Những khó khăn của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trước năm học mới

27/08/2021 08:19
Phan Nga - Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ còn vài ngày nữa là học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh chính thức bước vào năm học mới, năm học 2021 – 2022 với rất nhiều điều khó khăn.

Năm học mới (2021 – 2022) sắp đến, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1,7 triệu học sinh các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông, chưa kể các học viên của hệ giáo dục thường xuyên.

So với năm học trước, năm học mới thì số học sinh của thành phố dự kiến sẽ tăng khoảng gần 31.000 em.

Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại thành phố, hiện nay đang có khoảng 800 trường học các cấp được sử dụng làm nơi cách ly,bệnh viện thu dung điều trị cho bệnh nhân điều trị Covid-19, hay sử dụng làm nơi tiêm vắc xin cho người dân.

Trước thềm năm học mới sắp bắt đầu trong vài ngày nữa, ngành giáo dục của Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn cần phải giải quyết.

Tuyển sinh đầu cấp chỉ mới xong ở khâu trực tuyến

Cho tới nay, công tác tuyển sinh đối với học sinh đầu cấp ở lớp 1,6 toàn bộ các quận, huyện chỉ mới hoàn tất hình thức làm bằng trực tuyến, tuy nhiên nhiều quận huyện vẫn lo lắng học sinh không lên đủ.

Từ cuối tháng 5, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhiều công nhân, lao động phổ thông đã dắt theo con em mình rời khỏi thành phố.

Ngoài ra, cũng có nhiều học sinh về quê nghỉ hè cùng với ông bà. Tới nay, do thành phố đang thực hiện việc giãn cách nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”, nên cho tới nay nhiều học sinh cũng vẫn chưa thể trở lại thành phố.

Theo Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3, quận đã hoàn tất việc tuyển sinh học sinh vào lớp 1,6, nhưng chỉ là nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến, theo danh sách thống kê độ tuổi trẻ đi học do các phường gửi lên.

Tuy nhiên, theo ông Khoa thì đây chỉ là hình thức nộp hồ sơ ban đầu. Sau khi thành phố hết giãn cách, thì phụ huynh vẫn phải tiếp tục bổ sung hồ sơ theo hình thức trực tiếp.

Người đứng đầu ngành giáo dục quận 3 nói rằng, sẽ có một vài em ở quê khó có thể quay trở lại thành phố ngay được, thì các em có thể được tạo điều kiện để được học ở quê nơi mình đang ở.

Sau đó học sinh sẽ chuyển lên lại thành phố sau, khi đủ điều kiện, thì ngành giáo dục sẽ tạo mọi điều kiện hết sức để giúp các em được tham gia vào lớp học, mọi thủ tục sẽ tính sau.

Với công tác tuyển sinh vào lớp 10, cho tới ngày 26/8 vẫn chưa hoàn thành. Dự kiến, phải đến chiều ngày 27/8 mới là thời hạn cuối để học sinh nộp hồ sơ trực tuyến xác nhận nhập học, trong khi chỉ còn vài ngày nữa là thành phố đã bắt đầu năm học mới.

Cuối tháng 10 mới tuyển xong giáo viên

Theo báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ của năm học 2020 – 2021 và công tác chuẩn bị cho năm học mới sắp đến, tổng nhu cầu tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho ngành giáo dục ở tất cả các bậc học của Sở, 21 quận huyện và thành phố Thủ Đức là khoảng 6.000 người.

Vào thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, công tác tuyển dụng đã bị đình trệ, nên chắc chắn là không thể hoàn thành như mong muốn là trước khi năm học mới bắt đầu.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng các trường trung học phổ thông và các trường trực thuộc năm học tới cần tuyển hơn 440 viên chức cho ngành giáo dục.

Các công tác tổ chức tuyển dụng, nội dung thi tuyển, thời gian…đã được Sở thông tin công khai, và dự kiến phải đến cuối tháng 10/2021 mới hoàn tất.

Như vậy, yêu cầu bổ sung giáo viên còn thiếu cho tất cả các bậc học đã không thể hoàn thành trong đầu năm học mới này. Để đáp ứng cho nhu cầu giảng dạy tại từng trường, các đơn vị phải tính đến việc hợp đồng các giáo viên thỉnh giảng, hay tăng cường lực lượng giáo viên có sẵn tại chỗ.

Sách giáo khoa vẫn chưa thể tới tay học sinh

Hiện nay, phụ huynh học sinh vẫn chưa nhận được sách giáo khoa cho năm học mới, dù đã đặt mua ở trường. Một giải pháp trước mắt đó chính là sách giáo khoa điện tử. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng các thiết bị thông minh để tải về.

Nhất là với việc học tập, trẻ ở độ tuổi tiểu học như học sinh lớp 1,2 thì việc sử dụng sách giáo khoa điện tử là điều quá khó khăn nếu như không có phụ huynh hỗ trợ. Hầu hết các gia đình không có máy in, muốn in trang sách, bài tập để cho con làm bài càng khó khăn hơn.

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh đi mua sách giáo khoa năm 2020 (ảnh minh họa: P.N)

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh đi mua sách giáo khoa năm 2020 (ảnh minh họa: P.N)

Nhiều phụ huynh cho hay, họ rất bị động, chưa hình dung ra năm học mới sẽ như thế nào, việc không có sách giáo khoa, vở bài tập, đồ dùng học tập…khiến họ rất bối rối.

Theo một cán bộ của Sở giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhà xuất bản đã chuyển sách giáo khoa đến cho các trường. Tuy nhiên, do diễn biến của dịch Covid-19 đang hết sức phức tạp tại thành phố, hiện thành phố đang siết chặt nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch trong vòng 2 tuần, nên việc chuyển sách giáo khoa đến tay học sinh là điều rất khó khăn, dù năm học mới chỉ còn vài ngày là bắt đầu.

Hiện lãnh đạo Sở đã đề nghị thành phố tạo điều kiện trong việc vận chuyển, phân phối và coi sách giáo khoa như là một mặt hàng thiết yếu. Thế nhưng, hiện hàng trăm trường học đang được trưng dụng để dành cho việc phòng chống dịch, nên việc quy định thời gian cho phụ huynh đến nhận sách là chưa thể thực hiện được lúc này.

Có thể học trực tuyến kéo dài

Tại buổi họp báo ở Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh hôm 19/8, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, hiện Sở đã có 3 kịch bản dạy học tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Học sinh có thể phải học trực tuyến ít nhất từ 4 – 6 tuần đầu năm học, hay cũng có thể kéo dài đến hết học kỳ 1.

Hiện toàn thành phố có đến hàng trăm trường được trưng dụng dành phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid – 19, hay hàng ngàn giáo viên, học sinh thuộc diện F0, F1, nên khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch cũng cần vài tuần để sửa chữa, cải tạo lại trước khi bàn giao cho ngành giáo dục.

Theo ông Hiếu, ngành sẽ chuẩn bị cho kịch bản học trực tuyến đến hết học kỳ 1, và xác định dạy học trực tuyến là phương thức dạy học ổn định trong năm học 2021 – 2022.

Ngay từ đầu tháng 8, Sở đã tập huấn giáo viên, xây dựng các clip hướng dẫn, tìm các đoạn phim ngắn cho học sinh xem, phụ huynh hỗ trợ cho học sinh trong khoảng thời gian đầu năm học, để đáp ứng được nhu cầu chương trình Giáo dục Phổ thông năm 2018.

Riêng đối với bậc trung học, Sở đã có văn bản chỉ đạo để các trường triển khai dạy và học, đánh giá học sinh khi học trực tuyến.

Đồng thời chỉ đạo, để có thể tổ chức tốt việc dạy và học qua internet, có hình thức hỗ trợ học tập phù hợp phù hợp với tất cả các học sinh chưa thể tham gia học tập, đề nghị mỗi trường học, mỗi phường, xã, thị trấn và các quận huyện cử một cán bộ, giáo viên tham gia phối hợp cùng với các phòng, ban trực thuộc Sở, địa phương để có thể theo dõi, hỗ trợ giúp đỡ cho tất cả các học sinh trên địa bàn thành phố được tham gia học tập bằng nhiều hình thức khác nhau ngay từ tháng 9.

Phan Nga - Việt Dũng