Tham vấn 2 + 2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước Nhật-Pháp ngày 13 tháng 3 năm 2015 tại Tokyo, Nhật Bản |
Các tờ báo điện tử Trung Quốc, Hồng Kông như Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng, báo “Hoàn Cầu”, Tân Hoa xã, mạng tiếng Trung epochtimes… ngày 14 tháng 3 đã có nhiều bài viết bàn về cuộc hội đàm 2+2 giữa Nhật Bản và Pháp tại Tokyo ngày 13 tháng 3 năm 2015.
Theo báo chí Trung Quốc, vào thứ Sáu ngày 13 tháng 3 năm 2015 vừa qua, các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Pháp đã tổ chức tham vấn 2+2 tại Tokyo, đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng công nghệ và trang bị quốc phòng, quyết định cùng nghiên cứu phát triển các vũ khí như tàu ngầm không người lái, thiết bị định vị thủy âm, người máy, máy bay trực thăng, hàng không vũ trụ. Hai bên còn đồng ý hợp tác phòng thủ mạng, tổ chức huấn luyện quân sự liên hợp, tăng cường hợp tác vật tư và vận tải trong các hành động quốc tế.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, những hợp tác nói trên là bước đi thứ nhất, các hợp tác khác cần nhanh chóng đi theo. Trước cuối năm 2015, hai bên có thể ký kết thỏa thuận hợp tác hậu cần quân nhu.
Tham vấn 2 + 2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước Nhật-Pháp ngày 13 tháng 3 năm 2015 tại Tokyo, Nhật Bản |
Theo báo Trung Quốc, Pháp là nước thứ tư ký kết Hiệp định trang bị quốc phòng với Nhật Bản, kế tiếp Mỹ, Anh, Australia. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, hai nước Nhật-Pháp là quan hệ đối tác đặc biệt, tiến hành tham vấn 2+2 và ký kết thỏa thuận cụ thể, đánh dấu Nhật-Pháp đã tiến thêm một bước trong hợp tác lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói: Phải “thúc đẩy hợp tác Nhật-Pháp trong lĩnh vực bảo đảm an ninh đạt được tiến triển cụ thể”. “Hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực bảo đảm an ninh và hợp tác quốc phòng lại tiến thêm một bước, chúng tôi quyết định triển khai hợp tác cụ thể, đây là thành quả rất lớn”.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh, Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở châu Á tổ chức tham vấn 2+2 với Pháp, Nhật Bản là đối tác đặc biệt của Pháp, Pháp ủng hộ chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản và trông đợi Nhật Bản đóng vai trò quan trọng hơn trong cộng đồng quốc tế. Điều này giúp cho hai nước triển khai hợp tác mới với tính chất là nhân tố của hòa bình, ổn định. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ vui mừng Pháp tán thành Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp cho phép Quân đội Nhật Bản cung cấp hỗ trợ cho quân đồng minh.
Tham vấn 2 + 2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước Nhật-Pháp ngày 13 tháng 3 năm 2015 tại Tokyo, Nhật Bản |
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết, Nhật Bản và Pháp đều quan tâm đến nghiên cứu phát triển hệ thống không người lái, bao gồm máy bay không người lái, tìm kiếm trong nước, Nhật Bản trông đợi nhanh chóng tăng cường hợp tác cụ thể.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói: "Thỏa thuận chuyển nhượng công nghệ trang bị quốc phòng ký kết lần này nếu thực hiện cùng phát triển ở các lĩnh vực cụ thể như hệ thống không người lái, Nhật Bản đã làm tốt chuẩn bị chuyển nhượng công nghệ quốc phòng, hy vọng trong tương lai đẩy nhanh đàm phán, triển khai hợp tác các chương trình cụ thể".
Trước đó, Pháp và Nhật Bản đã thành lập một ủy ban minh bạch xuất khẩu vũ khí, mục đích là muốn tránh xảy ra hiểu nhầm, nhất là tránh xảy ra hiểu nhầm khi Paris xuất khẩu thiết bị cho Trung Quốc. Hiệp định ký kết lần này đã đưa vào điều khoản hạn chế để lọt công nghệ cho nước thứ ba, có ý ngăn chặn công nghệ lọt vào tay Trung Quốc.
Tham vấn 2 + 2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước Nhật-Pháp ngày 13 tháng 3 năm 2015 tại Tokyo, Nhật Bản |
Theo báo “Hoàn Cầu” Trung Quốc, tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông qua “Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị phòng vệ”, đã nới lỏng rất lớn điều kiện bán vũ khí trang bị và công nghệ quân sự của Nhật Bản cho nước ngoài, sau đó, không ít quốc gia đã bày tỏ quan tâm tới vũ khí trang bị và công nghệ của Nhật Bản.
Văn kiện chung của hai nước Nhật-Pháp cho biết, Nhật-Pháp cũng sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố. Để ứng phó với các băng nhóm khủng bố, hai bên quyết định tiếp tục chia sẻ thông tin và kỹ năng. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhấn mạnh, hai bên cần tăng cường hợp tác song phương trên các phương diện như tấn công cướp biển và chống khủng bố, bảm đảm an ninh hàng hải.
Ngoài ra, hai bên còn bàn về các cuộc khủng hoảng quốc tế như Iraq, Syria, Iran. Đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, hai bên đều cho rằng, tiền đề để giải quyết cuộc khủng hoảng là tôn trọng toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Hai bên cam kết hỗ trợ ổn định tình hình Ukraine và tìm phương án giải quyết chính trị cho Syria và Iraq đang bị tác động bởi khủng hoảng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp |
Ngoài ra, Pháp và Nhật Bản còn hy vọng tăng cường hợp tác ở châu Phi và Nam Thái Bình Dương. Tokyo và Paris hy vọng trao đổi nhiều hơn với nhau các thông tin về châu Phi. Một quan chức Nhật Bản cho biết, Tokyo hy vọng dựa vào Pháp để hiểu hơn về châu Phi. Ngoại trưởng Pháp cho hay, hai bên đã triển khai hành động chung ở châu Phi và Nam Thái Bình Dương.
Văn kiện chung của Nhật-Pháp còn nhấn mạnh: Tranh chấp Biển Đông phải dựa vào luật pháp quốc tế, dùng phương thức hòa bình để giải quyết. Phải dựa vào các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bảo đảm tự do hàng hải và tự do bay ở vùng biển quốc tế.
Nhật-Pháp sẽ tổ chức đối thoại chiến lược Ngoại trưởng và hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng Nhật-Pháp vào thứ Bảy, đây là lần thứ hai tổ chức tham vấn 2+2 giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Nhật-Pháp kể từ tháng 1 năm 2014 đến nay.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Theo mạng epochtimes, cùng là thành viên của nhóm G7, tại hội nghị 2+2 lần này, Nhật Bản và Pháp đã phát đi tín hiệu quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn. Thỏa thuận mới là một nỗ lực mới nhất tăng cường quan hệ quân sự với quốc gia hữu nghị của Nhật Bản. Hiện nay, Tokyo đang tìm cách mở rộng quan hệ quốc phòng, nâng cao vai trò ảnh hưởng quốc tế.