Báo cáo 3 công khai Trường ĐH Sư phạm TPHCM có thống kê nhầm và sai số kỹ thuật

01/02/2024 06:38
Sao Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy mô đào tạo năm học 2020-2021 của Trường ĐH Sư phạm TPHCM là 23.995, đến năm học 2021-2022 con số này là 23.239 người, giảm hơn 700 người học.

Ngày 27/10/1976, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 426/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 1995, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 1999, Chính phủ quyết định tách trường ra khỏi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trường đào tạo sư phạm trọng điểm phía Nam.

Cũng theo thông tin trên website nhà trường, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có sứ mạng đào tạo đại học, sau đại học, tổ chức nghiên cứu về giáo dục và các ngành khoa học khác để phục vụ tốt nhu cầu đào tạo giáo viên chất lượng cao, nhu cầu nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành phía Nam và cả nước.

Theo Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia ở lĩnh vực giáo dục và sư phạm (Xem dự thảo TẠI ĐÂY); có sứ mạng cùng đại học quốc gia dẫn dắt và thực hiện vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đối mới sáng tạo phục vụ phát triển một số lĩnh vực, ngành trọng điểm của quốc gia; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu trong lĩnh vực, ngành đào tạo tương ứng.

Nguồn ảnh: website nhà trường

Nguồn ảnh: website nhà trường

Năm 2021, quy mô đào tạo giảm do ngưng tuyển sinh trình độ thạc sĩ

Theo số liệu trong báo cáo ba công khai của trường, quy mô đào tạo năm học 2020-2021 của trường là 23.995, đến năm học 2021-2022 con số này là 23.239 người, giảm hơn 700 người học.

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh qua 2 năm. Số liệu thống kê theo báo cáo ba công khai năm học 2021-2022 và năm học 2020-2021. Bảng: Sao Mai

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh qua 2 năm. Số liệu thống kê theo báo cáo ba công khai năm học 2021-2022 và năm học 2020-2021. Bảng: Sao Mai

Lý giải về quy mô đào tạo của trường giảm, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân quy mô đào tạo của nhà trường giảm chủ yếu do tác động của công tác tuyển sinh.

Trong giai đoạn từ sau năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu có sự điều tiết tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu địa phương (căn cứ trên nhu cầu này, chỉ tiêu đào tạo giáo viên đã giảm so với các năm trước đó).

Trường tập trung đào tạo trọng điểm vào các ngành đào tạo giáo viên nên việc điều tiết của Bộ dẫn đến số lượng thí sinh tuyển vào trường ít hơn so với các năm trước. Điều này dẫn đến tình trạng giảm về quy mô đào tạo của nhà trường.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, nhà trường tạm ngưng, không tuyển sinh trình độ thạc sĩ vào đợt tháng 11/2021 do có sự thay đổi về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ. Việc hoãn tuyển sinh đợt này cũng là nguyên nhân làm giảm quy mô đào tạo của trường. Tuy nhiên, việc giảm quy mô đào tạo của trường nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, thích ứng với thực tiễn, nhất là hướng đến đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả đào tạo.

Quy mô đào tạo của năm học 2021 - 2022 và năm học 2022 - 2023 giống hệt nhau. Ảnh chụp màn hình

Quy mô đào tạo của năm học 2021 - 2022 và năm học 2022 - 2023 giống hệt nhau. Ảnh chụp màn hình

Theo báo cáo ba công khai năm học 2021 - 2022 và năm học 2022 - 2023, số liệu về quy mô đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh giống hệt nhau.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho hay, qua rà soát, số liệu về quy mô đào tạo có sự nhầm lẫn do lỗi đánh máy nên dẫn đến sự trùng hoàn toàn về quy mô đào tạo của năm học 2021-2022 và 2022-2023 (nhà trường thống kê nhầm quy mô đào tạo của năm học 2021-2022 sang quy mô đào tạo của năm học 2022-2023, khiến quy mô đào tạo của hai năm học này giống nhau-PV).

Quy mô đào tạo của năm học 2021 - 2022 và năm học 2022 - 2023 giống hệt nhau. Bảng: Sao Mai

Quy mô đào tạo của năm học 2021 - 2022 và năm học 2022 - 2023 giống hệt nhau. Bảng: Sao Mai

"Trường sẽ cập nhật lại số liệu về quy mô đào tạo và cập nhật lại biểu mẫu ba công khai của nhà trường", thầy Quốc chia sẻ.

Quy mô đào tạo đúng của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2022-2023 theo số liệu nhà trường cung cấp ngày 16/1/2024 như sau:

Quy mô đào tạo năm học 2022-2023 trước và sau khi điều chỉnh đúng. Bảng: Sao MaiQuy mô đào tạo năm học 2022-2023 trước và sau khi điều chỉnh đúng. Bảng: Sao Mai

Có sai sót kỹ thuật trong thống kê

Theo báo cáo 3 công mục tài chính cho thấy, năm 2022 nguồn thu từ ngân sách của nhà trường giảm hơn 110 tỷ đồng so với năm 2020 (từ 298,54 tỷ đồng năm 2020 còn 180,816 tỷ đồng năm 2022).

Theo thầy Quốc, trường có nguồn ngân sách thực hiện Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) năm 2020 là 124,383 tỷ đồng, năm 2021 là 45,275 tỷ đồng.

Thầy Quốc cho rằng, đây là cơ hội để trường có nguồn thu cũng như đầu tư phát triển trường theo chiến lược. Và thực tế, nhiệm vụ của Chương trình ETEP đã hoàn thành năm 2021 nên năm 2022 không còn nguồn kinh phí này trong ngân sách.

Năm 2022 là năm đầu tiên được cấp tiền sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm 37,541 tỷ đồng (theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/09/2020 được áp dụng trong năm học 2021-2022) nên cũng có một phần bù nguồn thu.

Cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh theo báo cáo ba công khai. Bảng: Sao Mai

Cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh theo báo cáo ba công khai. Bảng: Sao Mai

Về nguồn thu từ học phí, năm 2020 con số này là 147,371 tỷ đồng, năm 2021 là 237,104 tỷ đồng tăng hơn 89 tỷ đồng. Tuy nhiên đến năm 2022, nguồn thu từ học phí của trường giảm hơn 75 tỷ đồng so năm học trước đó.

Thầy Quốc cho biết, việc nguồn thu từ học phí tăng, giảm từng năm phụ thuộc vào quy mô tuyển sinh chính quy và ngoài chính quy. Thêm nữa, trong các năm 2020, 2021, 2022, trường thực hiện việc giãn, chậm nộp học phí cho người học vì lý do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là một trong những nội dung thể hiện trường luôn hướng về người học, tạo điều kiện để người học được tốt nhất, phát triển trong bối cảnh phục hồi kinh tế xã hội chung của cả nước.

Năm 2022, thu từ học phí là 244,428 tỷ đồng. Trong đó, học phí chính quy là 161,520 tỷ đồng; thu từ học phí không chính quy là 82,908 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo, năm 2022, trường chỉ mới thống kê học phí chính quy là 161,520 tỷ đồng, chưa có học phí không chính quy là 82,908 tỷ đồng.

Về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, năm 2020 là 0,46 tỷ đồng, năm 2022 là 1,872 tỷ đồng tăng hơn 1,4 tỷ đồng.

Chia sẻ về điều này, thầy Quốc cho biết, nhà trường cố gắng đẩy mạnh hoạt động hợp tác và tham gia đấu thầu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu từ quỹ khoa học của các tổ chức cá nhân tư nhân. Trong năm 2021, trường đã ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu từ Quỹ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp với tổng mức kinh phí thực hiện nhiệm vụ là 3,6 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 36 tháng.

Ngoài ra, nhà trường cũng đã thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao.

Các hoạt động trên chỉ là những tín hiệu bước đầu trong lộ trình đầu tư và phát triển trường. Dự kiến những năm tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục có những kết quả khả quan hơn về tăng nguồn thu từ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ dù rằng nghiên cứu khoa học ở từng trường, nhất là với các cơ sở đào tạo giáo viên có những đặc thù riêng và đòi hỏi sự khác biệt nhất định.

Cũng theo số liệu từ báo cáo ba công khai, trong 2 năm, từ năm 2020 đến năm 2022, nguồn thu hợp pháp của trường giảm mạnh từ 127 tỷ đồng xuống còn hơn 7 tỷ đồng (giảm hơn 120 tỷ đồng).

Lý giải về vấn đề này, vị Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Năm 2022, nhà trường có tổng nguồn thu là 327,705 tỷ đồng, trong đó thu từ học phí chính quy là 161.520 tỷ đồng; thu từ nguồn hợp pháp còn lại là 166,184 tỷ đồng (bao gồm học phí ngoài chính quy, bồi dưỡng chuyên đề,...). Như vậy do bộ phận lấy số liệu cập nhật chưa rà soát, kiểm tra nên có sai số kỹ thuật. Nhà trường sẽ điều chỉnh bổ sung số liệu cho hoàn thiện".

Theo Điểm b, c Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, quy định mức xử phạt Vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục nêu rõ: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi: Công khai không chính xác các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sao Mai