Người Việt mua thị trấn Mỹ: Vì sao giới truyền thông "phát sốt"?

15/04/2012 05:56
Tom Nguyễn (Dân trí)
Chưa bao giờ một sự kiện đấu giá của “thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ” lại được giới truyền thông Mỹ quan tâm một cách bất ngờ. Thật ra không phải là không có lý do.
Làn sóng người Trung Quốc lùng sục bất động sản tại Mỹ
Theo tạp chí Hurun (Trung Quốc) thống kê, hiện đất nước hơn 1,3 tỉ dân này đã có 960.000 triệu phú, có trong tay 10 triệu nhân dân tệ hay 1,5 triệu đôla Mỹ.
Gần như một nửa số này, khi được hỏi cho biết, mong muốn đi ra nước ngoài sống hoặc làm ăn. Và Mỹ là chọn lựa số 1. Một báo cáo cho thấy, tính đến tháng 9/2011 các hồ sơ xin định cư tại Mỹ (dưới dạng visa EB-5) của các hoa kiều đại lục chiếm 78%.
Theo quy định, ai muốn có thẻ xanh phải đầu tư từ 500.000 đến 1 triệu, đủ để tạo ra 10 công ăn việc làm cho dân Mỹ. Bỏ ra nửa triệu đô la ư? Chuyện nhỏ đối với gần 1 triệu triệu phú này. Và khi có ý định sinh sống ở Mỹ, các Hoa kiều đã phải mua nhà cửa, đất đai.
Cũng cần nói thêm, có được tấm “thẻ xanh” ở Mỹ tính ra rất lợi cho họ. Tiền học phổ thông hầu như không có. Còn học đại học chỉ bằng 1/10 so với sinh viên nước ngoài. Chưa kể còn có thêm phụ cấp nếu phải báo là thất nghiệp, hoặc thuộc nhóm thu nhập thấp.
 
Ông Phạm Đình Nguyên sẽ trở thành "công dân duy nhất" của thị trấn Buford.
Ông Phạm Đình Nguyên sẽ trở thành "công dân duy nhất" của thị trấn Buford.

Theo thống kê khác tại Mỹ, Trung Quốc hiện nay đứng thứ 2 sau Canada trong viêc mua bất động sản, chiếm 7,4 tỉ đô trong 12 tháng cuối tính đến 3/2011. Các công ty từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cũng đã chi ra 1,7 tỉ đôla để mua các dự án thương mại trong năm 2011, gấp 4 lần sau với năm 2008. Những con số thực ra đã không phản ảnh đúng thực tế, bởi lẽ rất nhiều bất động sản mua được đứng dưới tên các công ty Mỹ gốc Hoa.
Cũng theo một nghiên khác, 60% những người mua bất động sản dưới dạng là đầu tư. Còn lại là các mục đích mua cho con khi đi du học, hoặc mua làm cơ sở kinh doanh hay sẽ ở nếu định cư.
Giờ đây, khi đồng nhân dân tệ tăng 8% so với đồng đô thì các công ty đại lục càng có nhiều cơ hội hơn. Và đối với họ, đầu tư bất động sản ở Mỹ rất là hấp dẫn. Tại đây, họ có thể sở hữu bất động sản này theo đúng nghĩa. Còn ở Trung Quốc (cũng như Việt Nam) sẽ không bao giờ xảy ra.
New York, Los Angeles và San Francisco là 3 thành phố mà Trung Quốc nhắm đến. Điều này cũng dễ hiểu vì đây cũng là 3 thành phố có cộng đồng người Hoa đông nhất ở Mỹ. Giờ đây, khi đến San Francisco bạn sẽ có cảm giác đây là thành phố của đại lục.
Giọt nước làm tràn ly: Khi "người Việt mua thị trấn Mỹ"
Trong khi dư luận lên tiếng về nạn thâu tóm bất động sản từ Trung Quốc thì sự kiện “người Việt mua thị trấn Mỹ” đã làm dấy lên một làn sóng “Tỉnh dậy đi nước Mỹ ơi!”.
Nói cho công bằng, việc đấu giá thị trấn Buford đã được truyền thông rất đặc biệt quan tâm, vì đơn giản đây là “thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ”. Chính điều tưởng như bất lợi này lại lại tạo nên danh tiếng cho thị trấn, được xem là lâu đời thứ 2 tại bang Wyoming, vốn chỉ có hơn nửa triệu dân sinh sống.
Trước ngày đấu giá, các tờ báo lớn như USA Today cũng như các đài truyền hình lớn như CNN, CBS đã đưa tin về sự kiện này. Và ngay đấu giá, báo chí tham gia đưa tin được xem là “nhiều hơn số người đấu giá”. CCTV cũng đã gởi một ê-kíp đến để làm một phóng sự dài khi biết có một vài Hoa kiều cũng tham gia đấu giá.
Rồi đùng một cái, người thắng cuộc đấu giá là doanh nhân đến từ Việt Nam, vượt qua 26 người khác (mà chủ yếu đến từ Mỹ) viết tấm cheque 900.000 đô mà CNN mô tả là “món hời chưa từng có”. Và doanh nhân này, sau này được biết là ông Phạm Đình Nguyên, tổng giám đốc công ty IDS, chuyên về phân phối và phát triển thương hiệu. Ông đã yêu cầu hãng đấu giá Williams & Williams tuyệt đối không tiết lộ danh tính. Điều này, càng làm cho báo chí Mỹ thêm tò mò – người Việt đó là ai, và mua để làm gì?
Khi chính ông Nguyên tiết lộ, “sẽ dùng Buford như là một bàn đạp tinh thần để giới thiệu một các thương hiệu từ Việt Nam” thì nhiều người mới thật sự thấy, đây quả là “cao kiến” và nhận định “món hời chưa từng có” của CNN mới đúng là như vậy. Thử tưởng tượng, nếu IDS tung ra một sản phẩm nào đó ở thị trấn Buford, thì chắc chắn báo chí sẽ đưa tin.

Và nếu thử làm một phép toán đơn giản, bạn sẽ thấy đây là cú đầu tư không phải là tệ. Mỗi năm Ông Don Sammons đã bỏ túi 150.000 đô từ kinh doanh trạm xăng, cửa hàng tiện lợi thì 6 năm là thị trưởng mới này có thể hòa vốn.
Chưa hết, ông chủ thị trấn Don Sammons trước đây là cựu binh Mỹ. Nay lại bán lại cho người chủ mới, đến từ đất nước mà ông tham chiến. Rồi cuộc phỏng vấn theo mô tả “đầy nước mắt’ của ông Don Sammons trước khi chia tay chức “thị trưởng” làm cho cuộc đấu giá thêm phần “lâm ly bi đát”.
Trong khi đó, một thông tin gởi ra từ hãng đấu giá cho biết: “Người mua đến từ Việt Nam. Anh đã đến đây vài ngày trước tham gia đấu giá. Anh đã đi chặng đường dài, giờ đây đã đến đích. Và đó là giấc mơ Mỹ”.
Tóm lại, giọt nước đã làm tràn ly. Một người Việt (không rõ danh tính) đã mua đứt một thị trấn Mỹ, mặc dù thị trấn đó ‘nhỏ nhất nước Mỹ’, với giá chỉ có 900.000 đô, không bằng một căn nhà nhỏ 3 phòng ngủ ở Los Angeles.
Thế là nổ ra một cuộc tranh luận ì xèo trên các trang báo mạng. Người nói đắt, kẻ nói rẻ. Đáng chú ý là ý kiến của ông Philip Kay bạn của ông Sammons, chủ cũ của thị trấn cho rằng việc bán Buford là một sai lầm. “Có ngu mới tiếp tục bán thị trấn này. Giờ đây Buford đã quá nổi tiếng rồi. Bao nhiêu tiền mới đủ mua sự danh tiếng này? Và bao nhiêu tiền mới đủ mua một thị trấn lâu đời thứ 2 ở Wyoming?”. Còn Nancy Levine đến từ Denver, người đã tham gia cuộc đấu giá nhưng bất thành cho biết cô đã có kế hoạch marketing để biến Buford trở thành “điểm đến hấp dẫn mới” nhưng cô đã không theo nổi đối thủ đến từ Việt Nam, khát khao giấc mơ Mỹ. Và giấc mơ đó đã trở thành sự thật!
Tom Nguyễn (Dân trí)