Tại phiên làm việc sáng nay (9/4)của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Thái Bình đã trình bày báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật tổ chức Chính phủ.
Dự thảo luật có đề cập tới 4 thẩm quyền mới của Thủ tướng Chính phủ:
Thứ nhất, giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm.
Thứ hai, tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, để đảm bảo về vai trò lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, có hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước thì cần quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp khuyết như trên là phù hợp tinh thần Hiến pháp.
Trên thực tế từ trước đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khuyết Chủ tịch UBND (vì lý do sức khỏe, nghỉ hưu, điều đồng công tác) mà HĐND chưa kịp bổ sung Chủ tịch UBND, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chỉ định quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh, khi chức danh này bị khuyết.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Thái Bình trình bày báo cáo giải trình về dự thảo Luật tổ chức Chính phủ sáng 9/4. ảnh: Ngọc Quang. |
Đối với hai nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ quan điểm: “Giao quyền Bộ trưởng hay giao quyền Chủ tịch thì phải ủng hộ Chính phủ. Bây giờ khuyết một ông Bộ trưởng mà chưa trình ra Quốc hội cho nên chưa trình Chủ tịch nước được thì phải giao cho Thủ tướng, vì Chính phủ lãnh đạo các bộ ngành và địa phương”.
Thứ ba, quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân.
Đối với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội nhận định: “Chỗ này rất phức tạp, tổng động viên là chiến tranh hoặc là tình hình an ninh đặc biệt nghiêm trọng báo động toàn quốc, tổng động viên là huy động lực lượng… trong trường hợp đó Thủ tướng được quyền gì, không thể nói chung thế này được.
Chỗ này thì tôi đồng tình nhưng phải ghi cụ thể, bởi vì có những cái quyền vi phạm vào quyền con người, vi phạm quyền công dân, bắt bớ làm này làm kia, tôi thấy không được đâu, cho nên phải ghi rõ”.
Thứ tư, đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu Phó Chủ tịch tỉnh; phê chuẩn, phê duyệt danh sách nhân sự trước khi giới thiệu bầu vào chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng theo quy định của Hiến pháp, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Do đó, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đề nghị không bổ sung nội dung “phê duyệt danh sách nhân sự trước khi bầu” vào dự thảo luật.
Đề cập tới quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ đối phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, phân tích: “Tôi thấy là việc phê duyệt và phê chuẩn là hai hành vi khác nhau. Phê duyệt là để Hội đồng nhân dân bầu, còn phê chuẩn là sau khi bầu xong thì Chính phủ phải phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp.
Theo quy định hiện nay thì Đảng giới thiệu công tác cán bộ và để ra một danh sách bầu thì đi qua một quy trình rất chặt chẽ và có lẽ Thủ tướng cũng phải cho ý kiến về danh sách này trước khi các địa phương bầu nhân sự trước khi bầu. Tôi đề nghị cân nhắc thêm ý này, tôi cho rằng không đưa vào luật để đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, nhưng mà không đưa vào thì Thủ tướng Chính phủ không thể thực hiện quy trình này”.
Đối với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến: “Tôi thấy không cần thiết. Có mấy cái lẽ không cần thiết, Chủ tịch, Phó Chủ tịch… có tiêu chí, có tiêu chuẩn thì phải ghi ở Luật Chính quyền địa phương, chứ không ghi ở đây được.
Thứ hai nữa là quy trình đó do cấp ủy chính quyền địa phương, hội đồng nhân dân, sau đó xin ý kiến Bộ chính trị nếu là Chủ tịch; xin ý kiến Ban Bí thư nếu là Phó Chủ tịch, rồi mới làm quy trình.
Thứ ba là dù Thủ tướng không duyệt trước danh sách, nhưng căn cứ vào tiêu chuẩn mà lại bổ nhiệm không đúng thì Thủ tướng có quyền không phê chuẩn”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội chỉnh lý theo hướng không quy định “Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án, nếu thấy bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật”;
Bỏ quy định: “Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân liên quan đến các cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân, nếu thấy vi phạm pháp luật”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu làm rõ số lượng cấp phó tại các bộ, ngành. ảnh: ANTT. |
Nên chốt cứng hay "co giãn" với cấp phó?
Cho ý kiến vào dự thảo luật, ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng dân tộc đề cập tới trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng.
“Tôi đọc đi đọc lại thì thấy vai trò của Bộ trưởng vẫn chưa toát lên được. Tôi rất muốn làm sao để vai trò của Bộ trưởng rõ ràng. Người ta có thẩm quyền, khi người thực hiện thì không ai can thiệp được và họ phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Cơ chế của ta là tập chung dân chủ thì được rồi, nhưng khi đã phân trách nhiệm cho một bộ nào thì ông Bộ trưởng phải ra quyết định và sai hay đúng thì ông ấy phải chịu trách nhiệm, chứ đừng có để là sau này Quốc hội chất vấn thì có Bộ A, Bộ B cùng tham gia trả lời về một vấn đề thì không rõ ràng. Tôi thấy nếu luật này thông qua thì chưa khắc phục được tình hình này”, ông Phước nói.
Các Tổng cục mà quy định như thế thế (không quá 3 phó - PV) thì rất khó, vì có những Tổng cục quản lý cả một vùng biển rộng hàng triệu km2 mà chỉ có vài ông phó thì rất căng thẳng. Tổng cục ấy mà tách ra thì nó cũng tương đương với một bộ”.
Cùng chung quan điểm với ông KSor Phước, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Rất khó để Quốc hội chấp nhận được nếu chúng ta không quy định khung cụ thể về số lượng cấp phó.
Nhưng tôi đề nghị quy định khung có co giãn uyển chuyển hơn, bởi vì trên thực tế có những bộ quá lớn, mà lại cho một cái khung hẹp như thế này thì liệu đã đảm bảo sự điều hành công việc của Chính phủ hay chưa”.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì phải luật hóa quy định số lượng cấp phó.
"Tôi đề nghị đối với cấp bộ không quá 5 Thứ trưởng, trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã quy định không quá 6. Đối với cấp Tổng cục các đồng chí để 3 thì hơi ít, theo tôi thì để 4, vì Tổng cục quản lý các vùng. Cục thì không quá 3, cấp Vụ thì không quá 2.
Tôi đề nghị các đồng chí cái hàm thì nên để, vì với 4 văn phòng trung ương (Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội – PV) hàm là để thực hiện nhiệm vụ, làm việc theo chế độ chuyên viên cao cấp.
Nhưng mà hàm phó phòng là không được, ở cấp bộ mà hàm Vụ phó là không được, hàm phó sở là không được”.