Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của UBND TP về đề xuất của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được đầu tư xây dựng bãi giữ xe dàn thép trong Công viên Thống Nhất. Theo đó, vị trí bãi giữ xe nằm ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông (trong phạm vi công viên), diện tích khoảng 3.000 m2, cao 4 tầng, đáp ứng nhu cầu đỗ xe cho khoảng 400 ô tô. Trong khi đó, Công viên Thống Nhất cũng đang lập dự án xin UBND TP Hà Nội cho phép xây dựng 4 bãi giữ xe trong khuôn viên. Các bãi đỗ xe này nằm ở vị trí gần các cổng vào, được Công viên Thống Nhất cho rằng nằm ở các khoảng không phù hợp, không làm ảnh hưởng đến phần diện tích trồng cây xanh và cảnh quan chung. |
Được xem là lá phổi xanh lớn nhất khu vực nội thành Hà Nội, Công viên Thống Nhất xây dựng từ đầu những năm 1960, là khu vui chơi giải trí, thư giãn của người dân thủ đô cũng như điểm đến của du khách.
"Dự định" này khiến nhiều người dân ngán ngẩm. TS - kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Hoa (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) lo ngại:“Thiếu nơi giữ xe cho người dân là đáng báo động nhưng nếu lấy đất công viên thì tác động rất lớn đến môi trường, sinh thái đô thị và đời sống khu dân cư”.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở QH-KT TP Hà Nội, cho rằng nhu cầu nơi giữ xe cho người dân Hà Nội dù đang bức thiết nhưng nếu đánh đổi cả lá phổi xanh thì hậu quả khó khắc phục.
|
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng nhìn nhận: “Đây là dự án phi lý nhất mà tôi từng được nghe. Công viên là nơi để người dân sinh hoạt, vui chơi, giải trí trong bối cảnh TP ngột ngạt, thiếu cây xanh. Đừng vì mục đích nào đó mà dựng lên những công trình ngoạm vào đất công viên”. Ảnh: Khu vực Công viên Thống Nhất, đoạn góc đường Nguyễn Đình Chiểu – Trần Nhân Tông, dự kiến xây bãi giữ xe. |
Trước đó, khuôn viên của công viên Tuổi trẻ cũng đã bị cắt để xây nhà hàng, 9 sân tennis và 5 công trình kiên cố…Ngày 13/8, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu quận Hai Bà Trưng tổ chức xử lý vi phạm và hoàn thiện trong quý IV/2012. Sở Xây dựng chỉ đạo, giám sát và phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện ngay. |
Thống kê cho thấy, trong công viên Tuổi trẻ có 5 công trình kiên cố, như: Nhà hàng đa năng, nhà dịch vụ sân tennis, nhà hàng Tuổi trẻ và nhà kho, 4 sân tennis có mái che và 5 sân tennis không có mái che, sân bóng đá, bãi đỗ trông giữ xe. |
Không chỉ công viên, bất chấp quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các đơn vị vẫn lập hàng rào, dựng biển trông giữ ô tô, xe máy tại hầu hết khuôn viên dưới gầm các cây cầu vượt. |
Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ cũng nêu rõ: “Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ…” Năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 39 quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”. Vậy mà suốt mấy năm qua, bất chấp quy định của, sở Giao thông vận tải Hà Nội vẫn cấp phép cho các đơn vị tổ chức tổ chức trông giữ xe tại gầm các cây cầu vượt. |
Mặt hồ Tây (Hà Nội) trở nên lộn xộn với chi chít cọc, bia đích, túi lưới hứng bóng... Cả một vùng nước rộng được vây bởi hệ thống phao của một sân tập golf. Ảnh: Khu vực người tập golf được thiết kế với hai tầng vươn ra phía hồ. |
Phần lớn thuyền nổi, nhà nổi trên mặt hồ Tây (Hà Nội) đều bị phát hiện sai phạm như lấn chiếm diện tích mặt hồ, sử dụng sàn nổi không giấy phép. Các thuyền không có hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp xuống hồ. Ngoài ra, thuyền thiên nga, thuyền vịt, thuyền chèo tay được thả trên mặt hồ Tây với mật độ dày đặc.Ảnh: Một góc hồ Tây phía giáp với đường Yên Phụ trở nên lộn xộn với chi chít cọc và thùng phi nổi. |
Nhiều chiếc thuyền neo đậu như thế này khiến hồ Tây trở nên nhếch nhác. |
Tại hồ Bán Nguyệt (Tây Sơn, Đống Đa), bèo lấn chiếm toàn bộ mặt hồ. Do diện tích nhỏ nên hiện nay mặt hồ đã bị bèo tây phủ kín, mặt khác tình trạng vứt rác bừa bãi của các hàng quán và chợ cóc ven hồ đã khiến một góc hồ bị rác thải sinh hoạt lấp đầy. |
Rác thải đang vứt trực tiếp xuống mặt hồ. |
Tại hồ Ba Mẫu, nhiều hộ dân còn thản nhiên quây hàng rào để chăn nuôi gà, vịt ngay trên mặt hồ, bất chấp quy định cấm. Riêng nhà hàng mang tên Ba Mẫu Quán còn chiếm dụng một khuôn viên rộng lớn, át cả một bậc lên xuống khiến người dân không thể đi vào khu vực này. Nhiều nhà hàng và hộ dân thản nhiên lấn chiếm không gian hồ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại hồ Ba Mẫu, Q. Đống Đa. |
Không ít người dân phớt lờ lệnh cấm, biến mặt hồ thành nơi nuôi gà, vịt. |
Tháng 5/2012, Cơ quan chức năng TP Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra và phát hiện một loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Nhà máy xe lửa Gia Lâm (NMXL) thuộc chi nhánh Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, từ lâu đã được giao quản lý hàng chục nghìn mét vuông đất tại các địa chỉ 449A, 449B phố Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm) và 551, 583, đường Nguyễn Văn Cừ (phường Gia Thụy), quận Long Biên, Hà Nội. Qua kiểm tra hiện trạng sử dụng đất do nhà máy này quản lý, cơ quan chức năng TP Hà Nội phát hiện, hầu hết số đất trên đã bị “xẻ thịt” cho các tổ chức, cá nhân thuê để mở dịch vụ kinh doanh không đúng với mục đích sử dụng đất được giao. Khu đất rộng trên 2.000m2 này đã được băm nhỏ cho khoảng 10 đơn vị, cá nhân thuê lại. |
Không chỉ công viên, ao hồ mà tình trạng lấn chiếm ở khu vực đê điều tại Hà Nội đã lên mức báo động. Theo kết quả kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang diễn ra phức tạp, còn tồn đọng nhiều vụ vi phạm chưa xử lý được. Nguy hiểm hơn, quá trình kiểm tra cho thấy đã phát sinh những vụ việc mới có tính chất, mức độ nghiêm trọng. |
Theo đó, tính từ năm 2008 đến hết Quý I năm 2012, trên địa bàn Thành phố xảy ra đến 1.616 vụ vi phạm, hiện đã xử lý được 741 vụ, chỉ đạt 45,85%, còn tồn đọng tới 875 vụ. Kết quả kiểm tra cho thấy, hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, nhà xưởng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; xẻ đê làm dốc; xây dựng lò gạch trên bãi sông, đổ đất, phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông; xây dựng công trình trái phép trong chỉ giới thoát lũ; khai thác cát không phép. Theo Đoàn kiểm tra, một số vụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thoát lũ, an toàn đê điều như: Tập kết cát sỏi, vật liệu với khối lượng lớn trên bãi sông Hồng khu vực thượng, hạ lưu cầu Thăng Long, huyện Từ Liêm và trên địa bàn xã Thống Nhất, thị trấn Vạn Điểm, huyện Thường Tín; Xây dựng lò gạch, chất tải đất ở bờ hữu sông Hồng khu vực các xã Hồng Thái, Phú Minh, huyện Phú Xuyên... |