Nguồn thu NCKH nhiều năm bằng 0, Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM lý giải

09/04/2024 10:10
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Là đơn vị đại học sư phạm thể dục thể thao đầu tiên được đào tạo trình độ tiến sĩ, nhưng nhiều năm liền, trường không có nguồn thu từ và chuyển giao công nghệ.

Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 285/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005, của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Trung Ương 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý với nhiệm vụ chính trị là đào tạo giáo viên thể dục trình độ cử nhân đại học cho các trường phổ thông, trung cấp, cao đẳng và đại học; trung tâm nghiên cứu khoa học về giáo dục thể chất và đào tạo chuẩn hóa giáo viên thể dục theo định chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau nhiều nỗ lực và cố gắng trong công tác đào tạo, đến nay, trường có sứ mạng là đào tạo nguồn nhân lực giáo viên giáo dục thể chất có trình độ từ đại học trở lên; tổ chức nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về thể dục thể thao và các ngành khoa học có liên quan để phục vụ nhu cầu đào tạo giáo viên chất lượng cao, nhu cầu nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến, phục vụ cho sự phát triển giáo dục trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2030, trường có định hướng trở thành trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia, có uy tín trong nước và khu vực về đào tạo giáo viên giáo dục thể chất; trung tâm nghiên cứu khoa học về giáo dục thể chất, thể thao trường học; trung tâm bồi dưỡng tài năng trẻ về thể dục thể thao Việt Nam.

Hiện trường do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Châu Vĩnh Huy làm Hiệu trưởng; Tiến sĩ Nguyễn Kế Bình làm Chủ tịch Hội đồng trường.

Không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học

Từ dữ liệu tại báo cáo công khai tài chính của trường qua các năm gần đây cho thấy, nhiều năm liền, trường không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Screenshot_9.jpg
Phóng viên thống kê nguồn thu của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây từ báo cáo 3 công khai.

Lý giải về vấn đề trên với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Kế Bình – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Trên thực tế, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường đối với lĩnh vực giáo dục và sức khoẻ thể chất thông qua vận động là lĩnh vực tương đối đặc thù, nguồn thu hiện tại chưa có nhưng trước hết, trường đang triển khai phát triển giá trị phục vụ cộng đồng những đối tượng học sinh, trẻ khuyết tật, người yếu thế trong xã hội, đặc biệt có ý nghĩa đối với xã hội hiện đại.

Hơn nữa, cơ sở phát triển khoa học công nghệ tạo nguồn thu trong chuyển giao công nghệ của nhà trường những năm tới đây có lộ trình rõ ràng từ việc phát triển cơ sở mới xã Nhơn Đức – huyện Nhà Bè có diện tích hơn 22 hecta và hệ thống lớp học, giảng đường, sân tập luyện và các tiềm năng đầu tư trang thiết bị công nghệ.

Song song với đó, trường cũng tập trung chuẩn bị về lực lượng giảng viên là các nhà khoa học hoặc chuyên gia lĩnh vực thể dục thể thao, giáo dục thể chất; xây dựng các kế hoạch tổ chức thực hiện đồng bộ và thống nhất hướng đến chiến lược phát triển mà nhà trường đã đề ra trong giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn 2030.

123.jpg
Sứ mạng và Tầm nhìn của trường. Ảnh: Website Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.

Vậy nên, có thể trung tâm nghiên cứu khoa học về giáo dục thể chất, thể thao trường học trong chiến lược phát triển đó sẽ được cụ thể hoá đặt tại cơ sở mới này.

Là đơn vị đại học sư phạm thể dục thể thao đầu tiên được cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ, chính vì vậy, song hành với các sản phẩm đào tạo, trường cũng đặt ra định hướng, mục tiêu là bắt buộc phải đạt được các công trình nghiên cứu, sản phẩm công bố khoa học trong quá trình đào tạo tinh hoa tri thức để phát triển mạnh mẽ nhu cầu nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến, đặc biệt là trong phục vụ khoa học giáo dục thể chất và thể thao trường học, đúng với sứ mạng và tầm nhìn của nhà trường hiện nay”.

Cũng tại báo cáo công khai về tài chính cho thấy, nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác của trường là không ổn định trong những năm gần đây.

SP TDTT5.jpg
Nguồn thu hợp pháp khác trong những năm gần đây của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước thực tế này, thầy Bình cho hay: “Các nguồn thu hợp pháp khác của trường theo từng năm tài chính là ổn định (2018, 2019, 2020,2022), riêng năm 2021 là năm đại dịch COVID bùng phát nên các hoạt động dạy và học bị ảnh hưởng rất lớn, nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ sản xuất kinh doanh tất yếu cũng bị giảm đi nên có sự biến động trong nguồn thu là bị giảm xuống rõ rệt”.

Tỉ trọng cán bộ giảng viên có học hàm, học vị cao còn tương đối thấp

Theo thống kê giảng viên từ báo cáo 3 công khai của nhà trường trong một số năm gần đây cho thấy, số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ tăng giảm không ổn định.

Screenshot_5.jpg
Số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây.

Về thực trạng trên, thầy Bình cho hay: “Việc thiếu hụt nhân sự và thực hiện tuyển dụng, bố trí nhân sự của trường gặp nhiều khó khăn do chính sách tiền lương, chế độ chưa thật sự thu hút dẫn đến tình trạng có những giảng viên không gắn bó lâu dài và thấy rằng không phù hợp với công việc và môi trường làm việc.

Với tỉ trọng cán bộ đặc biệt là giảng viên có học hàm, học vị cao còn tương đối thấp tại trường, nhà trường đã và đang đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đối với vấn đề này.

Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường làm việc cho cán bộ, giảng viên, người lao động trong nhà trường nhằm tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ làm việc và cống hiến cho nhà trường như nâng cấp phòng làm việc, phòng nghỉ cho giảng viên, bố trí loa, máy chiếu, micro hiện đại hỗ trợ cho công tác giảng dạy,... Bên cạnh đó, cải thiện chế độ phúc lợi, nâng cao thu nhập cho cán bộ, giảng viên thông qua việc thực hiện tăng cường các công tác nghiên cứu khoa học cũng như liên kết đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ hai, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh giảm, chuyên nghiệp hóa; có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, trình độ cho cán bộ, giảng viên và hỗ trợ; khuyến khích cán bộ giảng viên nâng cao kĩ năng ngoại ngữ, đáp ứng xu thế hướng đến quốc tế hoá giáo dục.

Ngoài việc đẩy mạnh công tác trao đổi hợp tác đối với chương trình đào tạo quốc tế, đẩy mạnh và khuyến khích viên chức học nâng cao trình độ chuyên môn, nhà trường cần đặc biệt chú trọng tới đội ngũ thạc sĩ như ưu tiên cử đi học nghiên cứu sinh, hỗ trợ kinh phí và các chi phí học tập khác trong suốt quá trình đào tạo”.

img3.jpg
Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Cũng tại báo cáo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu, phóng viên thấy rằng, nhiều năm liền, trường chỉ có 01 giảng viên là giáo sư, số giảng viên là phó giáo sư cũng có xu hướng giảm từ 04 người (năm học 2019-2020) xuống 03 người trong các năm học tiếp theo.

Theo thầy Bình, có một số nguyên nhân xuất phát từ cả chủ quan và khách quan dẫn đến diễn ra hiện tượng trên.

Về nguyên nhân chủ quan, hiện nhà trường đang đẩy mạnh lực lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ và đang hoàn thiện các quy định, quy chế về hoạt động khoa học công nghệ, tuy nhiên, trường chưa thành lập được nhóm nghiên cứu và nghiên cứu mạnh để thúc đẩy sản phẩm khoa học công nghệ làm tiền đề quan trọng cho việc phát triển đội ngũ giáo sư, phó giáo sư. Vì vậy, mục tiêu xây dựng đội ngũ này còn đang hạn chế ở mục tiêu cá nhân của từng giảng viên, chưa thực sự đẩy mạnh cấp chiến lược.

Về nguyên nhân khách quan, đối với ngành rất đặc thù là khoa học thể dục thể thao và giáo dục thể chất, trong bối cảnh chung của cả ngành là khó khăn về công tác công bố khoa học ở những tạp chí uy tín quốc tế như ISI, Scopus…; xã hội ngày càng đòi hỏi cao về chỉ số uy tín đối với các chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Do đó, phải có quá trình chuyển đổi, thích ứng trước khi đạt được những tiêu chuẩn mới thay thế cho những tiêu chuẩn đã cũ. Hiện nhà trường cũng đang trong quá trình thay đổi đó, kết quả không thể hiện hàng năm như những công tác vận hành khác, mà phải được công nhận qua giai đoạn 05 năm, 10 năm.

Đến thời điểm hiện tại, trường cũng đã có những dấu hiệu đáng mừng về việc công bố khoa học, tuy chưa nhiều nhưng đã cho thấy một quyết tâm và tín hiệu phát triển”.

Thầy Bình cũng chia sẻ về những giải pháp mà nhà trường đã và đang áp dụng để duy trì đội ngũ giảng viên cơ hữu có học hàm giáo sư, phó giáo sư như cải thiện môi trường làm việc, ưu tiên không gian, văn phòng và điều kiện làm việc tốt nhất đối với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư; bố trí vị trí tương xứng, phát huy năng lực và trí tuệ lao động của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư; xây dựng cơ chế khen thưởng, hỗ trợ tài chính và các chính sách ưu đãi đối với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư., tạo động lực và nền tảng cơ bản bền vững để phát huy tính sáng tạo tri thức của đội ngũ này.

Khánh An