Việt kiều tại Mỹ rộn ràng đón tết
Mọi sinh hoạt "ba ngày Tết" của cộng đồng người gốc Việt ở Nam Cali hầu như chỉ tập trung tại Little Saigon. Vào những ngày cuối tuần, các nhà hàng hầu như không còn chỗ trống vì các tổ chức, hội đồng hương... đều tiến hành họp mặt tất niên.
Trước Tết cả chục ngày, chợ hoa phía trước khu thương mại Phước Lộc Thọ trên đại lộ Bolsa (Little Saigon, Los Angeles) đã tấp nập người đến mua sắm. Tại đây có bán đủ các loại hoa, bánh mứt và mặt hàng Tết. Giá cả mọi thứ cũng "nhẹ nhàng" như mọi ngày chứ không "thăng thiên" như cảnh thường thấy ở Việt Nam trong những ngày giáp Tết. Nhiều người còn tận dụng vỉa hè gần chợ hoa để bày bán bánh chưng, bánh tét, chè, mứt...
Một góc chợ hoa Tết ở thương xá Phước Lộc Thọ, Little Saigon, Los Angeles (ảnh vne) |
Cũng như mọi năm, cộng đồng người Việt ở Orange County (Quận Cam), tập trung tại những thành phố như Westminster, Santa Anna, Garden Grove, Fountain Valley... đều tranh thủ ba ngày Tết đưa gia đình đến hội chợ Xuân, tham gia dâng hương, cúng tổ tiên, xem múa dân tộc, múa quạt, múa nón, thi hoa hậu... Ngoài ra, còn có một lễ diễu hành (Tet Parade) rất qui mô với sự góp mặt của nhiều xe hoa, các hội đoàn, nhóm múa, nhóm võ Kungfu...
Múa lân trong lễ tết của người Việt tại Florida (ảnh Dan tri) |
Trong khi đó, lễ đón Tết theo phong tục Việt Nam của người Việt ở San Jose cũng đậm nét không hề kém tại quê nhà. Cộng đồng ở đây tổ chức lễ hội Tết hàng năm ở phiên chợ quận Santa Clara, thu hút hàng chục ngàn người tham dự. Trong lễ hội thường có các ca sĩ nổi tiếng biểu diễn, các điệu múa rồng, lân, các cuộc thi sắc đẹp và bán các mặt hàng đặc trưng ngày Tết. Ngoài người Việt tham gia lễ hội thì cũng có khá nhiều những người dân sống trong San Jose cùng tham gia. Những con phố trung tâm của San Jose tràn ngập sắc đỏ của cờ và đèn lồng. Đâu cũng thấy bóng dáng của tà áo dài ngày tết, cũng thấy sắc vàng của mai, sắc hồng của đào.
Việt Kiều tại Pháp
Năm nào cũng vậy, ở quận 13, bà con người Việt đều tổ chức đốt pháo hoa, múa sư tử, múa lân. Để phục vụ cho cộng đồng người Việt (lên tới 30 nghìn người), các cửa hàng đều có bán đầy đủ các mặt hàng Tết như ở Việt Nam từ bánh chưng, hoa đào, quất. Giá hoa rất đắt nên có nhiều nhóm du học sinh đành đi bẻ cành mận hoặc mai ở đâu đó về chưng bày trong phòng cho có không khí.
Bàn tiệc của người Việt tại Pháp (ảnh VNE) |
Kiều bào tại thủ đô Pháp và các thành phố như Lille, Nantes, Saint Herblain, Lyon, Grenoble, Montpellier, Marseille... đều có chương trình Tết cổ truyền để mời gia đình, bạn bè và các bạn Pháp được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống, tìm hiểu thêm về ngày Tết cổ truyền và ý nghĩa của năm con Mèo, cũng như nhiều phong tục tập quán của Việt Nam. Đây là dịp để các bạn Pháp và ngoại quốc yêu mến Việt Nam tụ họp đón năm mới theo phong tục Tết.
Trên phạm vi toàn nước Pháp, không khí đón Tết cũng đang rất sôi động. Các cháu và các em sinh viên dự sự kiện truyền thống là một niềm vui cho gia đình kiều bào và đoàn thể sinh viên tại Pháp vì Tết là dịp các trẻ em mặc bộ quần áo mới, vui múa hát và nhận lì xì, các sinh viên đoàn tụ gặp gở vui với nhau. Ngoài ra, nhiều gia đình kiều bào nhất thiết lưu trữ một cách cẩn thận phù hợp chào đón bạn tại nhà mình. Các quy tắc để tuân theo trong thời gian Tết là người đầu tiên vào nhà ngày mùng một Tết, phải là một cá nhân nam giới được tôn trọng, phong phú và lành mạnh, càng giàu càng tốt. Sự thịnh vượng của người này sẽ đem lại cho gia đình một năm đầy thành công. Thứ hai quy tắc vàng là không có cãi nhau vào ngày Tết. .
Cộng hòa Ucraina
Chị Hồng Giang, từ Kherson, một thành phố miền nam nước Cộng hòa Ucraina, chia sẻ với Vnexpress, cộng đồng người Việt ở đây chỉ khoảng 70 người, nhưng sống tập trung tại một khu vực nên mỗi khi Tết đến xuân về không cảm thấy quá cô đơn lạc lõng. Mọi người cũng dọn dẹp, thu xếp công việc để có thể nghỉ ngày mùng 1.
Dù xa quê hương, song chị vẫn giữ phong tục của ông cha, cũng mâm ngũ quả, và làm cơm cúng tất niên. Đồ Tếtchủ yếu mua ở Odetxa - nơi có đông người Việt và người Trung Quốc sinh sống nên có cả khu vực bán hàng thực phẩm quê nhà. Giá cả tất nhiên là đắt hơn ở Việt Nam: mua một chiếc bánh chưng giá khoảng 4 USD, 1 quyển lịch 4 USD, 1 gói phồng tôm 1 USD. Ở chợ này gần như có đầy đủ các loại mặt hàng cần thiết, kể cả vàng mã, giò, chả, bột chiên tôm, bánh kẹo Việt Nam, mứt Tết.
Tại đây, các gia đình đón giao thừa vào lúc 7h tối (do chênh lệch múi giờ với Việt Nam). Lúc đó, cả nhà cùng uống Sampanh chúc mừng. Kết thúc buổi tiệc, mọi người sẽ gọi điện chúc mừng một năm mới tốt lành tới tất cả bạn bè gần xa. Ngày hôm sau, mọi người đi chúc Tết nhau như ở Việt Nam.
Người Việt tại Nga, Australia
Truyền thống đón năm mới của người Việt Nam tại Nga không có gì khác biệt so với người thân nhân của họ và bạn bè ở quê hương. Đối với người Việt, Tết trước hết là sự tôn trọng sâu sắc đối với truyền thống, cội nguồn dân tộc.Trên bàn tiệc đón Xuân có các món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, nem rán, mứt Tết...
Ở Australia, những hoạt động đón Tết của các cộng đồng người Australia gốc châu Á làm nhịp sống nơi này sôi động hẳn lên. Đây là nơi có rất đông người Việt định cư ổn định và bà con người Việt được đón giao thừa sớm nhất, trước quê nhà 4 giờ.
Giữa mùa hè oi bức của Australia, không khí chuẩn bị Tết của bà con người Việt đã nhộn nhịp suốt cả tháng. Ngày hội Tết ở đây mang những nét văn hóa đặc trưng của người Việt, không bị người bản xứ gọi lẫn là Tết Trung Quốc.
Người Việt tại Australia gói bánh chưng đón tết (ảnh Dan tri) |
H.H (tổng hợp)