Nhìn lại 5 năm triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm

23/11/2015 09:19
THỤY MIÊN
(GDVN) - UB Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả về Chương trình phòng, chống mại dâm.

Theo Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, ngày10/5/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 679/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015. Thực hiện Chương trình, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan thường trực đã phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và tăng cường chỉ đạo, điều hành, giám sát

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác phòng, chống mại dâm, làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, chỉ đạo xử lý nghiêm các địa bàn để xảy ra tình trạng mại dâm gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể tổ chức gần 100 đoàn công tác do lãnh đạo cấp Bộ và thủ trưởng các cơ quan chuyên trách làm trưởng đoàn, kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành, đầu tư  kinh phí và giám sát việc thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố.

Tuyên truyền phòng chống mại dâm (ảnh: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm).
Tuyên truyền phòng chống mại dâm (ảnh: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm).

Các đoàn công tác đã nắm bắt tình hình ở địa phương, phát hiện các mô hình hiệu quả cần nhân rộng và khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ những tồn tại, tiếp tục yêu cầu địa phương khắc phục, giải quyết và đề nghị các bộ ngành có liên quan xem xét thực hiện các kiến nghị hoặc trình cấp có thẩm quyền.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành hơn 100 văn bản (Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tệ nạn mại dâm; chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm.

Kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác phòng, chống mại dâm

Ở Trung ương, Ủy ban Quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, thành viên là đại diện của gần 30 Bộ, ngành, đoàn thể có trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xây dựng, hoạch định các chính sách, pháp luật, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống mại dâm, trong đó, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực về lĩnh vực phòng, chống mại dâm.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và cán bộ kiêm nhiệm thuộc các Bộ, ngành, đoàn thể được đào tạo chính quy, có kinh nghiệm, nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc.

Ở địa phương, hệ thống Chi cục, Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; Đội cảnh sát Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Phòng cảnh sát Hình sự (Công an cấp tỉnh), công an cấp huyện được thành lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố. 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 691 Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm.

Đội kiểm tra liên ngành đã làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Trong 5 năm (2011-2015) đã có 122.160 lượt cán bộ được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn.

Chú trọng công tác phòng ngừa

Với quan điểm lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm trong việc thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành phố tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, lối sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội nhằm phòng ngừa từ xa; tăng cường lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội.

Các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức phát sóng, đăng tải hàng nghìn tin bài, phóng sự, chuyên trang, phim, kịch về tình hình tệ nạn mại dâm. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức hơn 886.726 cuộc truyền thông, giáo dục về phòng chống mại dâm với hơn 45 triệu người tham gia; phân phát 2.226.538 tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu).

Cả nước đã thành lập trên 17.000 Câu lạc bộ tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội. Cùng với phát triển mô hình Câu lạc bộ, nhiều địa phương đã xây dựng mạng lưới giáo dục viên đồng đẳng tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS kết hợp với phòng, chống mại dâm tại cộng đồng có hiệu quả như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các cấp, các ngành và người dân được tiếp cận với các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, giúp họ hiểu và chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, hạn chế các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Nguyên nhân dẫn đến tệ nạn mại dâm phần lớn là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm.

Do đó, công tác phòng, chống mại dâm được chỉ đạo thực hiện lồng ghép với các chương trình xoá đói giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, cho vay vốn ưu đãi để con em gia đình nghèo đi lao động ngoài nước… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn không để phụ nữ, trẻ em gái vì thiếu việc làm và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bị lôi kéo vào tệ nạn mại dâm được nhiều địa phương chú trọng triển khai.

Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội phụ nữ các cấp đã giúp hàng nghìn chị em phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn lãi suất thấp, tạo việc làm, ổn định và phát triển kinh tế gia đình với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Nhiều mô hình lồng ghép phòng ngừa và hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ cao như mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phát triển làng nghề”, “Hội viên làm kinh tế giỏi”, “Nhóm tự lực”, “Tổ hợp tác”,… đang được phổ biến, nhân rộng ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hoà, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Long,...

Làm tốt công tác quản lý địa bàn và xử lý vi phạm
Các lực lượng chức năng các cấp đã chủ động phối hợp tổ chức các cuộc khảo sát, thống kê người mại dâm; lập danh sách quản lý từng tụ điểm công cộng, nhà hàng nghi hoạt động mại dâm; tăng cường kiểm tra khu vực cho thuê nhà trọ; kiểm soát, lên danh sách các xã, phường, huyện thị, khu vực biên giới, địa bàn giáp ranh, trọng điểm, phức tạp về tệ nạn mại dâm để có kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, xử lý.

Trong 5 năm (2011-2015), Đội kiểm tra liên ngành các cấp đã kiểm tra 121.536 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ; phát hiện 41.821 lượt cơ sở vi phạm; xử lý cảnh cáo 6.321  lượt cơ sở, phạt tiền 28.268 lượt cơ sở với tổng số tiền xử phạt 166 tỷ 948 triệu đồng; đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh 1.412 cơ sở và 5.820 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng vi phạm; tịch thu số tiền vi phạm).

Lực lượng chức năng đã truy quét, triệt phá 5.751 vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 22.949 người vi phạm, gồm 9.545 người bán dâm; 8.108 người mua dâm; 5.072 đối tượng chủ chứa, môi giới và 224 người bán dâm dưới 18 tuổi (tăng 785 vụ với 5.555 người vi phạm so với giai đoạn 2006-2010).

Toà án nhân dân cấp sơ thẩm đã thụ lý 3.800 vụ với 5.004 bị cáo phạm các tội về mại dâm để xét xử theo thủ tục sơ thẩm (tăng 34 vụ, 325 bị cáo so với giai đoạn trước); đã xét xử 3.619 vụ với 4.692 bị cáo, đạt tỷ lệ 95,2% (vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra). Trong đó, có 2.662 bị cáo bị xét xử về tội “chứa mại dâm”, 1.971 bị cáo bị xét xử về tội “môi giới mại dâm” và 59 bị cáo bị xét xử về tội “mua dâm người chưa thành niên”; 79 trường hợp phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Đẩy mạnh giáo dục, dạy nghề và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm

Thực hiện Nghị quyết 24/2012/NQ-QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào Cơ sở chữa bệnh đối với người có hành vi bán dâm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mới về phòng, chống tệ nạn mại dâm; hướng dẫn xây dựng các mô hình tại cộng đồng nhằm hỗ trợ giúp đỡ người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Trong 5 năm (2011-2015), công tác hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm đã có những bước tiến rõ rệt. 356.169 lượt người bán dâm được hỗ trợ, trong đó có 335 nghìn lượt người bán dâm được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 4,6 nghìn lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 5,7 nghìn lượt người được hỗ trợ giáo dục, dạy nghề; 10,5 nghìn lượt người được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 7,6 tỷ đồng. Số đối tượng tham gia các câu lạc bộ đồng đẳng, các nhóm tự lực...là 5,5 nghìn người.

Có thể khẳng định, giai đoạn 2011-2015, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng, chống mại dâm và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống mại dâm được ban hành tương đối đồng bộ, bao quát hầu hết các lĩnh vực trong công tác phòng, chống mại dâm từ biện pháp, giải pháp đến phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương; công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân góp phần giảm kỳ thị đối với người bán dâm.

Hoạt động truyền thông, tư vấn, đặc biệt là thông qua nhóm đồng đẳng đã giúp người bán dâm có thêm kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ sức khỏe và giảm lây nhiễm HIV/AIDS; nhiều mô hình tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế giúp người bán dâm có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước giảm dần tần xuất bán dâm tiến tới từ bỏ bán dâm để hòa nhập cộng đồng bền vững.

Tất cả những kết quả đó đã góp phần hạn chế tác động tiêu cực của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020.

Những khó khăn, thách thức không nhỏ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc tổng kết, đánh giá Chương trình cho thấy, một số quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và văn bản hướng dẫn thi hành không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới.

Quan điểm, nhận thức về công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm chưa thống nhất nên việc chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống mại dâm không kiên quyết, triệt để; còn có biểu hiện làm ngơ của một số cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở; dẫn đến tình trạng tồn tại các tụ điểm, ổ nhóm tội phạm tổ chức hoạt động mại dâm thách thức dư luận.

Việc triển khai các nhiệm vụ phòng, chống mại dâm ở một số địa phương chưa cụ thể, đồng bộ; sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan theo trách nhiệm quản lý lĩnh vực, ngành chưa chặt chẽ; chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với việc để tình trạng mại dâm phát triển phức tạp trên địa bàn quản lý.

Lực lượng cán bộ phòng, chống mại dâm cấp cơ sở hiện nay còn thiếu về số lượng, hầu hết là kiêm nhiệm, làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương.

Ngân sách đầu tư cho công tác phòng, chống mại dâm thấp; nhiều tỉnh, thành phố không bố trí ngân sách địa phương, chỉ có nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; ngân sách hạn hẹp chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, do vậy, nhiều nhiệm vụ chỉ thực hiện lồng ghép hoặc chỉ trong một thời gian nên hiệu quả hạn chế. Kinh phí phòng, chống tệ nạn mại dâm ở cấp huyện, cấp xã không có, do vậy không thể chuyển hóa địa bàn.

Tiếp tục coi mại dâm là bất hợp pháp

Nhằm phát huy các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015 và khắc phục những tồn tại, hạn chế, Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, sẽ được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành dựa trên quan điểm hoạt động mại dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam.

Phòng, chống mại dâm là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền nhằm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội, giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với xã hội, góp phần vào sự ổn định, phát triển đất nước.

Coi trọng công tác phòng ngừa, hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm. Nâng cao vai trò của cộng đồng và các thiết chế xã hội (gia đình, nhà trường); huy động và mở rộng sự tham gia của các tổ chức xã hội và của chính quyền cấp cơ sở, của người dân.

Nhà nước đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống mại dâm; kiện toàn hệ chống cơ quan chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp. Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt đối với việc phòng, chống bóc lột tình dục trẻ em, mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm.

Trên quan điểm đó, mục tiêu chung của Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong phòng, chống mại dâm; đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ xã hội của người bán dâm, tạo cơ hội cho họ thay đổi cuộc sống, hòa nhập cộng đồng bền vững.

Để đạt được mục tiêu đó, Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào những hoạt động chính bao gồm: Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và thi hành hiệu quả chính sách pháp luật về phòng, chống mại dâm; Nâng cao hiệu quả các hoạt động phòng ngừa, thông tin tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Đổi mới phương pháp tiếp cận trong các hoạt động hỗ trợ, phát triển các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs), các câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng của người bán dâm; Tăng cường công tác phòng, chống hành vi vi phạm hành chính, tội phạm liên quan đến mại dâm; Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người vì mục đích mại dâm.

THỤY MIÊN