Những con số tăng trưởng “vàng” của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2023

01/12/2023 08:58
Phạm Linh
GDVN- Tỉnh Quảng Ninh lập kỳ tích 9 năm liên tiếp duy trì đà tăng trưởng trên 2 con số (từ năm 2015 đến 2023).

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 11,03%, dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Hồng (gấp đôi bình quân chung cả nước). Quy mô nền kinh tế ước đạt trên 310.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020.

Thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước, với con số ước đạt 55.632 tỷ đồng (tăng 5% so với dự toán Trung ương giao, tăng 3% dự toán tỉnh giao, tăng 4% năm 2022).

Đáng chú ý là thu hút đầu tư có kết quả đột phá, ước đạt khoảng 5 tỷ USD, trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3,11 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách ước đạt 1,9 tỷ USD.

Đây là những con số kỷ lục về thu hút vốn đầu tư của tỉnh Quảng Ninh từ trước tới nay. Phần lớn các dự án đầu tư mới có tổng vốn lớn trong năm nay đều là từ các doanh nghiệp đã có dự án đầu tư sản xuất – kinh doanh trên địa bàn.

Năm 2023, GRDP của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 11,03%, dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Hồng (Ảnh minh hoạ: PL)

Năm 2023, GRDP của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 11,03%, dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Hồng (Ảnh minh hoạ: PL)

Điều này càng khẳng định được nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, tạo dựng niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ba đột phá chiến lược tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư để đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại.

Khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại, cùng cơ sở hạ tầng dịch vụ ngày càng chất lượng và các sản phẩm du lịch đa dạng, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2023 ước đạt 15,5 triệu lượt (tăng tới 33,6% so với năm 2022). Khách quốc tế ước đạt 2 triệu lượt; tổng doanh thu du lịch tăng tới 48% so với năm 2022.

Năm 2023 cũng đánh dấu những bứt phá trong phát triển văn hóa, xã hội, con người Quảng Ninh khi tỉnh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 theo tiêu chí của Trung ương.

Nâng chuẩn nghèo gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập. Uớc tính đến cuối năm 2023 toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 0,1% hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Quảng Ninh hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 theo tiêu chí của Trung ương (Ảnh minh hoạ: CTV)

Quảng Ninh hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 theo tiêu chí của Trung ương (Ảnh minh hoạ: CTV)

Tỉnh Quảng Ninh cũng định hình rõ nét những giá trị cốt lõi, riêng có, giàu bản sắc văn hóa của tỉnh với đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.

Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh.

Nỗ lực đạt những con số tăng trưởng “vàng”

Để đạt được những con số tăng trưởng “vàng” trên, nhìn lại năm 2023, mặc dù tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên tỉnh Quảng Ninh sớm xác định đúng, trúng chủ đề công tác năm là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.

Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 với các giải pháp căn cơ, có tính khả thi. Xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Để tạo bứt phá cho ngành công nghiệp, xây dựng, cùng với phát triển bền vững ngành than và điện theo quy hoạch quốc gia, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới.

Trong đó, ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, thông minh với các thương hiệu uy tín của thế giới.

Tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất tăng năng suất, sản lượng cũng như hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ, bổ sung năng lực tăng thêm ở một số dự án được dự báo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nhóm ngành chế biến, chế tạo.

Bên cạnh ngành công nghiệp, việc Quảng Ninh chủ động mở cửa sớm ngành Du lịch từ năm 2022 đã tạo cú huých để tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ.

Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2023 ước đạt 15,5 triệu lượt, tăng tới 33,6% so với năm 2022 (Ảnh minh hoạ: PL)

Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2023 ước đạt 15,5 triệu lượt, tăng tới 33,6% so với năm 2022 (Ảnh minh hoạ: PL)

Trong đó đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao tại các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái, Cô Tô,…

Đặc biệt là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Vân Đồn, Cô Tô, sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, dưới vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh; chủ động khai thác mọi cơ hội để phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế.

Ngoài ra, để tạo cơ sở cho việc triển khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thu hút đầu tư dự án, công trình trọng điểm, động lực, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt hoàn thành việc lập, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu; tập trung triển khai thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư sân golf trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch tỉnh.

Cùng với đó, tiếp tục tạo đột phá trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại chủ yếu bằng nguồn lực xã hội hóa dựa trên nguyên tắc “Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.

Tỉnh Quảng Ninh cũng thúc đẩy hình thành cơ cấu xã hội tiến bộ theo hướng giảm nhanh người nghèo, gia tăng tầng lớp trung lưu, phát triển cân đối hài hòa giữa nông thôn và đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, không ngừng mở rộng phạm vi bao phủ và nâng cao chất lượng bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Phạm Linh