1. Pháp khởi động can thiệp quân sự vào Mali
|
Lực lượng Pháp triển khai tại Mali. |
Tháng 1/2013, Al-Qaeda gần như đã chiếm được Mali khi bất ngờ tiến đánh và chiếm được khu vực rộng 480.000 km2 ở miền Bắc Mali. Tới ngày 11/1, Pháp đã nhanh chóng triển khai lực lượng tới Mali hỗ trợ quốc gia này giữ phần lãnh thổ còn lại và đòi lại những phần đã mất. Để phục vụ chiến dịch này, Pháp đã huy động 5.000 binh sĩ cùng hàng chục máy bay chiến đấu Mirage và Rafale.
Tới ngày 28/1, Pháp đã đánh bại Al-Qaeda ở miền Bắc Mali, giải phóng Timbuktu. Pháp sau đó đã giảm sự hiện diện quân sự của mình, nhưng hiện vẫn giữ được 1.000 binh lính ở Mali cho các hoạt động chống khủng bố.
2. Khủng hoảng con tin tại nhà máy khí Algeria
|
Quân đội Algeria bao vây nhà máy khí trong chiến dịch giải phóng con tin. |
Trong cuộc tấn công bất ngờ nhất chống lại phương Tây, những kẻ khủng bố al-Qaeda đã bắt giữ 800 người làm con tin tại nhà máy khí Tigantourine gần In Amenas, Algeria hôm 16/1 để trả đũa sự can thiệp của Pháp vào tình hình Mali. Nhà máy, nằm sâu trong sa mạc Sahara, được điều hành bởi BP liên doanh với Algeria, Na Uy và Nhật Bản.
Ít nhất 39 con tin nước ngoài, trong đó có sáu người Anh, và 29 tay súng đã bị giết trong vụ bắt giữ con tin này. Tổng cộng có 685 công nhân Algeria và 107 người nước ngoài đã được trả tự do sau 3 ngày bị bắt giữ.
3. Triều Tiên thử hạt nhân lần 3
|
Người biểu tình phản đối nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau vụ thử hạt nhân
tại Hàn Quốc.
|
Bắc Triều Tiên đã bất ngờ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba của mình vào ngày 12/2 bất chấp các nỗ lực quốc tế thuyết phục quốc gia này từ bỏ hạt nhân. Động thái này của Bình Nhưỡng đã thúc đẩy Hội đồng Bảo an LHQ mở rộng lệnh trừng phạt chống lại quốc gia này và khiến mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng với các quốc gia bên ngoài tiếp tục giảm xuống mức thấp hơn.
4. Thiên thạch 10 tấn phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, nước Nga
|
Mảnh vỡ của thiên thạch khổng lồ bay trên bầu trời nước Nga. |
Một khối thiên thạch nặng 10 tấn đã phát nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk của Nga ngày 15/2 gây ảnh hưởng tới khoảng 1.200 người. Khối thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái Đất với tốc độ 50.000 km/h tạo ra một tiếng nổ lớn và áp suất mạnh thổi bay các cửa kính, rung chuyển các tòa nhà trong bán kính hàng chục km.
Tiếng thiên thạch phát nổ lớn như tiếng sấm khiến nhiều người hoảng loạn vì ngỡ như ngày tận thế xuất hiện. Khối thiên thạch 10 tấn đã vỡ thành hàng ngàn mảnh trên độ cao 32 đến 55 km so với mặt đất khiến hơn 1.000 người bị thương. Tuy nhiên, không có ai tử vong hay bị thương nặng.
5. Hugo Chavez qua đời
|
Một bức chân dung của ông Chavez trên đường phố tại thủ đô Venezuela. |
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã qua đời hôm 5/3 sau một thời gian chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư đã khiến quốc gia dầu mỏ Nam Mỹ này chìm sâu hơn nữa trong bất ổn chính trị.
Trong khi hàng ngàn người ủng hộ xuống đường đưa tiễn cố lãnh đạo này, thì không ít quan chức chính phủ đối lập đã lên tiếng chỉ trích ông. Mặc dù có những tin đồn về đấu tranh quyền lực và âm mưu đảo chính, nhưng đảng Xã hội cầm quyền đã biến di nguyện của ông Chavez thành hiện thực, đưa người được ông đề cử là Phó Tổng thống Nicolas Maduro lên thay thế. Ông Maduro đã tiếp tục các di sản của Tổng thống Maduro và cố gắng để làm sâu sắc thêm cuộc cách mạng theo hướng dẫn để lại bởi người tiền nhiệm của mình.
6. Đánh bom đẫm máu đường đua Boston Marathon (Mỹ)
|
Một phụ nữ bị thương trên nền đường đẫm máu sau vụ đánh bom tại Boston. |
Ba khán giả thiệt mạng và hơn 250 người bị thương trong vụ đánh bom tại đường đua Boston marathon (Mỹ) hôm 15/4 khi hai quả bom nồi hơi bất ngờ phát nổ trên vỉa hè khi các vận động viên gần về đích.
Thủ phạm là anh em Tamerlan và Dzhokhar Tsarnaev, người gốc Chechnya đã bị tiêu diệt và bị bắt ba ngày sau đó. Dzhokhar bị bắt và bị buộc tội giết người và hành vi phạm tội khủng bố.
7. Sập xưởng may tại Dhaka
|
Hiện trường vụ sập xưởng may tại Bangladesh. |
Chi phí thực của những bộ quần áo đắt tiền được bày bán trong các cửa hàng cao cấp tại Anh và nhiều nước phương Tây đã được phơi bày trong tháng 4 sau khi một nhà máy 8 tầng xây dựng bất hợp pháp bất ngờ sụp đổ, giết chết hơn 1.100 công nhân được trả lương bèo bọt đang làm việc.
Nhiều người trong số những người chết chỉ được trả lương 60 USD mỗi tháng vẫn tiếp tục đến đây làm việc khi toà nhà xuất hiện các vết nứt vì bị đe dọa cho nghỉ việc. Chính phủ Bangladesh cũng đã bị chỉ trích vì từ chối nhận viện trợ và hỗ trợ chuyên môn quốc tế khi sự cố vừa xảy ra.
Tuy nhiên, sức sống kỳ diệu của con người một lần nữa lại được chứng minh trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Một phụ nữ đã sinh con và không hề bị thương trong đống đổ nát, trong khi 40 người khác vẫn được cứu sống sau 72 giờ mắc kẹt không có nước uống và nóng nực.
8. Edward Snowden rò rỉ chương trình do thám lớn nhất của Mỹ
|
Edward Snowden |
Chính phủ Mỹ đã phải đối mặt với một loạt chỉ trích từ chính các đồng minh thân cận của mình và cộng đồng quốc tế sau khi cựu nhà thầu Edward Snowden bí mật thu thập dữ liệu và cho công bố thông tin về chương trình gián điệp lớn nhất của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trên điện thoại di động, thậm chí của cả các nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới.
Vụ tiết lộ bí mật đã khiến Edward Snowden phải bỏ trốn khỏi đất nước và đối mặt với cuộc săn lùng ráo riết của giới chức Mỹ. Mỹ buộc tội Snowden làm gián điệp và yêu cầu dẫn độ ông trở về nước. Tuy nhiên, Snowden đã rời Hồng Kông đến Moscow, nơi ông cuối cùng đã được cấp tị nạn tạm thời.
9. Đảo chính tại Ai Cập
|
Người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Mohammed Morsi tại Cairo. |
Ngày 3/7, quân đội Ai Cập tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống của phe Anh em Hồi giao Mohammed Morsi đã mở ra các cuộc biểu tình đẫm máu và tương lai không chắc chắn cho quốc gia này. Nhiều người biểu tình đã bị đàn áp không thương tiếc dẫn đến các vụ thảm sát hàng loạt với những ngày được gọi là đẫm máu nhất trong lịch sử Ai Cập. Hơn 1.6000 người đã thiệt mạng trong một vài tuần sau đảo chính.
10. Tấn công hóa học Syria
|
Thi thể các nạn nhân chết vì vũ khí hóa học ở Damascus. |
Trong vòng vài giờ sau khi thông tin về vụ việc xuất hiện trên Facebook, hàng chục video vạch trần những cảnh tượng đầy kinh dị về hậu quả của một cuộc tấn công vũ khí hóa học trong Ghouta, Damascus vào ngày 21/8 tiếp tục được đăng tải. Ước tính có khoảng 1.400 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công mà cả phe chính phủ và nổi loạn đổ lỗi cho nhau.
Đây được xem là vụ tấn công tồi tệ nhất của thế kỷ 21 và làm dấy lên nỗi sợ hãi lâu nay rằng kho vũ khí hóa học của Syria với quy mô lớn nhất ở Trung Đông có thể đã được sử dụng trong cuộc nội chiến.
Vụ tấn công đã thúc đẩy Mỹ và đồng minh điều một loạt tàu chiến đến Địa Trung Hải đe dọa khởi động một cuộc tấn công quân sự chống lại chính phủ Bashar al-Assad, vì đã vi phạm "giới hạn đỏ" do Tổng thống Obama vạch ra cho phép Lầu Năm Góc can thiệp quân sự vào tình hình Syria.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực lớn lao của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hoạt động quân sự này đã được hủy bỏ và mở đường cho thỏa thuận tiêu hủy hơn 1.300 tấn vũ khí giết người hàng loạt của Syria cũng như hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại quốc gia này.
11. Xét xử Bạc Hy Lai
|
Bạc Hy Lai |
Sau hơn một năm rưỡi "mất tích", ngôi sao đang nổi trên chính trường Trung Quốc Bạc Hy Lai đã xuất hiện trong phiên tòa xét xử tội danh tham nhũng, lạm dụng quyền lực ở thành phố Tế Nam. Cựu quan chức Bạc Hy Lai bị kết án tù chung thân. Phiên tòa của Bạc Hy Lai đã kết thúc, nhưng lại hé lộ tương lai của một loạt quan chức Trung Quốc cấp cao khác có liên quan tới Bạc Hy Lai.
12. Tấn công trung tâm mua sắm Nairobi, Kenya
|
Một nạn nhân bị thương trong vụ tấn công hoảng loạn kêu cứu. |
Các tay súng Hồi giáo al-Qaeda gốc Somalia, al-Shabaab, đã phát động một cuộc tấn công khủng bố hôm 21/9 vào trung tâm mua sắm cao cấp nhất ở Nairobi, thủ đô Kenya. Vụ tấn công đã giết chết ít nhất 57 người, làm hàng trăm người khác bị thương.
Vụ tấn công đã gióng lên hồi chuông báo động về sự ngày càng tàn bạo và tàn nhẫn của chủ nghĩa khủng bố, nhưng cũng có nhiều tấm gương về chủ nghĩa anh hùng xuất hiện. Đáng chú ý nhất từ một nhóm nhỏ người dân có vũ trang đã giúp sơ tán hàng trăm người mua sắm và nhân viên cửa hàng trong những giờ đầu tiên diễn ra vụ tấn công khi nhân viên an ninh chưa tới.
13. Chính phủ Mỹ đóng cửa vì bất đồng ngân sách
|
Người biểu tình phản đối chính phủ đóng cửa tại Washington. |
Hơn 800.000 nhân viên chính phủ Mỹ đã phải nghỉ việc không lương từ tháng 6 khi Quốc hội bất về việc chi ngân sách cho năm tài khóa tới. Vụ đóng cửa lần đầu trong hơn 4 thập kỷ qua của chính phủ Mỹ đã bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa liên quan tới chương trình cải cách y tế gây tranh cãi của Tổng thống Obama, trong đó Tổng thống kiên quyết không từ bỏ chương trình mang tên "Obamacare"
Vào ngày 16/10, khi mối đe dọa lớn hơn là nợ trần của chính phủ Mỹ lờ mờ hiện ra, Nhà Trắng đã gấp gáp thông qua một thỏa thuận ngắn hạn kết thúc tranh cãi trị giá 24 nghìn tỉ USD.
14. Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - danh tướng huyền thoại, người đã dẫn dắt quân đội và nhân dân Việt Nam đi qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại - đã từ trần hôm 3/10 ở tuổi 103.
Sự ra đi của Đại tướng đã để lại nỗi tiếc thương sâu sắc cho hàng triệu trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhiều tạp chí nước ngoài, học giả lẫn chính khách quốc tế đã lên tiếng ca ngợi tài chỉ huy quân sự của Đại tướng cũng như sự kính trọng đối với một tài năng quân sự, một nhân cách lớn của Việt Nam, sự chia buồn sâu sắc tới nhân dân Việt Nam.
15. Bão Haiyan tàn phá Philippines
|
Thành phố Tacloban tan hoang sau siêu bão Haiyan. |
Sớm ngày 8/11, siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền trung Philippines với sức gió lên đến 235 m/ph và sóng cao quét sạch một loạt thành phố ven biển giàu có của nước này. Siêu bão Haiyan là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử thế giới đã khiến 6.000 người đã chết tại Tacloban, 1.700 người vẫn mất tích.
Hai tháng sau, hàng ngày, hàng chục thi thể vẫn tiếp tục được tìm thấy dưới những đống đổ nát và không khí sặc mùi tử thi. Hơn 4 triệu người lâm vào tình trạng không nhà cửa, thiếu trầm trọng lương thực, nước uống, thuốc men.
15. Đạt được thỏa thuận hạt nhân đột phá với Iran
|
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. |
Năm năm đàm phán gay gắt với Iran về chương trình hạt nhân của nước này cuối cùng cũng đã đạt được một hiệp ước mang tính đột phá trong tháng 11 với sự đóng góp tích cực của tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Theo đó, Tehran đã đồng ý đình chỉ tạm thời chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Hassan Rouhani làm chủ tịch hồi sinh cuộc đàm phán đã trôi dạt không có mục đích trong nhiều năm.
16. Nelson Mandela qua đời
|
Nelson Mandela |
Biểu tượng đáng kính của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, một trong những nhân vật chính trị hàng đầu của thế kỷ 20 Nelson Mandela đã qua đời hôm 5/12, thọ 95 tuổi, do nhiễm trùng phổi tái phát. Mặc dù đó là một việc đã được tiên liệu trước, nhưng khi nó đến, không chỉ người dân Nam Phi mà cả cộng đồng quốc tế đều sửng sốt tiếc thương.
Tang lễ của Nelson Mandela có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia. Không chỉ những người bạn, mà kẻ thù của ông cũng đã bày tỏ sự kính trọng và khâm phục trước nhân cách lớn của ông.
17. Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp đặt khu nhận diện phòng không Hoa Đông
|
Khu nhận diện phòng không Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp đặt ở Hoa Đông (màu đỏ) đã dấy lên những tranh cãi và phản đối gay gắt từ cộng đồng quốc tế. |
Ngày 23/11 Bộ Quốc phòng Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, không những bao trùm lên nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, đè lên lãnh thổ Hàn Quốc mà còn bắt tất cả máy bay hàng không dân dụng nước ngoài đi qua đây phải thông báo trước kế hoạch bay và làm theo hướng dẫn của nhà chức trách Trung Quốc. Nếu không tuân thủ, các máy bay này có thể phải đối mặt với "các biện pháp phòng thủ khẩn cấp" của Bắc Kinh.
Động thái này đã dấy lên sự phản đối gay gắt từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines. Mỹ đã điều B-52 từ Guam tiến vào Hoa Đông, một động thái được xem như cảnh cáo Bắc Kinh trong khi Hàn Quốc công bố ADIZ mới của mình, mở rộng phạm vi bao trùm đá ngầm Ieodo mà Trung Quốc đưa vào AIDZ của mình.
18. Bắc Triều Tiên tử hình cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Jang Song-thaek
|
Jang Song-thaek bị tuyên án tử hình và hành quyết lập tức ngay sáng 12/12. |
5 giờ sáng ngày 9/12 giờ Bình Nhưỡng, các phương tiện truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên đồng loạt loan báo cách mọi chức vụ và khai trừ đảng với ông Jang Song-thaek, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương và là chú rể nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tin tức về vụ thanh trừng Jang Song-thaek lập tức gây chấn động dư luận bán đảo Triều Tiên lẫn cộng đồng quốc tế. Ngay cả những nước được cho là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên như Nga và Trung Quốc vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra tại quốc gia này. Đến ngày 12/12, Triều Tiên lại tuyên án tử hình Jang Song-thaek và hành quyết ngay lập tức.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết nguyên nhân thực sự đằng sau vụ thanh trừng này là gì. Mỹ và Hàn Quốc cho rằng sắp tới Bình Nhưỡng có thể có những hành động khiêu khích nghiêm trọng để giải tỏa những áp lực, căng thẳng trong nước nhưng lại làm gia tăng căng thẳng trong bán đảo. Quân đội Hàn Quốc đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao độ kể từ khi Jang Song-thaek bị lật đổ.
Nguyễn Hường