“Người lính đã hy sinh âm thầm… cho hôm nay những gót chân son”

27/07/2016 06:28
Ths Trương Khắc Trà
(GDVN) - Thử hỏi từ Lũng Cú – Hà Giang cho đến đất Mũi Cà Mau nơi nào không có xương máu của cha anh đã đổ xuống?

LTS: Nhân kỉ niệm 69 năm Ngày thương binh, liệt sĩ, Ths. Trương Khắc Trà có bài viết thể hiện sự trân quý, biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì bình yên của Tổ quốc.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Những ngày này cả nước đang hòa chung không khí tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ (27/7)

Đây là dịp để những người còn sống, đang sống và được sống trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này dâng nén nhang thơm ngát, lẵng hoa tươi thắm đến vong linh những anh hùng liệt sỹ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!

Đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt ta là thế, mãi soi chiếu cho những giá trị hiện tại lẫn tương lai. 

Đất nước hòa bình thống nhất đã hơn bốn thập kỷ nhưng vẫn còn đó những mất mát đau thương hằn in lên đôi mắt người mẹ, những xóm làng vẫn còn vết tích chiến tranh. 

Chiến tranh đã khiến hàng lớp lớp những người con đất Việt ngã xuống trên khắp mọi miền Tổ quốc – có người vẫn chưa tìm thấy hài cốt, những chiến binh còn sống dẫu mang trong mình những mảnh đạn, mảnh bom nhưng họ không hề gục ngã trước nỗi đau thể xác mà vẫn hừng hực khí thế góp công sức xây dựng quê hương.

Xếp nến hình bản đồ Tổ quốc ở nghĩa trang liệt sĩ (Ảnh nguồn: news.zing.vn).
Xếp nến hình bản đồ Tổ quốc ở nghĩa trang liệt sĩ (Ảnh nguồn: news.zing.vn).

Rất nhiều trong số đó đã trở thành những nông dân sản xuất giỏi, anh hùng lao động trong thời kỳ mới như tấm gương Đoàn Văn Khanh ở Tiền Giang, Võ Văn Đặng ở Cà Mau, Nguyễn Văn Tuyên ở Quảng Nam, Dương Văn Sâm ở Bắc Kạn…

Thiết nghĩ, đất nước có ngày hôm nay, mỗi chúng ta được sống trong môi trường thái bình thịnh trị là nhờ sự đánh đổi bằng xương bằng máu của các anh hùng liệt sỹ để lấy từng tấc đất cho Tổ quốc. 

“Người lính đã hy sinh âm thầm… cho hôm nay những gót chân son” ảnh 2

Những bức vẽ xúc động về người mẹ bất tử của dân tộc Việt Nam

(GDVN) - Họ là những người phụ nữ đã hy sinh những gì quý giá nhất trong cuộc đời, đó là chồng con cho cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc.

Thử hỏi từ Lũng Cú – Hà Giang cho đến đất Mũi Cà Mau nơi nào không có xương có máu của cha anh đã đổ xuống?

Có những ngày này để chúng ta biết trân quý hơn những giá trị truyền thống của dân tộc đó là lòng yêu nước, tinh thần bất khuất trước bất cứ thế lực hùng mạnh bành trướng nào, là dịp thắp lên ngọn lửa tự hào dân tộc trong mỗi cá nhân để hun đúc tổng hợp thành sức mạnh vô biên của dân tộc.

Dân tộc ta - một hành trình bốn ngàn năm chưa bao giờ yên ả, hòa bình thịnh trị chốc lát rồi lại nếm trải mất mát thương đau, lịch sử đã chứng minh điều đó. 

Dù nay, đất nước không còn tiếng súng tiếng bom nhưng các thế lực bành trướng vẫn ngày đêm lăm le thôn tính bờ cõi, biển đảo của Tổ quốc vẫn từng ngày dậy sóng.

“Người lính đã hy sinh âm thầm… cho hôm nay những gót chân son” ảnh 3

Ký ức bi hùng của cựu binh Gạc Ma

(GDVN) - Hơn 27 năm trôi qua, ký ức bi hùng về trận chiến đẫm máu tại Trường Sa để giữ chủ quyền biển đảo trong những cựu binh Gạc Ma vẫn còn nguyên vẹn.

Chiến tranh đã qua đi nhưng không có nghĩa đất nước đã sạch bóng quân thù, bởi chiến tranh không tiếng súng vẫn đang đe dọa đất nước: Đó là âm mưu phá hoại kinh tế, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, quốc nạn tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ…

Vậy nên, cần lắm những “anh hùng” trong thời bình để tiếp bước các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống; là những anh hùng trong phát triển kinh tế, anh hùng trong phòng chống tham nhũng, anh hùng trên mặt trận đổi mới và xây dựng đất nước…

Thời gian không ngừng trôi, lịch sử sẽ lùi vào quá khứ nhưng chẳng thể nào làm phai mờ những địa danh bất hủ đó là nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, địa đạo Vĩnh Mốc; là cầu Hiền Lương, sông Bến Hải; là thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm máu nhuốm đỏ dòng sông… nhắc chúng ta nhớ lại một thời hoa lửa để biết quý trọng hơn những giây phút hòa bình.

Có nhà văn đã viết rằng “đi qua những ngày mưa mới biết yêu thương quý trọng những ngày nắng” quả đúng như vậy, có trải qua chiến tranh mới biết nỗi đau của mất mát lớn nhường nào bởi chiến tranh đâu phải trò đùa!

“Người lính đã hy sinh âm thầm… cho hôm nay những gót chân son” ảnh 4

Lần này về thăm các anh, chúng tôi lại rơi nước mắt

(GDVN) - Những ngọn nến, bông hoa được thả xuống dòng sông Thạch Hãn như một lời tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước cần phát huy những truyền thống quý báu của cha anh - lớp người đi trước để tôi luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi tri thức xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu hội nhập. 

Rèn luyện để trở thành những công dân toàn cầu mang những giá trị phổ quát của nhân loại, không còn “cầm súng” mà là “cầm bút” để đưa nước Việt sánh vai các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ dạy.

Tuy nhiên, thực tế cần thấy rằng sau mấy mươi năm đổi mới soi lại mình, nhìn bè bạn năm châu, kết quả tuy có nhưng chưa thể nào tương xứng với nội lực của một đất nước hơn 90 triệu dân.

Hơn thế nữa quốc nạn tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm, sự thoái hóa về đạo đức tư tưởng của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên làm kiệt quệ đất nước, lòng dân xa rời há chăng đã đắc tội với vong linh các anh hùng liệt sỹ!?

Hàng năm, cứ vào ngày này khắp mọi nẻo đường của đất nước thân thương lại vang lên những câu ca của nhạc sỹ Trần Tiến: 

Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi. Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương. Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời. Bài hát có đồng lúa miên man câu hò. Bài hát có người lính đã hy sinh rất âm thầm, cho hôm nay những gót chân son vui quanh vết chân tròn...

Ths Trương Khắc Trà