Nhà báo tham gia mạng xã hội phải chuẩn mực và có trách nhiệm

14/07/2018 08:18
LÃ TIẾN
(GDVN) - Đây là nội dung được Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra thảo luận tại cuộc tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội” được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh vào sáng 13/7.

Tham dự cuộc tọa đàm có hơn 70 đại biểu là các nhà báo thuộc các hội, chi hội nhà báo trong cả nước.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: Trong thời đại hiện nay, mạng xã hội đã thực sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, cũng như trở thành nguồn tin cho báo chí.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Lã Tiến)
Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Lã Tiến)

Nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử đã sử dụng mạng xã hội như một kênh tương tác giữa tòa soạn với bạn đọc và như một kênh quảng bá hữu hiệu.

Nhiều nhà tờ báo cũng sử dụng các mạng xã hội như facebook, twitter, instargram... để chia sẻ thông tin với nhau, cung cấp tin, bài cho bạn đọc...

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí với vấn đề “nóng” nhất là có nhiều thông tin không được kiểm soát, chứng thực nhưng lại được nhiều người chia sẻ, hưởng ứng, trong đó có nhiều nhà báo, gây hệ lụy không nhỏ với sự ổn định xã hội...

Đặc biệt, sau một năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và việc Luật An ninh mạng được thông qua, việc xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên – nhà báo khi tham gia mạng xã hội là đúng đắn, cần thiết và phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay.

Quang cảnh cuộc tọa đàm "Nhà báo và mạng xã hội" (Ảnh: Lã Tiến)
Quang cảnh cuộc tọa đàm "Nhà báo và mạng xã hội" (Ảnh: Lã Tiến)

Theo ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Luật Báo chí 2016 đi vào cuộc sống được hơn 1 năm, các cấp hội đã thành lập được Hội đồng xử lý vi phạm Luật Báo chí và đạo đức của hội viên từ đó tình trạng vi phạm luật và đạo đức đã giảm nhiều.

Nhưng thực tế việc áp dụng Luật Báo chí hiện còn tồn tại không ít hạn chế, có những hạn chế khá nghiêm trọng. Nổi bật nhất hiện nay là giải quyết mối quan hệ giữa mạng xã hội và nhà báo trên mạng xã hội.

Ông Lộc cho rằng, nội dung bản Quy định đạo đức nghề báo cần bổ sung quy định nào, trong điều 5 cần làm rõ hơn “chuẩn mực” bao gồm những gì, “trách nhiệm” cụ thể thế nào, hai vấn đề này liên hệ với nhau thế nào.

Người làm báo phải có trách nhiệm như thế nào khi tham gia mạng xã hội, cần phải có quy ước cụ thể, để đảm bảo tính minh bạch khi hoạt động báo chí, cần có quy định phù hợp nhằm quản lý thông tin của hội viên trên mạng xã hội.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác thực xung quanh vấn đề nhà báo và mạng xã hội như: Những quy ước cụ thể trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo và quy định phù hợp để quản lý thông tin, hoạt động của nhà báo trên mạng xã hội;

Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí (Đài truyền hình Việt Nam) phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Lã Tiến)
Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí (Đài truyền hình Việt Nam) phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Lã Tiến)

Trách nhiệm cá nhân của người làm báo khi sử dụng mạng xã hội; những quy định, chế tài cụ thể để xử lý vi phạm khi sử dụng mạng xã hội của nhà báo; giải pháp ngăn chặn, xử lý những biểu hiện xấu của nhà báo khi sử dụng mạng xã hội;

Phát huy vai trò của cơ quan quản lý báo chí trong việc định hướng sử dụng mạng xã hội của các nhà báo...

Những phát biểu, tham luận, ý kiến của đại biểu trong buổi tọa đàm đã góp phần gợi mở nhiều nội dung để các hội viên – nhà báo tự xác định được trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội.

Đồng thời các đại biểu cũng đóng góp nhiều nội dung nhằm cụ thể hóa những tiêu chí của nhà báo khi tham gia mạng xã hội, cũng như các phương tiện truyền thông khác.

Các ý kiến tại tọa đàm nhằm cụ thể hóa những tiêu chí “chuẩn mực” và “trách nhiệm” của nhà báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, giúp những người làm báo có nhận thức đúng đắn, góp phần định hướng dư luận xã hội, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.

LÃ TIẾN