Nhiều công trình thủy lợi… làm khổ dân

14/05/2015 06:49
TRÚC LINH
(GDVN) - Người dân của huyện U Minh (Cà Mau) bức xúc vì nhiều công trình thủy lợi, quản lý rừng không mang lại lợi ích mà còn làm khổ dân.

Thời gian gần đây, người dân của huyện U Minh (Cà Mau) bức xúc vì nhiều công trình thủy lợi, quản lý rừng không mang lại lợi ích mà còn làm khổ dân. Nhiều người bức xúc cho rằng, những công trình này xây lên chỉ tốn ngân sách Nhà nước.

Công trình bạc tỷ… đắp chiếu

Thực tế tại một số địa phương của huyện U Minh, phóng viên bắt gặp được nhiều hình ảnh rất phản cảm về những công trình thủy lợi quản lý rừng của huyện này.

Theo đó, thay vì đấp đập cho đỡ tốn kinh phí, địa phương lại xây dựng công trình cống thủy lợi có giá trị hàng tỷ đồng rồi… đắp thêm một cái đập ở phía trước để ngăn mặn. Nói rõ hơn là công trình cống thủy lợi bạc tỷ ấy bị vô tác dụng, mà theo người địa phương thì công trình đó xây lên chỉ để… đắp chiếu.

Cống Kênh 18 (xã Khánh Thuận, huyện U Minh), một trong những công trình thủy lợi gây bức xúc trong dân
Cống Kênh 18 (xã Khánh Thuận, huyện U Minh), một trong những công trình thủy lợi gây bức xúc trong dân

Cụ thể, chỉ mới xây dựng cách đây hơn một năm, cống ngăn mặn, giữ nước Kênh 18 (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) được đưa vào sử dụng với nguồn vốn đầu tư xây dựng đến hơn 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng không bao lâu, công trình này đã bị hư hỏng nặng, ngành chức năng cũng đã gia cố lại nhiều lần nhưng tình trạng vẫn đâu vào đó. Cuối cùng, người dân và chính quyền địa phương phải đắp một cái đập đất phía trước cống để ngăn mặn.

Trao đổi phóng viên Giáo dục Việt Nam, một hộ dân sống gần Kênh 18 bức xúc: “Thay vì nhà nước đấp cái đập ngăn mặn thì chỉ tốn 1 hoặc hai triệu đồng, Nhà nước lại cho xây công trình hàng tỷ đồng rồi vẫn phải đắp đập ngăn mặn. Quả là không ra gì mà còn làm tốn kém tiền của dân”.

Trả lời phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Lê Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau giải thích rằng: Do khu vực này gần bãi cây, nên vỏ cây tràm trôi xuống sông thường xuyên. Vậy nên khi đóng, bửng cống nước mặn vẫn chảy vào, do đó chúng tôi cho đắp cái đập để giữ nước.

Còn việc cống mới hoàn thành đã hư hỏng là do đất mới, bùn bị lún xuống. Trong khi đó, ông Lê Văn Sử - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho rằng: “Sự cố để nước mặn xâm nhập vào khi đóng cống Kênh 18 đã khắc phục xong.

Tuy nhiên, nguyên nhân cái đập vẫn còn tồn tại là do nhu cầu đi lại của người dân, vì đi qua đập thuận lợi hơn, không bị dốc như đi qua cống”.

Cống ngăn mặn làm khổ dân

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào trung tuấn tháng 4 vừa qua, Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (Cà Mau).

Tại đây, hầu hết cử tri tập trung phản ánh tác hại từ nhiều công trình thủy lợi của huyện này, trong đó có cống Khai Hoang (thuộc kênh T29, xã Nguyễn Phích).

Người dân cho rằng, cống thủy lợi Khai Hoang chẳng những không mang lại lợi ích mà còn làm khổ dân. Cụ thể, làm cho việc lưu thông bằng đường thủy của người dân bị bất tiện, giảm giá thành nông, lâm sản của người dân…

Được biết, Công trình cống ngăn mặn Khai Hoang do Sở NN và PTNT đầu tư xây dựng và mới đây UBND tỉnh đã phải chỉ đạo tạm dừng triển khai dự án vì có nhiều nguyên nhân gây bức xúc trong dân.

Người dân cho rằng, khi dự án được triển khai thì Khai Hoang có bề ngang đến 3,5 m, nhưng khi thi công chỉ còn có 2,7 m. “Chiều ngang cống quá hẹp làm cho các phương tiện cơ giới lớn không lưu thông được, chi phí sản xuất tăng vọt sản phẩm làm ra bị ép giá dó ngăn sông cách chợ…”, một người dân bức xúc.

Nhiều cử tri phản ánh tại buổi tiếp xúc nói trên cùng đồng loạt cho rằng, một số điểm xây dựng cống ngăn mặn, giữ nước lại được đặt tại vị trí không liên quan gì đến việc giữ nước bảo vệ rừng mà còn làm khổ người dân.

Cụ thể chứng minh, giá lúa ở thị trường là 5.000 đồng/kg thì thương lái vào mua chỉ có giá 4 ngàn đồng/kg, còn gỗ tràm thì nếu dân chở ra tới đập (cống ngăn mặn – PV) thì được giá khoảng 50 triệu đồng/ha, còn thương lái vào tận nơi mua chí bán với giá 30 – 35 triệu đồng/ha…

TRÚC LINH