Nhà giáo có quyền có “cái lý” của mình?

25/07/2022 07:02
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến chương trình và sách giáo khoa là không sai song ưu tiên số một vẫn phải là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.

Báo Nhandan.vn ngày 11/07/2022 trong bài “Giải pháp cho tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc” dẫn lời Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên:

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chủ yếu là do: thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu. Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn…”. [1]

Số liệu thống kê từ Bộ Y tế cho thấy trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022 có gần 10.000 nhân viên y tế trong các cơ sở y tế công lập nghỉ việc. Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đã gửi đơn xin thôi việc vào ngày 07/06/2022.

Hiện chưa có thống kê chính xác trong gần 10 nghìn nhân viên y tế công lập bỏ việc, bao nhiêu người là tạp vụ, y tá, hộ lý, kỹ thuật viên và bao nhiêu người là y, bác sĩ có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh.

Ngoài ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế, hàng loạt tờ báo lớn như Nhandan.vn, Qdnd.vn, Laodong.vn, Thanhnien.vn,… đã ngay lập tức tham gia tìm kiếm nguyên nhân vì sao hàng loạt nhân viên ngành Y tế bỏ việc:

“Giải pháp cho tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc”. [2]

“Vì sao cán bộ, nhân viên y tế bỏ việc?”. [3]

“Bộ Y tế yêu cầu báo cáo tình trạng nhân viên y tế thôi việc hoặc bỏ việc”. [4]

“Hàng trăm bác sĩ các bệnh viện công tại miền Tây xin thôi việc, bỏ việc”. [5]

Đối chiếu những lý do mà Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu, có thể thấy hầu hết lý do khiến nhân viên y tế bỏ việc trùng hợp với nguyên nhân giáo viên bỏ việc, sự khác nhau là tình trạng nhà giáo (mầm non, tiểu học, trung học) bỏ việc diễn ra đã khá nhiều năm nhưng sự việc lại có vẻ ít gây nên sự “sốt ruột” của các cơ quan chức năng trung ương và địa phương.

Mười bốn năm trước (31/07/2008), trên báo Dantri.com.vn xuất hiện câu hỏi:

“Vì sao tôi đành từ bỏ nghề dạy học?”. [6]

Mười năm sau, vào năm 2017, báo chí tiếp tục viết:

“Thầy giáo 16 năm trong nghề bỏ việc: Đừng sống chết với mác biên chế”. [7]

“Lương 3 triệu, cô giáo mầm non bỏ nghề sau 1 năm bám trụ”. [8]

Vì sao cùng là viên chức nhưng viên chức y tế bỏ việc thì cả hệ thống lo lắng còn viên chức giáo dục bỏ việc thì lại ít ai để ý?

Vậy tình trạng thiếu giáo viên có trầm trọng như ngành Y tế?

Do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nhà giáo bỏ việc dẫn tới thiếu giáo viên nên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất:

“Để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy trong năm học này, đề nghị các bộ liên quan có giải pháp tạm thời cho các địa phương được ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng theo kiểu cũ để đáp ứng yêu cầu hiện tại, nhằm khắc phục tình trạng có học sinh nhưng thiếu giáo viên”. [10]

Ảnh minh hoạ: DH

Ảnh minh hoạ: DH

Ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến dẫu có được “các bộ liên quan” giải quyết cũng không thể khắc phục tình trạng “có học sinh nhưng thiếu giáo viên” bởi một lẽ đơn giản là theo chương trình giáo dục mới 2018, có những môn học như môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý hay Mỹ thuật, không chỉ vùng núi, hải đảo mà ngay tại các thành phố, thị xã cũng không tìm ra người đủ tiêu chuẩn mời về giảng dạy.

Nói chính xác hơn, những người soạn thảo chương trình hình như chỉ mới quan tâm đến nội dung môn học tích hợp mà chưa dành sự quan tâm đúng mực đến đội ngũ giáo viên sẽ dạy các môn tích hợp. Mặt khác, tìm hiểu kế hoạch tuyển sinh năm 2022 của một vài đại học sư phạm thì không thấy có mã ngành các môn tích hợp này. [11]

Không ít ý kiến cho rằng, công tác bồi dưỡng tập huấn (giáo viên tích hợp) chỉ diễn ra trong vài tuần là chưa đủ để các giáo viên chuyển từ dạy học đơn môn sang tích hợp, đặt biệt là với lớp 2 và lớp 6. [12]

Báo Nhandan.vn trong bài “Ăn đong vì thiếu giáo viên” viết:

“Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho hay, năm học 2022-2023, tỉnh này thiếu nhiều giáo viên tin học, tiếng Anh ở tiểu học, cấp trung học phổ thông thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật. 43/46 trường trung học phổ thông của tỉnh này chưa có giáo viên các môn nghệ thuật. An Giang cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi thiếu 185 giáo viên dạy tin học lớp 3, chưa có giáo viên dạy các môn tích hợp là khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Ở cấp trung học phổ thông, địa phương này chưa có giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật”. [13]

Tình trạng nhân viên y tế bỏ việc diễn ra gần 2 năm nay đã khiến cả xã hội bất an, khiến rất nhiều ban, ngành, cơ quan sốt sắng vào cuộc phải chăng vì việc chữa bệnh liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người?

Tình trạng thiếu hoặc chưa đồng bộ trong đào tạo giáo viên, đặc biệt là giáo viên tích hợp hình như vẫn được xem là bình thường, phải chăng có tâm lý chờ chỉ đạo của không ít cơ quan, ban, ngành?

Vậy ngành Giáo dục phải làm gì?

Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến chương trình và sách giáo khoa là không sai song ưu tiên số một vẫn phải là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.

Chính sách thu hút thí sinh vào học ngành Sư phạm mới chỉ là quan tâm đến phần ngọn, phần gốc phải là những người đang đứng lớp, những người làm việc đến 10 năm mới được hưởng mức lương bằng mức hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.

Chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải thừa nhận năm 2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên các cấp và bộ này đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung trong giai đoạn 2021-2025. [14]

Con số nêu trên lớn gấp 10 lần so với số nhân viên y tế bỏ việc nhưng vì sao lại chưa được báo động khẩn cấp?

Trong số 230 Bộ luật và Luật đang có hiệu lực, Việt Nam đã có những đạo luật dành riêng cho một nhóm đối tượng cụ thể như Luật Dân quân tự vệ, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Luật sư, Luật Thanh niên,…

Với lực lượng giáo viên đông hàng triệu người, bao giờ Việt Nam có Luật Nhà giáo?

Nhà giáo và việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần có tính chính danh được đảm bảo bằng pháp luật chứ không phải bằng những lời ca tụng.

Để làm được điều này cần sớm có cơ sở pháp lý là Luật Nhà giáo mà cơ quan chắp bút soạn thảo dự luật không ai khác chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có người bảo “Những gì đã xuất hiện ở dưới ánh mặt trời và đã tồn tại được hàng nghìn năm, thì bao giờ cũng có cái lý của nó”, nhà giáo đã tồn tại cùng với quá trình hình thành nhà nước Việt Nam, vậy nhà giáo ngày nay có quyền có “cái lý” của mình?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://nhandan.vn/giai-phap-cho-tinh-trang-nhan-vien-y-te-nghi-viec-post704813.html

[2] https://thanhnien.vn/ha-noi-chat-vat-giam-si-so-hoc-sinh-post1459531.html

[2]https://nhandan.vn/giai-phap-cho-tinh-trang-nhan-vien-y-te-nghi-viec-post704813.html

[3]https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/vi-sao-can-bo-nhan-vien-y-te-bo-viec-700144

[4] https://laodong.vn/y-te/bo-y-te-yeu-cau-bao-cao-tinh-trang-nhan-vien-y-te-thoi-viec-hoac-bo-viec-1061940.ldo

[5] https://tienphong.vn/hang-tram-bac-si-cac-benh-vien-cong-tai-mien-tay-xin-thoi-viec-bo-viec-post1452992.tpo

[6] https://dantri.com.vn/ban-doc/vi-sao-toi-danh-tu-bo-nghe-day-hoc-1217609009.htm

[7]https://laodong.vn/giao-duc/thay-giao-16-nam-trong-nghe-bo-viec-dung-song-chet-voi-mac-bien-che-564121.ldo

[8]https://vietnamnet.vn/luong-3-trieu-co-giao-mam-non-bo-nghe-sau-1-nam-bam-tru-417753.html

[9] http://www.xaydungdang.org.vn/Home/giai_bua_liem__vang/2022/16766/Quen-tai-bo-nhiem-hang-chuc-can-bo.aspx

[10]https://tienphong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-the-nao-ve-chinh-sach-tien-luong-cho-giao-vien-post1391901.tpo

[11] https://trangedu.com/truong/dai-hoc-su-pham-ha-noi/

[12] https://vtc.vn/truc-tiep-dao-tao-giao-vien-day-tich-hop-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-ar608929.html

[13] https://nhandan.vn/an-dong-vi-thieu-giao-vien-post697250.html

[14] https://vnexpress.net/ca-nuoc-thieu-hon-94-700-giao-vien-4347431.html

Xuân Dương