Nhật Bản nghi ngờ tàu ngầm Trung Quốc xâm nhập vùng biển Okinawa theo dõi tàu sân bay Mỹ |
Tân Hoa xã ngày 25/5 có bài viết cho rằng, trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục cho biết đã theo dõi thành công tàu ngầm Trung Quốc.
Không chỉ truyền thông Nhật Bản khẳng định khả năng này, mà ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng công khai nhấn mạnh đến sức mạnh này. Mặc dù việc Nhật Bản đã nhiều lần bàn luận về tàu ngầm Trung Quốc, nhưng điều đáng chú ý là khả năng săn ngầm thực sự của Nhật Bản như thế nào.
Mặc dù công nghệ phát hiện tàu ngầm khi đang lặn hoàn toàn không phải là việc ngoài tầm với, nhưng lần này Nhật Bản cho rằng họ sử dụng máy bay tuần tra săn ngầm P-3C để phát hiện và tiếp tục theo dõi tàu ngầm đang lặn, hơn nữa còn nói là sử dụng sonar để phát hiện và theo dõi. Theo báo Trung Quốc thì điều này “rất lạ”.
Tân Hoa xã cho rằng, khi tuần tra trên biển, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C thường chủ yếu sử dụng radar và thiết bị theo dõi hồng ngoại để phát hiện tàu ngầm đang hoạt động ở trạng thái trên mặt nước hoặc có ống thông khí. Mặc dù máy bay tuần tra săn ngầm P-3C cũng mang theo phao sonar nhất định, nhưng những phao này thường dùng để xác định mục tiêu hoặc sử dụng khi phát động tấn công.
Bởi vì, số lượng phao sonar mang theo trên máy bay là có hạn, hơn nữa phạm vi vùng biển mà mỗi một phao sonar có thể do thám/theo dõi cơ bản có bán kính không quá vài km. Theo đó, bài báo cho rằng, nếu sử dụng phao sonar trên máy bay tuần tra săn ngầm P-3C theo dõi vùng biển có diện tích lớn thì chẳng khác nào sử dụng đèn phi cầm tay để tìm kiếm chiếc kim khâu trên sân bóng trong đêm tối, đó quả là điều không thể.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C là hạt nhân của lực lượng săn ngầm hàng không Nhật Bản |
Bài báo của TQ cho rằng, thực ra, trường hợp máy bay tuần tra săn ngầm P-3C phát hiện được tàu ngầm phần lớn là khi tàu ngầm đang hoạt động ở trạng thái có ống thông khí hoặc nổi lên mặt nước và khi đó sonar của máy bay tuần tra có thể phát hiện được.
Lúc đó, tàu ngầm phát hiện ra có máy bay sẽ nhanh chóng lặn xuống để lẩn trốn, nhưng máy bay tuần tra săn ngầm P-3C có thể tiến hành "khóa" mục tiêu tàu ngầm và tấn công. Sử dụng đơn thuần sonar hoặc phao sonar để phát hiện, theo dõi, kiểm soát tàu ngầm là tương đối khó khăn, đặc biệt là đối với loại tàu ngầm sử dụng động cơ hạt nhân - vì nó có thể lặn lâu ở dưới mặt nước biển.
Sử dụng sonar để nhận biết quốc tịch tàu ngầm?
Theo bài báo, nếu nói máy bay tuần tra săn ngầm P-3C sử dụng sonar phát hiện tàu ngầm đang hoạt động là một việc có xác suất nhỏ, như vậy sử dụng sonar của máy bay săn ngầm để nhận biết quốc tịch của một chiếc tàu ngầm thì càng khó hơn.
Thiết bị sonar được sử dụng để thu lấy âm thanh, tàu ngầm khác nhau có đặc trưng âm thanh phát ra khác nhau, nhưng đặc trưng này rất mơ hồ, nhất là khi tàu ngầm chạy với tốc độ thấp, đặc trưng âm thanh càng không rõ ràng.
Trong các tuyên bố chính thức, Nhật Bản hoàn toàn không chỉ rõ quốc tịch của tàu ngầm. Theo lời của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thì "Nhật Bản đã xác định được quốc tịch của tàu ngầm, nhưng do không chụp được hình ảnh và tàu ngầm chưa đi vào lãnh hải Nhật Bản, cho nên không tiện công bố quốc tịch tàu ngầm". Trong khi đó, báo chí và một số nhân sĩ quan chức Nhật Bản phán đoán là tàu ngầm Trung Quốc.
Năm 2005, tàu ngầm Hải quân Trung Quốc đi qua eo biển Osumi |
"Về việc Nhật Bản yêu cầu giữa ba nước Nhật-Mỹ-Hàn tăng cường trao đổi thông tin săn ngầm có thể được hiểu theo hai phương diện. Một mặt, tăng cường trao đổi thông tin tình báo về săn ngầm, mặt khác có thể trong giai đoạn đầu sau khi phát hiện tàu ngầm sẽ bớt mập mờ về quốc tịch tàu ngầm, ở góc độ này, Nhật Bản rõ ràng “không tự tin” về công nghệ săn ngầm thực sự như họ nói". - báo TQ tuyên truyền.
Gây sức ép với Hải quân Trung Quốc?
Theo báo chí Nhật Bản, tàu ngầm nước ngoài hoạt động ở vùng biển này nhằm 2 mục đích, một là để thu thập tin tức tình báo, hai là để khẳng định sự hiện diện. "Nếu vì mục đích thứ nhất thì tàu ngầm sẽ lặn sâu ở trong biển để nắm được các động thái của tàu chiến đối phương, còn nếu vì mục đích thứ hai thì tàu ngầm sẽ cố ý khẳng định sự hiện diện, gây sức ép với nước đối tượng".
Phía Nhật nhận định, tàu ngầm Trung Quốc xâm nhập vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản phần nhiều là vì mục đích khẳng định sự hiện diện. Báo chí Nhật Bản dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng "đây là ý đồ thông qua khẳng định sự hiện diện để tạo hiệu quả đe dọa".
Theo báo Nhật, sau khi Chính phủ Nhật Bản công bố tàu ngầm nước ngoài xâm nhập vùng tiếp giáp vào ngày 13/5, chiếc tàu ngầm này vẫn lặng lẽ hoạt động ở khu vực xung quanh Okinawa... Như vậy, rõ ràng đối phương đang cố ý để cho Nhật Bản phát hiện và nhận biết tàu ngầm của họ.
Báo Trung Quốc cho rằng, như vậy, sử dụng sonar của máy bay tuần tra săn ngầm để nhận biết quốc tịch của tàu ngầm là điều không đáng tin cậy về công nghệ. Nhật Bản tập trung tuyên truyền đang theo dõi "tàu ngầm Trung Quốc" phần nhiều là có tính toán về mặt ngoại giao và công việc nội bộ.
Nhật Bản sở hữu rất nhiều máy bay tuần tra săn ngầm P-3C do Mỹ chế tạo |
Tân Hoa xã đưa ra nhận xét và tuyên truyền rằng: "Nhìn vào tranh chấp đảo, tranh chấp quyền lợi biển giữa Trung-Nhật, Nhật Bản đã sử dụng các loại đề tài rất phong phú đa dạng để thu hút sự chú ý ở trong nước, đồng thời tìm cách để Mỹ hỗ trợ cho lập trường của Nhật Bản.
Việc Nhật Bản cho rằng tàu ngầm Trung Quốc xâm nhập vùng tiếp giáp lãnh hải là "câu chuyện đã cũ", nhưng không loại trừ Nhật Bản có mục đích dựa vào đó để khẳng định khả năng săn ngầm, gây sức ép với Hải quân Trung Quốc".