Những bình luận về lệnh cấm đánh cá ở đầm phá Scarborough của ông Duterte

22/11/2016 07:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhiều khả năng đây là một sự thỏa hiệp giữa hai nhà lãnh đạo Rodrigo Duterte và Tập Cận Bình. Tuy nhiên nếu chỉ một bên tuyên bố, Manila cần thận trọng.

The New York Times ngày 21/11 đưa tin, các quan chức Philippines hôm thứ Hai 21/11 cho biết, Tổng thống Rodrigo Duterte đã lên kế hoạch tuyên bố một khu bảo tồn biển và cấm đánh bắt cá bên trong đầm phá bãi cạn Scarborough.

Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa ông Duterte với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru. Hiện chưa rõ liệu kế hoạch này có nhận được sự ủng hộ của ông Tập Cận Bình hay không.

Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. cho biết, đề xuất thành lập khu bảo tồn ở Scarborough là một hành động đơn phương. 

Động thái này diễn ra chỉ 4 tháng sau khi Hội đồng Trọng tài (thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS) ra phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông. Nó cũng diễn ra sau các nỗ lực hàn gắn quan hệ với Trung Quốc của ông Rodrigo Duterte.

Một tàu cá Philippines vừa trở về từ Scarborough, ảnh: The New York Times.
Một tàu cá Philippines vừa trở về từ Scarborough, ảnh: The New York Times.

Thư ký truyền thông của ông Duterte, Martin Adandar dẫn lời ông Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng "một môi trường thuận lợi" ở bãi cạn Scarborough. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời câu hỏi đề nghị bình luận qua fax từ The New York Times.

Các chuyên gia cho rằng, sẽ rất khó đánh giá tính khả thi trong kế hoạch của Philippines khi không có thông tin chi tiết nào. Câu hỏi đặt ra là, liệu Trung Quốc có tham gia vào việc thực hiện khu bảo tồn Scarborough hay không?

Tháng trước, ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông ở Hải Nam, Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã có kế hoạch biến đầm phá Scarborough thành một "công viên bảo vệ môi trường".

"Điều kiện tiên quyết là Philippines phải tôn trọng chủ quyền, quyền tài phán của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough", ông Tồn nhấn mạnh.

Ông Clive Wilkinson, một chuyên gia về các rặng san hô ở Australia nhận xét, Philippines có lẽ không đủ tàu để thực thi một lệnh cấm như vậy.

Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông từ Singapore nói rằng, các nhà khoa học đã tìm kiếm một thỏa thuận bảo tồn đa phương trên biển trong nhiều thập kỷ. Ví như sáng kiến hòa bình cho Biển Đông của ông Mã Anh Cửu đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, vì có nhiều yêu sách chồng chéo.

Bởi vậy nếu một kế hoạch quản lý đa phương ở Scarborough được thực hiện thành công, sẽ là một phần mở rộng của sự hòa giải giữa Trung Quốc và Philippines, nhưng ông tin Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ không thực hiện.

Philippines tuyên bố đây là sáng kiến đơn phương của họ, mà Biển Đông có lịch sử các sáng kiến đơn phương thường chẳng đi đến đâu. [1]

Financial Times ngày 21/11 cho biết, các quan chức hộ tống ông Duterte đi Peru nói, cuộc họp giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc đã tăng cường sự tin tưởng giữa hai nhà lãnh đạo. 

Ông Tập Cận Bình đã phản ứng tích cực với đề xuất lập khu bảo tồn, mặc dù theo một cách "rất phương Đông": "Trung Quốc sẽ huy động lực lượng chính phủ để thúc đẩy các thỏa thuận giữa chúng ta, hướng dẫn tạo ra một môi trường thuận lợi".

Euan Graham, chuyên gia phân tích an ninh Viện Lowy ở Sydney, Australia cho rằng, Rodrigo Duterte đang theo đuổi một giải pháp "chính trị ngẫu hứng", vừa không tổn hại chủ quyền của Philippines, vừa tránh căng thẳng với Trung Quốc và bảo vệ uy tín cá nhân.

Nhưng ông cảnh báo, việc náy có thể làm suy yếu Phán quyết Trọng tài 12/7 vốn bảo vệ quyền đánh cá của ngư dân Philippines ở khu vực này.

Graham lưu ý, quyết định trên cũng có thể phản tác dụng vì Duterte không ngăn được hoạt động truy cập và đánh bắt của tàu cá Trung Quốc.

Liu Zhiqin, một nhà nghiên cứu quan hệ đối ngoại thuộc Đại học Nhân Dân, Trung Quốc nhận định, tuyên bố của ông Duterte có thể gia tăng nguy cơ xung đột giữa hai nước.

Theo ông, Bắc Kinh vẫn còn đang thận trọng về Duterte bất chấp tuyên bố "thân Trung, xa Mỹ". Liu Zhiqin nghi ngờ động cơ của Philippines đằng sau việc này. [2]

Cá nhân người viết cho rằng, nhiều khả năng đây là một sự thỏa hiệp giữa hai nhà lãnh đạo Rodrigo Duterte và Tập Cận Bình. Tuy nhiên nếu chỉ một bên tuyên bố, Manila cần thận trọng. Bài học năm 2012 vẫn còn nguyên giá trị.

Bởi nếu chỉ có Philippines thực hiện lệnh cấm, còn ngư dân Trung Quốc vẫn mặc sức vơ vét tài nguyên bên trong đầm phá, thì vô hình chung là một sự thừa nhận mặc nhiên yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Không phải ngẫu nhiên ông Tập Cận Bình muốn giúp đỡ ngư dân Philippines cải thiện sinh kế bằng nghề nuôi cá lồng.

Mặc dù về mặt ngoại giao, ông Rodrigo Duterte vẫn bảo lưu yêu sách của Philippines đối với Scarborough, nhưng thông qua các hoạt động thực tế như trên có thể bất lợi cho Manila, vì nó đi ngược tinh thần Phán quyết Trọng tài 12/7 như ông Graham đã lưu ý.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.nytimes.com/2016/11/22/world/asia/philippines-rodrigo-duterte-scarborough-shoal-china.html?_r=0

[2]https://www.ft.com/content/d0ef9402-afd4-11e6-9c37-5787335499a0

Hồng Thủy