Vừa qua, 66 giáo viên tại Thanh Hóa đã vô cùng hoang mang, lo lắng trước thềm năm học mới không biết số phận sẽ đi về đâu.
Các giáo viên không thể không lo lắng bởi cấp trên đã cho phép các trường trung học phổ thông thực hiện hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được giao từ năm 2011. Việc này cũng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng ý năm 2016. Tuy nhiên đến nay họ vẫn bị “bỏ rơi”.
Theo các giáo viên, trong suốt quá trình công tác họ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều giáo viên có trình độ giỏi, và có nhiều học sinh giỏi đã đạt giải trong các năm học.
“Trong suốt quá trình công tác, chúng tôi luôn được Hội đồng nhà trường nơi công tác đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn tốt, được đồng nghiệp và học sinh tin yêu.
Đồng thời, chúng tôi được tổ chuyên môn nhận xét, đánh giá xếp loại giỏi hàng năm.
Việc chậm được giải quyết khiến chúng tôi không yên tâm công tác, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn”, một giáo viên (xin được giấu tên) chia sẻ.
Kế hoạch tuyển giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế đã có thỏa thuận của Sở Gi áo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nhân Minh. |
Cũng theo các giáo viên, trong số 66 giáo viên hợp đồng, rất nhiều người có trình độ Thạc sỹ và đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh; có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao cấp ngành.
Đặc biệt, có giáo viên còn có nhiều học sinh giỏi quốc gia, được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa…
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2011, căn cứ tình hình thực tế của các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và năng lực chuyên môn của giáo viên, Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông đã làm tờ trình gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa xin thỏa thuận hợp đồng giáo viên.
Sau khi nhận được Tờ trình của các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có công văn thống nhất với đề nghị của các nhà trường để thực hiện hợp đồng lao động đối với 66 trường hợp.
Ngày 5/9/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có Thông báo số 166/TB-UBND, kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Hội nghị nghe báo cáo tình hình thực hiện biên chế sự nghiệp giáo dục bậc trung học phổ thông và thực trạng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính của các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Thanh Hóa báo cáo vụ 647 giáo viên mất việc |
Tại thông báo trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan xây dựng quy định về định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp, cán bộ quản lý, nhân viên hành chính đối với bậc trung học phổ thông trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt trước ngày 10/9/2016, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và phát huy tối đa hiệu quả công tác ở mỗi vị trí việc làm.
Đồng thời, tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục đối với 66 giáo viên hợp đồng lao động đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các Trường trung học phổ thông thực hiện trong chỉ tiêu biên chế được giao khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật.
Đến ngày 16/9/2016, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký công văn số 1871/SGDĐT-TCCB về kế hoạch tuyển giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế đã có thỏa thuận của Sở Giáo dục và Đào tạo với hình thức tuyển dụng đặc cách.
Trường trung học phổ thông Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương - Thanh Hóa), một trong những trường thuộc diện sắp phải giải thể. Ảnh: Nhân Minh. |
Tiếp đó, ngày 26/9/2016, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ký công văn số 1946/SGDĐT-TCCB về việc nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức giáo dục.
Căn cứ vào những công văn, kế hoạch nêu trên, các giáo viên xét thấy đủ điều kiện đã làm hồ sơ xét tuyển đặc cách.
Trong 2 ngày 30/9 và ngày 1/10/2016, Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thu nhận hồ sơ của giáo viên để xem xét, tổng hợp, làm căn cứ trình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt.
Cắt hợp đồng rồi xin tuyển mới là hành vi khuấy cho đục nước để thả câu! |
Tức là, 66 trường hợp giáo viên nêu trên là những đối tượng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương tuyển dụng; Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch tuyển dụng.
Hầu hết các giáo viên trên là những giáo viên công tác lâu năm trong ngành giáo dục (người ít nhất là 9 năm) và có rất nhiều thành tích nổi bật, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển ngành giáo dục Thanh Hóa.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các giáo viên trên vẫn chưa được tuyển dụng mà không hiểu lý do gì?
Trong khi đó, mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã thông qua "Đề án sắp xếp các trường Trung học phổ thông công lập hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025".
Nhiều giáo viên trong số 66 trường hợp nêu trên đang công tác tại các trường thuộc diện giải thể, sáp nhập hết sức lo lắng trước thềm năm học mới.