Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. |
South China Morning Post ngày 21/7 cho biết những gì truyền thông nhà nước Trung Quốc nói về trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung gần đây, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong ngoại giao, không có gì là không thể. Trục tam giác Mỹ - Việt - Trung ở mức độ nào đó cũng phản ánh ý tưởng rằng, đối thủ của đối thủ là đối tác.
Tân Hoa Xã đã so sánh chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như chuyến đi lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc năm 1972. Thời báo Hoàn Cầu thì bình luận, Việt Nam đã thông qua một chiến lược cân bằng ngoại giao trong quan hệ với hai nước lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhưng đài phát thanh quốc gia Trung Quốc lại cho rằng Việt Nam khó có thể trở thành một điểm trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ vì sự "bất đồng chính trị" cơ bản giữa hai nước (?!).
Đài này lập luận, người ta khó có thể tưởng tượng rằng 2 cựu thù trong một thời gian dài có thể tiến xa hơn lịch sử chiến tranh, nhanh chóng tiến đến một quan hệ đối tác chiến lược chỉ vì mối quan tâm chung đến một quốc gia thứ 2 là Trung Quốc mà cả hai coi là mối đe dọa đến lợi ích chiến lược của mình.
Đằng sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong năm nay là một sự cân nhắc chiến lược, South China Morning Post bình luận. Việt Nam và Mỹ chia sẻ lợi ích trong việc kiểm soát các động thái leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông khiến hai nước trở thành đối tác tự nhiên.
Người Mỹ tin rằng những lợi ích chiến lược từ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và mạnh mẽ với Việt Nam sẽ lớn hơn cái giá chiến lược phải trả khi Trung Quốc bất mãn. 40 năm sau khi kết thúc chiến tranh, người Việt tin rằng họ sẽ không bao giờ lặp lại cuộc chiến với Hoa Kỳ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Nhưng lịch sử lâu dài của Việt Nam trong các cuộc xung đột với Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, trong khi nguy cơ lặp lại chiến tranh như 1979 vẫn có thể lặp lại bất cứ lúc nào, South China Morning Post bình luận. Mặc dù 2 nước đang cố gắng sửa chữa mối quan hệ Việt - Trung, nhưng nó sẽ không thể trở lại mức độ "thân thiện như ngày xưa".
Ngày 18/7, Tân Hoa Xã có bài xã luận cho rằng tranh chấp ở Biển Đông đã khiến quan hệ Trung - Việt xuống thấp trong năm 2014 (Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo bất hợp pháp trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - PV).
Tuy nhiên theo Tân Hoa Xã, hợp tác vẫn là xu thế chủ yếu trong quan hệ song phương, đó là lý do tại sao ông Trương Cao Lệ, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc sang thăm Việt Nam chỉ một tuần sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ. Hãng thông tấn này cho rằng, không nên hiểu việc ông Lệ sang Việt Nam thời điểm này là một cuộc lôi kéo, tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington đối với Việt Nam.
Trước đó ngày 7/7 Tân Hoa Xã cũng có một bài xã luận về trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa bắt đầu thăm chính thức Hoa Kỳ. Hãng thông tấn này nói quan hệ Việt - Mỹ phát triển là một thành tựu đáng chào mừng và phấn khởi của quan hệ quốc tế, nó phù hợp với xu thế thời đại là hòa bình và hợp tác mà "Trung Quốc là một trong những thành viên sáng lập chính và bảo vệ nó" (?!).
Chỉ hơn một nửa thế kỷ Việt Nam đã phải trải qua mấy cuộc chiến tranh liên miên, hơn ai hết người Việt hiểu thế nào là sự khủng khiếp của chiến tranh và cái giá của nó. Nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng trên bàn cờ chính trị thế giới, Việt Nam vẫn tiếp tục là nơi diễn ra cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong khi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vẫn còn bị đe dọa.
Hơn ai hết, người Việt làm mọi thứ để gìn giữ hòa bình, nhưng người Việt cũng không mất cảnh giác. Bất cứ khi nào độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bị xâm phạm buộc phải chiến đấu thì sẽ chiến đấu quên mình để bảo vệ hòa bình và công lý, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia - PV.