Nguyên hiệu trưởng trường THPT "hiến kế" để điểm học bạ bớt ảo

24/07/2022 06:41
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo TS Nguyễn Hoàng Chương, điểm xét tuyển học bạ tăng vọt do còn nhiều thầy cô lạm dụng tình thương học trò cộng hưởng với bệnh thành tích trong giáo dục.

Lạm dụng tình thương học trò cộng hưởng với bệnh thành tích

Đến nay nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn của phương thức xét học bạ, điều đáng nói là có nhiều ngành thí sinh đạt 29-30 điểm vẫn trượt.

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương (nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lộc Phát, Lâm Đồng) nhận định:

“Trước hết, theo tôi, tuyển sinh đại học dựa trên phương thức xét học bạ là một hướng đi đúng, dựa trên đánh giá theo quá trình; trong một chừng mực nào đó cũng phần làm giảm áp lực thi cử; kích thích đầu tư dạy và học tại các trường trung học phổ thông... Tuy nhiên, do “chạy theo” điểm học bạ cao, còn có những thầy cô có suy nghĩ “ưu tiên” cho học sinh của mình, đã làm cho chủ trương bị biến tướng... Dẫn đến, niềm tin về dạy thật học thật, về nhân tài thật, vốn dĩ người ta đã hoài nghi, nay lại càng hoài nghi hơn nữa”.

“Xuất phát từ góc nhìn của nhà trường phổ thông, tôi thấy rằng, trước tiên, đúng là cũng có sự thương học trò, nhưng dần dần, tình thương đặt không đúng chỗ, dẫn đến số đông lợi dụng để biến điểm số trở thành hàng hóa. Hàng hóa ở đây không có nghĩa là “trò mua - thầy bán”, mà có thể chỉ là “trò được - thầy được”, tôi nghĩ đó cũng là một thứ hàng hóa.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương (Ảnh: NVCC).

Có lần, tôi nghe được câu chuyện về học sinh tiên tiến của một trường trung học phổ thông mà lại sợ trượt trong kỳ thi tốt nghiệp. Ai đời, học sinh tiên tiến mà đi thi tốt nghiệp lại sợ trượt?!

Sự lạm dụng của tình thương học trò với bệnh thành tích dường như đang cộng hưởng với nhau, và càng cộng hưởng thì “biên độ dao động” cực đại, cứ như vậy mà đẩy lên, điểm học bạ sẽ bị “làm đẹp”.

Có ý kiến giải thích rằng, điểm chuẩn xét học bạ tăng do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay đông, điều đó tất nhiên cũng có phần đúng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ những lý do khác như thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, trường chuyên... được cộng từ 3-10 điểm, cũng khiến điểm chuẩn xét tuyển năm nay bị đẩy cao hơn...” - thầy Chương phân tích.

Để điểm học bạ không thể “nhảy múa”

Để kiểm soát chất lượng thực của điểm học bạ và tránh để thí sinh của phương thức xét tuyển học bạ bị trượt oan, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương chia sẻ một số giải pháp:

“Thứ nhất, do chúng ta đang đánh đồng giữa các trường trung học phổ thông với nhau, thậm chí giữa các vùng miền có khoảng cách lớn về điều kiện kinh tế - xã hội.

Khi điều kiện dạy - học khác nhau, chất lượng các trường không đồng đều mà đánh đồng điểm học bạ giữa các trường là thiếu cả cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học. Trong khi đó, theo tôi, ở những trường chất lượng càng kém thì càng “bám vào phao” học bạ nhiều hơn.

Các nhà quản lý cấp Phòng, Sở phải nắm được chất lượng thực từ phía các nhà trường, chứ không phải để bị cuốn vào “vòng xoáy” bệnh thành tích. Thầy cô nói thương học trò, nhưng nhìn sâu xa, lại chính là vì chính bản thân thầy cô.

Việc thống kê kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đến từng trường đã làm từ mấy năm qua. Nay cần tiếp tục chặt chẽ hơn, lấy kết quả đó như một tiêu chí phụ cho phương thức xét học bạ trung học phổ thông, tránh để thầy cô tác động điểm số.

Thứ hai, không thể thay đổi chóng vánh phương thức xét học bạ trung học phổ thông. Với học sinh 12 năm học 2022-2023, các em và nhà trường đã có sự chuẩn bị từ 2 năm học trước. Tuy nhiên, nếu duy trì phương thức này thì phải có biện pháp kỹ thuật tác động vào để điểm học bạ trung học phổ thông bớt ảo.

Vì vậy, chúng ta cần tăng cường hậu kiểm chất lượng. Có thể tính đến những phương án như kiểm tra chéo giữa các trường, dùng đề chung của tỉnh/thành phố, chấm thanh tra bài thi, kiểm tra đề thi của các trường... Làm như vậy, có thể các kỳ thi sẽ trở nên cồng kềnh hơn, nhưng cồng kềnh mà có chất lượng thực thì tại sao không làm?

Chưa kể, đôi khi chúng ta quá “lao tâm” vào bài kiểm tra cuối kỳ hoặc giữa kỳ mà quên đi kiểm tra thường xuyên, trong khi, nếu không quản lý chặt thì từ chính những bài kiểm tra thường xuyên ấy, điểm rất dễ bị sẽ “đội” điểm học bạ lên...

Tất nhiên, không thể có giải pháp tuyệt đối, tuy nhiên, sẽ hạn chế được những hiện tượng quá sức lạm dụng nâng điểm học bạ.

Thứ ba, cần kêu gọi sự tự giác của chính các thầy cô. Nghề dạy học có một đặc thù khi đứng trên lớp, người thầy sẽ rất chủ động. Nếu sự chủ động đó mà được định hướng theo con đường tích cực thì sẽ tác dụng tốt.

Vậy đặt vấn đề, nếu như xã hội đang đặt vấn đề hoài nghi chất lượng điểm học bạ, thầy cô có xấu hổ không? Liêm chính và tự trọng của người thầy trước hết thể hiện qua điểm số của học trò...”.

Để hướng đến học thật thi thật, nhân tài thật, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương cũng đề cập: “Khi đã thấy được vấn đề, chúng ta phải thực hiện thật rốt ráo. Đặc biệt lưu ý đến việc tăng cường kiểm tra, giám sát. Bộ kiểm tra các Sở, Sở kiểm tra các trường, trường kiểm tra tổ chuyên môn, tổ chuyên môn kiểm tra giáo viên.

Và công tác giám sát ở đây cũng là cả một nghệ thuật, làm sao để thầy cô thấy việc giám sát là cần thiết chứ không phải quá “đao to búa lớn”, chỉ tạo thêm áp lực cho giáo viên, khiến giáo viên quay lưng lại, để rồi cuối cùng giải pháp cũng như không...

Bên cạnh đó, mỗi cơ sở giáo dục phải xây dựng được chương trình phù hợp, giúp học sinh hoàn thành nghĩa vụ học tập, mà cả thầy và trò đều cảm thấy vừa sức. Làm như vậy, dần dần sẽ thay đổi được người thầy, người thầy sẽ biết phải đánh giá học sinh như thế nào cho phù hợp.

Đặc biệt, cũng rất quan trọng, đó là khuyến khích học sinh tăng cường tự học. Tại sao học trò chấp nhận đi học thêm chỉ để nhận được “mưa điểm cao” từ thầy cô mà khả năng tự học cực kỳ yếu và học nhưng không hành... Nếu khoảng cách của thầy và trò không được rút ngắn bằng sự tận tâm của người thầy, không bao giờ có tự học tốt, như vậy, học giả - thi giả sẽ rất dễ xảy ra.

Thông qua tự học, trau dồi kỹ năng sống thiết thực, thầy và trò hợp tác với nhau vì mục tiêu đào tạo con người, chứ không phải dạy và học vì điểm số. Lấy điểm số giả dối làm thước đo sản phẩm giáo dục là phi giáo dục!

Ngoài ra, cũng cần tăng cường hoạt động hướng nghiệp. Phải khẳng định, công tác phân luồng trung học cơ sở, trung học phổ thông những năm qua vẫn chưa được thực hiện tốt. Có em chỉ học để tốt nghiệp, có em học để vào đại học, nhưng lại bị “đồng phục hóa” trong cùng một lớp học, dẫn đến việc, có em học yếu theo không kịp, thầy cô không kéo được thì nghĩ ra cách “dĩ hòa vi quý” là cho điểm tốt, vậy là, điểm trên học bạ là thật nhưng trên thực tế lại là ảo.

Cuối cùng, theo tôi, cần phải có sự phối hợp, hợp tác giữa phụ huynh với nhà trường. Bởi, đôi khi chính phụ huynh tạo sức ép đối với nhà trường, “trăm sự nhờ thầy” không khéo lại khiến học thật, thi thật dễ bị biến tướng.

Vậy nên, vấn đề này đang thực sự cấp thiết, cần có sự thay đổi rốt ráo, kịp thời, để phương thức tuyển sinh đại học bằng phương pháp xét học bạ bớt tiêu cực”.

Ngân Chi