Lương, phụ cấp, thăng hạng chức danh nhà giáo và chuyện vòng vo chính sách (1)

02/05/2021 07:00
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định theo chế độ lương mới thì lương nhà giáo “không thấp hơn” mức lương hiện hưởng.

1. Các chính sách giáo dục trong 10 năm qua

Năm 2013 Trung ương ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, trong Nghị quyết này phần nói về thang bảng lương nhà giáo đã được các thày cô đón nhận với sự hồ hởi, tin tưởng.

Đến năm 2018, Trung ương ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW, đây là nghị quyết chuyên về chính sách tiền lương đối với toàn bộ nhân sự thuộc hệ thống chính trị (công chức, viên chức, công an, quân đội, người lao động trong doanh nghiệp,…).

Nghị quyết 27-NQ/TW ra đời sau Nghị quyết 29-NQ/TW, phần “Tổ chức thực hiện” có 06 điều và không có điều nào khẳng định Nghị quyết 29-NQ/TW hết hiệu lực nhưng một số định hướng về lương nhà giáo trong Nghị quyết 29-NQ/TW đã không còn.

Đã xuất hiện những thay đổi căn bản theo hướng lương nhà giáo cũng giống lương công chức, viên chức toàn quốc.

Khi thang bảng lương nhà giáo không còn được ưu tiên so với các ngành nghề khác thì thu nhập từ lương của nhà giáo tăng hay giảm?

Về điều này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định theo chế độ lương mới thì lương nhà giáo “không thấp hơn” mức lương hiện hưởng.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cụ thể hóa các quy định mang tính định hướng của Nghị quyết 27-NQ/TW trong bốn Thông tư số 01, 02, 03, 04 về bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông.

Nếu chỉ nhìn vào hệ số lương thì có thể cho rằng lương nhà giáo đã được cải tiến đáng kể bởi hệ số lương giáo viên mầm non đã được điều chỉnh từ 1,86 - 4,98 lên 2,1 - 6,38; với khối phổ thông là từ 1,86 - 4,98 lên 2,34 - 6,78.

Vấn đề nằm ở chỗ nếu trước đây bình thường cứ ba năm được lên lương một lần thì nay lại chia ra làm ba giai đoạn tương ứng với ba hạng giáo viên.

Tìm hiểu cụ thể hơn trong 04 Thông tư đã ban hành thì thấy nhà giáo giảng dạy tất cả các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông, để chuyển từ hạng 3 lên hạng 2 cần ít nhất 6 năm, chuyển từ hạng 2 lên hạng 1 cần ít nhất 9 năm, tổng là 15 năm.

Cả ba bậc học của cấp phổ thông (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) đều có thang bảng lương như nhau và cao hơn cấp mầm non một bậc (Bảng 1 và Bảng 2)

Bảng 1: Bảng lương giáo viên Mầm non

Bảng 1: Bảng lương giáo viên Mầm non

Bảng 2: Bảng lương giáo viên trung học phổ thông

Bảng 2: Bảng lương giáo viên trung học phổ thông

Với giáo viên phổ thông, nếu chuyện lên lương và chuyển hạng diễn ra suôn sẻ thì sau khoảng 24 năm, nhà giáo sẽ hưởng hệ số lương kịch khung hạng 1 là 6,78.

Một người bình thường, tốt nghiệp trung học phổ thông lúc khoảng 18 tuổi, học đại học sư phạm mất 04 năm và tốt nghiệp năm 22 tuổi. Khi hưởng lương kịch khung họ vào khoảng 46-48 tuổi. Cho đến khi nghỉ hưu (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP) liệu có chuyện nhà giáo còn phải làm việc khoảng 12-14 năm mà không được tăng lương lần nào vì hệ số lương đã kịch khung?

Theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW thì quỹ lương của các đơn vị sẽ bao gồm ba khoản: “Lương cơ bản” chiếm khoảng 70%, “Phụ cấp” chiếm khoảng 30% và bổ sung thêm “Quỹ tiền thưởng” bằng khoảng 10% tổng quỹ lương hàng năm.

Vì “tiền thưởng” không phải là khoản chia đều cho mọi người một cách tự động nên thu nhập chính của người lao động sẽ chỉ gồm hai khoản Lương, Phụ cấp.

Nhìn vào các bảng lương có thể thấy lương nhà giáo được tăng lên vì hệ số lương cao hơn so với cũ nhưng thu nhập có tăng tương ứng?

Các phân tích cho thấy không còn thâm niên, nhà giáo sẽ giảm thu nhập một cách đáng kể, báo Laodong.vn cho rằng “Thu nhập theo lương mới giảm tới 3 triệu đồng”. [1]

Bảng 3: Dự kiến bảng lương quân nhân chuyên nghiệp năm 2021

Bảng 3: Dự kiến bảng lương quân nhân chuyên nghiệp năm 2021

Nghị quyết 27-NQ/TW quy định “Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức)”.

Trong bốn đối tượng hiện được hưởng thâm niên là quân đội, công an, cơ yếu và nhà giáo thì chỉ có nhà giáo là bị bỏ thâm niên.

Điều này nhằm bảo đảm sự “tương quan tiền lương” giữa nhà giáo với viên chức, công chức nhưng không “tương quan” với các đối tượng quân đội, công an, cơ yếu.

Có thể xem xét dự thảo bảng lương năm 2021 của quân nhân chuyên nghiệp để hiểu rõ vấn đề này. (Bảng 3)

Theo dự thảo, quân nhân chuyên nghiệp được chia thành ba loại, sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Quân nhân chuyên nghiệp sơ cấp là đội ngũ có trình độ chuyên môn thấp nhất.

Dễ dàng nhận thấy hệ số lương bậc 1 của quân nhân chuyên nghiệp sơ cấp thuộc nhóm 1 (hệ số 3,20) gần bằng bậc 4 của giáo viên mầm non hạng 2 (hệ số 3,33), cũng gần bằng bậc 4 của giáo viên trung học phổ thông hạng 3 (hệ số 3,33).

Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non ít nhất phải có trình độ cao đẳng, giáo viên trung học phổ thông tối thiểu phải có trình độ đại học.

Lương khởi điểm của người có trình độ đại học (giáo viên hạng 3 – trung học phổ thông) thấp hơn gần bốn bậc so với lương khởi điểm của người lao động trong nhóm quân nhân chuyên nghiệp trình độ sơ cấp.

Căn cứ vào Thông tư số 08/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ “Hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động” thì khoảng thời gian giữa hai lần nâng bậc lương quy định như sau:

a/ Chức danh chuyên gia cao cấp, thời gian được xét nâng bậc lương là đủ 5 năm áp dụng bậc lương của chuyên gia cao cấp;

b/ Các chức danh hay các ngạch có yêu cầu trình độ từ cao đẳng trở lên thì sau thời gian đủ 3 năm sử dụng bậc lương của các chức danh hay các ngạch đó

c/ Các chức danh hay các ngạch có yêu cầu trình độ trung cấp trở xuống, nhân viên thừa hành, hay phục vụ thì sau thời gian đủ 2 năm sử dụng bậc lương của các chức danh hay các ngạch đó.

Như vậy, để đạt lương bậc 4 nhà giáo phải mất ít nhất 09 năm, trong khi quân nhân chuyên nghiệp trình độ sơ cấp chỉ cần hết thời gian thử việc hoặc tập sự.

Bên canh đó, theo quy định tại mục d, khoản 3.1 điều 3 Nghị quyết 27-NQ/TW thì hệ thống lương mới phải “Bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương”.

Hiện nhà giáo các cấp từ mầm non đến đại học được hưởng phụ cấp ưu đãi từ 30-50%, ngoài ra còn phụ cấp theo vùng miền, phụ cấp thu hút.

Trong tương lai nhà giáo có còn được hưởng phụ cấp và nếu có thì tổng phụ cấp tăng hay giảm?

Theo quy định tại điều 4, Nghị định 76/2019/NĐ-CP về “Phụ cấp thu hút” thì:

“Đối tượng quy định tại điều 2 Nghị định này (trong đó có nhà giáo – NV) được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng)”.

Như vậy “Phụ cấp thu hút” chỉ được tính trong thời gian 60 tháng, sau thời gian đó người lao động sẽ chuyển sang hưởng “Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” với 03 mức: 0,5; 0,7 và 1 (tính trên mức lương cơ sở).

Điều 11, Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định “Phụ cấp ưu đãi theo nghề” đối với Công chức, viên chức và người lao động là nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục như sau:

“Phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này”.

Những gì thể hiện trong Nghị định 76/2019/NĐ-CP cho thấy ba loại phụ cấp là “phụ cấp thu hút”, “Phụ cấp ưu đãi theo nghề” và “Phụ cấp công tác lâu năm” chỉ áp dụng cho nhà giáo “làm việc thực tế ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Điều này có đồng nghĩa với tình trạng nhà giáo làm việc tại các vùng miền còn lại trên cả nước sẽ không được hưởng bất kỳ loại phụ cấp nào?

Liệu có văn bản chỉ đạo nào khác liên quan đến phụ cấp nhà giáo mà những người quan tâm muốn tìm thấy phải là những người “siêu” về Công nghệ Thông tin?

(Còn nữa)

Xuân Dương