Sáng 7/3, tại Hà Nội, trong hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho hay, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng. Mới đây, Nghị quyết Trung ương 4 cũng xác định các nhóm biện pháp hàng đầu là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Theo người đứng đầu Chính phủ, bên cạnh những thành tựu, hội nghị có trách nhiệm phân tích, làm rõ mặt hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa 10) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và Luật phòng chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, thảo luận, đề ra các biện pháp khắc phục nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tiếp theo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Tiến Dũng. |
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể, một số tỉnh ủy, thành ủy có biểu hiện buông lỏng việc chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Không ít người phát hiện, tố cáo tham nhũng bị đe dọa, trả thù nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
"Nhiều đảng viên, cán bộ có biểu hiện bất minh về thu nhập và mức sống, nhưng chưa có quy định để xem xét, xác minh làm rõ. Dư luận vẫn bức xúc về tình trạng chạy chức, chạy quyền. Việc thi tuyển công khai một số chức danh cán bộ quản lý theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3 vẫn chỉ là cá biệt", ông Phúc nói.
Theo ông Phó ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chủ trương cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm vẫn chưa đi vào cuộc sống; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa được thực hiện nghiêm, chỉ xử lý lãnh đạo trực tiếp hoặc liên đới thực hiện hành vi tham nhũng; nhiều nơi còn nể nang, né tránh trong việc xử lý người đứng đầu.
Các đại biểu dự hội nghị là lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh, thành phố... Ảnh: Tiến Dũng. |
Hơn nữa, việc kê khai tài sản, thu nhập tuy được thực hiện, nhưng tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn thấp bởi việc kê khai còn thiếu trung thực, kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi; và Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội, nhất là bất động sản và những tài sản có giá trị lớn.
"Số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử trong 5 năm có xu hướng giảm trong khi thực trạng tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Ít vụ được phát hiện và xử lý qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Nhiều địa phương không phát hiện được vụ án tham nhũng nào trong 5 năm", ông Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo Phó thủ tướng, các vụ tham nhũng quy mô lớn được phát hiện và xử lý còn ít, một số vụ cho hoãn xét xử, đình chỉ vụ án, cho bị can tại ngoại thiếu căn cứ thuyết phục. Nhiều vụ có xu hướng giảm dần về tội danh, tính nghiêm trọng của tội phạm, giảm dần số bị can, bị cáo; nhiều vụ được đình chỉ, miễn xử lý hình sự; số bị cáo cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao.
"Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Một số lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao và diễn biến phức tạp là quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý vốn, tài sản Nhà nước, tín dụng, ngân hàng...", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thêm.
Trước nhiều ý kiến đề nghị kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, cơ quan này đề nghị Ban chấp hành Trung ương cho ý kiến về việc lựa chọn một trong 6 mô hình sau: (1): Giữ mô hình Ban chỉ đạo như hiện nay, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, song cần hoàn thiện thêm về cơ chế hoạt động và bổ sung số thành viên kể cả chuyên trách và kiêm nhiệm. |
Tiến Dũng/Vne