Những chuyện "dở khóc dở cười" của thí sinh đăng ký dự kỳ thi riêng

21/03/2024 06:22
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Thí sinh từ Thanh Hóa phải lặn lội ra Hà Nội dự thi; thí sinh ở Hà Nội phải thi ở Thái Nguyên, Ninh Bình... tất cả do mạng nghẽn lúc mở cổng đăng ký dự thi.

Nghẽn mạng, phải đăng ký thi ở xa, thí sinh vất vả, phụ huynh bức xúc

Trước thềm tuyển sinh 2024, “sức nóng” của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đang ngày một tăng. Tuy mở nhiều đợt đăng ký dự thi, song, không phải thí sinh nào cũng may mắn vào chọn được suất thi ở gần, có khi phải đi xa hàng trăm km.

Chia sẻ với phóng viên, chị Hạnh Nhân - phụ huynh một học sinh tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Con tôi đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực để có thêm cơ hội xét tuyển vào ngành mà con yêu thích. Tuy nhiên, ngay từ khâu đăng ký dự thi đã không mấy suôn sẻ. Vì sau khi mở cổng đăng ký, phải mất mấy tiếng mới vào được. Thậm chí gia đình còn huy động cả người thân tận dụng tối đa điện thoại, máy tính để đăng nhập giúp con.

Ban đầu, chúng tôi mong con được thi ở Hà Nội, nhưng khi vào được thì đã hết suất, mục tiêu của chúng tôi lại chuyển sang Hải Phòng hoặc Thái Bình, nhưng cũng không còn trống. Thế là đến sự lựa chọn thứ 4, con mới có một suất thi”.

“Tôi thực sự thấy rất mệt mỏi, ngay từ khâu đăng ký này, còn chưa biết quá trình đi thi của con sẽ diễn ra như nào. Không khác gì ngày xưa bố mẹ từ các tỉnh phải được gia đình đưa lên Hà Nội thi đại học; còn bây giờ con ở Hà Nội, lại phải lên Thái Nguyên thi” - chị Nhân kể.

Chị cũng cho biết thêm: “Bản thân là phụ huynh, tôi cũng dành nhiều thời gian để quan tâm đến việc học tập của con, chủ động đọc hết các đề án tuyển sinh của các trường, nghiên cứu những gì cần thiết để đồng hành và hỗ trợ con. Vậy mà còn khá lúng túng, không biết với các gia đình bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho con thì sẽ phải làm thế nào...”.

GDVN_ảnh hs.JPG
Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Tương tự với tình huống của vị phụ huynh trên, chị Lê Thị Thanh Hà - phụ huynh một học sinh tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng chia sẻ: “Con tôi đăng ký thêm 2 đợt của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để có thêm cơ hội với nguyện vọng xét tuyển vào các trường “top”. Tuy nhiên, qua 2 đợt đăng ký dự thi, tôi thấy con quá vất vả.

Lần đầu tiên, con đăng ký thi đợt 2, cả gia đình huy động hết điện thoại, máy tính, thấp thỏm ngồi “canh” máy từ 9 giờ sáng đến 14 giờ 30 phút vẫn chưa vào được. Vì tập trung đăng ký, chúng tôi bỏ qua bữa trưa, khi quá đói nên cả gia đình định từ bỏ. Rất may mắn, lúc này một thành viên trong gia đình đăng ký được giúp con. Tuy nhiên, vì sức học của con chỉ ở tầm khá, lại phải ôn cùng lúc nhiều kỳ thi, chúng tôi không biết liệu con có làm được bài không.

Chính vì vậy, ngày 6/3, con tiếp tục đăng ký thêm một đợt nữa. Lần này, khi con vào được web thì đã kín hết các suất thi ở Hà Nội. Con đành lựa chọn điểm thi ở Ninh Bình. Tôi thấy đây là điểm thi gần nhất còn lại, nên tự nhủ, cố gắng để con có thêm cơ hội”.

Chị Hà bày tỏ: “Chưa biết sắp tới con sẽ thi như thế nào, nhưng chúng tôi thấy từ khâu đăng ký dự thi đã quá vất vả cho con. Chưa kể, các con cùng lúc phải ôn tập nhiều kỳ thi với các yêu cầu khác nhau, dẫn đến nhiều áp lực”.

lịch thi.JPG
Lịch thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.

Một phụ huynh khác có con học Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Hải Phòng) cũng phàn nàn: “Con tôi đăng ký 2 đợt thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, đợt 2 đăng ký được ở Thái Bình, còn đợt 6 đăng ký ở Hưng Yên.

Ban đầu, gia đình cũng muốn con thi ở điểm thi tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng). Nhưng 2 mẹ con trực máy suốt từ lúc bắt đầu mở cổng đến đầu giờ chiều, bỏ cả bữa trưa mà vẫn bị nghẽn mạng, không tải được thông tin. Đến lúc vào được thì suất thi ở Hải Phòng đã hết, nên đành đăng ký thi tại Hưng Yên. Vì tương lai của con, gia đình chấp nhận đi xa để con có thêm cơ hội. Chúng tôi sẽ thuê xe ô tô để đưa con đi thi”.

“Tôi thấy hiện nay, các thí sinh phải cạnh tranh từ khâu đăng ký dự thi như này, khổ quá. Giá như nhà trường có thể tính toán chia thời gian cho từng địa phương vào đăng ký, có lẽ sẽ đỡ nghẽn hơn, mà các thí sinh cũng được thi ở địa điểm phù hợp” - vị phụ huynh này cho biết.

Nam sinh L.T. (học sinh lớp 12 tại Thanh Hóa) cũng chia sẻ: “Năm nay, em chọn 2 phương thức xét tuyển đại học, gồm có kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi đánh giá tư duy, do em có đặt nguyện vọng vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Lựa chọn kỳ thi riêng, em mong mình sẽ có thêm một cơ hội vào ngành học mơ ước”.

“Tham dự kỳ thi, em thấy bất cập ở khâu đăng ký dự thi: em đăng ký thi đợt 2 và đợt 3. Tuy nhiên, có đợt thi do em vào đăng ký không được, hết suất thi ở Thanh Hóa, em đành phải đăng ký tại Hà Nội. Như vậy, đợt thi đó em phải di chuyển ra Hà Nội, cũng phát sinh thêm một số chi phí sinh hoạt, di chuyển... ” - L.T. bày tỏ.

Nam sinh này cũng cho biết, nếu các kỳ thi đánh giá tư duy đều chưa đạt kết quả như mong muốn, sẽ tiếp tục đăng ký thêm 2 đợt nữa.

Theo thầy Lý Văn Công - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sơn Nam (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển; tuy nhiên, cũng cần lưu ý, đăng ký dự thi ở mức vừa phải. “Không phải có bao nhiêu kỳ thi, đợt thi, là các em đăng ký hết. Chủ yếu là thi lần trước để lấy kinh nghiệm cho lần sau và cọ xát với kỳ thi lớn. Nhưng nếu thi 1-2 lần mà cảm thấy sức mình chưa thực sự chinh phục được, cũng không nên dồn quá sức, vừa áp lực cho bản thân thí sinh, lại trở thành gánh nặng kinh tế cho bố mẹ” - thầy Công nhắn nhủ.

Trên nhiều diễn đàn, không ít thí sinh lo lắng khi “canh” máy tính và điện thoại từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều mới vào đăng ký được. Một số thí sinh đăng ký được nhưng chưa nhận được email xác nhận từ nhà trường, cũng tỏ ra lo lắng.

Có thí sinh lại di chuyển từ Tây Nguyên ra Hà Nội để tham dự kỳ thi chỉ vì chưa tìm hiểu kỹ về quy đổi điểm thi giữa 2 kỳ thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia. Nam sinh này chia sẻ: “Em chưa tìm hiểu kỹ thông tin, nên đã đăng ký suất thi đợt 1 và đợt 4 ở Hà Nội. Điều này có nghĩa, em sẽ phải bay ra Hà Nội vào gần cuối tháng 4 rồi lại bay về, vào tháng 5 tiếp tục bay Hà Nội. Nhìn chung, kỳ thi của em cũng sẽ khá tốn kém, vừa tiền vé máy bay, vừa tiền chi phí ở trọ, sinh hoạt trong những ngày thi”.

Tìm bạn đồng hành trong các hội nhóm, cảnh báo lừa đảo nhượng suất thi

Trong các group về ôn thi, luyện đề các kỳ thi riêng, nhiều thí sinh đăng tìm người đồng hành vì điểm thi ở quá xa, sợ “lạ nước lạ cái”.

Có thí sinh từ Hà Nội, Hải Dương phải di chuyển vào Vinh (Nghệ An) dự thi; có bạn phải đi từ Gia Lai, Huế, Nghệ An đến dự thi ở Đà Nẵng; bạn lại đi từ Hà Tĩnh, Nghệ An vào Huế dự thi... Nhiều thí sinh đăng lên các nhóm luyện thi để xin kinh nghiệm di chuyển, tìm trọ và tìm bạn đồng hành.

Untitled-1.jpg
Thí sinh đi thi ở xa, xin kinh nghiệm từ các group. Ảnh chụp màn hình.

Những ngày qua, trong các group về kỳ thi riêng trên Facebook, không ít thí sinh do không đăng ký được suất thi ở điểm thi gần nhà, đã đăng tải các bài viết tìm người nhượng lại suất thi.

Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu, sự mong mỏi, cần kíp của các thí sinh, có người đã giả vờ nhượng lại suất thi, để trục lợi.

Chia sẻ với phóng viên, một nữ sinh tại ngoại thành Hà Nội thuật lại: “Em mong muốn được thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đợt 5 tại Hà Nội. Tuy nhiên, hôm mở đăng ký, phải hơn một tiếng sau em mới tải được web, trong khi em nghe nói chỉ tầm 45 phút sau khi mở cổng là suất thi ở Hà Nội đã đầy rồi.

Em gọi cho tổng đài để hỏi thì được phản hồi rằng phải chờ những thí sinh khác hủy thì mới có suất chứ không mở thêm. Hoảng quá, nên em đăng bài hỏi có ai nhượng suất thi không, thì chỉ vài phút sau đã có người nhắn tin, nói rằng có thể nhả suất thi đợt đó vì có việc bận đột xuất. Sau đó, người này bảo em chuyển tiền để có thể vào đăng ký suất thi bù vào của họ.

Số tiền mặc dù không quá lớn, nhưng em đã bị lừa, và đến giờ, em vẫn chưa thể đăng ký suất thi nào tại Hà Nội. Em hy vọng câu chuyện cũng là một bài học kinh nghiệm cho các thí sinh khác”.

Mộc Trà