Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội có đề nghị: "Chính phủ cần ban hành nghị quyết để xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến Formosa, ổn định đời sống, bảo đảm kinh tế xã hội của 4 tỉnh miền Trung". Chính phủ sẽ tiếp thu đề nghị này như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cho biết:
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Các Bộ, ngành, cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, khẩn trương và đã xác định được nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố môi trường. Cty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm và đã bồi thường thiệt hại, cam kết không tái phạm.
Thường trực Chính phủ đã phân công cụ thể các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp tục bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo như:
Hỗ trợ tín dụng cho ngư dân đóng hoặc mua tàu đánh bắt xa bờ, tàu hậu cần (cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp), duy trì đội tàu cá để đánh bắt hoặc chuyển sang phục vụ trồng, trồng tái tạo lại san hô, cỏ biển và hệ thủy sinh, trồng rừng ngập mặn, đầu tư hạ tầng cảng cá…
Đảm bảo sử dụng tàu đánh bắt xa bờ hiệu quả lâu dài. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích khởi nghiệp, các giải pháp hỗ trợ cho ngư dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có nhu cầu mua sắm tàu, phương tiện, ngư cụ… trong khai thác hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ…
Chính phủ chỉ đạo quyết liệt ổn định đời sống của ngư dân miền Trung sau sự cố xả thải của Formosa. ảnh: Quốc Nam/Tuổi trẻ. |
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất về phương thức, cách thức quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí bồi thường do Công ty Formosa Hà Tĩnh chi trả đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác, đúng đối tượng, không để bị lợi dụng, gây thất thoát;
Có chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngư dân và các đối tượng bị thiệt hại phục hồi, chuyển đổi nghề nghiệp, nhất là chuyển sang đánh bắt xa bờ; nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo hiểm cho ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp tại các tỉnh liên quan;
Chỉ đạo các công ty bảo hiểm chủ động tiếp cận khách hàng tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng, nắm bắt tình hình, chi trả kịp thời, đầy đủ tiền bảo hiểm theo quy định.
Về hỗ trợ tiêu thụ thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm:
Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo có các giải pháp để tiêu thụ thủy sản khai thác của 04 tỉnh; giải pháp bảo vệ, duy trì thương hiệu, uy tín của thủy sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế sau những tác động tiêu cực của sự cố môi trường.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án kiểm nghiệm và xác nhận an toàn thực phẩm đối với thủy hải sản đã được thu mua, tạm trữ trong thời gian qua và thủy hải sản đánh bắt xa bờ trong thời gian tới tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng; khảo sát, đánh giá tác động sức khỏe của người dân địa phương bị ảnh hưởng và đề xuất các biện pháp kiểm soát, xử lý.
Chính phủ đã ứng trước 3000 tỷ đồng từ tiền bồi thường của Formosa để chi trả cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Đến nay số tiền này đã được phân bổ về cho từng tỉnh trong đó tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chi trả tới người dân.
Các Bộ Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thường xuyên, liên tục giám sát, đánh giá chất lượng môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung.
Bộ Tài nguyên Môi trường đã tuyên bố nước biển đã an toàn cho du lịch, tắm biển, nuôi trồng hải sản. Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu xét nghiệm hải sản và đã công bố hải sản tầng nổi an toàn.
Hiện nay, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục giám sát hải sản, đặc biệt các loại hải sản tầng đáy và sẽ công bố sớm cho người dân biết khi an toàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo ngư dân không sử dụng các nghề khai thác cá tầng đáy tại vùng biển 20 hải lý trở vào bờ và đã quyết định điều lực lượng kiểm ngư (4 tàu) hỗ trợ các tỉnh giám sát đến 31/12/2016.
Làm tốt việc giám sát này sẽ bảo đảm khôi phục nguồn lợi thủy sản và an toàn thực phẩm.
Các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã và đang tiến hành rà soát, xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị, cá nhân liên quan.
Như vậy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, chủ động, chỉ đạo thống nhất, tập trung trong vụ việc sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Cho đến nay, phần lớn vấn đề cơ bản của vụ việc (nguyên nhân, thủ phạm, xử lý thủ phạm, chi trả bồi thường...) đã và đang được tích cực giải quyết.