Chiều 9/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu có hai loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với dự thảo Luật, theo đó chỉ dẫn chiếu các quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu ở trong dự thảo Luật nhằm nâng cao chất lượng đại biểu.
Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình: Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đã được quy định tại Luật tổ chức Quốc hội và dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương (dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 cùng với dự án Luật bầu cử).
Trên cơ sở các quy định đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, chủ động sàng lọc, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức.
Căn cứ vào đó để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình để bảo đảm chất lượng, từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu.
Các nữ Đại biểu Quốc hội đã có nhiều đóng góp tích cực, là đại diện tin cậy của nhiều cử tri. ảnh: SGGP. |
Thảo luận về dự kiến cơ cấu, số lượng người được giới thiệu ứng cử, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng không quy định cụ thể về số đại biểu Quốc hội được bầu là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số.
Trong luật chỉ quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng người của cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.
Dự kiến số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng phải bảo đảm để có ít nhất là 15% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 30% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Điều 8).
Tuy nhiên qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nâng tỷ lệ này lên ít nhất là 18% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 35% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Nêu quan điểm về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - ông Ksor Phước đề nghị, bên cạnh những nội dung đã được hiến định, dự thảo Luật cần bổ sung quy định phải có ít nhất 3 năm công tác thực tiễn, để phát huy tốt tính đại diện cho nguyện vọng của người dân của đại biểu Quốc hội.
Ông KSor Phước cũng cho biết: "Nhiều dân tộc rất đông nhưng không có đại biểu.
Phải đứng ở vị trí của các dân tộc để thấy họ cảm thấy như thế nào.
Trong khi đó tinh thần Quốc hội khoá 12 chỉ đạo đạt 17-18% tỷ lệ dân tộc thiểu số tham gia đại biểu Quốc hội".
Đồng quan điểm trên, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Cần có quy định để đảm bảo số lượng phụ nữ tham gia vào nghị viện.
Nếu quy định quá thấp thì sẽ không có con số như mong muốn. Nữ nên giới thiệu khoảng 38-40% để có thể bầu được 30%.
Cần nâng tỷ lệ dân tộc và nữ trong đại biểu Quốc hội lên".
Một điểm đáng chú ý khác về về hồ sơ ứng cử đại biểu (Điều 35), có ý kiến đề nghị bổ sung một số loại giấy tờ như phiếu khám sức khỏe, phiếu lý lịch tư pháp.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, tình trạng sức khỏe và việc chấp hành pháp luật cũng như đạo đức, phẩm chất là những tiêu chuẩn đã được quy định trong Luật.
Người ứng cử phải chịu trách nhiệm về phần kê khai của mình về các nội dung này trong hồ sơ ứng cử đại biểu. Việc thực hiện các yêu cầu nói trên trong thực tế vừa qua cũng chưa có vướng mắc gì về hồ sơ ứng cử đối với những người được giới thiệu ứng cử.
Hơn nữa, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là rất nhiều.
Tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là 473.697 người, trong đó ứng cử Đại biểu Quốc hội là 827 người.
Nếu quy định bắt buộc trong hồ sơ ứng cử phải có phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe... sẽ tạo ra thêm rất nhiều thủ tục hành chính cần giải quyết, gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và tài chính cho người ứng cử cũng như cơ quan nhà nước có liên quan.
Do đó, đề nghị Quốc hội không bổ sung các giấy tờ, tài liệu nói trên trong hồ sơ ứng cử đại biểu.
Đối với ý kiến đề nghị cần bảo đảm để người đang bị tạm giam, tạm giữ cũng được thực hiện quyền bầu cử vì về mặt pháp lý những người này chưa bị coi là có tội và không nên bị tước mất quyền bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành.
Đồng thời đề nghị trong luật chỉ quy định người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri.