Có trường học, thời khóa biểu lớp 6,7 "vắng bóng" môn tích hợp

25/09/2022 06:38
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tấm gương sáng tự học và sáng tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ bản thân, vượt lên chính mình của thầy cô giáo chắc chắn sẽ được học trò ghi nhận, tự hào.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở trung học cơ sở có một số môn học được gọi là “tích hợp” như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Hoạt động Trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương.

Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau:

1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;…”.

Như vậy, để dạy các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Hoạt động Trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương, giáo viên phải có bằng cử nhân bộ môn hoặc bằng cử nhân phù hợp, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Thực tế, khi các môn học mới xuất hiện, không có nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Hoạt động Trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương

Với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT, trong đó quy định giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học phải bắt buộc bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Giáo viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý mới được dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Thực tế, số giáo viên đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý không nhiều, ngay địa phương người viết chỉ có một vài giáo viên chuyển về từ Thành phố Hồ Chí Minh có chứng chỉ này, còn lại không có nhiều giáo viên đáp ứng yêu cầu này.

Thế nhưng, chương trình mới đã và đang thực hiện ở lớp 6 và lớp 7, điều đó có nghĩa không ít cơ sở giáo dục phân công chuyên môn chưa đúng quy định giáo viên phải có bằng cử nhân bộ môn hoặc bằng cử nhân phù hợp có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc có bằng cử nhân và chứng chỉ bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Môn tích hợp bị "xóa" trong thời khóa biểu lớp 6,7

Đầu năm học 2022-2023 các địa phương phải giải bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ, môn thì thừa, môn thì thiếu, cùng với đó các môn “tích hợp” không có giáo viên.

Để thuận tiện cho việc tổ chức dạy học, một số cơ sở giáo dục đã “xóa” môn tích hợp ra khỏi chương trình lớp 6, lớp 7 khi phân công chuyên môn giáo viên.

Bạn đọc có thể tham khảo thời khóa biểu lớp 6, lớp 7 của một trường trung học cơ sở sau đây.

Môn tích hợp không có trong thời khóa biểu một số trường. Ảnh minh họa: Nhật Minh

Môn tích hợp không có trong thời khóa biểu một số trường. Ảnh minh họa: Nhật Minh

Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Hoạt động Trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương đã bị “xóa sổ”, thay vào đó là các môn học truyền thống: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, …

Cá nhân người viết cho rằng, việc chia thời khóa biểu để nhiều giáo viên cùng dạy một cuốn sách là điều không có cơ sở giáo dục nào muốn làm bởi như thế, khổ cả thầy và trò.

Thực tế, các kiến thức trình bày trong các sách giáo khoa chỉ mang tính “ghép môn” là chủ yếu, tính “tích hợp” rất ít.

Nên phân công giáo viên dạy theo từng môn học có ưu điểm rõ ràng: kiến thức bộ môn của giáo viên vững vàng, chất lượng truyền thụ sẽ tốt hơn khi phân công cho một giáo viên đơn môn dạy môn tích hợp.

Bên cạnh đó, học sinh học theo môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý rõ ràng, sẽ có thuận lợi khi lên trung học phổ thông, biết rõ từng môn học, thế mạnh của mình, chọn các môn tự chọn cho phù hợp.

Trái ngược với cách sắp xếp chuyên môn “xóa” môn tích hợp trong thời khóa biểu lớp 6,7, nhiều địa phương khác đã động viên thầy cô giáo đơn môn tự học, tự nghiên cứu, phân công giáo viên dạy theo môn tích hợp.

Thực tế hiện nay, chương trình bồi dưỡng giáo viên tích hợp khó mà cung cấp đủ kiến thức, kĩ năng cho giáo viên đơn môn dạy tốt môn tích hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho các cơ sở giáo dục sáng tạo thực hiện chương trình 2018 trên cơ sở thực tế của mình, người viết không đánh giá cách phân công chuyên môn nào tốt hơn, cái đó chỉ thực tế mới đánh giá được.

Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thống kê, khảo sát chất lượng các cách phân công chuyên môn, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo cho năm học 2022-2023 càng sớm càng tốt.

Người viết còn nhớ, mở đầu modul 5 trong chương trình bồi dưỡng giáo viên, Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh đã nói “Mọi đổi mới trong giáo dục đều sẽ thất bại nếu không bắt đầu từ nguồn nhân lực”.

Cá nhân người viết cho rằng, nếu thực hiện chương trình 2018 chúng ta bắt đầu từ đào tạo nguồn nhân lực giáo viên tích hợp, giáo viên ngoại ngữ, giáo viên tin học … thì năm học 2022-2023 đã không phải đau đầu vì thiếu giáo viên môn mới trong chương trình 2018.

Mỗi thầy cô đang dạy môn tích hợp là nhân tố quý báu giúp chương trình 2018 thành công, thầy cô hãy là tấm gương sáng tự học và sáng tạo, nâng cao chuyên môn bản thân, vượt lên chính mình, dạy môn “tích hợp” tốt hơn.

Tấm gương sáng tự học và sáng tạo, nâng cao chuyên môn bản thân, vượt lên chính mình, dạy môn tích hợp tốt hơn của thầy cô giáo chắc chắn sẽ được học trò ghi nhận, tự hào.

Tài liệu tham khảo:

Luật Giáo dục 2019

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh