Mặc dù hiện nay phương tiện giao thông đã phát triển nhưng giáo viên công tác ở đảo về đất liền ăn Tết cũng không phải dễ dàng. Ở lại đảo ăn Tết, bên cạnh tình yêu với nghề, họ còn có tình cảm gắn bó với học sinh. Nhiều bạn đã ra trường từ lâu nhưng đã lựa chọn đúng khoảnh khắc giao thừa quay lại trường chúc Tết khiến các thầy cô vô cùng xúc động.
Ở lại đảo vì tình yêu thương với học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hà Thị Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thổ Châu (Đảo Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang) cho hay, năm 1995, cô theo chồng là bộ đội ra đảo.
“Ngày đó trên đảo chỉ có 1 giáo viên nên tôi quyết định đi học trung cấp sư phạm (hệ vừa học vừa làm) và về công tác tại trường từ năm 1996 đến nay. Năm 2000, chồng tôi chuyển công tác về Phú Quốc, cấp trên cũng quan tâm trao đổi nếu bản thân có nguyện vọng chuyển công tác về Phú Quốc để gần chồng sẽ tạo điều kiện. Nhưng vì thương các em học sinh nơi đảo xa còn nhiều khó khăn thiệt thòi nên tôi đã quyết định gắn bó với các em nơi đảo Thổ Chu đến bây giờ.
Do trường cách xa đất liền, cách xa các trường bạn nên công tác dạy học của tôi và các đồng nghiệp cũng gặp một số khó khăn như: Tàu đò 5 ngày mới có một chuyến nên chúng tôi gặp khó trong việc tham gia tập huấn, học hỏi chuyên môn. Nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều học sinh đầu cấp thường theo cha mẹ về đất liền nên ảnh hưởng tới việc duy trì sĩ số học sinh”, cô Oanh chia sẻ.
Thầy Nguyễn Văn Hà - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quan Lạn (nằm trên đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: Thầy công tác tại đây từ ngày 15/10/2001.
Những ngày đầu ra công tác tại đảo, thầy cũng gặp phải rất nhiều khó khăn như: thiếu điện, thiếu nước, thiếu môi trường học tập, điều kiện đi lại khó khăn, chi phí tiêu dùng hàng ngày cao… Vì điều kiện khó khăn nên một số em học sinh cũng thiếu động cơ học tập, có học sinh thiếu sự quan tâm của gia đình…
Còn thời điểm hiện tại, các trường trên đảo đã được Nhà nước đầu tư cơ bản đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, đảo cũng từng ngày thay đổi…, điều kiện kinh tế của người dân ổn định nên quan tâm đến giáo dục nhiều hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như giá cả tiêu dùng, đi lại hàng ngày cao, đi lại chưa thực sự thuận lợi, môi trường học tập của giáo viên và học sinh còn hạn chế, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội còn nhiều hạn chế…
Đây cũng là lý do mà thầy muốn gắn bó nơi này để giúp các bạn học sinh có thêm động lực quyết tâm trong học tập. Bởi việc học có thể không phải là con đường duy nhất giúp các bạn thành công nhưng đây là con đường ngắn nhất.
Nhiều hoạt động đón Tết ý nghĩa nơi đảo xa
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thổ Châu cho hay, Tết Giáp Thìn năm nay cô ở lại ăn tết tại đảo. Mặc dù điều kiện sinh hoạt không thể bằng trên đất liền, ngày Tết cũng đơn sơ nhưng những hoạt động đón Tết do nhà trường tổ chức có các bạn học sinh tham gia cũng khiến cô cảm thấy ấm lòng.
“Tết tại đảo tuy đơn sơ nhưng cũng có đủ hương vị ngày xuân. Tôi chuẩn bị bánh chưng, cành mai lấy từ trên rừng… cành đào có hoa được làm bằng nhựa. Thầy trò trường tôi cũng chuẩn bị đón Tết rất sôi nổi. Các thầy cô giáo đoàn viên tham gia các hoạt động đón xuân cùng xã đoàn và các đơn vị bộ đội như: cùng gói bánh chưng, bánh tét, trang trí cành mai, cành đào, vui liên hoan văn nghệ,... Các em học sinh chuẩn bị các tiết mục văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân.
28 năm sinh sống và công tác tại đảo, cơ bản là tôi ăn Tết tại đảo vì quê hương xa xôi, trước đó thì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, phương tiện tàu đò chạy 5 ngày một chuyến và phụ thuộc vào thời tiết. Khoảnh khắc tôi nhớ nhất là cô trò dắt nhau đi chúc Tết các chú bộ đội”, cô Oanh xúc động nói.
Nữ giáo viên cũng cho biết thêm, kỷ niệm mà cô nhớ nhất khi ăn Tết trên đảo chính là khoảnh khắc giao thừa, vừa bước sang năm mới đã có học sinh đến chúc Tết. Trong đó, có những bạn đã trưởng thành và ra trường từ lâu. Nhiều bạn còn bế theo cả con, dẫn theo cả vợ hoặc chồng đến chúc Tết cô giáo cũ. Những tìm cảm chân thành và ấm áp này khiến cô Oanh cảm thấy rất xúc động và ấm lòng.
Thầy Nguyễn Hải Phòng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cô Tô (Đảo Cô Tô, Quảng Ninh) cho hay, Tết Nguyên đán nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho học sinh. Trong đó có chương trình Tết sum vầy - Tết bình an.
Những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhà trường tặng quà Tết nhằm động viên, khích lệ các em cố gắng trong học tập và yên tâm đón Tết. Bên cạnh đó nhà trường còn tổ chức các hoạt động như: thi gói bánh chưng luộc tại trường, trưng bày bánh chưng, tặng bánh chưng cho đơn vị bộ đội trên đảo Cô Tô, thi thuyết trình bằng Tiếng Anh, các hoạt động văn nghệ…
Đây là những hoạt động thiết thực được học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ đó mà Tết ở vùng hải đảo cũng ngập tràn không khí rộn ràng. Các em cũng rất vui vì được thực hành gói bánh chưng - loại bánh truyền thống của dân tộc.
Trong khi đó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quan Lạn cho biết, thầy đã có rất nhiều năm đón Tết trên đảo. Mỗi năm đều để lại cho thầy những kỷ niệm khó quên.
“Tôi có rất nhiều kỷ niệm trong những lần đón Tết tại đảo nhưng có lẽ kỷ niệm không thể quên được đó là tôi cùng cán bộ, giáo viên và cán bộ đồn biên phòng đi chúc Tết 11/12 thôn tại 2 xã đảo Quan Lạn, Minh Minh Châu. Sau đó, chúng tôi trở lại đón giao thừa chúc Tết tại đồn Biên phòng Quan Lạn. Hoạt động này đã tạo được tình cảm, sự gần gũi giữa nhân dân, chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang và nhà trường”.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức trang trí Tết, mâm ngũ quả, chuẩn bị mâm cúng giao thừa… Ngoài ra, Trường Trung học phổ thông Quan Lạn cũng phân công cán bộ, bảo vệ trực 24/24 đồng thời cử giáo viên tham gia các hoạt động mừng Đảng – mừng Xuân của địa phương, chúc Tết các địa phương và đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn, chuẩn bị đón Tết tại đơn vị và khai xuân đầu năm.
Thưởng Tết của giáo viên nơi đảo xa ra sao?
Chia sẻ về mức thưởng Tết Nguyên Đán của giáo viên trên đảo năm 2024, cô Hà Thị Oanh cho hay: “Mức thưởng tết chúng tôi thường gọi là lương tháng thứ 13 được trích từ kinh phí của đơn vị. Chúng tôi thưởng cho giáo viên căn cứ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm nay bình quân mỗi giáo viên sẽ nhận được từ 5-9 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng là sự động viên đến các giáo viên dịp tết đến xuân về.
Hiện nay, Nhà nước, tỉnh, thành phố cũng rất quan tâm đến các trường học ở đảo xa cả về đầu tư cơ sở vật chất cũng như chế độ lương, phụ cấp nên giáo viên chúng tôi cũng yên tâm công tác”.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quan Lạn cho biết mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay của nhà trường cơ bản đáp ứng đủ các nhu cầu của gia đình. Nhà trường cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương.
Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, các thầy cô cũng gửi lời chúc mừng năm mới tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thầy cô giáo nơi đảo xa nói riêng cũng như các thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước nói chung, các em học sinh thật nhiều sức khỏe.
Một số hình ảnh các thầy cô giáo đón Tết trên đảo cùng các em học sinh: