Tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản hạ thủy ngày 6 tháng 8 năm 2013 |
Mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 23 tháng 3 đưa tin, tàu chiến lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản - tàu sân bay trực thăng Izumo sẽ đưa vào hoạt động từ ngày 25 tháng 3 tới.
Izumo có đường băng nối thẳng, độ dài sàn tàu gấp 1,25 lần so với độ dài của sàn tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga, số lượng máy bay trực thăng chở theo từ 4 chiếc tăng lên 9 chiếc, hơn nữa 5 máy bay trực thăng có thể đồng thời cất hạ cánh.
Tại buổi lễ tốt nghiệp trường Đại học Quốc phòng ngày 22 tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết: "Kinh phí quốc phòng của Trung Quốc liên tục tăng trên 10% trong 5 năm, đang nhanh chóng tăng cường xây dựng sức mạnh quân sự, không ngừng lặp lại các hành vi có thể gây ra tình huống bất trắc".
Truyền thông Nhật Bản cho rằng, các tàu chiến mới như Izumo và 20 chiếc máy bay tuần tra mới P-1, P-3C có kế hoạch mua trong năm 2015 sẽ đóng vai trò răn đe đối với Quân đội Trung Quốc.
Ngoài ra, tàu Izumo có chức năng thông tin chỉ huy tương đối mạnh, sẽ trở thành tàu trung tâm của biên đội tàu hộ tống, tàu này có thể chở 470 người, có thể dùng để vận chuyển lượng lớn nhân viên cho phòng vệ các đảo ở tây nam và sơ tán, cứu trợ nhân viên khi gặp thảm họa quy mô lớn. Tàu này tiến hành cải tạo một chút có thể có chức năng cất hạ cánh thẳng đứng máy bay chiến đấu F-35 mới của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch vào năm 2016 tiếp tục biên chế một chiếc cùng loại của tàu này, đồng thời muốn sử dụng đường băng nối thẳng cho toàn bộ tàu sân bay trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực tác chiến.
Trước đó, mạng sina Trung Quốc ngày 10 tháng 3 cũng có bài viết dài phân tích về tàu sân bay do Nhật Bản chế tạo, để ý tới tốc độ chế tạo tàu sân bay trực thăng 24DDH thứ hai.
Theo bài báo, chiếc tàu này hiện đã hoàn thành công trình chế tạo phần lớn thân tàu. Theo kế hoạch tàu lớp Izumo thứ hai này sẽ hạ thủy vào tháng 8 năm 2015. Chiếc đầu tiên mang tên Izumo đã tiến hành chạy thử trên biển vài lần, sắp đưa vào hoạt động.
Tàu sân bay trực thăng Izumo chạy thử trên biển |
Do Nhật Bản gần đây áp dụng chính sách an ninh mới, tích cực, chủ động hơn trong việc ứng phó với sức ép quân sự từ Trung Quốc, trong đó, Nhật Bản có kế hoạch chế tạo 2 tàu sân bay lớp Izumo...
Những động thái này được mạng sina Trung Quốc tuyên truyền xuyên tạc là “chiêu hồn chủ nghĩa quân phiệt”, trong khi họ không hề nhắc tới ý đồ của Trung Quốc là gì khi đang ra sức phát triển sức mạnh quân sự.
Việc chế tạo và đưa vào hoạt động tàu sân bay trực thăng Izumo được bài báo cho là một bước đi vững chắc để Nhật Bản thực hiện giấc mơ tàu sân bay.
Theo bài báo, tàu Izumo dài 248 m, rộng 39 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 19.500 tấn, lượng giãn nước đầy là 27.000 tấn, kích thước hầu như lớn gấp 3 tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga, vượt xa tàu sân bay lớp Invincible (21.000 tấn) của Hải quân hoàng gia Anh.
Bài báo cho rằng, tàu sân bay Izumo không chỉ chở máy bay trực thăng, nó còn có thể chở máy bay chiến đấu cánh cố định, máy bay cất hạ cánh thẳng đứng/cự ly ngắn và máy bay không người lái. Nó có thể cải tiến và dễ dàng chở máy bay chiến đấu F-35B và máy bay vận tải cánh xoay nghiêng V-22 Osprey.
Ngoài ra, tàu sân bay trực thăng Izumo còn được thiết kế tàng hình để tăng cường khả năng sống sót, chống radar địch.
Về vũ khí trang bị, tàu Izumo trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tầm gần SeaRAM, nhưng nhấn mạnh tới năng lực tác chiến trên không.
Theo báo chí Nhật Bản, Nhật Bản chế tạo tàu sân bay Izumo nhằm tăng cường các năng lực như tác chiến trên biển, chi viện, tiếp tế tổng hợp, cứu viện; để thích ứng với chiến lược "tác chiến nhất thể trên không, trên biển" của Quân đội Mỹ, tăng cường năng lực chống can dự/ngăn chặn khu vực (AD/A2); ứng phó lực lượng quân sự của các nước xung quanh châu Á không ngừng tăng cường, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm; đáp ứng nhu cầu tham gia nhiệm vụ viện trợ khủng hoảng quốc tế và khu vực không ngừng tăng lên; đáp ứng nhiều nhu cầu tác chiến hơn.
Tàu sân bay trực thăng Izumo chạy thử trên biển |
Theo phán đoán của mạng sina Trung Quốc, tàu sân bay lớp Izumo có thể được sử dụng trong tác chiến tương lai trên một số phương diện sau đây:
Một là làm tàu thay thế của tàu DDH lớp Shirane, tàu Izumo sẽ làm tàu chỉ huy của hạm đội 8 - 8, sẽ trở thành trung tâm chỉ huy trong tác chiến trên biển. Nhật Bản từ khi thành lập 4 cụm đội hộ vệ đến nay, do năng lực xử lý tình báo và thông tin khá mạnh, là trung tâm thông tin của toàn biên đội, 4 tàu DDH lần lượt đóng vai trò tàu chỉ huy của 4 hạm đội 8 - 8.
Là trang bị thay thế, tàu Izumo sẽ tiếp tục đóng vai trò tàu chi huy của cụm đội hộ vệ. So với các tàu lớp Shirane và Hyuga, thì tàu Izumo tăng về trọng tải, kích cỡ thân tàu, không gian của hệ thống chỉ huy tác chiến và thiết bị thông tin.
Tàu có năng lực tác chiến thông tin mạnh hơn, trang bị hệ thống và thiết bị có thể dùng cho Bộ tư lệnh tác chiến lực lượng liên hợp trên biển. Tàu có năng lực chỉ huy kiểm soát của biên đội trên biển, năng lực nhận biết thông tin mạnh hơn, có thể thích hợp hơn với môi trường tác chiến mạng hóa, số hóa.
Đặc biệt, với tư cách là tàu trung tâm của chỉ huy kiểm soát hạm đội tương lai, tàu Izumo ngoài trang bị hệ thống chỉ huy kiểm soát thông tin, còn trang bị hệ thống chỉ huy kiểm soát tác chiến và thiết bị đồng bộ của Bộ tư lệnh toàn bộ hạm đội.
Tàu cũng không chỉ có thể chỉ huy toàn bộ cụm đội hộ vệ, mà còn có thể dùng làm trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp của 3 quân chủng Nhật Bản, phát huy vai trò răn đe chiến lược, xử lý khủng hoảng và tác chiến hiệp đồng trong các hành động liên hợp của 3 quân chủng.
Hai là đóng vai trò hạt nhân săn ngầm của biên đội và trang bị tác chiến săn ngầm chuyên trách, thực hiện trọng điểm nhiệm vụ tác chiến hộ tống săn ngầm biển xa.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ-Liên Xô, để ngăn chặn hạm đội tàu ngầm Quân đội Liên Xô tiến mạnh ra Thái Bình Dương, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã gánh trách nhiệm nặng nề của đội quân tiên phong săn ngầm trong Liên minh chống Liên Xô gồm Mỹ-Nhật-Hàn.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Hạm đội Thái Bình Dương Nga dần dần suy yếu, Quân đội Nhật Bản ngày càng mạnh lên, mở rộng khu vực tuần tra đến Biển Đông, nhiệm vụ chiến lược chuyển sang ngăn chặn tàu ngầm Trung Quốc vươn ra đại dương.
Máy bay vận tải MV-22 Osprey của Quân đội Mỹ |
Có tin cho rằng, Nhật Bản muốn trang bị máy bay cánh xoay nghiêng SV-22 Osprey cho tàu Izumo, mà SV-22 là phiên bản săn ngầm của V-22 Osprey.
Loại máy bay này là máy bay thông dụng thay thế máy bay săn ngầm S-3 Corsair theo kế hoạch của Hải quân Mỹ, bán kính tác chiến lớn nhất đạt 1.205 km.
SV-22 sẽ trang bị thiết bị định vị thủy âm, thiết bị dò tìm từ tính lạ, phao sonar và ngư lôi săn ngầm MK-50.
Do SV-22 có tính năng cất hạ cánh thẳng đứng cự ly ngắn xuất sắc, làm cho nó có thể chở đầy đủ hơn, nhiều hơn trang bị săn ngầm, do đó năng lực săn ngầm và phạm vi tuần tra lớn hơn.
Ba là tiến hành chỉ huy, kiểm soát và quản lý bay của máy bay hải quân trên biển cùng hạm đội. Cùng với tăng kích cỡ tàu chiến và tăng số lượng máy bay hải quân, tăng năng lực kiểm soát trên không, tàu này sẽ còn làm trung tâm hàng không của biên đội.
Tàu Izumo có điểm khác biệt lớn nhất so với lớp Hyuga ở chỗ nó đã có năng lực thao tác hàng không và kiểm soát hàng không đầy đủ, trang bị thiết bị bảo trì và bảo dưỡng hàng không với đầy đủ thiết bị. Tàu không chỉ có thể chỉ huy và phối hợp hành động tác chiến của các máy bay hải quân trong biên đội, mà còn có thể tiến hành sửa chữa và bảo dưỡng chuyên nghiệp cho các loại máy bay hải quân của biên đội.
Tàu này có một tầng sàn tàu bố trí riêng làm khoang tác nghiệp hàng không và khoang bảo dưỡng-sửa chữa chuyên nghiệp, từ đó đã nâng cao năng lực tác chiến liên tục cho máy bay trực thăng của biên đội.
Bốn là, làm lực lượng chủ yếu giám sát các vùng biển và tuyến đường hàng hải quan trọng trong thời bình. Nhật Bản cho rằng, mối đe dọa đối với an toàn vùng biển xung quanh và tuyến đường hàng hải quan trọng ngày càng nghiêm trọng, phải tiến hành cảnh giới thường xuyên đối với những vùng biển, tuyến đường này.
Tàu Izumo có thể vận dụng chức năng mạnh, phối hợp chặt chẽ với nhiều máy bay trực thăng hơn, tiến hành săn ngầm và cảnh giới, giám sát mặt nước đối với các vùng biển và tuyến đường hàng hải quan trọng một cách chặt chẽ hơn, trong thời gian dài và phạm vi rộng hơn.
Đặc biệt là, sau khi đưa tàu Izumo vào hoạt động, do trọng tải lớn, tính thích ứng tốt, khả năng chở mạnh, nó có thể tuần tra lâu dài ở các vùng biển quan trọng xung quanh "chuỗi đảo".
Việc tàu sử dụng rất nhiều máy bay trực thăng săn ngầm làm "lính gác tầm xa", triển khai ở tuyến đầu giám sát hoạt động của tàu ngầm và tàu chiến các nước khác, tiếp tục thu hẹp không gian hoạt động của nước khác.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B do Mỹ chế tạo |
Năm là cung cấp chi viện hậu cần đối với các hành động trên biển, nhanh chóng điều động binh lực tới khu vực xung đột, chi viện cho tác chiến tranh đoạt đảo.
Thiết kế cơ bản của tàu Izumo tuy đã giữ đặc sắc của tác chiến săn ngầm, nhưng đã tăng cường năng lực ứng phó với nhiều loại tình huống và mối đe dọa mới.
Tàu này khác với tàu sân bay trực thăng cũ ở chỗ, trọng tải và kích thước lớn hơn, có thể chở nhiều nhiên liệu hơn, có năng lực tiếp tế trên biển và năng lực điều động binh lực khá mạnh.
Ngoài ra, một khi được trang bị máy bay vận tải V-22 Osprey, khả năng điều động binh lực của Izumo sẽ tiếp tục tăng cường. Đồng thời, tàu này còn có thể cung cấp chi viện cho tác chiến đổ bộ, tiến hành điều động binh lực hoặc cung cấp chi viện tình báo.
Sáu là thực hiện nhiệm vụ phi chiến tranh đa dạng hóa. Izumo dựa vào năng lực vận tải tổng hợp mạnh và mô hình nhiệm vụ luôn thay đổi, đặc biệt là tốc độ cao nhất 30 hải lý/giờ, khi thực hiện nhiệm vụ cứu viện khẩn cấp quốc tế và cứu nạn quy mô lớn ở trong nước, tốc độ phản ứng nhanh hơn.
Đặc biệt là máy bay V-22 Osprey có trọng lượng lớn, tốc độ nhanh, có thể nhanh chóng tiến hành vận chuyển vật tư, nhân viên giữa đất liền và tàu chiến, giữa tàu chiến với tàu chiến.
Izumo đã tăng cường năng lực y tế, khi xảy ra thảm họa lớn và bệnh viện trên đất liền không thể triển khai, tàu Izumo có thể làm tàu bệnh viện ứng phó khẩn cấp, cứu chữa rất nhiều thương binh.
Bảy là tác chiến hiệp đồng với Mỹ, bảo vệ, hộ tống cho cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ.
Hạm đội 8 - 8 với hạt nhân là tàu Izumo có một nhiệm vụ quan trọng là hộ tống cho cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ.
Đến lúc đó, Izumo có thể đảm nhiệm tàu chỉ huy trong tác chiến săn ngầm, thậm chí làm trung tâm chỉ huy trên biển săn ngầm của khu vực tác chiến, chỉ huy, phối hợp với các lực lượng khác tiến hành tác chiến săn ngầm hoặc chống hạm.
Ngoài ra, nó còn có thể làm tàu chỉ huy của lực lượng đặc phái thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trong lực lượng liên quân.
Năng lực tác chiến
Còn rất nhiều chi tiết của tàu Izumo còn chưa được công khai, hơn nữa, trong quá trình chạy thử, chắc chắn sẽ còn tiến hành điều chỉnh, hoàn thiện liên tục đối với phương án thiết kế ban đầu. Song với vai trò là một tàu sân bay hạng nhẹ, Izumo sẽ coi trọng hơn chức năng tình báo, giám sát, trinh sát, ngoài làm tàu trung tâm tác chiến hàng không của hạm đội Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, sẽ còn dùng cho tư lệnh hạm đội sử dụng, là trung tâm tác chiến chỉ huy của toàn bộ hạm đội.
Ngoài ra, Izumo sẽ còn làm trung tâm tác chiến săn ngầm của cụm đội hộ vệ như trước đây. Ngoài ra, nó sẽ còn đóng vai trò quan trọng khi Nhật Bản tham gia các hành động cứu trợ khẩn cấp quốc tế.
Tàu sân bay trực thăng Izumo chạy thử trên biển |
Năng lực tác chiến hàng không: Tàu Izumo là tàu trung tâm tác chiến hàng không của hạm đội Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, so với lớp Hyuga hiện có của Nhật Bản, Izumo thiên về tác chiến hàng không, vũ khí trên tàu đã giảm đến mức tối thiểu, hệ thống điện tử radar cũng đều phục vụ cho tác chiến hàng không.
Về năng lực tấn công đối không, Izumo yếu hơn lớp Hyuga, nhưng đã tăng cường năng lực kiểm soát bay. Lớp Izumo trang bị hệ thống bắn thẳng đứng tên lửa dành cho tên lửa phòng không Sea Sparrow. Radar trên tàu phải có khả năng dẫn đường cho tên lửa tấn công mục tiêu trên không. Trong khi đó, Izumo lắp hệ thống tên lửa SeaRAM có thể tự mang theo radar dẫn đường, không cần radar chính trên tàu tham gia tấn công.
Radar tìm kiếm đối không OPS-50 của Izumo đã hủy bỏ chức năng dẫn đường tên lửa, đã tăng cường năng lực kiểm soát hàng không và tìm kiếm đối không, phạm vi tìm kiếm đối không của nó mở rộng tới 200 hải lý, điều này đã hỗ trợ có hiệu quả cho máy bay trực thăng tiến hành tấn công săn ngầm tầm xa, cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với tàu ngầm địch.
Do Izumo trọng tải khá lớn, hơn nữa dùng đường băng nối thẳng, độ dài đường băng lên tới 248 m, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cất hạ cánh của máy bay chiến đấu cánh cố định F-35B. Khiêm tốn dự đoán tàu Izumo có thể chở 15 máy bay F-35B trở lên.
Ngoài ra, Nhật Bản còn có kế hoạch trang bị máy bay cảnh báo sớm trên không cho Izumo, từ đó gia tăng phạm vi dò tìm của hạm đội, có được nhiều thời gian cảnh báo sớm hơn, từ đó tiếp tục tăng cường năng lực tác chiến hàng không của Izumo. Đến lúc đó, Izumo sẽ thực sự trở thành tàu sân bay hạng trung, chứ không phải là "tàu khu trục chở trực thăng" như Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản gọi, sẽ có năng lực tấn công đối không, đối hải, đối đất toàn diện.
Năng lực tác chiến săn ngầm. Izumo được chế tạo để thay thế tàu khu trục tên lửa lớp Shirane, sau khi biên chế sẽ làm tàu chỉ huy hạm đội 8 - 8, vì vậy tác chiến săn ngầm cũng sẽ là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của tàu Izumo. Trước hết, Izumo có thể dựa vào thiết bị định vị thủy âm dòng OQQ của nó, tiến hành dò tìm đối với mục tiêu dưới nước, đồng thời còn có thể tiếp nhận tín hiệu của thiết bị giám sát cố định dưới nước, liên kết tiếp nhận thông tin với hệ thống săn ngầm trên đất liền.
Tàu sân bay trực thăng Izumo chạy thử trên biển |
Trên phương diện vũ khí tấn công tàu ngầm của tàu này, Izumo hoàn toàn không trang bị ống phóng ngư lôi, thậm chí không mang theo thiết bị bắn tên lửa săn ngầm ASROC, năng lực tác chiến săn ngầm của tàu đơn lẻ hoàn toàn không mạnh.
Tác chiến săn ngầm của Izumo cần phối hợp của hạm đội, nó chủ yếu phụ trách chỉ huy tác chiến, do máy bay trực thăng trên tàu tiến hành tấn công tàu ngầm tầm xa, các tàu chiến liên quan tiến hành tấn công tàu ngầm địch ở cự ly gần, tàu này cố gắng tránh trực tiếp tiếp xúc với tàu ngầm địch, phương thức tác chiến này đã thoát ky phương thức tác chiến cần có của tàu khu trục và giống hệt tác chiến tàu sân bay.
Sau khi Izumo đưa vào hoạt động, trong cụm đội hộ vệ có thể tăng số lượng máy bay lên vài lần, có thể điều động nhiều nhóm chiến thuật nhỏ, ứng phó với mối đe dọa trên nhiều phương hướng hoặc tổ chức thành mạng lưới săn ngầm chặt chẽ, tiến hành theo dõi, giám sát với khu vực rộng hơn, thời gian liên tục dài hơn hoặc không gián đoạn.
Ngoài ra, tàu này nếu sở hữu máy bay săn ngầm SV-22 của Mỹ, do máy bay này có tính năng cất hạ cánh thẳng đứng/cự ly ngắn xuất sắc, có thể mang theo trang bị săn ngầm đầy đủ và nhiều hơn, còn có thể tiếp tục tăng cường năng lực tác chiến săn ngầm.
Bởi vậy có thể thấy, cùng với số lượng máy bay và năng lực tác chiến tăng lên, tàu Izumo đi vào hoạt động sẽ làm cho năng lực tác chiến săn ngầm của hạm đội hộ vệ tăng ít nhất 2 lần trở lên.
Không chỉ đã tăng rất lớn năng lực ứng phó cơ động của biên đội, mà còn mở rộng vùng biển hoạt động. Theo báo chí Nhật Bản, thiết bị định vị thủy âm nhạy cảm cao của tàu Izumo kết hợp với năng lực tác chiến cự ly xa của máy bay trực thăng, trong thời chiến, có lợi cho ngăn chặn tàu ngầm nước láng giềng (lấy ngư lôi làm vũ khí chủ yếu) áp sát hạm đội mặt nước Nhật Bản.
Năng lực thực hiện nhiệm vụ phi chiến tranh đa dạng hóa. Trên phương diện đáp ứng năng lực thực hiện nhiệm vụ phi chiến tranh đa dạng hóa thời bình, trong quá trình thiết kế tàu Izumo, không chỉ đã xem xét tới cố gắng để ra nhiều không gian hơn cho thay đổi linh hoạt tùy theo nhiệm vụ; đồng thời cũng đã xét tới, trong tình hình tăng mạnh kích cỡ thân tàu và trọng tải, cố gắng giữ độ sâu mớn nước của nó không tăng, để nó có thể tiến vào nhiều cảng biển ở trong nước và nước ngoài hơn.
Vì vậy, trọng tải của Izumo tuy tăng 5.500 tấn so với lớp Hyuga, diện tích thân tàu đã tăng 45%, nhưng độ sâu mớn nước của nó vẫn giữ khoảng 7 m, tương đương với tàu lớp Hyuga. Khi thực hiện nhiệm vụ dân sự, Izumo giống như một cứ điểm di động trên biển.
Trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu nạn quy mô lớn ở trong và ngoài nước, thường cần vận dụng kết hợp các quân binh chủng khác nhau, xử lý vấn đề hợp tác với quân đội nước đương sự hoặc cơ quan địa phương sở tại, lúc đó, tàu Izumo có thể phát huy vai trò mạnh mẽ của nó. Đó là trở thành trung tâm phối hợp chỉ huy hành động, phát huy ưu thế số lượng trực thăng nhiều, dung lượng thân tàu lớn, triển khai các hành động như cứu viện nhân viên và hoạt động trung chuyển, vận chuyển vật tư, khí tài cứu viện tới khu vực thảm họa, trên tàu mở khoang tránh nạn lâm thời cho người tị nạn.
Đối với vấn đề này, năng lực y tế của tàu Izumo cũng được tăng cường, trong tàu đã bố trí 35 giường phẫu thuật, đồng thời có thể chở theo xe phẩu thuật, tổ chức thành hệ thống chữa trị, phát huy vai trò tàu bệnh viện. Ngoài ra, tàu này còn có thể thực hiện nhiệm vụ vận tải ở nước ngoài, như vận chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình, thực hiện nhiệm vụ rút công dân ở nước ngoài.
Hiện nay, tốc độ tối đa của tàu vận tải lớp Osumi Nhật Bản chỉ có 22 hải lý/giờ, trong khi đó, tàu Izumo sẽ đạt 30 hải lý/giờ, tốc độ được tăng cường cũng giúp cho Izumo sau này có năng lực phản ứng nhanh hơn khi đối phó với các tình huống bất ngờ ở trong và ngoài nước.
Tàu sân bay trực thăng cỡ nhỏ lớp Hyuga hiện có của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Theo bài báo, Nhật Bản có kế hoạch chế tạo 2 tàu lớp Izumo, lần lượt đi vào hoạt động vào năm tài khóa 2014 và 2016. Đến lúc đó, đội tàu sân bay trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ gồm có 2 tàu lớp Hyuga và 2 tàu lớp Izumo, năng lực tác chiến sẽ được tăng cường toàn diện.
Trên thực tế, bất kể là lớp Hyuga hay lớp Izumo đều có khoang có thể tự do thay đổi công dụng, có thể xây dựng trung tâm chỉ huy liên hợp lớn bất cứ lúc nào, trở thành mắt xích chỉ huy tương tự tàu chỉ huy đổ bộ USS Blue Ridge của Quân đội Mỹ, đồng thời lấy hệ thống C4ISR trên tàu làm hạt nhân của chiến dịch, tăng cường năng lực phản ứng nhanh, năng lực xử lý thông tin và năng lực tấn công-phòng thủ của toàn bộ biên đội trên biển.
Máy bay trực thăng chở với số lượng rất nhiều trên tàu Izumo có thể bảo đảm cho các tàu chiến hộ tống khác phát huy vai trò trong các nhiệm vụ tác chiến phức tạp, tiến tới nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ độc lập.
Trong khi đó, những máy bay trực thăng có chức năng khác nhau này vừa có thể tuần tra, vừa có thể tiến hành tìm kiếm, dò tìm, theo dõi tàu ngầm địch, thực hiện nhiệm vụ săn ngầm, vừa có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công hoặc chiếm lĩnh nhanh chóng khi tranh đoạt đảo ở biển xa.
Nhìn vào biên chế hiện nay của Lực lượng Phòng vệ Biển, trước năm 2040, Nhật Bản không cần thiết chế tạo tàu tiếp theo của Izumo, nhưng Lực lượng Phòng vệ Biển sở hữu 6 tàu khu trục Aegis, nếu ngân sách cho phép, trên cơ sở tiếp tục phát triển năng lực kiểm soát hàng không, năng lực vận tải đổ bộ và năng lực tiếp tế vật tư tổng hợp của tàu Izumo, chắc chắn sẽ chế tạo tàu chiến đồng bộ mới.
Nhà bình luận quân sự nổi tiếng Mỹ Bakel từng chỉ ra: "Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hiện đã trở thành lực lượng hải quân mạnh nhất khu vực Tây Thái Bình Dương, trong khi đó Chính phủ Nhật Bản chưa từng chấm dứt các nỗ lực hiện đại hóa Lực lượng Phòng vệ Biển".
Mặc dù bị trói buộc bởi Hiến pháp Hòa bình, giấc mơ chế tạo tàu sân bay thực sự của Nhật Bản không hề "thuận buồm xuôi gió", nhưng Hiến pháp hòa bình không ngăn cản Nhật Bản điều quân ra nước ngoài, tàu chiến Lực lượng Phòng vệ đàng hoàng qua lại như con thoi ở vịnh Aden, Nhật Bản cũng nâng cấp Cục Phòng vệ lên thành Bộ Quốc phòng, do đó, Hiến pháp hòa bình cũng khó có thể ngăn cản Nhật Bản sở hữu tàu sân bay thực sự.
Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga Nhật Bản |