Nhiều năm nay, học sinh ở một số xã ven biển tại Quảng Bình nghỉ học giữa chừng ở nhà đi biển.
Nghề truyền thống, thu nhập lại tương đối ổn định nên đa số các em xác định gắn liền với nghề nghiệp của ông cha.
Thế nhưng từ khi xảy ra sự cố biển bị nhiễm độc, những tàu đánh bắt gần bờ không thể ra khơi khiến cuộc sống của không ít gia đình trở nên bấp bênh, nhiều em phải tính đường đi xa tìm việc làm kiếm kế sinh nhai.
Thu nhập bấp bênh
Đã nhiều tháng nay, thuyền thúng của ngư dân đánh bắt gần bờ nhiều xã ven biển ở tỉnh Quảng Bình như xã Đức Trạch, Nhân Trạch (huyện Bố Trạch); xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh)… bị mọt mối, nằm úp trên bờ.
Hàng ngàn ngư dân phải chật vật kiếm kế sinh nhai vì ở những nơi này, ngoài đi biển thì họ không còn nghề nào khác để làm.
Nhiều em học sinh nghỉ học sớm ở nhà theo nghề đi biển, thế nhưng từ khi xảy ra sự cố biển bị nhiễm độc, những tàu cá đánh bắt gần bờ không thể ra khơi, các em đành phải bỏ quê lên thành phố xin làm thuê cho những tàu đánh bắt xa bờ hoặc chọn đường đi xuất khẩu lao động để kiếm sống.
Nhiều học sinh bỏ học giữa chừng theo nghề biển, nhưng bây giờ phải đi xa làm thuê (Ảnh: Thủy Phan) |
Vì muốn theo nghề biển nên khi mới học đến lớp 6, em Nguyễn Hữu Thanh (SN 1995, ở thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã nghỉ học ở nhà đi biển cùng bố.
Gia đình em đi tàu công suất nhỏ, chỉ đánh bắt cách bờ khoảng 5-6 hải lý. Trước đây, trung bình mỗi tháng hai bố con thu về được khoảng 10 triệu đồng.
Dù không nhiều nhưng công việc thường xuyên, có đồng ra đồng vào cũng đủ để trang trại cuộc sống của cả gia đình.
Thế nhưng từ khi biển bị nhiễm độc, cá đánh bắt về không ai mua, Thanh và bố đành phải lên thành phố Đồng Hới làm thuê cho những tàu đi xa bờ.
Thời biển đang khó, mỗi chuyến đi 20 ngày nhưng bố con Thanh chỉ kiếm được hơn 4 triệu đồng.
Ở quê không có việc gì làm, lên thành phố làm thuê thu nhập cũng không được bao nhiêu, trong khi đó sau Thanh còn có 2 đứa em nhỏ đang đi học khiến em thấy rất lo lắng cho tương lai của mình và các em.
“Ngày trước em đánh bắt gần bờ cùng với bố, đi về trong ngày mà kiếm được còn kha khá, đủ trang trải cho cả nhà, nuôi mấy đứa em đi học.
Trước giờ em theo nghề biển nên em muốn tiếp tục bám biển để kiếm sống. Nhưng bây giờ đi xa cả hơn nửa tháng liền mới về mà thu nhập của hai bố con không bằng một nửa so với trước đây.
Em thấy công việc này giờ bấp bênh quá, em chỉ mong biển sạch trở lại để gia đình em đỡ vất vả hơn”, Thanh tâm sự.
Cũng như Thanh, hai anh em Lê Văn Tý (SN 1995) và Lê Văn Khiêm (SN 1998, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) học hết lớp 10 thì nghỉ ở nhà theo bố đi biển.
Vì đi tàu gần bờ nên công việc của Tý và Khiêm không còn được thường xuyên như trước đây nữa.
Hiện tại, Tý đang chờ gọi đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, trong thời gian chờ đợi, em xin đi làm cùng tàu đánh bắt xa bờ với những người trong làng.
Còn Khiêm ở nhà cùng bố đi đánh bắt những hải sản mà một số người dân đã sử dụng như tôm, mực… ở gần bờ
Khiêm cho biết: “Vì không thể đi biển gần bờ nên vừa rồi nhiều người ở quê em chọn cách đi xuất khẩu lao động ở các nước như Đài Loan, Ả-Rập… Qua đó, họ cũng làm nghề đi biển.
Hiện em ở nhà phụ giúp bố, nếu lúc nào có cơ hội thì em cũng sẽ đi ra nước ngoài làm ăn”.
Ông Lê Văn Hiếu (bố Khiêm) cho biết, trước đây thu nhập của ngư dân trong vùng từ nghề biển rất ổn định. Vì vậy, hai đứa con trai của ông đều học đến lớp 10 thì nghỉ ở nhà đi biển với bố, nhưng bây giờ biển như vậy nên bố con ông đành phải tìm hướng khác là xuất khẩu lao động.
Quay lại đi học thì sau này có tìm được việc tốt hơn?
Nhiều em tâm sự rằng, nếu biển chưa thể trở lại như trước, các em sẽ đi làm thuê vì quay lại học tiếp thì cũng không biết sau này có tìm được công việc tốt hơn không, trong khi đó cuộc sống hiện tại của gia đình các em đang rất bấp bênh.
Tàu thuyền đánh bắt của nhiều ngư dân xã Đức Trạch mọt mối, nằm úp trên bờ nhiều tháng nay (Ảnh: Thủy Phan) |
Em Nguyễn Văn Thành, (SN 2000, ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) nghỉ học ở nhà theo một số người dân trong xã đi biển cách đây một năm khi em mới học hết lớp 9.
Bây giờ đi biển khó khăn, Thành phải lên thành phố làm thuê kiếm sống.
Thành chia sẻ: “Em không muốn đi học tiếp nữa vì em nghĩ học xong cũng vẫn sẽ đi làm thuê. Còn nếu học lên được cao đẳng, đại học thì sau này ra sợ không xin được việc.
Giờ trước mắt em đi làm thuê cho các tàu xa bờ rồi thỉnh thoảng về nhà, sau này có cơ hội thì em sẽ đi xa hơn”.
"Em cũng thích đi học, nhưng em thấy nhiều anh chị ở quê em học đại học, cao đẳng ra rồi không xin được việc làm nên em quyết định không học nữa", em Huyền Trang, một học sinh vừa học hết lớp 9 ở xã Hải Ninh nói.
Theo thống kê của UBND xã Hải Ninh, tỷ lệ học sinh trong xã nghỉ học khi mới học hết cấp 2 trong năm nay chiếm 70%.
“Người dân ở đây chưa có truyền thống hiếu học lắm, nên phần lớn học hết cấp 2 là nghỉ. Số học sinh nghỉ học này, nữ chủ yếu vào miền nam làm thuê, còn nam thì đi biển.
Người dân trong xã chủ yếu đánh bắt gần bờ nên từ khi xảy ra sự cố về biển, cuộc sống của họ trở nên rất khó khăn, bấp bênh”, ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết.
Còn tiếp...