Nhân tài và công nghệ cao là "đòn bẩy" để Việt Nam vươn tầm thế giới

18/10/2024 06:17
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việt Nam cần thu hút nhân tài và đầu tư vào công nghệ cao để mở ra con đường phát triển mạnh mẽ, vươn tầm thế giới, khẳng định vị thế trong kỷ nguyên mới.

Hội thảo khoa học với chủ đề "Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, thu hút sự tham gia và đóng góp ý kiến từ các lãnh đạo trường đại học và các chuyên gia hàng đầu.

Nhiệm vụ của văn hóa là tạo dựng một dân tộc thông thái

Chia sẻ tại hội thảo Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhắc lại, trong Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh Đại hội Đảng lần thứ XIV sắp tới sẽ “mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, điều này thể hiện sự hiện thực hóa khát vọng mà Việt Nam đã nuôi dưỡng. Nếu Đại hội XIII là sự khởi đầu của khát vọng ấy, thì Đại hội XIV là lúc biến khát vọng thành hiện thực.

GDVN_Hoi thao khoa hoc (Hoi dong Ly luan Trung uong) 6.JPG
Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Châu Anh

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú cho rằng, để bước vào kỷ nguyên mới này, cần có một hệ thống quan điểm chỉ đạo mạnh mẽ, tạo động lực và dẫn dắt cả dân tộc tiến lên. Hệ thống quan điểm này không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của kỷ nguyên mới, mà còn phải xác định các động lực và nguồn lực cần thiết để đổi mới, với vai trò của Đảng và hệ thống chính trị như những người “dẫn đường, thiết kế và thi công” các giải pháp phát triển.

Về văn hóa, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú lưu ý, lâu nay chúng ta thường tập trung vào các lĩnh vực văn hóa cụ thể, nhưng trọng tâm lớn nhất và thách thức lớn nhất chính là xây dựng con người. Theo ông, nhiệm vụ của văn hóa là tạo dựng một dân tộc thông thái, và đây chính là sứ mệnh hàng đầu của công cuộc phát triển văn hóa.

Tiếp nối ý kiến này, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh rằng trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, vai trò của việc đào tạo nhân tài là vô cùng quan trọng.

Trong các nhiệm vụ của Đại học Quốc gia Hà Nội, có một nhiệm vụ trọng yếu là đào tạo nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ để phục vụ đất nước. Nếu muốn phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần sở hữu những nhân tài kiệt xuất ở tầm cỡ quốc tế, không thể chỉ dừng lại ở việc tiếp cận công nghệ nước ngoài mà cần sáng tạo công nghệ dẫn đầu.

VNU - Hoi thao khoa hoc (Hoi dong Ly luan Trung uong) (16).jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi chia sẻ tại hội thảo Ảnh: NTCC

Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi nêu quan điểm, hiện tại, cách tiếp cận đối với nhân tài vẫn còn đơn giản và thiếu chiều sâu, chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ đào tạo học sinh giỏi và lao động có kỹ năng. Các kỳ thi học sinh giỏi đã giúp phát hiện và hỗ trợ các tài năng trẻ tham gia cuộc thi quốc tế, nhưng khi bước vào bậc đại học, sự phát triển của nhân tài dường như chững lại. Nhân tài của Việt Nam cần được định hướng đào tạo để vươn đến tầm thế giới, nhưng việc trọng dụng nhân tài vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều nhân tài phải ra nước ngoài phát triển.

Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi cho rằng đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận trong việc trọng dụng nhân tài, thu hút và giữ chân những cá nhân xuất sắc để họ có thể trở thành người dẫn dắt, tiên phong giải quyết những thách thức của Việt Nam. Thay vì chỉ xem nhân tài như những người thực hiện công việc trong guồng máy, họ cần được trao cơ hội để trở thành nhà lãnh đạo, người dẫn đầu trong sự phát triển của đất nước.

Công nghệ cao chính là đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam

Đồng quan điểm về vai trò của khoa học công nghệ cũng như con người, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), đã đưa ra những nhận định quan trọng về vai trò của công nghệ trong sự phát triển của Việt Nam tại Đại hội Đảng XIV.

Theo nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Đại hội lần này đóng vai trò quyết định trong việc đưa Việt Nam vươn lên thành “con hổ” của châu Á. Để đạt được điều đó, cần có đường lối chiến lược rõ ràng và các giải pháp đột phá.

VNU - Hoi thao khoa hoc (Hoi dong Ly luan Trung uong) (26).jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NTCC

Về phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ, Giáo sư Đức cho rằng, trước tiên, Việt Nam cần coi công nghệ cao là nền tảng cốt lõi để đổi mới sáng tạo và phát triển giáo dục. Dù Luật Công nghệ cao được ban hành từ năm 2008, nhưng vẫn chưa có chính sách cụ thể để thúc đẩy triển khai. Sự trỗi dậy của các quốc gia với công nghệ cao đã cho thấy rằng quốc gia nào làm chủ được công nghệ này sẽ có ưu thế vượt trội.

Ngoài ra, để phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, hệ thống giáo dục và các trường đại học cần được trang bị nền tảng khoa học vững chắc và đẩy mạnh giáo dục STEM.

Đặc biệt, việc phát triển STEM là chưa đủ; cần có những nhân tài thực sự để dẫn dắt quốc gia. Nhân tài là nguyên khí quốc gia, và trong lĩnh vực công nghệ, việc đào tạo và sử dụng nhân tài là yếu tố then chốt.

Và theo Giáo sư Đức, muốn hội nhập quốc tế thì ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là điều kiện cần thiết theo đúng tinh thần tại Kết luận 91 của Bộ Chính trị.

Lắng nghe các chia sẻ, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Tuấn Nghĩa, Giảng viên cao cấp Khoa Sinh học, Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng đồng tình với các ý kiến cho rằng quan niệm và cách thức đào tạo nhân tài trong thời đại mới cần phải có những bước đột phá. Đặc biệt Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị tiên phong trong việc này, không chỉ tiếp tục mà sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Về phát triển khoa học công nghệ, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Tuấn Nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ sinh học, đặc biệt qua bài học từ đại dịch COVID-19, khi công nghệ sinh học đã giúp phát hiện nhanh và phát triển vaccine mới, đưa nhân loại thoát khỏi khủng hoảng.

Trong vấn đề thu hút và đào tạo nhân tài, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Tuấn Nghĩa cho rằng Việt Nam cần tìm cách để thu hút những nhà khoa học thành danh ở nước ngoài quay về làm việc trong nước. Điều này sẽ góp phần to lớn vào sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, và đưa Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường phát triển.

Châu Anh