Nhà báo cần hướng tới chuyên sâu, chuyên biệt, luôn tìm tòi sáng tạo

21/06/2022 06:26
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để đáp ứng xu hướng phát triển chung của báo chí, cũng như yêu cầu của độc giả, nhà báo cần hướng tới chuyên sâu, chuyên biệt, tìm tòi sáng tạo trong mỗi tác phẩm

Trong kỷ nguyên số, cách tiếp cận thông tin của công chúng đã thay đổi rất nhiều. Do đó, báo chí phải đổi mới về tư duy làm báo, đổi mới công nghệ, đổi mới thói quen tác nghiệp. Đặc biệt, độc giả ngày càng đòi hỏi thông tin báo chí có tính chuyên sâu, chuyên biệt. Vì vậy, các yêu cầu với nhà báo ngày càng đòi hỏi cao hơn.

Là giảng viên từng giảng dạy nhiều môn học chuyên ngành báo chí, Tiến sĩ, Nhà báo Nguyễn Tri Thức - Ủy viên Ban Biên tập kiêm Trưởng ban Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản đã có những chia sẻ xung quanh việc đào tạo báo chí chuyên sâu cho sinh viên.

Nhà báo Nguyễn Tri Thức cho biết, hiện nay, các cơ sở đào tạo báo chí như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Văn hóa… đều cải tiến phương pháp đào tạo, để sinh viên được tiếp cận với chuyên ngành khá là sớm, thậm chí ngay từ năm thứ nhất.

Trong thời gian học, sinh viên được đi thực tế, kiến tập ngay từ năm thứ nhất. Sinh viên được làm quen với các cơ quan báo chí, loại hình báo chí, thể loại báo chí… đào tạo chuyên sâu về chuyên đề, phương pháp làm báo hiện đại.

Nhà báo Nguyễn Tri Thức - Ủy viên Ban Biên tập kiêm Trưởng ban Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Nhà báo Nguyễn Tri Thức - Ủy viên Ban Biên tập kiêm Trưởng ban Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Làm báo luôn đòi hỏi phải tiếp cận cái mới, thích ứng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới. Hệ sinh thái báo chí truyền thông thời đại hiện nay thay đổi rất nhiều, báo chí không chỉ cần chuyên môn, kĩ năng mà còn đòi hỏi phương thức, cách thức truyền tải báo chí một cách nhanh, ấn tượng, đơn giản và hiệu quả.

Tuy nhiên có một thực tế, việc đào tạo chuyên sâu sớm cho sinh viên, đa số các em không thích học ngay, vì điều này đòi hỏi khối lượng kiến thức khá lớn. Đồng thời, sinh viên cũng chưa biết thế mạnh, đam mê của bản thân để bắt tay đi vào lĩnh vực chuyên sâu.

Vì thế, việc đào tạo theo lĩnh vực chuyên sâu cho sinh viên báo chí cũng chỉ mới ở những bước đầu tiếp cận về cách thức làm báo ở từng mảng chuyên biệt. Nhà báo Nguyễn Tri Thức lấy ví dụ việc triển khai những tác phẩm báo chí chuyên sâu như loạt bài chuyên đề, longform… sinh viên có thể làm được nhưng để làm tốt thì phải có sự học hỏi, giúp đỡ của cơ quan báo chí và tùy năng lực của bản thân mỗi sinh viên sau khi ra trường.

Sinh viên học báo chí có nhiều thuận lợi về công nghệ thông tin, kiến thức, sự tiếp cận với phương pháp làm báo hiện đại… Các em có ngoại ngữ sẽ thuận lợi khi tiếp cận xu hướng báo chí thế giới, nhưng cái thiếu ở sinh viên là kĩ năng, va chạm với thực tiễn. Điều này bắt buộc qua quá trình làm nghề, mới có thể hoàn thiện được.

Cách khai thác đề tài chuyên sâu có rất nhiều, nhưng đòi hỏi nhiều yếu tố. Những loạt bài, tuyến bài đòi hỏi kiến thức, mối quan hệ, kĩ năng, kinh nghiệm rất là nhiều.

Tác phẩm chuyên sâu đòi hỏi rất nhiều yếu tố, thậm chí rất cần sự phối hợp của nhiều thành viên trong một cơ quan báo chí. Vì vậy, cần phải có nhiều giải pháp kết hợp đồng bộ. Thực tế, nhiều bạn sinh viên làm theo hình thức chứ chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Khi giảng dạy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi thường giao cho sinh viên làm bài longform hoặc những bài chuyên đề nhưng đa số các em chưa đáp ứng được do điều kiện về thời gian.

Ví dụ như đối với loạt bài, cần sự phối hợp của những mối quan hệ, phải khai thác thông tin như nào, cách tổ chức lớp lang ra sao. Tuy nhiên, để làm được các mục tiêu như đặt ra thì cần có vị thế, uy tín như một phóng viên thực thụ làm việc ở tòa soạn mới làm được, vì vậy tương đối khó với sinh viên.

Việc đào tạo báo chí chuyên sâu cần phải làm sao có sự hài hòa, giữa giảng dạy và hành nghề. Nếu sinh viên của cơ sở đào tạo báo chí ứng dụng ngay được vào công việc sẽ tốt hơn.

Vì thế, tôi cho rằng, cần tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan báo chí và cơ sở đào tạo thì mới đáp ứng được giữa việc giảng dạy và thực tế yêu cầu của công việc. Điều này cũng giảm thiểu tình trạng sinh viên ra trường nhưng không đáp ứng được công việc.

Nếu có hình thức liên kết tăng thời gian đi thực tập, kết hợp các cơ quan báo chí có nhu cầu nhân sự với các cơ sở đào tạo, đào tạo theo chỉ tiêu và tuyển dụng luôn thì sẽ rất tốt", Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.

Đào tạo báo chí chuyên sâu còn thiếu thực tế

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Ứng Hòa (Hà Nội), nhà báo Dương Đình Tường (phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, từ khi còn là học sinh, anh từng ấp ủ giấc mơ trở thành một thầy giáo dạy Văn. Và rồi anh trở thành sinh viên ngành Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tuy nhiên, đợt thực tập năm cuối tại một tòa soạn đã tạo ra bước ngoặt trong sự nghiệp của anh. Những tin, bài viết của anh được bạn bè đánh giá là “có năng khiếu làm báo”.

Nhà báo Dương Đình Tường đi bộ lên núi ở tỉnh Sơn La sau buổi trời mưa. Anh phải mượn dép lê để đi vì bùn đất nhiều. (Ảnh: NVCC)Nhà báo Dương Đình Tường đi bộ lên núi ở tỉnh Sơn La sau buổi trời mưa. Anh phải mượn dép lê để đi vì bùn đất nhiều. (Ảnh: NVCC)

Được bạn bè "khen", anh đã có niềm tin rằng mình có năng khiếu viết báo và sau đó “đầu quân" cho Báo Nông nghiệp Việt Nam, chuyên viết phóng sự mảng nông thôn đến nay đã được khoảng 20 năm.

Hiện nay, một số trường đào tạo báo chí đã có thêm phần thi năng khiếu trong khâu tuyển sinh. Nhà báo Đình Tường nói vui rằng, năm xưa, nếu bản thân thi năng khiếu chắc cũng khó qua, vì chỉ khi đi thực tập qua sự khen ngợi của bạn bè, anh mới tin bản thân mình có năng khiếu thực sự.

Khi mới vào nghề, anh mải chạy theo số lượng tin, bài nhưng sau đó có một số người phản hồi thông tin thiếu tính chuyên sâu. Vì thế, anh đã quyết định thay đổi phong cách viết giản dị, đề tài cũng chọn góc riêng để khai thác. Và anh chọn viết phóng sự mảng nông thôn.

Theo Nhà báo Dương Đình Tường: “Phóng sự trên báo chí ngày càng ít đi theo tôi bởi hai lý do. Thứ nhất là bởi bây giờ là xã hội thông tin, độc giả có xu hướng đọc nhanh nên không thích đọc kiểu phóng sự tả lan man, thậm chí là để “khoe” chữ nghĩa của người viết nhưng lại không mấy hữu ích cho độc giả.

Bởi thế mà bản thân phóng sự cũng cần phải có sự thay đổi, viết sâu nhưng hàm lượng thông tin phải thật nhiều, thật độc quyền, thật tin cậy và thật hữu ích. Các dạng longform hay emagazine ngày nay có nhiều hơi hướng phóng sự như vậy.

Thứ hai, bản thân người viết cũng thay đổi. Thế hệ của tôi có rất nhiều người vào nghề bằng con đường viết phóng sự, thành công, nổi tiếng. Tuy nhiên, số người gắn bó với phóng sự cứ dần rơi rụng. Họ chọn con đường khác để thích nghi, để tiếp cận với độc giả nhanh hơn, hiệu quả hơn”.

20 năm qua, Nhà báo Dương Đình Tường vẫn kiên định “một lối đi” riêng là viết về những dạng đề tài giản dị ở chính vùng đồng bằng, nông thôn. Thành công của anh đã được khẳng định khi đạt nhiều giải Báo chí quốc gia.

Quá trình đi làm, Nhà báo Dương Đình Tường nhận thấy rằng, số lượng sinh viên học báo chí sau khi ra trường chọn làm nghề báo không nhiều, một phần vì không có định hướng đúng khi chọn trường, chọn nghề hoặc “vỡ mộng” khi biết nghề báo rất vất vả.

Bên cạnh đó, việc nhà trường đào tạo chưa sát thực tế khiến sinh viên chỉ nắm được lí thuyết khó áp dụng khi tác nghiệp. Nhiều bạn lúng túng như "gà mắc tóc", có sinh viên đi thực tập 3 tháng mà không đủ số lượng tin bài theo yêu cầu.

Nhà báo Dương Đình Tường. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Nhà báo Dương Đình Tường. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Gắn bó với nông thôn, Nhà báo Dương Đình Tường đã có nhiều bài viết phóng sự phản ánh về những mặt tồn tại ở nông thôn và có tác động lớn. Loạt phóng sự về “Những hạt ngô máu ở Sơn La” phản ánh tình trạng người dân ở Sơn La bị các đại lí giống siết nợ, một năm lãi 70-80% sau đó lãi mẹ đẻ lãi con, rồi họ bị bắt lợn bò, thậm chí “siết” luôn nương rẫy. Thủ đoạn cho vay cũng rất tinh vi, khi các chủ nợ không hề ghi lãi suất, mà chỉ ghi số tiền cho vay đã kèm lãi, rồi khi hết hạn thì họ lại ghi giấy vay mới.

Sau khi bài báo được đăng tải, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo công an vào cuộc, thu hồi lại đất đai, khoanh nợ cho bà con. Ngay sau các động thái quyết liệt của cơ quan chức năng, nhiều bà con đã gọi điện cảm ơn. Đó là niềm vui, sự động viên đối với một người làm báo.

Loạt bài “Thuốc độc ở chính trong ta” của Nhà báo Dương Đình Tường được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia 2018 chấm giải B thể loại phóng sự. Tác phẩm đã gây tác động mạnh mẽ cho xã hội nhất là khi được hàng loạt cơ quan báo chí, truyền hình phản ánh, tìm hiểu tiếp.

Nhiều cuộc họp và hội thảo đã diễn ra ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Bảo vệ Thực vật để bàn cách hạn chế việc lạm dụng thuốc sâu. Cụ thể đến năm 2020 cắt giảm 30% tên sản phẩm thương mại thuốc bảo vệ thực vật hiện đang lưu hành tại Việt Nam, tức khoảng 1.000 sản phẩm (hiện tại đang có trên 4.000 sản phẩm).

Nghề phóng viên ảnh phải kiên trì, kiên nhẫn, luôn có mặt ở hiện trường

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Nhà báo Phạm Ngọc Thành (hiện là phóng viên Báo điện tử VnExpress) bén duyên với ảnh báo chí khi vào làm tại Trung tâm kết hợp dữ liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyên thu thập về hình ảnh văn hóa, lễ hội của cả nước. Kể từ đây, anh mới có định hình về ảnh báo chí khác với ảnh khi còn học phổ thông, đại học chụp lưu niệm.

Đến nay, Nhà báo Phạm Ngọc Thành đã gắn bó 16 năm với nghề. Theo Nhà báo Ngọc Thành, ảnh báo chí là một tư liệu sống, phóng viên ảnh phải là người có mặt tại hiện trường mới có sản phẩm, không giống như phóng viên viết là ngồi nhà cũng có thể làm tin.

Nhà báo Ngọc Thành tác nghiệp tại một sự kiện (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Ngọc Thành tác nghiệp tại một sự kiện (Ảnh: NVCC)

Khi mới chập chững vào nghề, anh Thành cũng rất nản khi chụp xong tác phẩm gửi biên tập viên và bị trả lại nhiều lần do chụp chưa đạt. Nhưng không nhụt chí mà còn quyết tâm hơn, có những bài phóng sự ảnh, anh chụp hàng tháng trời, thậm chí mấy tháng mới hoàn thành.

“Tôi rất ít khi chụp ảnh minh họa, bởi nó rất khó chụp. Ví dụ như khi phỏng vấn nhân vật, phóng viên phải ngồi cùng họ, và để ý cảm xúc của nhân vật, khi họ cảm xúc rưng rưng nước mắt, chau mày hoặc thể hiện niềm vui… phóng viên phải chụp được khoảnh khắc đó. Nhiều khi phải mất vài ngày để có được một bức ảnh.

Phóng sự ảnh là thể loại bắt buộc phóng viên phải kiên trì, kiên nhẫn. Những nhà báo đi trước thường khuyên tôi rằng, khi thực hiện đề tài nào nên nghiên cứu trước câu chuyện của người ta, để biết người ta có điểm gì đặc biệt, có ấn tượng để khai thác sâu vào đó.

Nhà báo Phạm Ngọc Thành tác nghiệp tại vùng lũ. Ảnh: (NVCC)

Nhà báo Phạm Ngọc Thành tác nghiệp tại vùng lũ. Ảnh: (NVCC)

Tuy nhiên, qua nhiều năm làm nghề, tôi lại có suy nghĩ ngược lại. Tôi thấy rằng, không nên tìm hiểu về họ quá nhiều, bởi như vậy sẽ bị dập khuôn. Tùy cơ ứng biến, khi đó bản thân mới có góc nhìn riêng”, Nhà báo Ngọc Thành chia sẻ.

Nhận xét về đào tạo ảnh báo chí trong các trường đại học, Nhà báo Ngọc Thành đánh giá, sinh viên khi mới vào trường chỉ thích chụp ảnh, chứ chưa có tư duy về ảnh và sự vất vả của nghề. Đến lúc ra trường, nhiều bạn có tư duy rất tốt, kỹ thuật chụp ảnh cũng rất ổn nhưng không chịu được áp lực vất vả của công việc nên không làm đúng chuyên ngành đào tạo.

Mạnh Đoàn