LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, đang công tác tại Ban Sáng tác - Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Hôm nay, ông kể chúng ta nghe về các tiền đồn trên biển, về những con người quên mình bảo vệ từng tấc đất, từng mét nước chủ quyền tổ quốc...
Gọi là nhà lô, nhà chòi... cũng sinh động; gọi là: “khách sạn trên thềm lục địa”, “mắt thần ở biển Đông”... thì mộng mơ; còn gọi mộc mạc, gần gũi nhất là nhà giàn DK1.
DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa đất liền nhất.
Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Quân chủng Hải Quân không chỉ là người có ý tưởng, và đề xuất xây dựng, đưa người đồn trú ở đảo chìm, mà ông cũng là người biến ý tưởng xây dựng nhà giàn DK1 vừa làm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật, vừa đồn trú bảo vệ lãnh hải, thềm lục địa tổ quốc trở thành hiện thực.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Nam (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Công binh) là chủ nhiệm công trình thiết kế nhà giàn DK1, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nhà giàn DK1 hiên ngang trên thềm lục địa. Ảnh: TTXVN. |
Giữa trùng khơi
Vùng biển đang hiện diện nhà giàn DK1 có đáy kéo dài từ bờ ra thoai thoải đến 200m độ sâu. Từ đáy sâu hơn 200m trở ra biến đổi, chia cắt và nhiều dốc đứng, thăm thẳm.
Bạn đọc hãy hình dung: Thềm lục địa vùng biển nhà giàn DK1 là dãy cồn cao gần mặt nước, có các dạn san hô nổi, nhiều điểm nhô cao chỉ cách mặt biển từ khoảng 3 đến 20m.
Sương mù ở vùng biển DK1 ít, nhưng dông tố thì... khủng khiếp, nhiều đến mức nản quá không đếm nữa.
Mùa gió đông bắc, sóng cực đại cao đến 8m, sóng bão tố cao tới 15m có thể đánh trùm nước lên tòa nhà 5 tầng.
Lòng yêu nước và quyết tâm các chiến sĩ hải quân thì có thừa, nhưng bài học về một thời duy ý chí “dời non lấp biển” khiến các nhà khoa học và nhà quân sự hết sức thận trọng khi thiết kế nhà dàn DK1.
Bởi máu người lính chẳng phải nước biển, không thể đùa với bão tố dữ dội cấp 13, 14 ở đại dương trùng trùng.
Sau khi khảo sát biển, thềm lục địa về độ cứng của đá san hô, độ lún, sức gió, tác động của sóng... các thông số khoa học được phân tích xem xét và căc cứ vào đó để thiết kế.
Mục đích là “cắm” được các nhà giàn DK1 như những “mốc chủ quyền” xuống biển Đông.
Nhà giàn DK1 ở bãi san hô Phúc Tần (lô 3), bãi Tư Chính (lô 1), bãi ngầm Ba Kè (lô 6)... được chọn xây dựng 3 nhà giàn đầu tiên vào năm 1989.
Đến năm 1990 - 1991 tại (lô 2) - bãi Phúc Nguyên, (lô 4) - bãi Huyền Trân và (lô 5) - bãi Quế Đường được thi công tiếp 3 nhà giàn nữa.
Cho đến hiện nay, đã có 20 nhà giàn được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam biển Đông gồm 7 cụm DK1: Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế đường, Huyền Trân, Ba Kè, Tư Chính và Cà Mau.
Mực nước bãi san hô thấp nhất là 7m ở khu vực nhà giàn DK1/3 ở bãi Phúc Tần; còn mực nước sâu nhất là 25m khu vực nhà giàn DK1/15 ở bãi Phúc Nguyên.
Những thế hệ nối tiếp
Đến quần đảo Trường Sa mà chưa đến Nhà giàn DK1 thì chưa thấy trọn vẹn sự kì vĩ của đại dương và con người, chuyến đi biển coi như khuyết thiếu một chặng đầy sự mới lạ, khác biệt, hiếm khi quay trở lại trong đời.
Tôi đã chứng kiến một bình minh nhà giàn lộng lẫy ban mai.
Mặt trời to như cái nong đỏ rực đội nước nhô lên đường chân trời, biển phẳng lặng như cái gương khổng lồ.
Nhìn từ xa, nhà giàn DK1 như một bông hoa hướng dương vàng rực đội nước vươn lên trời xanh.
Càng đến gần những ô cửa, những lan can, những bậc thang lên xuống... hiện ra gần gũi, thân thuộc, xen lẫn cảm giác mới lạ như đang bắt gặp một khách sạn hiện đại giữa không trung chạm vào cả các đám mây trắng đang trôi mải miết.
Những cán bộ, chiến sĩ mặc sắc phục hải quân đứng dàn hàng ngang hùng dũng, uy nghiêm trên lan can tầng hai giơ tay lên mũ dải yếm đang tung bay trước gió trong lễ chào cờ.
Trong khi nơi “chiếu nghỉ” nhà giàn một số chiến sĩ, cán bộ của ta túc trực chờ kéo dọc dòng “bốc” người, bốc hàng thì trên sân thượng, phân đội trực chiến vẫn luôn sẵn sàng.
Nhà giàn DK1 hiên ngang giữa biển Đông đẹp lãng mạn đến lạ lùng. Nhưng, ít người biết DK1 đã trải qua 3 thế hệ nhà giàn, thế hệ nào cũng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu người lính biển.
Thế hệ đầu tiên, (cũng như các đảo chìm) gọi là nhà giàn nhưng thực ra là cái nhà giàn đơn giản thô sơ, mang thân phận nổi chìm của chiếc phao lớn hình khối rỗng, kín nước, làm bằng kim loại, được neo đặt trên nền đá san hô.
Chỉ gặp sóng cấp 5 cũng có thể bị xê dịch.
Khoảng tháng 6/1989, nhà giàn DK1/4 bãi Ba Kè xây dựng có bền chắc hơn, thiết kế khung nhà liên kết với chân đế.
Chân đế là... pông tông – người ta bơm vữa bê tông vào pông tông cho nó đông kết rồi đánh chìm. Kế đó, các cột bê tông chôn sâu xuống thềm san hô để định vị, hãm chân đế không xê dịch.
Nhà giàn pông tông chỉ là giải pháp tình thế trong thời gian rất ngắn phải căng quân ra đồn trú bảo vệ thềm lục địa.
Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trên nhà giàn DK1. Ảnh: TTXVN. |
Đặt nền móng
Sau đó, là thế hệ thứ hai mới đích thực là nhà giàn có 4 cọc kim loại đóng xuống nền đá san hô.
Kết cấu hạ tầng là khung chân và thượng tầng là một tầng nhà ở, dưới gầm là tầng phụ để làm kho, bếp... được thi công từng phần trên đất liền, rồi vận chuyển lên tầu Hoàng Sa 1200 tấn, tầu Trường Sa 600 tấn, với đầu máy 15000 sức ngựa.
Tầu chở ra bãi cạn, nhóm thi công sẽ cẩu hạ từng bộ phận của nhà giàn lắp ghép trên bãi đá san hô ngập nước giữa biển.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Nam - chủ nhiệm công trình thì: “Nhà giàn xây dựng trên nền đá san hô và nền bùn rất dày.
Vì thế các nhà thiết kế đã lựa chọn phương án móng cọc thép thay cho móng trọng lực.
Khi thi công, dùng búa máy để đóng cọc thép ống chân đế đặc biệt sâu vào nền đá san hô”.
Gió to, sóng cả là thử thách lớn nhất của những người thi công nhà giàn, đôi khi đang thi công gặp bão, sóng ngầm.
Thi công nhà giàn trên nền đá san hô Tư Chính B, nếu bình thường chỉ mất 30 phút là cẩu thả xong 1 cọc vào ống chân đế; nhưng sóng quá lớn, lính công binh phải mất hơn 20 giờ mới cẩu thả xong 4 cọc.
Bây giờ, đã là thế hệ nhà giàn thứ ba có 6 chân cọc, có ba tầng nhà...; sơn gam màu vàng trắng là chủ đạo, tô điểm thêm màu xanh hài hòa, nhìn xa như tòa khách sạn lộng lẫy giữa biển đông.
Nhiệm vụ nhà giàn DK1 là Trạm Dịch vụ, Kinh tế, Khoa học – Kỹ thuật, nên có nhà giàn như DK1/7 còn đặt Trạm khí tượng hải văn thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ.
Nhiều nhà giàn thiết kế bãi đỗ máy bay trực thăng trên nóc. Hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời dồi dào gấp 3 lần nhà giàn cũ.
Mùa mưa bão, mặt trời bị che mờ mịt hoặc sương mù, lính biển vẫn có điện tích từ ắc quy chiếu sáng, xem ti vi, nối mạng internet, chạy tủ lạnh, nấu cơm suốt cả tháng.
Cuộc sống lính đồn trú trên các nhà giàn tốt hơn trước rất nhiều, có dụng cụ tập luyện thể thao, nửa đêm chợt thức giấc quay quắt nhớ người yêu ở quê nhà cũng có thể “lén” chỉ huy, bật điện thoại di động thì thầm mong nhớ với đất liền.
Vùng trời khắc nghiệt
Thiên nhiên biển Đông bão dông vô cùng khắc nghiệt. Dù mọi cố gắng của con người bền bỉ qua cả thập niên “đội trời lội biển” không phải lúc nào cũng vượt qua bão to sóng lớn xô quật.
Có 5 nhà giàn đã chẳng chịu đựng nổi cái thói đỏng đảnh bất thường của thủy thần, cái thì nghiêng từ từ rồi ngã vào biển khởi, cái thì không chịu đựng được sóng lừng đổ ụp ngay giữa tâm bão: Năm 1990, nhà giàn DK1/3 – bãi Phúc Tần... đổ.
Năm 1998, nhà dàn DK1/6 – bãi Phúc Nguyên... ụp. Năm 1999, nhà giàn DK1/5 – bãi Tư Chính... ngã vào lòng biển.
Năm 2000, nhà dàn DK1/4 - bãi Ba Kè bị sóng đánh... quỵ; còn nhà giàn DK1/1 bãi Tư Chính cũng bị sóng đánh nghiêng, rung lắc mạnh, không thể ở được.
Đầu tháng 12 năm 1990, cơn bão số 10 sức gió mạnh cấp 11, 12 tràn qua khu vực DK1. Những cơn sóng dâng lên như các tòa nhà cao 15 cứ lừng lững xông vào nhà giàn Phúc Tần đánh nghiêng 15 độ, các sàn ghi tầng dưới bị xé vỡ tung.
Nhà giàn rung lắc nghiêng ngả... như đưa võng. Nồi xoong, bàn ghế, tủ sắt, thùng rau... lần lượt bị tung hê không thương tiếc xuống biển. Cả nhà giàn sũng nước mặn, tanh bành.
Trạm trưởng, trung úy Bùi Xuân Bổng và Trạm phó chính trị, trung úy Nguyễn Hữu Quảng vẫn bình tĩnh chỉ huy các chiến sĩ duy trì điện báo thường xuyên về Sở chỉ huy, sử dụng phao bơi, gói ghém tài liệu mật, chuẩn bị xuồng cứu sinh...
Các anh đã trụ đến phút cuối, không thể chần trừ được nữa, Trạm trưởng mới lệnh cho cán bộ chiến sĩ buộc phao vào nhau để nếu có mệnh hệ nào thì sống cùng sống, chết cùng chết cũng không rời đội ngũ.
Chỉ vài thời gian ngắn ngủi sau khi rời nhà giàn nhảy xuống đầu những cơn sóng cuồn cuộn thì toàn bộ khối nhà giàn sắt thép đồ sộ cũng bị đổ nhào xuống biển.
Quân chủng Hải quân đã lệnh cho các tàu HQ711, HQ713, HQ965 đang trực trên khu vực DK1 nhanh chóng đè sóng cả đến cấp cứu bộ đội.
Cuộc tìm kiếm sau 13 tiếng đồng hồ, tàu HQ711 đã phát hiện cứu sống được 5 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương đưa vào đất liền.
Cuộc tìm kiếm 3 người vẫn ở dưới biển kéo dài nhiều ngày sau do hai chiếc tầu còn lại cùng với 3 chiếc tầu nữa được điều động thêm.
Nhưng, sóng to dữ dội quá, 5 tầu lớn vẫn không tìm kiếm được 3 cán bộ chiến sĩ bị đánh trôi dạt.
Trạm phó chính trị, trung úy Nguyễn Hữu Quảng, trung úy quân y sĩ Trần Văn Là, hạ sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền đã mãi mãi ở lại đáy biển sâu vì sự nghiệp bảo vệ thềm lục địa phía đông nam của tổ quốc.
Các chiến sĩ Hải quân - quân đội nhân dân Việt Nam luôn chắc tay súng nơi địa đầu Tổ quốc. Ảnh: TTXVN. |
Hiên ngang nơi đầu sóng
Hiện nay, chỉ còn 15 nhà giàn vững chãi đang sừng sững cắm xuống lòng biển đông, do cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 thuộc Lữ đoàn 171 đồn trú.
Trong số nhà giàn trụ vững này, có cái “trơ gan cùng tuế nguyệt” đến tận bây giờ, có cái bị nghiêng phải gia cố chống lún, hoặc xây dựng lại vững chắc hơn, to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.
Mùa biển động, lên nhà giàn rất khó khăn và có leo lên được thì khi xuống về đất liền cũng bị cái cảm giác sợ hãi ám ảnh đeo bám. Sóng to gió lớn, leo thang sắt lên nhà giàn rất nguy hiểm.
Lính biển phải thả thang dây kéo hàng, nước ngọt và người lên. Thang dây là sợi dây dù to như ngón chân cái người lớn, đầu trên cột vào lan can, nối dài ra qua cái dòng dọc, đầu dưới buộc vào hai đầu thanh gỗ.
Người ngồi vào thanh gỗ ấy, hai tay nắm lấy dây. Sau dự lệnh: “Chuẩn bi” là đến động lệnh: “Lên!”, chưa đến 15 giây người từ xuồng đã treo lơ lửng trên không trung như xiếc đu, rồi chạm sàn “bến xuồng” cách mặt biển 5m.
Hai chiến sĩ trẻ đỡ lên, lính đảo và khách tập kết ở sàn “bến xuồng” trước khi leo lên “tổ chim”.
Sức mạnh của cái thang dây thật ghê gớm và đáng nể, nhưng người nghĩ ra, sáng tạo ra thang dây, cách dùng thang dây để đưa hàng và người lên nhà giàn thì còn đáng phục đáng nể hơn.
Cũng có khi, biển động dữ dội, xuồng từ tầu thả xuống bỗng chốc bị đẩy lên ngọn sóng cao đến hai, ba mét rồi lại giật xuống như bị quăng vào chân sóng, không ai dám khẳng định sẽ không có người nào bị chìm xuống biển bởi xuồng bị úp.
Đành phải ở lại tầu nhìn lên các chiến sĩ trẻ măng đang đứng nhà giàn khao khát gặp người đất liền, trên boong tầu nhiều người trầm lặng, lén lau những giọt nước mắt cứ tự nhiên ứa ra mà không cắt nghĩa được vì sao khóc.
Đồ từ đất liền đưa ra phải bọc nilon, buộc dây, chiến sĩ hải quân mặc áo phao bơi ra tầu kéo về chân nhà giàn, rồi dùng dòng dọc tời lên.
Đoàn trưởng đoàn công tác đành phải chúc sức khỏe, dặn dò qua máy bộ đàm; thêm vài cô văn công vừa hát vừa nước mắt vắn nước mắt dài cho lính nhà giàn thưởng thức qua ống nghe.
Rồi thuyền trưởng cho tầu hú còi, chạy quanh nhà giàn hết ba vòng, lại hú thêm hồi còi dài nữa tạm biệt những người lính nhà giàn đón hụt khách!
Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trồng rau xanh trên nhà giàn DK 1. Ảnh: TTXVN. |
Những nhà “ngoại giao trên biển”
Thời gian biển lặng vào các tháng 3, 4, 5 và tháng 9, 10, ngư dân Trung Quốc, Philippin thường chạy tầu đến các bãi Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè... đánh cá trái phép.
Ấy là chưa kể đám tầu cải dạng, tầu nghiên cứu khoa học thăm dò địa chất, và tàu chiến...của Trung Quốc chạy đến các khu vực biển nhà giàn DK1 để trinh sát, thám hiểm, quấy rối, vi phạm chủ quyền nước ta.
Lính nhà giàn phải tiến hành những cuộc ngăn cản các hành động trái phép của tầu thuyền nước ngoài, lúc ôn tồn nhã nhặn mà kiên quyết, lúc gắt gao, nóng bỏng... để xua đuổi họ ra khỏi vùng biển chủ quyền nước ta.
Từ khi nhà giàn bắt được điện thoại di động, ngư dân hay cập thuyền.
Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành vi vi phạm vùng biển Việt Nam |
Đôi khi chỉ là ông chồng ngư dân kiếm cớ dạt vô, bịa ra cả câu chuyện thương tâm xin mấy phút sóng điện thoại; nhưng thực ra toàn những tâm tình nhớ thương với vợ; lính biển cũng thể tình cho tặng.
Có khi là một cái tầu đánh cá trục trặc, ngư dân cũng ghé vô nhờ điện thoại cho tầu khác đến ứng cứu.
Cái dạo tàu cá Bình Thuận (BT 96659) bị hỏng máy, thuyền trưởng khóc mếu nhờ lính biển nhà giàn DK1/15 liên lạc với Tàu Vạn Hoa 743 đến sửa chữa...
Có thể nói lính biển nhà giàn chẳng nề hà, làm gì cũng được miễn là có ích cho ngư dân và giúp họ từ chuyện lặt vặt xin vài viên thuốc cảm cúm đến cứu nạn tính mạng tầu thuyền.
Lính hải quân vui với cái vui của ngư dân Việt trong mỗi chuyến đánh bắt xa bờ ở vùng biển, thềm lục địa bình yên của tổ quốc.