Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số phụ huynh Trường trung học cơ sở Lam Sơn, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện sự bức xúc về cách sắp xếp thời khóa biểu cho học sinh của trường.
Ngày đã học đến 9 tiết, thứ 7 vẫn học, con cái chúng tôi chịu sao nổi!
Theo một số phụ huynh, tại thời khóa biểu của lớp 6A3, áp dụng từ ngày 5/9/2023, trong tuần có đến 4 trên 6 ngày học sinh phải học đến 9 tiết/ngày.
Ngoài ra, học sinh còn phải đi học cả sáng ngày thứ 7, với 4 tiết của môn Khoa học Tự nhiên và Ngữ văn.
Thời khóa biểu lớp 6A3 của Trường trung học cơ sở Lam Sơn, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Chú thích: Văn 2, Toán 2, KHTN 2, số 2 là để phân biệt môn học buổi 2 các môn này với tiết học chính khóa trong chương trình.(ảnh minh họa: V.D) |
Học sinh khối 6 học chính khóa buổi chiều, nên buổi sáng sẽ thành trái buổi, đồng thời học sinh phải học 4 tiết/buổi.
Có đến 4 buổi chiều, học sinh phải học 5 tiết, đó là vào các ngày thứ 2,3,4 và 6.
Các hoạt động giáo dục giáo dục ngoài giờ chính khóa phần lớn được nhà trường xếp vào buổi sáng như: Kỹ năng sống, tiếng Anh tăng cường, Tin học chuẩn quốc tế IC3, dò bài bán trú cho học sinh.
Môn trải nghiệm hướng nghiệp (3 tiết/tuần) được trường xếp cho lớp này vào buổi chiều thứ 2,3.
Phụ huynh cảm thán: "Không biết với lịch học này học sinh không biết có thông thạo Tiếng Anh, Kỹ năng sống hay không nhưng trẻ gần như học kín cả tuần. Nhiều nơi, người lao động đi làm còn nghỉ ngày thứ 7, đây mới là học sinh mà đã đi học gần kín tuần".
Phụ huynh đặt vấn đề, việc xếp thời khóa biểu học sinh học đến 9 tiết/ngày như vậy có đúng với các quy định hiện hành hay không?
Trường, Phòng, Sở nói gì về vấn đề này?
Ngày 14/9/2023, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Đặng Trung Hiếu – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lam Sơn, Quận 6 giải thích, do lớp 6A3 là lớp tăng cường tiếng Anh nên phải đảm bảo đủ 34 tiết/tuần dành cho chương trình chính khóa, chưa tính số tiết buổi 2.
Các số tiết xếp trong thời khóa biểu trái buổi (buổi sáng) phần lớn là các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, tùy theo nhu cầu học của chính từng em học sinh, như dò bài bán trú, kỹ năng sống, Tin học chuẩn quốc tế IC3.
Trường có 49 lớp học, với 42 phòng học và thời gian hoạt động từ thứ 2 cho đến hết sáng thứ 7.
Theo lãnh đạo nhà trường, do phòng học của trường vẫn còn rất hạn chế (thậm chí là còn phải tận dụng một số phòng chức năng của trường, nên việc xếp thời khóa biểu như vậy cũng chỉ mang tính tương đối, vì phải cân đối hài hòa lợi ích cho cả học sinh, giáo viên.
Nhà trường khẳng định rằng, việc có một số ngày học sinh của trường phải học đến 9 tiết/ngày là không vi phạm vào các quy định hiện hành, vì số tiết thêm là số tiết ngoài chương trình chính khóa, buổi 2, học sinh học theo nhu cầu của các em.
Về vấn đề này, ông Lưu Hồng Uyên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam biết, nhà trường xếp thời khóa biểu như vậy là không vi phạm vào các quy định hiện hành của Sở và Bộ.
Ông Lưu Hồng Uyên giải thích, số tiết tăng trái buổi là học sinh học năng khiếu, kỹ năng sống hay những môn tự chọn, theo chính nhu cầu của từng học sinh. Các em tự nguyện đăng ký học.
Còn quy định cấp trung học cơ sở sáng học không quá 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày (Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với trường trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2010), trường không vi phạm, do số tiết tăng thêm của trường không phải là số tiết học chính khóa, buổi 2.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, có lẽ do trường in thời khóa biểu các môn ngoài giờ chính khóa, học sinh tự nguyện đăng ký, để chung với thời khóa biểu chính khóa, buổi 2 nên có thể gây ra hiểu nhầm cho phụ huynh, người xem.
Theo thầy Trần Đặng Trung Hiếu – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lam Sơn, lãnh đạo trường sẽ sớm có buổi họp để rà soát lại thời khóa biểu của các lớp, chỉnh sửa lại các vấn đề mà phụ huynh phản ánh.