Long tin dùng là Hòa Thân để khuyên vua Càn Long không nên động binh nơi biên cương. Vì vậy, Hòa Thân đã có lời khuyên như trên với vua Càn Long.
Về phía Việt Nam, lúc này vua Quang Trung đã vào Nam, việc ngoại giao do Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích lo liệu.
Tháng 4 năm Kỷ Dậu (1789), một sứ bộ Tây Sơn do cháu vua Quang Trung là Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu đã sang Yên Kinh dâng biểu xin phong vương và triều cống.
Sứ bộ có Ngô Văn Sở, Võ Huy Tấn, Ngô Vi Quý, Nguyễn Đình Cừ, Nguyễn Văn Danh... cùng đi.
Việc đón tiếp sứ bộ Tây Sơn ở tất cả các nơi đều rất long trọng. Khí sứ bộ ra về, để tỏ tình thân mật yêu quý vua Quang Trung, vua Càn Long gửi tặng vua Quang Trung một chuỗi ngọc trân châu.
Khoảng tháng 8 năm đó, vua Càn Long sai sứ mang mang sắc phong sang chính thức phong Quang Trung làm An Nam quốc vương.
Lời lẽ trong sắc phong tuy vẫn lên mặt nước lớn, song bằng việc phong Quang Trung làm An Nam quốc vương, về thực chất, vua Thanh đã công khai tuyên bố thừa nhận độc lập, chủ quyền của nước ta.
Tiếp đó Ngô Thì Nhậm còn viết nhiều thư biểu khác gửi vua quan nhà Thanh đòi bỏ lệ cống người vàng và đòi bảy châu ở Hưng Hóa mà trước kia nhà Minh đã lấn chiếm của Đại Việt.
Vua Càn Long (Ảnh minh họa: baophapluat.vn). |
Năm 1790, nhân dịp mừng thọ 80 tuổi của mình, vua Càn Long đã giao cho Phúc Khang An gửi dụ mời vua Quang Trung sang Yên Kinh.
Mẹ vua Quang Trung lúc này vừa mất, lấy lý do đó vua Quang Trung không thể sang chầu được.
Ngô Thì Nhậm dẫn đầu một sứ bộ lên biên giới bàn bạc với phái bộ Phúc Khang An và cho họ biết vua đang chịu tang không thể đi được.
Sợ mất thể diện của thiên triều, phái bộ Phúc Khang An đưa ra một "diệu kế". "Diệu kế" đó là phía Tây Sơn sẽ cử một người đóng giả vua để sang Yên Kinh và báo cho vua Càn Long là vua Quang Trung sẽ sang.
Sứ bộ gồm 159 người do Phạm Công Trị - cháu vua Quang Trung - đóng giả vua dẫn đầu.
Giữa năm 1790, khi đón tiếp vua Quang Trung (giả) sang Yên Kinh, vua Càn Long thân làm bài thơ tặng vua Quang Trung, lời lẽ hòa dịu, trong đó đặc biệt có câu ghi nhận việc bãi bỏ lệ cống người vàng:
"Thắng triều vãng sự bỉ kim nhân" (Đời xưa đáng bỉ việc kim nhân, nghĩa là nhà Thanh cho rằng việc triều trước đã bị diệt, cống người vàng là đáng khinh bỉ).
Trong việc nối lại bang giao giữa hai nước, có công lao rất to lớn của Ngô Thì Nhậm. Đây là một công việc hết sức khó khăn và vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm đảm trách công việc khó khăn đó.
Ngô Thì Nhậm đã không phụ sự tin cậy của nhà vua, ông đã tỏ rõ là một nhà ngoại giao kiệt xuất.
Ông trực tiếp thảo thư, vạch kế hoạch rồi tự mình một năm ba lần lên ải Nam Quan (Nhất niên tam độ đáo Nam Quan) để gặp các quan lại nhà Thanh bàn chuyện giao hảo giữa hai nước.
Do hiểu ta, hiểu người, rất kiên quyết về nguyên tắc nhưng lại rất linh hoạt, mềm dẻo trong ứng xử để giữ thể diện cho "thiên triều", ông từng bước làm cho triều đình nhà Thanh nể phục.
Như vậy, chủ trương "khéo lời lẽ dẹp binh đao" của vua Quang Trung chính là dùng đối thoại văn hóa - nói theo ngôn ngữ ngày nay - thay cho tiếp tục đối đầu quân sự, Chủ trương ấy đã được Ngô Thì Nhậm hoàn thành một cách xuất sắc, xứng đáng với niềm tin "việc ấy chẳng phải là Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được" như vua Quang Trung đã từng nói.
Nó không những góp phần chặn đứng ý đồ nhà Thanh phát binh trả thù Tây Sơn, mà còn thiết lập quan hệ bang giao thân thiện giữa hai nước.
Ngô Thì Nhậm không chỉ là vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc của vua Quang Trung, ông còn có những đóng góp khác qua việc khuyến nông và lập nhà học ở làng xã để củng cố tiềm lực quốc phòng và nâng cao thế nước.
Giữa lúc Ngô Thì Nhậm đang được vị minh chúa nâng đỡ và tin dùng với bao kỳ vọng lớn lao thì một biến cố xảy ra.
Ngày 16-/9/1792, Hoàng đế Quang Trung, vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự lỗi lạc, một danh tướng bách chiến bách thắng, đột ngột qua đời.
Con của Hoàng đế Quang Trung là Quang Toản lên nối ngôi. Từ đó, cuộc khủng hoảng trong nội bộ triều Tây Sơn diễn ra ngày càng trầm trọng khiến cho sức mạnh quốc phòng nhanh chóng bị tiêu hao.
Trên danh nghĩa, vua Quang Toản vẫn trọng dụng Ngô Thì Nhậm, nhưng sự chia bè kết cánh trong triều đình làm cho ông không phát huy được tài năng.
Giữa nhiễu nhương của thời cuộc, ông trở về quê bên bờ sông Nhuệ, dành phần nhiệt huyết còn lại cho học thuật và đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm giá trị.
Tác phẩm còn lại có: Hi Doãn thi văn tập, Hoàng Hoa đồ phổ, Xuân Thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Hải Đông chí lược. Ông là một trong các tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí.
Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại Quang Toản của triều Tây Sơn, lập nên vương triều Nguyễn, đã thi hành một chính sách trả thù cực kỳ tàn bạo đối với nhà Tây Sơn và những người đi theo Tây Sơn.
Ông cùng với Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan bị bắt giam, đánh đòn ở Văn Miếu, Thăng Long. Vì bị đánh hiểm nên mấy ngày sau Ngô Thì Nhậm đã qua đời (năm Quý Hợi - 1803), hưởng thọ 57 tuổi.
Ngô Thì Nhậm mất đi nhưng ánh sáng tỏa ra từ cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn còn mãi.
Ông là một bậc khoa bảng thức thời, đã cống hiến trọn vẹn tài năng đa dạng cho sự nghiệp chiến đấu chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.
Ông thực sự là một danh nhân quân sự mưu lược thời Tây Sơn quật khởi.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyến Thế Long, Bang giao Đại Việt - Triều Tây Sơn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội - 2005.
- Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Việt Nam - Các nhân vật lịch sử, văn hóa, Cục bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng, Hà Nội - 2008.
- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2006.