"Ngoại giao thảm họa" và bàn thua trông thấy của Trung Quốc

15/11/2013 13:40
Hồng Thủy (Nguồn: SCMP)
(GDVN) - Trung Quốc liên tục nhắc đến quyền lực mềm nhưng lãnh đạo nước này đã không thực sự có được nó. Thay vào đó Bắc Kinh vẫn tiếp tục dựa vào các đòn bẩy ngoại giao quốc gia cổ điển dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự. Trung Quốc vẫn nghĩ rằng có thể nhận được điều họ mong muốn theo cách của họ thông qua sự ép buộc.
Mỹ là nước viện trợ nhanh nhất và nhiều nhất giúp Philippines khắc phục hậu quả siêu bão Haiyan.
Mỹ là nước viện trợ nhanh nhất và nhiều nhất giúp Philippines khắc phục hậu quả siêu bão Haiyan.
Bưu điện Hoa Nam ngày 15/11 dẫn phân tích của hãng AP cho biết, nỗ lực viện trợ nhanh chóng và rộng rãi của Mỹ trong việc giúp đỡ Philippines khắc phục hậu quả siêu bão Haiyan đã khôi phục lại uy tín của Washington ở châu Á, trong khi phản ứng chậm chạp và "khiêm tốn" của Bắc Kinh được xem như một bàn thua, một cơ hội bị Trung Quốc bỏ lỡ. Sức hủy diệt khủng khiếp của siêu bão Haiyan có ảnh hưởng địa chính trị rất lớn trong khu vực. 2 cường quốc Mỹ, Trung Quốc tiếp tục tranh giành ảnh hưởng trên địa bàn này và theo các nhà quan sát, chính sách ngoại giao viện trợ đang giúp Washington bù đắp lại tổn thất uy tín trước đó sau khi Obama hủy chuyến công du quan trọng tới Đông Nam Á và bỏ 2 hội nghị thượng đỉnh quan trọng hồi tháng trước. Bắc Kinh ngược lại đã để lỡ cơ hội ghi điểm trong mắt khu vực và cộng đồng quốc tế với vai trò là một nước lớn. Ban đầu, Trung Quốc công bố khoản viện trợ vỏn vẹn 100 ngàn USD vào hôm thứ Hai sau khi bão Haiyan đổ bộ vào Philippines từ thứ Sáu tuần trước, phản ứng muộn màng với số tiền "đội sổ" danh sách viện trợ khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Hôm qua Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc sẽ cấp thêm 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,64  triệu USD) viện trợ thêm cho Philippines bằng vật tư. Ngay cả khi tăng thêm một cách muộn màng, số tiền Bắc Kinh ủng hộ Philippines vẫn bị lu mờ so với những nỗ lực của Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác.
Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố khoản viện trợ hôm thứ Hai và viện trợ bổ sung hôm qua 14/11 cho Philippines, một phản ứng đã làm mất điểm trong con mắt cộng đồng quốc tế và khu vực.
Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố khoản viện trợ hôm thứ Hai và viện trợ bổ sung hôm qua 14/11 cho Philippines, một phản ứng đã làm mất điểm trong con mắt cộng đồng quốc tế và khu vực.
Trung Quốc đã thực sự gây tổn hại tới uy tín của mình chỉ vì không dứt khoát trong việc giúp đỡ láng giềng gặp hoạn nạn trong khi vấn đề Biển Đông và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi trong nước được xem là rào cản giữ chân Bắc Kinh trong các phản ứng trước thảm họa ập xuống đầu người dân Philippines. "Chủ nghĩa dân tộc (cực đoan, hẹp hòi) rất mạnh mẽ ở Trung Quốc và người dân có thể rất hận thù. Việc Trung Quốc cung cấp 'quá nhiều viện trợ' giúp Philippines có thể dẫn đến những chỉ trích từ người dân, vì vậy hoạt động ngoại giao công cộng của Trung Quốc ảnh hưởng nặng bởi dư luận trong nước", Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Truyền thông quốc tế thuộc học viện Ngoại giao Trung Quốc nhận xét. Tuy nhiên theo Rory Medcalf, Giám đốc chương trình An ninh quốc tế tại viện Lowy ở Úc đánh giá điều này rất có hại đối với hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực khi Bắc Kinh đã không phản ứng nhanh hơn và viện trợ nhiều hơn giúp đỡ Philippines, một cơ hội lấy lại ảnh hưởng trong khu vực đã bị bỏ lỡ. Medcalf cho rằng ấn tượng này sẽ kéo dài, "ngoại giao thảm họa" sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ về những nước nào có ảnh hưởng trong khu vực cũng như mức độ hợp tác và lòng trung thành giữa các quốc gia.
Người dân Philippines sống sót sau bão Haiyan cầu cứu sự giúp đỡ.
Người dân Philippines sống sót sau bão Haiyan cầu cứu sự giúp đỡ.
Zheng Yongnian, một nhà phân tích chính trị tại đại học Quốc gia Singapore cho biết Trung Quốc vẫn còn thiếu một tư duy chiến lược. Bắc Kinh đã thua xa Washington trong lĩnh vực quyền lực mềm, giành lấy trái tim và tâm trí của đối tác thông qua văn hóa, giáo dục và các hình thức ngoại giao phi truyền thống, trong đó hỗ trợ khẩn cấp là thành phần chủ đạo. Học giả này nhận định, mặc dù giới phân tích Trung Quốc liên tục nhắc đến quyền lực mềm nhưng lãnh đạo nước này đã không thực sự có được nó. Thay vào đó Bắc Kinh vẫn tiếp tục dựa vào các đòn bẩy ngoại giao quốc gia cổ điển dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự. Trung Quốc vẫn nghĩ rằng có thể nhận được điều họ mong muốn theo cách của họ thông qua sự ép buộc. Richard Heydarian, một giảng viên khoa học chính trị tại đại học Ateneo De Manila của Philippines nói rằng phản ứng của Washington sẽ cung cấp một cơ hội lớn để Mỹ tăng cường ảnh hưởng tại Philippines. Ngay cả sự hiện diện của Nhật Bản cũng gia tăng điểm số cho Tokyo, mặc dù trước đây Nhật Bản đã từng xâm lược Philippines.

Hồng Thủy (Nguồn: SCMP)