Những "kẽ hở" trong quy định sinh viên vi phạm 4 lần bán dâm bị đuổi học

12/12/2023 08:44
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường đã chỉ ra những kẻ hở pháp lí trong quy định xử lý sinh viên bán dâm tại Thông tư 10/2016.

Hiện nay, việc xử lý kỷ luật sinh viên đại học chính quy được thực hiện theo Quy chế ban hành kèm theo Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2016. Thông tư này thay thế Quyết định 42/2007/QĐ-BGDĐT.

Tuy nhiên, Thông tư 10/2016 có quy định đuổi học với sinh viên vi phạm 4 lần bán dâm đang gây tranh cãi. Có quan điểm cho rằng, quy định trên là phản cảm, cần sửa đổi và có quan điểm cho rằng, cần tăng mức xử lý nghiêm khắc hơn với vi phạm trên.

Phân tích dưới góc độ pháp lí, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) lại có góc nhìn mở rộng về quy định xử lý sinh viên mại dâm đang được nới lỏng và khái niệm trong quy định về "hoạt động mại dâm" chưa được rõ ràng.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp. (Ảnh: NVCC)

Môi giới mại dâm và hoạt động mại dâm tại Thông tư 10/2016 bị xử lý khác nhau?

Theo Luật sư Cường, mục 16, 17 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10/2016/TT- BGDĐT quy định về các hình thức xử lý kỷ luật đối với sinh viên khi vi phạm kỷ luật liên quan đến tệ nạn xã hội mại dâm.

Theo đó, mục 16 của Phụ lục quy định hành vi vi phạm kỷ luật của sinh viên là "Chứa chấp, môi giới mại dâm" của sinh viên "Lần 1" sẽ bị buộc thôi học và "Giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật".

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi chứa mại dâm và môi giới mại dâm là nguy hiểm cho xã hội nên người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời sẽ bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là buộc thôi học.

Mục 17, Phụ lục quy định sinh viên có hành vi "Hoạt động mại dâm" thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo từng lần là: Lần 1: Khiển trách; Lần 2: Cảnh cáo; Lần 3: Đình chỉ học có thời hạn; Lần 4: Buộc thôi học.

Theo quy định tại Thông tư 10/2016, sinh viên có hành vi "chứa chấp, môi giới mại dâm" sẽ bị đuổi học ngay từ lần vi phạm đầu tiên và giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, sinh viên tham gia "hoạt động mại dâm" bị phát hiện và xử lý đến lần thứ 4 bị đuổi học. (Ảnh: cắt màn hình)

Theo quy định tại Thông tư 10/2016, sinh viên có hành vi "chứa chấp, môi giới mại dâm" sẽ bị đuổi học ngay từ lần vi phạm đầu tiên và giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, sinh viên tham gia "hoạt động mại dâm" bị phát hiện và xử lý đến lần thứ 4 bị đuổi học. (Ảnh: cắt màn hình)

"Một điều cũng đáng chú ý là Thông tư 10/2016 chia tách hành vi "chứa mại dâm, môi giới mại dâm" với hành vi "hoạt động mại dâm" thành hai hình thức vi phạm khác nhau, tương ứng với đó là các hình thức xử lý cũng khác nhau.

Với cách xây dựng văn bản pháp luật như trên, dư luận sẽ hiểu là "hoạt động mại dâm" khác với "chứa mại dâm, môi giới mại dâm".

"Trong khi đó Pháp lệnh phòng, chống mại dâm quy định "hoạt động mại dâm" bao gồm nhiều hành vi khác nhau như: mua dâm, bán dâm, chứa mại dâm, môi giới mại dâm, bảo kê mại dâm, cưỡng bức bán dâm...

Tại Bộ luật hình sự hiện nay quy định hành vi "môi giới mại dâm""chứa mại dâm" đều sẽ bị xử lý hình sự.

Còn với các hành vi "hoạt động mại dâm" khác như bán dâm, mua dâm, bảo kê mại dâm, tùy vào tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, về mặt ngữ nghĩa, khái niệm, Thông tư quy định về "hoạt động mại dâm" như vậy là chưa rõ ràng", Luật sư Cường phân tích.

Bên cạnh đó, Luật sư Cường cho rằng, quy định đuổi học với sinh viên vi phạm 4 lần bán dâm đã "thừa nhận" sinh viên bán dâm đến lần thứ 3 (bị phát hiện) vẫn chưa bị đuổi học.

"Quy định như vậy chưa thể hiện tính răn đe và dẫn đến nhiều người có thể hiểu sai rằng, quy định hiện nay cho phép sinh viên bán dâm đến lần thứ 3 vẫn không bị buộc thôi học", Luật sư Cường nói.

Quy định hiện tại đang được nới lỏng?

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, quy định kỷ luật sinh viên vi phạm liên quan đến hoạt động mại dâm không phải là quy định mới.

Bởi lẽ, vào năm 2007, Quyết định 42 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có quy định, sinh viên hoạt động mại dâm bị phát hiện lần thứ nhất sẽ bị đình chỉ học có thời hạn, lần thứ 2 sẽ bị buộc thôi học.

Quy định này thể hiện tính răn đe, kỷ luật nghiêm khắc khi sinh viên sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên từ năm 2016, Thông tư10 mới thay thế Quyết định 42 đã nới lỏng hình thức xử lý kỷ luật đối với hoạt động mại dâm của sinh viên.

"Như vậy có thể thấy rằng, từ năm 2016 quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (áp dụng cho đến nay) đã nới lỏng hình thức xử lý kỷ luật đối với sinh viên hoạt động mại dâm, theo đó sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 mới bị buộc thôi học.

Tôi cho rằng, cần phải có nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có những quy định phù hợp hơn đảm bảo duy trì kỷ luật học đường, tránh để sinh viên sa ngã vào các hoạt động mại dâm.

Từ đó, giữ gìn uy tín của các cơ sở giáo dục, xây dựng một thế hệ trẻ văn minh, lành mạnh, có đạo đức tốt và có ý thức tuân thủ pháp luật", Luật sư Cường nhận định.

Theo Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, quy định xử lý sinh viên vi phạm 4 lần bán dâm không còn phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay, khi cơ quan chức năng phát hiện ngày càng nhiều hơn gái bán dâm là sinh viên.

Đặc biệt là trong các đường dây hotgirl, chân dài dài bán dâm cho các đại gia, bán dâm theo tour, hình thức bán dâm theo kiểu "suga baby"... có khá nhiều sinh viên tham gia, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

"Vì vậy để duy trì kỷ luật học đường, giữ gìn uy tín cho hoạt động giáo dục, giáo dục đạo đức lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho sinh viên thì cần phải sửa đổi quy định của Thông tư này", Luật sư Cường nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về chế tài xử lý hành vi mua, bán, môi giới mại dâm, Luật sư Bùi Quang Dựng (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, với quy định của pháp luật hiện nay, người mua dâm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp hành vi mua dâm người đã thành niên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Còn trường hợp người đã thành niên thực hiện hành vi mua dâm đối với người chưa đủ 18 tuổi thì người thực hiện hành vi mua dâm người dưới 18 tuổi sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 329 Bộ luật hình sự với chế tài có thể tới 7 năm tù.

Với người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác, bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 148 Bộ luật hình sự.

Người bán dâm mà biết mình bị nhiễm HIV nhưng vẫn cố tình bán dâm cho người khác, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, cố tình lây truyền HIV cho người mua dâm, cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội danh này.

Còn đối với hành vi bán dâm thông thường thì người bán dâm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 300.000 đồng tới 2.000.000 đồng theo quy định tại Điều 25 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số tiền thu nhập bất hợp pháp từ hành vi bán dâm.

Đối với người dẫn dắt môi giới người mua dâm gặp người bán dâm để thực hiện hành vi mua bán dâm thì đây là hành vi môi giới mại dâm. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội làm gia tăng hoạt động mua dâm bán dâm diễn ra trong xã hội.

Chính vì vậy người thực hiện hành vi môi giới mại dâm sẽ bị xử lý hình sự với mức thấp nhất là 6 tháng tù, và mức cao nhất lên đến 15 năm tù theo quy định tại Điều 328 Bộ luật hình sự.

Mạnh Đoàn