LTS: Chủ trương hỗ trợ gạo cứu đói cho những địa phương khó khăn là một chủ trương giàu ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, tác giả Lê Xuân Chiến cho rằng việc triển khai còn một số vấn đề.
Cụ thể là về xác minh, đánh giá các tỉnh thực sự khó khăn còn chưa được lưu tâm, khiến một số nơi nảy sinh tâm lý ỷ lại, "cứ cho là xin" và "cứ xin là cho".
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Dân gian có câu “Một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ”. Phải chăng vì tâm lý này mà một số tỉnh thích xin “miếng thịt” làng, trong khi địa phương mình có thể tự lo được?
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), đến ngày 06/01/2017 có 12 tỉnh gửi tờ trình về trung ương xin hỗ trợ gạo cứu đói dịpTết Nguyên đán 2017 và 3 tỉnh xin gạo cứu đói mùa giáp hạt với tổng số khoảng 17.000 tấn gạo, gấp 2 lần số lượng bình quân các năm trước.
Con số này có thể tăng lên nữa cho đến ngày 25/1/2017, thời hạn cuối cùng của việc hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên đán 2017.
Lý do chung của các tỉnh xin hỗ trợ gạo là tình hình đời sống một bộ phận người dân hiện đang rất khó khăn bởi năm qua xảy ra lũ lụt, hạn hán, mất mùa, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... rất nặng nề.
Biếm họa minh họa của KAP trên Zing.vn |
Trên thực tế còn rất nhiều tỉnh khó khăn, thậm chí khó khăn hơn các tỉnh đã xin hỗ trợ nhiều lần nhưng họ không xin trung ương hỗ trợ mà chủ động nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ, chăm lo Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, chẳng hạn như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Sơn La...
Trong khi đó, một số tỉnh có GDP tăng trưởng khá, là tỉnh chuyên trồng lúa, không chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nhưng vẫn xin hỗ trợ.
Thậm chí có vài tỉnh từng xin chủ trương trung ương để xây sân bóng đá hiện đại, khu trung tâm hành chính, tượng đài hàng nghìn tỷ “hoành tráng” nhất nước và khu vực Đông Nam Á, thế nhưng năm nào họ cũng có tên trong danh sách xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết.
Có người chua chát gọi hiện tượng này là “truyền thống của một số địa phương”, “cuối năm, đến hẹn lại đi... xin”, “không xin không ai biết mình nghèo, phải xin”.
Lẽ thường không ai muốn “ngửa tay xin”, bất đắc dĩ mới xin, vì dân nên mới xin.
Ngay cả người nghèo có lòng tự trọng, năm nào cũng để địa phương hỗ trợ tết, họ cũng cảm thấy hỗ thẹn, áy náy. Hay vợ chồng ai đó sau một năm làm ăn, cuối năm phải về nhà nội, ngoại xin gạo thì ngượng vô cùng.
Thế nhưng cũng có vài người không biết ngượng, xin lấy được, thấy người ta xin được nên mình cũng xin theo.
Trả lời báo chí, một vị lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói: “Hầu như không có địa phương nào có tờ trình xin gạo mà các bộ không trình Chính phủ, Thủ tướng không duyệt cấp.
Vì trách nhiệm xác định nhu cầu thiếu đói đã giao cho các địa phương, các cơ quan trung ương sao kiểm tra hết được.
Chúng tôi chỉ đánh giá trên cơ sở địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tôn trọng việc rà soát của địa phương để trình Thủ tướng xem xét. Nếu không trình Thủ tướng để có người dân thiếu đói thì không được” (*)
Vậy mới thấy, việc xác định nhu cầu thiếu đói là của các địa phương, giao cho các địa phương và hễ có xin thì được trung ương đáp ứng. Cơ chế xin - cho đã lộ rõ, có cho nên mới xin, có xin thì mới cho.
17.000 tấn gạo/15 tỉnh, nếu tính bình quân, mỗi tình hơn 1.000 tấn.
Tưởng nhiều nhưng thực ra mỗi tỉnh có hàng chục nghìn hộ nghèo, chia ra mỗi hộ cao lắm thì được 1 bao gạo khoảng 50 kg.
Nhưng dân gian có câu: “Một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ”.
Phải chăng một số tỉnh vì tâm lý này nên thích xin “miếng thịt” làng, trong khi địa phương mình có thể tự lo cho dân được?
Đúng như có người nói “không đủ thì xin, xin cho dân thì chẳng hỗ mặt ai”, nhưng năm nào cũng xin thì cần xem lại. Số hộ nghèo giảm nhưng sao số hộ có cần hỗ trợ gạo cứu đói không giảm?
Vậy thì thoát nghèo bền vững chưa, hay thoát nghèo trên giấy, hay tái nghèo? Một số địa phương xây dựng thành công nông thôn mới nhưng đời sống, thu nhập của người dân có thực sự khá lên không, có quỹ dự trữ phòng chống thiên tai không?
Nhiều tỉnh thu ngân sách mỗi năm hơn chục nghìn tỷ đồng vẫn phải xin Trung ương hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết, lý do họ nêu ra là do thu không đủ bù chi nên cần hỗ trợ.
Vậy cần phải xem lại vấn đề tiết kiệm ngân sách, cần giảm những lễ hội, hội nghị có tiệc tùng, tiếp khách, xe công, đừng để tái diễn những dự án “đắp chiếu”.
Và còn nữa, đừng để diện tích đất nông nghiệp, trong đó có những đồng ruộng “bờ xôi ruộng mật” hàng năm bị san lấp vô tội vạ, trong khi số nhân khẩu ngày càng tăng lên.
Tị nạnh "13 tỉnh làm, nuôi 50 tỉnh", cẩn thận kẻo thấy cây mà chẳng thấy rừng |
Hết nắng hạn thì tới lũ lụt, nhiều người nông dân đâu có hay các nhà máy thuỷ điện xả lũ “đúng quy trình” và họ cũng không ngờ rừng đầu nguồn bị tàn phá đến cạn kiệt, các nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu làm gia tăng hiệu ứng nhà kính. Họ chỉ biết trách... ông trời.
Mong sao con số các tỉnh phải đi xin gạo cứu đói vào cuối năm sau sẽ ít đi. Địa phương muốn xóa đói, thoát nghèo thì người lãnh đạo phải có trách nhiệm, phải năng động, tìm ra kế sách giúp dân có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Mặt khác, phải xây dựng hệ thống chính trị địa phương trong sạch, liêm chính, “nói không” với tham nhũng, lãng phí.
Đồng thời phải biết chi tiêu tiết kiệm, hợp lý, đừng đổ tiền vô tội vạ vào những công trình trăm tỷ, ngàn tỷ lãng phí, chỉ để “hoành tráng” với tỉnh bạn, phô trương hình thức bên ngoài.
Mồ hôi nước mắt của người đóng thuế nộp ngân sách không thể tiêu xài vô cảm.
Người nông dân không thể chờ hàng cứu trợ, ỷ lại có nhà nước lo mà không ra đồng sản xuất.
Tỉnh nghèo, không ai mong muốn, nhưng không thể không tự lực cánh sinh, không thể dịp cuối năm nào cũng gửi công văn về trung ương xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết.
Thiết nghĩ, đối người dân cũng như chính quyền địa phương, cho cái “cần câu” hay hơn cho “con cá”; cho “cách câu” cũng quý chẳng kém gì cho “cầu câu”. Nhưng suy cho cùng, thái độ của người câu mới là quan trọng nhất.
Tài liệu tham khảo
(*) http://www.tienphong.vn/xa-hoi/mot-so-tinh-kho-khan-nhung-khong-xin-gao-cuu-doi-1109345.tpo